Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Trich-Dan-Phat-Thuyet-Quan-Vo-Luong-Tho-Kinh
* Muốn sanh sang cõi ấy nên tu ba phước:

1. Một là hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp.
2. Hai là thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi.
3. Ba là phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa, khuyến khích hành giả.

Ba sự như vậy gọi là Tịnh nghiệp, là chánh nhân Tịnh nghiệp của tam thế chư Phật.

* Chư Phật Như Lai là Pháp Giới Thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Vì thế, lúc tâm các ông tưởng Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo. Tâm này là Phật, tâm này làm Phật. Biển Chánh Biến Tri của chư Phật sanh từ tâm tưởng.

* Thượng Phẩm Thượng Sanh là nếu có chúng sanh nguyện sanh về cõi ấy, phát ba thứ tâm thì liền được vãng sanh: Một là chí thành tâm, hai là thâm tâm, ba là hồi hướng phát nguyện tâm. Ðủ cả ba tâm ấy, ắt sanh về nước ấy.

Lại có ba hạng chúng sanh sẽ được vãng sanh:

- Một là từ tâm bất sát, đầy đủ các giới hạnh.
- Hai là đọc tụng kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng.
- Ba là tu hành lục niệm, hồi hướng phát nguyện, nguyện sanh về cõi ấy.

Ðầy đủ các công đức này từ một ngày cho đến bảy ngày, sẽ được vãng sanh. Lúc sanh trong cõi ấy, do người ấy dũng mãnh, tinh tấn, nên A Di Ðà Như Lai và Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí, vô số Hóa Phật, trăm ngàn tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, cung điện bảy báu [đều hiện đến]. Quán Thế Âm Bồ Tát cầm đài kim cang cùng với Ðại Thế Chí Bồ Tát đến trước hành giả. A Di Ðà Phật phóng đại quang minh chiếu thân hành giả; các vị Bồ Tát đưa tay nghênh tiếp, tán thán hành giả, khích lệ tâm người ấy. Hành giả thấy xong, hoan hỷ, hớn hở, thấy thân mình nương đài kim cang theo sau đức Phật. Như trong khoảng khảy ngón tay, sanh về cõi kia.

Sanh cõi kia rồi, thấy đầy đủ các tướng nơi sắc thân Phật, thấy đầy đủ sắc tướng của các Bồ Tát, quang minh, rừng báu diễn thuyết diệu pháp. Nghe xong liền ngộ Vô Sanh Pháp Nhẫn; trong vòng khoảnh khắc, đến phụng sự các đức Phật, đi khắp các cõi trong mười phương. Ở trước chư Phật, lần lượt được thọ ký. Trở về cõi mình đắc vô lượng trăm ngàn đà-ra-ni môn. Ðấy gọi là Thượng Phẩm Thượng Sanh.

* Thượng Phẩm Trung Sanh thì bất tất phải thọ trì, đọc tụng kinh điển Phương Ðẳng, khéo hiểu nghĩa lý. Ðối với Ðệ Nhất Nghĩa, tâm chẳng kinh động. Tin sâu nhân quả, chẳng báng Ðại Thừa. Dùng công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc. Thực hành hạnh ấy thì lúc lâm chung, A Di Ðà Phật và Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí, vô lượng đại chúng, quyến thuộc vây quanh, cầm đài tử kim đến trước hành giả, khen ngợi:

- Pháp tử! Ông hành Ðại Thừa, hiểu Ðệ Nhất Nghĩa. Vì vậy, ta nay đến đón ông.

Và một ngàn hóa Phật đồng thời đưa tay ra. Hành giả tự thấy ngồi trên đài tử kim, chắp tay, khen ngợi chư Phật. Như trong khoảng một niệm, liền sanh trong ao thất bảo nơi cõi ấy. Ðài tử kim ấy như đóa hoa báu lớn, qua một đêm mới nở. Thân hành giả biến thành màu giống như vàng ròng đã được giồi mài, dưới chân cũng có hoa sen bảy báu. Phật và Bồ Tát đồng thời phóng quang chiếu thân hành giả; mắt [hành giả] liền được mở sáng.

