Tam Giới Là Gì...?
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Tam giới là gì? Là Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới. Dục-giới là chỗ ở của các loại hữu-tình chưa ly dục, còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Sắc-giới là chỗ ở của các loại hữu-tình đã ly dục, nhưng còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Vô-sắc-giới là chỗ ở của các loại hữu-tình đã ly dục và sắc, song cũng còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Trong tam giới lại còn có năm thứ sai biệt khác là tướng sai biệt, thô trọng sai biệt, phương xứ sai biệt, thọ dụng sai biệt và nhiệm trì sai biệt.

Tướng sai biệt là trong cõi Dục có nhiều sắc tướng, những tướng không trong sạch và các thứ tạp tướng; trong cõi Sắc có ít sắc tướng, những tướng trong sạch và không có tạp tướng; còn cõi Vô-sắc tuy thuộc về không nghiệp nhưng cũng có sắc, mà sắc thuộc về định, về vô kiến, vô đối. Lại nữa, trong cõi Dục có tướng khổ thọ tương ưng, tướng sân nhuế tương ưng và tướng nhiều tùy phiền não tương ưng. Trong cõi Sắc và Vô-sắc có tướng khổ thọ bất tương ưng, tướng sân nhuế bất tương ưng và tướng ít tùy phiền não tương ưng.

Thô trọng sai biệt là trong Dục có những sự thô trọng thô mà tổn hại, trong cõi Sắc và Vô-sắc sự thô trọng tế mà không tổn hại.

Phương xứ sai biệt là cõi Dục ở phương dưới, cõi Sắc ở phương trên, còn cõi Vô-sắc thì không phương xứ.

Thọ dụng sai biệt là chúng-sanh cõi Dục thọ dụng cảnh giới bên ngoài, chúng-sanh cõi Sắc và Vô-sắc thọ dụng cảnh giới bên trong.

Nhiệm trì sai biệt là chúng-sanh ở cõi Dục nương nơi bốn sự ăn mà trụ, chúng-sanh cõi Sắc và Vô-sắc nương nơi ba sự ăn mà trụ. (Luận Hiển-Dương-Thánh-Giáo)

Trong ba cõi, Dục-giới thuộc về xứ sở hạ phương. Được mệnh danh là Dục-giới, vì chúng-sanh ở nơi đây nhiễm năm thứ dục lạc: sắc dục, tiền của, danh vị, ăn mặc, ngủ nghỉ. Dục-giới cũng gọi là chỗ Ngũ-thú-tạp-cư. Ngũ-thú là: Trời, Người, Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Tạp-cư có hai nghĩa: 1. Trong cõi Dục gồm có năm chủng loại ở. 2. Trong mỗi chủng loại lại có các chủng loại khác ở lẫn lộn, như nơi cõi trời cũng có Súc-sanh, Quỷ-thần, nơi cõi người có Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Nếu nói đại khái theo thứ bậc thấp cao, thì trong Dục-giới có ba loại: loại ác thú, loại người, loại trời. Loại ác thú có bốn: A-tu-la, Súc-sanh, Ngạ-quỷ, Địa-ngục. Loại người gồm có nhơn chúng ở bốn nơi: Nam-Thiệm-Bộ-Châu, Tây-Ngưu-Hóa-Châu, Đông-Thắng-Thần-Châu và Bắc-Câu-Lư-Châu. Loại trời có sáu cõi từ thấp đến cao: trời Tứ-Vương, trời Đao-Lợi, trời Dạ-Ma, trời Đâu-Suất, trời Hóa-Lạc và trời Tha-Hóa-Tự-Tại. Trong cõi Dục, về hữu-tình giới thì kể từ cõi Tha-Hóa đến ngục Vô-Gián; nếu về khí thế-giới, phải kể đến phong luân.

Trên Dục-giới là Sắc-giới, gồm nhiếp-hữu-tình và khí-thế-gian. Sở dĩ gọi Sắc-giới, vì chúng-sanh ở cõi nầy lìa sự nhiễm dục, từ thân đến cảnh đều là sắc chất trang nghiêm, thanh tịnh. Cõi nầy chia ra làm 18 thiên vức khác nhau; ba Thiền-thiên trước mỗi nơi có ba, đệ tứ thiền có chín. Ba thiên vức ở Sơ-thiền Ly-sanh-hỷ-lạc-địa là: Phạm-Chúng-Thiên, Phạm-Phụ-Thiên, Đại-Phạm-Thiên. Ba thiên vức ở Nhị-thiền Định-sanh-hỷ-lạc-địa là: Thiểu-Quang-Thiên, Vô-Lượng-Quang-Thiên, Quang-Âm-Thiên. Ba thiên vức ở Tam-thiền Ly-hỷ-lạc-địa là: Thiểu-Tịnh-Thiên, Vô-Lượng-Tịnh-Thiên, Biến-Tịnh-Thiên. Chín thiên vức ở Tứ-thiền Xả-niệm-thanh-tịnh-địa là: Vô-Vân-Thiên, Phước-Sanh-Thiên, Quảng-Quả-Thiên, Vô-Tưởng-Thiên, Vô-Phiền-Thiên, Vô-Nhiệt-Thiên, Thiện-Kiến-Thiên, Thiện-Hiện-Thiên, Sắc-Cứu-Cánh-Thiên. Trong chín thiên vức, năm cõi ở sau cùng tên là Ngũ-Tịnh-Cư-Thiên, cũng gọi là Ngũ-Bất-Hoàn-Thiên, vì là chỗ ở của bậc thánh A-na-hàm.

Theo các đại luận-sư ở xứ Ca-Thấp-Di-La thì Sắc-giới chỉ có 16 thiên vức, vì Đại-Phạm-Thiên nguyên là một vùng lâu các rộng lớn ở cõi Phạm-Phụ, chớ không phải biệt trí nơi khác. Còn trời Vô-Tưởng thì nhiếp về Quảng-Quả-Thiên, vì hai thiên chúng nầy đồng một thân lượng và thọ lượng.

Trên Sắc-giới là Vô-sắc-giới. Được mệnh danh là Vô-sắc, vì nơi đây không có sắc uẩn chỉ có thọ, tưởng, hành, thức bốn ấm mà thôi. Cõi nầy do không có sắc pháp biểu hiện, nên không có phương sở đời quá khứ vị lai đều như thế, lý đã quyết định. Nhưng về phần dị thục sanh sai khác thì có bốn bậc: Không-Vô-Biên-xứ, Vô-Sở-Hữu-xứ, và Phi-Tưởng-Phi-Phi-Tưởng-xứ. Bốn bậc nầy không phải có riêng xứ sở cao thấp, mà do nghiệp chúng-sanh hơn kém khác nhau. (Luận Câu-Xá, Lục-Đạo-Tập)
 
Trích từ: Niệm Phật Tinh Yếu
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
2 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
3 Niệm Phật Vô Tướng, Cư Sĩ Hạnh Cơ Tải Về
4 Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh, Thượng Tọa Thích Minh Tuệ Tải Về
5 Niệm Phật Tam Muội Bửu Vương Luận, Tịnh Sĩ Tải Về
6 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
7 Niệm Phật Cảnh, Hòa Thượng Thích Minh Thành Tải Về
8 Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
9 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
10 Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
11 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
12 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
13 Luật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Phước Sơn Tải Về