Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tho-Mang-Cua-Phat-Di-Da-La-Huu-Luong-Hay-Vo-Luong...?

Thọ Mạng Của Phật Di Đà Là Hữu Lượng Hay Vô Lượng...?
Dân Quốc Tịnh Luật Tự sa-môn Tánh Phạm | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

* Hỏi: Theo như kinh Vô Lượng Thọ đã nói, tiền thân của A Di Đà Phật là tỳ-kheo Pháp Tạng, Ngài đã thành Phật từ mười kiếp trước, nay đang thuyết pháp tại Tây Phương. Theo như kinh Quán Âm Thế Chí Thọ Ký đã nói thì sau khi A Di Đà Phật diệt độ, sẽ do Quán Âm Bồ Tát kế vị. Dựa theo hai thuyết ấy, thọ mạng của Phật Di Đà chẳng phải là vô lượng, mà là hữu lượng (có hạn lượng); nhưng hai kinh Di Đà Tiểu Bổn và Đại Bổn đều nói đức Phật ấy thọ mạng vô lượng; rốt cuộc [thọ mạng của A Di Đà Phật] là hữu lượng hay vô lượng?

Đáp: Như đạo sư Ấn Thuận đã giải thích: “Đấy là vì tâm lượng của chúng sanh hữu hạn, đức Phật cố ý nói kiểu ấy (‘hữu lượng’). Như trong kinh Duy Ma Cật, ngài Xá Lợi Phất đã nghi ngờ đức Phật [Thích Ca do hạnh bất tịnh mà] chiêu cảm uế độ. Ngài trọn chẳng biết: Trông thấy [thế giới Sa Bà] là uế độ chính là vì mắt ngài Xá Lợi Phất thấy như vậy, chẳng phải cõi Phật vốn là như thế. Nay A Di Đà Phật (và cõi nước) vốn là vô lượng, nhưng vì chúng sanh hữu lượng, [đức Phật Thích Ca] bèn phương tiện nói là tại Tây Phương (hữu lượng) như thế này, như thế nọ. Đấy chính là trong vô lượng mà hiện hữu lượng, khiến cho chúng sanh từ hữu lượng mà đạt đến vô lượng vậy”.

Ngài (đạo sư Ấn Thuận) lại nói: “A Di Đà Phật tức là vô lượng Phật. Nói đến vô lượng thì trước hết cần phải biết vô lượng là gì? Lượng là nói lớn hay nhỏ, lâu xa hay tạm thời, nặng hay nhẹ, dài hay ngắn, đây kia có thể cân đong được! Muôn vật trong thế gian không gì là chẳng thể đo lường, suy nghĩ, bàn bạc, có thể dùng câu văn để diễn tả, giải thích, nhưng đối với vị Phật nơi Phật quả rốt ráo viên mãn thì cảnh giới ấy chẳng thể đo lường, chẳng thể nghĩ bàn, vì thế là vô lượng. Ví như các giòng nước đổ vào biển cả, liền mất đi tên gọi riêng của chúng, đều là cùng một loại nước bình đẳng, chẳng thể phân biệt. Như chúng sanh phước báo, trí huệ v.v… mỗi người mỗi khác, nhưng đến khi thành Phật, Pháp Thân sẽ bình đẳng, bằng nhau không sai khác, tức là trở thành vô lượng. Vì thế, có thể nói A Di Đà Phật chính là đại diện chung cho hết thảy các vị Phật (vô lượng Phật)”. Vì thế, trong bài kệ Phát Nguyện của Đại Từ Bồ Tát có câu: “Thập phương tam thế Phật, A Di Đà đệ nhất” (Mười phương ba đời Phật, A Di Đà bậc nhất), chính là do ý nghĩa này!

 
Trích từ: Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề XáChú Giải Giảng Nghĩa
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Bà Đề Xá Chú Giải Giảng Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Tịnh Từ Yếu Nghĩa, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về