Do đã quen tu tập từ trước, hành giả sẽ nghe tất cả các thứ tiếng thuần nói Ðệ Nhất Nghĩa Ðế rất sâu; liền bước xuống kim đài, lễ Phật, chắp tay, tán thán Thế Tôn. Qua bảy ngày sau, sẽ liền đắc Bất Thoái Chuyển nơi A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề. Ngay khi đó, sẽ có thể bay đi, tới khắp mười phương thờ khắp chư Phật. Ở chỗ chư Phật, tu các tam-muội. Qua một tiểu kiếp sẽ đắc Vô Sanh Nhẫn, hiện tiền thọ ký. Ðấy gọi là Thượng Phẩm Trung Sanh.

* Thượng Phẩm Hạ Sanh là người cũng tin nhân quả, chẳng báng Ðại Thừa, chỉ phát Vô Thượng Ðạo Tâm. Dùng công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc. Lúc hành giả lâm chung, A Di Ðà Phật và Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí, cùng các Bồ Tát cầm hoa sen vàng, hóa hiện năm trăm vị Phật đến đón người ấy. Năm trăm vị Hóa Phật đồng thời xòe tay, khen rằng:

- Pháp tử! Ông nay phát Vô Thượng Ðạo Tâm thanh tịnh, ta đến đón ông.

Hành giả liền thấy mình ngồi trên hoa sen vàng. Ngồi xong, chắp tay, theo sau đức Thế Tôn, liền được vãng sanh trong ao thất bảo. Qua một ngày một đêm, hoa sen mới nở. Trong vòng bảy ngày mới được thấy Phật. Tuy thấy thân Phật, nhưng đối với các tướng hảo, tâm chẳng nhận biết rõ. Hai mươi mốt ngày sau, mới thấy rành rẽ. Hành giả nghe các âm thanh đều diễn diệu pháp. Ði qua khắp mười phương cúng dường chư Phật. Ở trước chư Phật, nghe pháp rất sâu. Qua ba tiểu kiếp, chứng đắc bách pháp minh môn, trụ Hoan Hỷ Ðịa. Ðây gọi là Thượng Phẩm Hạ Sanh.

Ðó gọi là phép Quán Tưởng bậc thượng vãng sanh, là pháp quán thứ mười bốn.

* Trung Phẩm Thượng Sanh là nếu có chúng sanh thọ trì Ngũ Giới, trì Bát Trai Giới, tu hành các giới, chẳng tạo Ngũ Nghịch, không có các lầm lỗi. Dùng thiện căn ấy hồi hướng nguyện cầu sanh trong thế giới Cực Lạc, lúc lâm chung, A Di Ðà Phật và các tỳ-kheo quyến thuộc vây quanh, phóng kim sắc quang chiếu đến chỗ người ấy, diễn thuyết Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, khen ngợi hạnh xuất gia được lìa các nỗi khổ.

Hành giả thấy vậy, tâm đại hoan hỷ, tự thấy thân mình ngồi trên đài hoa sen, quỳ dài, chắp tay làm lễ đức Phật. Lúc chưa ngẩng đầu lên, đã được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Hoa sen sẽ dần nở. Lúc hoa sen nở, sẽ nghe các âm thanh khen ngợi Tứ Ðế. Ngay khi đó, hành giả liền đắc đạo A La Hán, tam minh, lục thông, đầy đủ tám giải thoát. Ðấy gọi là Trung Phẩm Thượng Sanh.

* Trung Phẩm Trung Sanh là nếu có chúng sanh trong vòng một ngày một đêm trì Bát Trai Giới, hoặc một ngày một đêm trì giới Sa Di, hoặc một ngày một đêm trì Cụ Túc Giới, chẳng khuyết oai nghi. Dùng công đức ấy hồi hướng nguyện cầu sanh về cõi Cực Lạc, giới hương huân tu. Tu hành như thế thì lúc lâm chung thấy A Di Ðà Phật và các quyến thuộc phóng kim sắc quang, cầm hoa sen bảy báu đến trước hành giả. Hành giả tự nghe trên không trung có tiếng khen ngợi:

- Thiện nam tử! Người lành như ông tùy thuận lời dạy của tam thế chư Phật, nên ta đến đón ông.

Hành giả thấy mình ngồi trên hoa sen, hoa sen liền khép lại, sanh trong Tây Phương Cực Lạc thế giới trong ao báu. Qua bảy ngày sau, hoa sen mới nở. Hoa đã nở rồi, mở mắt, chắp tay, khen ngợi Thế Tôn. Hành giả nghe pháp hoan hỷ, đắc Tu Ðà Hoàn. Sau nửa kiếp mới thành A La Hán. Ðấy gọi là Trung Phẩm Trung Sanh.

* Trung Phẩm Hạ Sanh là nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân hiếu dưỡng phụ mẫu, tu hạnh nhân từ của thế gian. Người ấy khi sắp mạng chung, gặp thiện tri thức vì mình giảng rộng những sự thuộc về cõi A Di Ðà Phật và cũng nói đến bốn mươi tám nguyện của tỳ-kheo Pháp Tạng. Nghe sự ấy xong, người ấy liền mạng chung. Ví như trong khoảng thời gian tráng sĩ co duỗi cánh tay, liền sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Qua bảy ngày sau mới gặp Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí, nghe pháp hoan hỷ, đắc Tu Ðà Hoàn. Qua một tiểu kiếp mới thành A La Hán. Ðấy gọi là Trung Phẩm Hạ Sanh,

Ðây gọi là phép quán bậc Trung vãng sanh, là phép quán thứ mười lăm.

* Hạ Phẩm Thượng Sanh là nếu có chúng sanh làm các nghiệp ác, tuy chẳng phỉ báng kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng, nhưng gây nhiều pháp ác chẳng hề hổ thẹn. Lúc mạng sắp dứt, gặp thiện tri thức giảng cho tựa đề, danh tự của mười hai thể loại kinh Ðại Thừa. Do nghe tên các kinh như thế, trừ được ác nghiệp rất nặng trong ngàn kiếp. Người trí lại dạy chắp tay, xưng “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Do xưng danh hiệu Phật, nên trừ được tội trong năm mươi ức kiếp sanh tử. Lúc bấy giờ, đức Phật kia liền sai Hóa Phật, Hóa Quán Thế Âm và Hóa Ðại Thế Chí đến trước hành giả, khen rằng:

- Thiện nam tử! Do ông xưng danh hiệu Phật, nên các tội tiêu diệt, ta đến đón ông.

Nói lời ấy xong, hành giả liền thấy quang minh của Hóa Phật ngập tràn nhà mình. Thấy xong, hoan hỷ liền xả mạng, cưỡi hoa sen báu theo sau Hóa Phật, sanh trong ao báu. Qua bốn mươi chín ngày, hoa sen mới nở. Trong lúc hoa nở, Ðại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát và Ðại Thế Chí Bồ Tát phóng đại quang minh, đứng trước người ấy giảng cho mười hai bộ kinh rất sâu. Nghe xong, người ấy tin hiểu, phát Vô Thượng Ðạo Tâm. Qua mười tiểu kiếp mới đầy đủ bách pháp minh môn, được nhập Sơ Ðịa. Ðấy gọi là Hạ Phẩm Thượng Sanh.

* Hạ Phẩm Trung Sanh là nếu có chúng sanh hủy phạm Ngũ Giới, Bát Giới và Cụ Túc Giới. Kẻ ngu như thế lấy trộm của Tăng Kỳ và vật dụng của hiện tiền Tăng, bất tịnh thuyết pháp chẳng hề hổ thẹn; dùng các nghiệp để tự trang nghiêm. Kẻ tội như thế do ác nghiệp đáng đọa địa ngục; lúc sắp chết, các thứ lửa địa ngục đồng thời hiện ra, gặp thiện tri thức do lòng đại bi vì kẻ ấy khen nói thập lực oai đức của Phật A Di Ðà, rộng khen ngợi quang minh, thần lực của đức Phật ấy, và cũng khen ngợi Giới, Ðịnh, Huệ, Giải Thoát, Giải Thoát Tri Kiến.

Người ấy nghe xong, trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử; lửa dữ địa ngục trở thành gió trong mát, thổi các hoa trời. Trên mỗi hoa đều có Hóa Phật và Hóa Bồ Tát đón tiếp người ấy. Như trong khoảng một niệm, liền được sanh về trong hoa sen nơi ao bảy báu. Qua sáu kiếp, hoa sen mới nở. Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí dùng tiếng Phạm Âm an ủi kẻ đó, giảng cho kinh điển Ðại Thừa rất sâu. Nghe pháp ấy xong, ngay khi đó, liền phát Vô Thượng Ðạo Tâm. Ðấy gọi là Hạ Phẩm Trung Sanh.

* Hạ Phẩm Hạ Sanh là nếu có chúng sanh làm điều chẳng lành, Ngũ Nghịch, Thập Ác, đủ những việc bất thiện. Người ngu như thế do ác nghiệp nên đáng đọa ác đạo trải qua nhiều kiếp, thọ khổ vô cùng. Người ngu như thế lúc lâm chung, gặp thiện tri thức an ủi đủ cách, giảng cho diệu pháp, dạy hãy niệm Phật. Người ấy bị các nỗi khổ bức bách, chẳng yên tâm niệm Phật. Thiện hữu bảo rằng:

- Nếu ngươi chẳng thể niệm Phật thì hãy nên xưng Vô Lượng Thọ Phật!

Chí tâm như thế khiến cho tiếng niệm chẳng dứt, đầy đủ mười niệm xưng Nam Mô A Di Ðà Phật. Do vì xưng danh, nên trong mỗi niệm, trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Lúc mạng chung, thấy hoa sen vàng như vầng mặt trời dừng trước người ấy. Như trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Ở trong hoa sen trọn mười hai đại kiếp thì hoa sen mới nở. Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí dùng âm thanh đại bi vì người ấy giảng rộng Thật Tướng của các pháp, trừ diệt tội pháp. Nghe xong hoan hỷ, ngay lập tức phát Vô Thượng Ðạo Tâm. Ðấy gọi là Hạ Phẩm Hạ Sanh.

Ðấy là phép quán bậc Hạ vãng sanh, là phép Quán thứ mười sáu.

Nhận định:

Kinh này trước hết giảng rõ ba phước là chánh nhân của Tịnh nghiệp, phát ba tâm liền được vãng sanh; cuối kinh giảng rõ về nhân quả của chín phẩm vãng sanh để người nghiệp chướng nặng nề lấy Xưng Danh làm Chánh Hạnh. Do vì Xưng Danh trừ được tội trong nhiều kiếp, nên liền được vãng sanh. Sách Long Thư Tịnh Ðộ Văn nhận định:

“Chí thành tâm là chí thành quy hướng, không hề cẩu thả.

Kiên cố tâm là kiên cố tu hành tinh tấn, chẳng thoái chuyển.

Thâm tâm là dụng tâm sâu xa, thấu đạt tận cùng Tịnh Ðộ như mò đáy biển tìm ngọc.

Tam thế chư Phật và pháp giới chúng sanh đều do tâm tạo. Tâm ta như thế, lẽ nào chẳng đạt được Thượng Phẩm Thượng Sanh?”

Tổ Linh Phong dạy: “Quán Kinh chuyên dạy cách quán tưởng, nhưng tâm lực kẻ phàm phu chẳng thể lãnh hội phép Quán thù thắng. Vì thế, trong phép Quán thứ mười sáu, kinh đại khai pháp môn Xưng Danh. Hãy nên biết rằng: căn cơ con người tuy độn, nhưng danh tự của Vô Lượng Thọ chưa bao giờ chẳng phải là ‘tâm này làm Phật, tâm này là Phật’. Bởi vậy, cứ xưng danh, chẳng nhọc lòng quán tưởng”.

Tâm làm Phật tức là tâm tưởng niệm. Tâm là Phật tức là tâm chính là Phật. Ấn Quang Ðại Sư dạy: “Phép Quán chín phẩm chẳng qua chỉ là để cho người ta biết nhân quả vãng sanh đó thôi. Chỉ cần hiểu rõ là được, bất tất phải tu Quán! Xin hãy nhất tâm trì danh cho đến khi tâm quy về một mối, tịnh cảnh tự khắc sẽ hiện tiền!”

Đối với chuyện kinh chẳng nói xưng danh đủ mười lượt, mà chỉ nói là mười niệm, cư sĩ Dương Nhân Sơn giảng: “Lúc xưng danh nhất tâm chuyên tinh, không có niệm nào khác xen tạp, gián đoạn, chỉ có ý niệm xưng danh. Mười niệm tiếp nối liền được vãng sanh”.

Ðiều này đủ chứng tỏ rằng chúng sanh đời mạt đa số nghiệp sâu, chướng nặng, phải nên phát ra ba tâm, thật thà xưng danh và tùy duyên kiêm tu một hoặc hai thứ phước, hoặc tu đủ cả ba phước hồi hướng Tịnh Ðộ để mong phẩm vị được cao hơn.
 
Trích từ: Niệm Phật Pháp Yếu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
4 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
6 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
8 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
9 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
10 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
11 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về

Thập Thiện Nghiệp
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Yếu Nghĩa Về Thập Thiện
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm