Nhận Định Về Các Cõi Tịnh Độ
Minh Đức Thanh Lương

Tín ngưỡng về Tịnh độ, một nơi được coi là an lạc, thanh tịnh, trang nghiêm, khác hẳn cõi tục luỵ trần gian này đã có từ thời Đức Phật Thích Ca còn tại thế. Trong Phật thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Phật đã dạy bà Vi Đề Hy, vợ vua Tần Bà Ta La biết là có cõi Cực lạc Tây phương, quốc độ của Phật A Di Đà, ở đó có chân hạnh phúc, khác xa cõi Ta bà uế độ này. Lại một buổi trong vườn Um Ma La, xứ Tỳ Na Ly nước Ấn Độ, Đức Phật đã giảng cho Đồng tử Bảo Tích am hiểu về 17 cõi Tịnh độ như sau :

1.- Trực Tịnh độ.
2.- Thân Tịnh độ.
3.- Đại thừa Tịnh độ.
4.- Bố thí Tịnh độ.
5.- Trì giới Tịnh độ.
6.- Nhẫn nhục Tịnh độ.
7.- Tinh tiến Tịnh độ.
8.- Thiền định Tịnh độ.
9.- Trí tụê Tịnh độ.
10.- Trí Vô lượng Tịnh độ.
11.- Trí Nhiếp pháp Tịnh độ.
12.- Phương tiện Tịnh độ.
13.- Phẩm trợ Tịnh độ.
14.- Hồi hướng Tịnh độ.
15.- Thoát ly bạt nạn Tịnh độ.
16.- Giới hạnh trang nghiêm Tịnh độ.
17.- Thập thiện Tịnh độ.

(Xin coi Phật Học Từ Điển về danh từ Thập thất chủng Tịnh độ).

Chúng ta thấy ở đây Phật đã lấy những đức tính cao đẹp của tâm mà đặt tên cho các cõi Tịnh độ, vì nếu thay thế danh từ Tịnh độ trong thập thất chủng Tịnh độ ở trên bằng chữ Tâm, ta sẽ có những danh từ : Trực Tâm, Thâm Tâm, Đại Thừa Tâm, Bố Thí Tâm, Trì Giới Tâm v.v…

Ngoài các cõi Tịnh độ nằm trong tâm con người còn có những cõi Tịnh độ ở ngoài tâm, và tuỳ theo không gian và thời gian, ta có những loại Tịnh độ như sau :

a. Tịnh độ tha phương trong tương lai có :

1. Tây phương Cực lạc thế giới hay Tây phương Tịnh độ dưới quyền quản trị của Phật A Di Đà mà hàng Phật tử tu tịnh nghiệp đều mong cầu được vãng sinh về đó.

2. Đâu suất Tịnh độ dưới quyền điều khiển của Đức Di Lặc, một vị Bồ tát nhất sinh bổ xứ, kế thừa Đức Phật Thích Ca sau này ở cõi Ta bà. Ngài sẽ xuất hiện trong hội Long Hoa để tế độ toàn thể loài người còn sống sót ở nhân gian mà chưa được siêu thoát để được về cung trời Đâu Suất.

3. Diệu Hỷ Tịnh độ là nơi cực kỳ sung sướng dưới quyền quản trị của A Sơ Phật hay Đại Mục Như Lai.

4. Đông phương Tịnh độ của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, là nơi thanh tịnh tuyệt đối. Không còn bệnh khổ phiền não, thân tâm thường lạc. Muốn được sinh về các cõi Tịnh độ trên thì điều kiện chung là phải phát tâm dũng mãnh quy hướng về các nơi đó với Tin sâu, Nguyện thiết, Hành trì tinh tấn trong việc niệm danh hiệu các vị Phật giáo chủ ở các cõi này.

b. Tịnh độ nơi Đương xứ hay Quán Chiếu Tịnh độ là cõi Tịnh độ nơi Tâm của hành giả khi đã giác ngộ thấy Phật ở quanh tâm mình và ngay lúc này nghĩa là được trở về với Chân Tâm thanh tịnh của mình. Khi đã lóng trong mọi vọng niệm phiền não ở giây phút Đại Định.

c. Tịnh độ trong tương lai ở cõi trần gian này tức là cõi Ta bà uế độ này được cải thiện thành nơi Cực lạc, thanh tịnh để nhân loại, người người cùng chung hưởng hạnh phúc đời đời.

* Phật pháp chỉ là phương tiện ví như chiếc cầu thang có nhiều bậc phải leo từng bậc từ thấp tới cao. Tuy biết các pháp chỉ là huyễn mà vẫn phải tuần tự leo từ bậc dưới (là huyễn nhỏ) rồi tiến dần lên bậc trên cao hơn (là huyễn lớn) chứ không thể đốt giai đoạn, nhảy vọt một cái lên bậc thang cao nhất, không qua các huyễn nhỏ ở các cấp dưới.

Trên đường đi tới Chân lý cứu cánh thì Cực lạc Tây phương được coi như một “Hoá thành dụ”, nghĩa là một diệu pháp phương tiện trong Chân Không, rất cần đối với hành giả ở cõi Ta Bà, còn phải dấn bước trên đường tu, cố gắng đạt tới bằng Tín, Nguyện và Hành để được giải thoát và tự giác, giác tha, giác hành viên mãn.

Tuy vậy phải quan niệm cõi Cực lạc Tây phương cũng chỉ là một trạm nghĩ tạm thời, ở đó một thời gian để thanh tịnh hoá hoàn toàn tâm mình, và quãng đường tu tập ở các cõi Tịnh độ tha phương chỉ là giai đoạn để nỗ lực tu thân, hành Bồ tát đạo bằng cách tái nhập thế mới mong đạt tới Phật quả..

Sự khác biệt căn bản giữa các cõi Tịnh độ ở góc nhìn của người tu và trình độ giác ngộ của hành giả, tu làm sao để thực hiện đầy đủ mục tiêu : “Thượng cầu Bồ đề, hạ hoá chúng sinh” hay “Tự giác, giác tha, giác hành viên mãn”.

Nếu cho việc từ bỏ cõi Ta bà là nơi cực khổ và nhìn nhận khổ đau có thật để mong được sống mãi mãi ở nơi Cực lạc hưởng lạc riêng tư, thì đó chỉ là thái độ tiêu cực, có tu mà chưa hành, chỉ mong đạt tới đích của Tiểu thừa, cầu phá Ngã mà chưa phá Pháp, mong tự độ, tự giác mà chưa độ tha. Còn chán ghét Ta bà, còn mong cầu về Cực lạc thì tâm còn phân biệt, chưa đoạn trừ được Tứ Tướng.

Đem tâm yêu ghét, nhị nguyên đó mà cầu đạo cả Vô thượng Bồ đề thì tâm đó như vầng trăng còn lu mờ, chưa thật tỏ sáng. Người ngộ đạo phải sống theo chân lý Bất Nhị, phá triệt để các pháp mới tới được Trung đạo. Người tu khi đã đến ngưỡng cửa của Niết bàn phải tỏ thái độ dứt khoát như Ngài A Nan, buông lời thệ nguyện : “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhất chúng sinh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ Nê hoàn”, rời bỏ ngay Niết bàn an lạc rồi tự nguyện nhập Ta bà, xả thân hành đạo Bồ tát để độ tận chúng sinh.

* Đại thừa Phật giáo không thoả mãn với tư tưởng giải thoát cá nhân nửa vời ích kỷ mà muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp bằng tình thương, hay thực hiện một sự giải thoát tập thể cho toàn thể nhân loại.

Lý tưởng của người tu hạnh Bồ tát là xây dựng một xã hội đại đồng, bình đẳng, tự do, hạnh phúc chân chính bằng cách giác ngộ Phật tính ở ngay trong lòng mỗi người. Trong xã hội tươi đẹp đó thì con người làm chủ cả mình lẫn thiên nhiên, ai nấy đều tự cứu lấy mình và giúp ích tha nhân cùng hưởng phúc.

Vì hiểu rằng : Khổ đau, nghiệp chướng là lẽ thường ở đời nên người hành đạo Bồ tát không lẩn trốn khổ đau, còn coi đó là phương tiện để xây dựng hạnh phúc, là ngọn lửa hồng để nung luyện chí cao, hay là duyên lành để thúc đẩy chóng kết thành Phật quả.

Người hành đạo Bồ tát hiểu rằng : giá trị và ý nghĩa của cuộc đời không ở chỗ tìm sự sung sướng an lạc cho bản thân làm mục tiêu, mà lại lấy sự thực hiện hạnh phúc tuyệt đối cho muôn loài làm lý tưởng và sự nghiệp của mình. Muốn được giải thoát rốt ráo phải là vì người, nếu chỉ làm tròn hạnh phúc cho cái Ta nhỏ bé mà chưa thực hiện được hạnh phúc cho mọi cái Ta khác, thì lý tưởng ấy vẫn còn chưa trọn vẹn.

Từ hai loại Niết bàn của Tiểu thừa là Hữu dư và Vô dư Niết bàn có tính cách cá nhân, phải tiến tới Vô trụ xứ Niết bàn, hay Tự tính thanh tịnh hoặc Bất trụ Niết bàn của Đại thừa có tính cách vị tha, xã hội.

Tuy lấy Bình đẳng tính làm phương tiện để đạt tới Bình đẳng giới nhưng lại không trụ ở đó mà lại trụ ở Sai biệt giới, giúp đỡ mọi người đau khổ, nghèo khó ở hạ tầng giai cấp xã hội. Tuy lấy giải thoát khỏi khổ đau và mong cầu Tịnh độ, Niết bàn làm lý tưởng : vừa tự ý dấn thân vào trong vòng luân hồi để Chân, Thiện, Mỹ hoá cõi đời này bằng những hành vi tích cực hành thiện, lại vừa đáp ứng được lý tưởng “Thượng cầu Bồ đề, hạ hoá chúng sinh”, theo đuổi đường lối “Tam luân Không tịch”.

Trong quá trình tiến tới mục tiêu lý tưởng ấy, hành giả vẫn cảm thấy vui buồn như mọi người, nhưng lại thản nhiên trước mọi khổ đau, vượt trên mọi phân biệt, đối đãi, và dồn hết tâm lực của mình để phụng sự nhân loại. Dùng “Bất trụ xứ Niết bàn” và “hoàn tướng hồi hướng” làm nhân sinh quan, Bồ tát tự nguyện hồi nhập Ta bà và thực thi Tứ Nhiếp Pháp, cùng mọi người đồng cam cộng khổ để dễ độ đời. Đạo Bồ tát lấy việc kiến thiết một cõi Tịnh độ nhân gian để đề cao lý tưởng của mình, cho nên nếu xa rời công trình xây dựng cõi Địa đường chung thì mất hết ý nghĩa cao đẹp của Đạo Bồ tát.

Lý tưởng kiến thiết một cõi Tịnh độ nhân gian bắt nguồn từ những tư tưởng : “Phiền não tức Bồ đề”, “Chúng sinh tức Phật”, “Sự tức Lý” của Bất Nhị pháp môn, nêu cao ý nghĩa “Nhất chân Pháp giới” hay “Vạn vật đồng nhất thể”, “Chúng sinh giai hữu Phật tính”… là những tư tưởng cao đẹp. Kết tinh trong các bộ Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn v.v… mà cũng là chủ trương của Pháp môn Tịnh độ.

Theo tinh thần Đại Bi, Đại Trí của đạo Bồ tát thì không thể trốn tránh trách nhiệm của mình cùng những phiền não của cuộc sống phồn tạp hàng ngày, bởi vì “Phật pháp bất ly thế gian giác”, mà phải lặn lội vào đời sống thực tế, gắn bó đạo với đời, để cải thiện đời sống xã hội ngày càng đẹp tươi hơn.

Cầu vãng sinh Cực lạc để được tự giải thoát trong khi quanh mình chúng sinh còn quằn quại trong khổ đau còn vị kỷ, mà phải phát tâm vô thượng Bồ đề, cầu giải thoát cho tất cả nữa. Có độ tận chúng sinh về nơi an lạc cuối cùng mới thực hiện được đúng đường lối của đạo giải thoát Chính đẳng chính giác. Có vãng sinh Tịnh độ, lại có hồi chuyển Ta bà thì Bồ tát mới Tịnh độ hoá được cõi trần gian này : đó là điểm son làm nổi bật tính cách hoạt động tích cực của đạo Nhất thừa, đồng thời đánh giá cao quan niệm về Tịnh độ nhân gian trong tương lai, so với cõi Tịnh độ tha phương, hoặc ở tại tâm, nơi đương xứ, mới chỉ được coi là giải thoát nửa vời, tiêu cực.

Bồ tát đạo nói chung, và pháp môn Tịnh độ nói riêng, là con đường đón nhận tứ chúng đồng tu để tiến tới Niết bàn, Tịnh độ. Không thiếu gì Cư sĩ tại gia xưa và nay đã đạt đạo nhờ đi theo con đường tịnh nghiệp. Nói đến Cư sĩ lừng danh phải kể đến Ngài Duy Ma Cật thời Phật còn tại thế. Sau này Trung Quốc có Bàng Long Ẩn, và ở Việt Nam có Tuệ Trung Thượng Sĩ đã không thua kém tài đức đối với hàng xuất gia chân chính. Riêng trong pháp môn Tịnh độ nhiều người đã đạt được Tánh và được dự về cõi Tây phương Cực lạc nhờ âm thầm tinh tiến tu theo tịnh nghiệp, nhất tâm niệm Phật cầu vãng sinh.

* Bởi vì sự thiết lập một cõi Tịnh độ nhân gian không thể thực hiện được một sớm một chiều, nên người có tâm phải phát nguyện rộng lớn, ra vào trần gian hết kiếp này đến kiếp khác để độ tận chúng sinh, quyết thực thi bằng được lý tưởng cao đẹp của mình, bất cứ trong thời gian lâu dài bao nhiêu cũng được. Người hành Bồ tát đạo tu theo Tứ Vô Lượng Tâm và Tứ Nhiếp Pháp, nguyện đi vào cuộc đời để phục vụ tha nhân, lấy hạnh phúc của con người làm nguồn vui của mình. Tinh thần vị tha là đức tính của người giác ngộ, chỉ biết giúp ích mọi người không vì lợi danh. Không biết mệt mỏi, không quan tâm đến lời khen chê, đe doạ hay trách móc, việc xảy đến thì làm tích cực với tinh thần vô uý, xả kỷ, không làm không được.

* Đạo cốt ở Hành, không ở nói suông. Có hành mới thấy cái khó khăn, khó tin, khó nói. Nói suông chỉ biến đạo thành mớ lý thuyết vô vị. Càng Hành càng hòa hợp, cởi mở, gỡ những mớ bất đồng và hiểu lầm sinh mâu thuẫn tranh chấp, tưởng chừng như không hoà giải nổi. Có Hành mới mở toang cánh cửa của Trí, cánh cửa huyền vi của đạo. Có Hành mới thấy rõ Chân lý Sự Sự nhất thiết vô ngại. Có Hành mới chọc thủng được tấm màn bí ẩn của chữ nghĩa trong các kinh điển Phật giáo, mới xé rách được cái áo khoác ngoài của Sắc, Tướng, Hình, Danh, và mới nhận được lẽ nhiệm mầu của Chân lý Bất Nhị, và “Một là Tất cả, Tất cả là Một” của muôn pháp, do cùng một tâm sinh ra, rồi lại quay trở về tâm, đồng nhất trong sai biệt, thù đồ nhưng đồng quy.

* Nhưng thiết lập một xã hội bình đẳng, tự do, hạnh phúc tuyệt đối, một cõi Tịnh độ nhân gian. Không phải là phá huỷ tất cả bằng sắt, máu, mà phải dùng tình thương vô hạn, thay vì những hành động bạo tàn, chém giết chẳng ghê tay, bởi vì tình trạng bi đát của loài người, với những bất công, sai biệt của ngày nay là kết quả nghiệp báo của tâm mê vọng của chúng sinh thuộc quá khứ và hiện tại. Lay đổ nền móng cũ mà không chuyển được cái tâm của con người thì cách mạng khó thành công và mãi vẫn còn dang dở. Nguyên nhân để cấu tạo một xã hội công bằng, bác ái là Nghiệp lực. Phá huỷ sự sai biệt bất công mà không lưu ý đến nguyên nhân phát sinh ra nó là Tham, Sân, Si thì sự phá huỷ đó vô ích, bởi vì gieo nhân lành, duyên tốt thì mới được hái quả tốt lành.

Lẽ vô thường biến dịch và nhân quả của thiên nhiên là nguyên lý giúp chúng ta xây đắp một xã hội lý tưởng cho ngày mai.Sự thăng hoa hay thoái bộ trên đường dẫn tới hạnh phúc hoàn toàn do lòng người có thực muốn hoán cải hay không ? Câu “Tâm bình, thế giới bình” trong Kinh Hoa Nghiêm phải được coi là phương châm hành động cho những người cầm đầu thiên hạ ngày nay muốn đạt tới một nền hoà bình vĩnh cửu.

Trong phạm vi của cá nhân, ai ai cũng đều có bổn phận giữ cho Tâm bình, cố gắng hành Thập Thiện và thực thi Tứ Vô Lượng Tâm. Chẳng ai có thể bảo là mình đã góp phần nhiều nhất để kiến thiết cõi Tịnh độ chung, bởi vì sự đóng góp tích cực nhất và nhiều nhất chính là sự toàn thắng được lòng mình, và như vậy thì chỉ có mình mới tự đánh giá được mình đúng mức mà thôi, bởi vì chỉ có mình mới tự biết mình đã diệt trừ được lòng Tham, Sân, Si và phá huỷ được Ngã chấp và Pháp chấp tới mức nào.

Chỉ có Tuệ và Bi, một lòng thương yêu nhau chân thành coi nhau như bạn hiền cùng chung lý tưởng mới mong đến tới đích Tự do, Bình đẳng, Hoà bình, Ấm no, Hạnh phúc tuyệt đối. Chúng ta ước mong khoa học sẽ phá huỷ được căn bản của những tư tưởng sai lầm, và triết học Tây phương ngày càng thâm nhập sâu hơn vào lý Bất Nhị, và bản thể Nhất Nguyên của vũ trụ để đưa loài người ngày nay càng gần hơn tới Chân lý do đấng Giác ngộ chân chính đã đề xướng. Đó chính là cái mà tôi muốn nói trong câu đã viện dẫn ở đoạn trên : “Khoa học sẽ dần dần tiến ngày càng gần hơn tới đạo Phật”.

Không ai bảo ai mà tự nhiên các triết gia và khoa học gia Tây phương hiện nay cùng tiến về hướng mà Phật đã vạch ra từ 25 thế kỷ về trước. Chúng ta hy vọng ngày trưởng thành của nhân loại về đạo đức và tinh thần sẽ sắp tới, mặc dù khoa học đã bác bỏ tất cả những gì làm điểm tựa cho niềm tin về những tôn giáo ở Tây phương, nhưng rồi các khoa học gia tân tiến cũng sẽ nhận thấy rõ vẫn còn có một tôn giáo tiến bộ, có cơ sở vững chắc về khoa học dẫn tới chân lý trường cửu để cứu nguy cho nhân loại bằng đường lối hoà bình.

Họ sẽ thấy viễn ảnh một thế giới đại đồng không có kỳ thị dân tộc, ấm no, hạnh phúc hoàn toàn, khi thừa nhận rằng mục đích cuối cùng của loài người là phải tìm cách ra khỏi tấm màn vô minh, và lấy tình thương chân thật đối phó với nhau mới mong giải thoát khỏi nạn tận diệt.

Chúng ta có thể đặt niềm tin ở khả năng sáng tạo của tim óc con người, tin ở căn bản của lương tâm con người, với tinh thần nhận thức được toàn bộ Thực tại để giải toả những mối bất đồng giữa Tâm Vật, Tự Tha, và san bằng mọi đố kỵ, mâu thuẫn. Chúng ta có thể tin giá trị siêu việt của triết lý đạo Phật, một đạo Từ Bi và Giác ngộ có sức mạnh tâm linh mầu nhiệm, có khả năng hoán cải được con người trở về với Chân Tâm, Phật tính bằng đường lối hoà bình và mở rộng cho nhân loại triển vọng tốt đẹp là con đường Bồ tát đạo lý tưởng để thoát khỏi ngõ bế tắc hiện tại trong lãnh vực tranh chấp nhau về ý thức hệ và về quyền lợi riêng tư, tránh được hiểm hoạ tàn sát lẫn nhau, và chạy đua nhau trên phạm vi sản xuất các loại vũ khí giết người tập thể.

Bởi lẽ “Nhất thiết duy tâm tạo” và “Nhất thiết chúng sinh giai hữư Phật tính” nên chúng ta có thể tin rằng việc thiết lập một nền Tịnh thổ ở cõi trần gian này chẳng phải là ảo mộng ! Tin tưởng đó là hoài bão của Thái Hư Đại Sư bên Trung Hoa và cũng là mộng vàng của nhà Bác học có đạo tâm nước Pháp Le Comte du Nouy hằng ấp ủ với thuyết viễn đích (Téléfinalité) chủ trương đề cao phẩm giá con người, đặt niềm tin bất diệt ở tương lai tốt đẹp của tinh thần, đạo đức và giá trị của khoa học, tin tưởng vào cuộc tiến hoá không ngừng của nhân loại và ở định mệnh cao cả của con người, với sự tiếp tay của khoa học, để đạo phục vụ đắc lực cho đời, trong mưu cầu hạnh phúc chung của nhân loại.

Con người phải lo cải thiện tâm hồn hơn là hoàn cảnh vật chất. Mọi người đều phải góp phần tích cực vào việc xây dựng một xã hội huy hoàng cho ngày mai, và điều kiện tiên quyết để đạt tới cảnh thần tiên ấy là ta phải thoát ly những dục lạc và toàn thắng được những ác tưởng của mình. Tóm lại : theo Le Comte du Nouy thì chúng ta đều có bổn phận phát huy cái đức Sáng sẵn có ở trong ta, nỗ lực không ngừng tự cải thiện mình và tin tưởng vào tiềm năng huyền diệu của con tim, đem hết tài năng sáng tạo của mình phục vụ nhận loại, vượt qua mọi chặng đường khó khăn nhất, và chỉ ngừng lại khi nào đạt tới đỉnh cao của Chân Thiện Mỹ.

* Quan niệm về thiết lập một cõi Tịnh độ nhân gian hay trở về với Chân Tâm của mình, cũng là quan niệm của Nho giáo chủ trương : “Nhất bản tán vạn thù, vạn thù quy nhất bản”, vạn hữu biến dịch theo hai chiều vãng lai phản phục tuần hoàn, vừa phân tán để đào thải những cặn bã thấp hèn, vừa súc tích những tinh hoa trong sáng của trời đất để trở về nơi nguyên thể. Từ quan niệm “Vạn vật đồng nhất thể” tiến tới chủ trương “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” và “Tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”, ta nhận thấy rõ Phật cũng như Nho đều chủ trương Bản thể tuỵêt đối, bất diệt Chân Tâm của mình, biến hoá để trở thành Thánh, Hiền, Tiên, Phật, hay “phối thiên đạt đạo”, tức là kết hợp với tuyệt đối thể vừa là căn nguyên sinh xuất, lại vừa là đích cuối cùng mà muôn loài phải tiến tới.

* Nhưng thực hiện giấc mộng vàng này phải dựa vào tự lực hay tha lực đây ? Tổng quát mà nói thì việc kiến thiết cõi Tịnh độ trong tương lai, nơi trần thế này phải do nỗ lực của từng cá nhân góp phần tích cực diệt trừ những thói hư tật xấu của mình, song công cuộc xây dựng cõi Tịnh độ lại là một công cuộc vĩ đại đòi hỏi một nỗ lực phi thường, vả chăng chẳng phải riêng cá nhân nào được hưởng một màn hình mà toàn thể nhân loại đều chung hưởng hạnh phúc đời đời, nên sự thành công mau hay chậm còn phải dựa vào một yếu tồ mầu nhiệm, bất khả tư nghị là phật lực gia hộ thêm nữa mới mong thành tựu hoàn mãn và mau chóng. Như vậy “Miêu thuyết phải nhường bước cho Viên thuyết”, như vượn con vẫn phải nhờ vượn mẹ hết lòng bao bọc nâng đỡ trong lúc còn chưa đủ lực chuyền cành một mình. Trước nỗi khổ và cộng nghiệp sâu dầy của nhân loại, người có đạo tâm lo âu, khắc khoải nhưng không còn cách nào hơn là cầu nguyện thiết tha mong cho Tha lực sớm hiệp cùng Tự lực của mỗi người để thoát cảnh khổ chung.

* Cõi Tịnh độ nhân gian được xây dựng trong một tương lai xa hay gần, một phần nhờ Tha lực của chư Phật và Bồ tát âm thầm tiếp tay, còn phần lớn do chúng ta có chịu xuất toàn tâm lực để kiến tạo nó hay không ?

Lỗi ở chúng ta có biết sớm ăn năn hối cải, rũ sạch trần cấu và chịu quay về với bản tâm tự tính hay không. Yếu tố quan trọng vẫn là yếu tố cá nhân, và nhiệm vụ trọng đại của loài người ngày nay phải cùng nhau cố gắng thanh lọc tâm tư, diệt trừ ba độc, đoạn tuyệt thú tính và phát huy nhân phẩm của mình. Không nên tìm hiểu xem nỗ lực của ta có lợi ích gì cho công cuộc chung, và kỷ phần đóng góp của ta vào lợi ích cộng đồng phỏng được là bao ? Chỉ riêng sự cố gắng tận lực làm Thập thiện cũng đáng kể rồi. Và chỉ với tâm thành đó cũng đủ làm cho cuộc đời mình có ý nghĩa cao cả thiêng liêng.

* Những bước tiến vĩ đại mà khoa học đã đạt được trong công cuộc chinh phục không gian và chiến thắng thiên nhiên thực sự chưa đem lại cho loài người hạnh phúc mong muốn khi chưa có một sự phát triển tương đương về mặt đạo đức, tinh thần. Trong hiện tình thế giới ngày nay, sự phát triển toàn diện và thực sự có ích chỉ có được trên bình diện liên minh hoà giải giữa hai nền văn minh Đông, Tây ; giữa khối óc duy lý của khoa học và trái tim siêu lý của tôn giáo; giữa giá trị nhiệm mầu của con tim rung động trước nỗi khổ đau của tha nhân với sự khô cằn của khối óc thuần lý, vị kỷ ; giữa tiêu cực và tích cực ; giữa tương đối và tuyệt đối; giữa bản năng sinh tồn mù quáng của thức giác, quen chạy theo lục dục thất tình, với sự tự do lựa chọn của trí sáng suốt, biết đủ, và sự lựa chọn đó lại hoàn toàn tuỳ thuộc vào quyết định của ta.

* Thế giới này được cải thiện do quan hệ hỗ tương nhân duyên chằng chịt, nên mọi người cần phải tự cải thiện ngăn ngừa ngã ái, ngã si, hăng hái làm việc thiện để giúp đỡ lẫn nhau trong tinh thần xả kỷ, lợi tha để cộng nghiệp được tốt lành. Bởi lẽ xã hội chi phối cá nhân, nhưng ý chí mỗi cá nhân góp lại cũng có thể cải biến được cộng nghiệp của xã hội. Nguyên tắc này phù hợp với tinh thần : Tự giác, giác tha của nhà Phật vì sự giác ngộ của mỗi người về Phật tính sẽ gây ảnh hưởng dây chuyền tốt cho người khác quanh mình theo lý trùng trùng duyên khởi.

Mối liên hệ hỗ tương giữa cá nhân và đoàn thể được thể hiện qua hình ảnh của “lưới đế châu” nói trong kinh Hoa Nghiêm. Cái lưới của Phạm Thiên vây bủa khắp vũ trụ, chiều dọc là thời gian, chiều ngang là không gian, mỗi mắt lưới là một hạt kim cương lóng lánh sáng ngời, tượng trưng cho một cá nhân. Một cá nhân (hay nghiệp quả về thân, khẩu, ý của từng người) cũng như một hạt kim cương phản chiếu vào một đời sống (hay một hạt kim cương khác) ở mọi khía cạnh (hay hành động về thân khẩu ý) và nhắc đi nhắc lại tới vô cùng. Chẳng khác nào trong một buồng sáu bề lát kính, nhìn vào đâu cũng thấy hình bóng mình phản chiếu, nhắc đi nhắc lại hoài : đây chính là cái lưới ảo hoá mà Ôn Như Hầu đã nói : “Tuồng ảo hoá đã bày ra đấy…”. Và Lão Tử cũng bảo là : “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”(Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát).

* Sự quan hệ hỗ tương mật thiết giữa cá nhân và cá nhân là điều kiện thiết yếu để thành lập một xã hội an lành hạnh phúc. Điểm xuất phát của sự thiết lập một cõi Tịnh độ nhân gian là “tại đây và lúc này”. Nếu mọi người đều cùng sớm thực hiện được điểm xuất phát đó thì cảnh Địa đường sẽ được thiết lập chẳng lâu.

* Theo luật “Trùng trùng duyên khởi” và “Một là Tất cả, Tất cả là Một” thì sự Cộng biến và Tự biến tác động lẫn nhau, đưa tới sự hình thành xã hội, là môi trường sinh hoạt của cá nhân. Như vậy thì cõi Tịnh độ trong tương lai, tại chốn Ta bà này được xây đắp nhanh hay chậm là bởi hành vi cải thiện tim óc của từng cá nhân trong cộng đồng thế giới, song song với việc cải thiện guồng máy xã hội của mối quốc gia trong mọi lãnh vực văn hoá, đạo đức, chính trị, kinh tế… chỉ lo cải thiện con tim khối óc của từng cá nhân là những bộ phận nhỏ mà không lo cải thiện toàn thể cơ cấu xã hội loài người hay toàn bộ guồng máy vĩ đại của xã hội nhân loại thì chỉ là câu chuyện muốn sửa bóng cho ngay mà hình thì không thẳng, cứ giữ nó mãi trong tình trạng cong vẹo hiện thời, không chịu sửa đổi. Bởi vậy đồng thời với việc thanh tịnh hoá tâm hồn của từng người, cũng cần lo thanh tịnh hoá tình trạng xã hội của mỗi quốc gia trên thế giới.

Hiện nay tinh thần, đạo đức của nhân loại đang ở mức độ quá thấp gây nên bởi cuộc sống giả tạo, hời hợt chạy theo vật chất xa hoa, lệ thuộc quá nhiều vào máy móc và đồng tiền. Phải lấy Tuệ và Bi, lấy Tình thương sáng suốt, tôn trọng sự sống thiêng liêng của muôn loài để kiến thiết một xã hội công bằng và thuần lương, căn cứ vào sự phát huy tiềm năng và phẩm giá của con người.

Dù thời gian dùng để kiến thiết cõi Tịnh độ nhân gian này còn dài lâu và khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng thực hiện bằng được bởi tình thương và hợp tác chân thành thay vì thù hận và mưu mô xảo quyệt đấu tranh. Toà lâu đài hạnh phúc trạng lệ của loài người không thể xây dựng bằng máu xương và nước mắt, mà phải bằng Trí tụê và Từ bi. Thời gian để kiến thiết toà lâu đài tuỳ thuộc vào Nghiệp quả của toàn thể loài người, từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhưng đích sẽ tới nơi, vào một buổi bình minh êm đẹp trong tương lai, xa hay gần tuỳ sự tinh tiến và hợp tác chân thành của tất cả.

Mọi trở ngại việc quay về với Chân tâm, Phật tính của mỗi người, và mọi trở ngại bước thăng hoa của nhân loại tới một nền văn minh huy hoàng vĩnh cửu, hoặc mọi trở ngại tình trạng ổn định của một nếp sống lành mạnh, đạo đức đều chỉ làm trì trệ việc thành tựu cõi Địa đường này mà thôi. Chúng ta chớ nên dục tốc bất đạt !

* Hiểu được thực tướng của các pháp là “Không”, lại hiểu được chân lý “Chân Không Diệu Hữu” và Lý Bất Nhị, con người sẽ đạt được Thực tại tối hậu hay Niết bàn tại tâm, và xã hội sẽ giảm được nhiều phần tội lỗi khổ đau, bất công chia rẽ. Xã hội loài người sẽ toàn thiện và niềm an lạc sẽ ngự trị trên cảnh Địa đường này, trên mảnh Tâm điền này, nếu mỗi người đều thực muốn hướng về nẻo Chân, Thiện, Mỹ. Con người toàn thiện sống trong một xã hội thực sự hạnh phúc, hay thế giới lý tưởng tuỵêt đối, chỉ thành tựu được khi nào toàn thể nhân loại đều ý thức được tầm quan trọng của Chân lý Vô ngã, Vô thường, Nghiệp báo biến dịch, cùng vững tin ở đường lối hoà bình của đạo Bồ tát và sức mạnh vô biên của tâm từ vô lượng kết hợp với Trí sáng suốt của khoa học, biết dùng cây đũa thần Nguyên tử năng để phục vụ cho hạnh phúc chân chính và trường cửu của con người.

* Con đường tiến hoá của nhân loại được diễn ra trên hai chiều thuận nghịch, vãng lai, từ Nhất đến Vạn, rồi từ Vạn đến Nhất, hay từ Thiện đến Ác rồi từ Ác đến Thiện, chứ không phải chỉ trên một chiều tiến thẳng hay tiến theo hình trôn ốc về một phía. Sự tiến hoá đó đi từ Bản thể Chân Tâm tiến ra Hiện tượng Vạn hữu, rồi từ Hiện tượng Vạn hữu hoàn về Bản thể Chân Tâm. Việc quay trở về với Chân Tâm là quyền năng của chúng ta, ai ai cũng có thể làm ngay trong đời hiện tại, bằng cách quán tưởng, niệm Phật, cầu kinh; hồi đầu trở lại nội tâm, đoạn tuyệt hẳn nếp sống xưa, không cần đợi tới kiếp lai sinh mới làm được những việc đó. Với phương pháp “Quán Niệm Âm Văn” dựa vào nhĩ căn viên thông và hồi quang phản bản, quay ngược Tụê giác chiếu thẳng đáy lòng, ta có thể tóm thâu thời gian và không gian vào sát na tam muội, để quá khứ và vị lai gặp nhau tại đương xứ, có gì lâu xa đâu ?
 
Trích từ: Tịnh Độ Luận
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Vãng Sanh Luận, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Đọc Tiếp
2 Tịnh Độ Đại Kinh Giải Diễn Nghĩa, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Đại Thừa Ngũ Uẩn Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
4 Luận Đại Trượng Phu, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Quang Tải Về
5 Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận, Hòa Thượng Thích Như Điển Tải Về
6 Bồ Đề Chánh Đạo Bồ Tát Giới Luận, Hòa Thượng Thích Tịnh Nghiêm Tải Về
7 Thập Nhị Môn Luận, Hòa Thượng Thích Nhất Chân Tải Về
8 Thắng Man Giảng Luận, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ Tải Về
9 Luận Khởi Tín Đại Thừa, Hòa Thượng Thích Giác Qủa Tải Về
10 Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận, Hòa Thượng Thích Quảng Độ Tải Về
11 Luận Bảo Vương Tam Muội, Hòa Thượng Thích Hồng Nhơn Tải Về
12 An Sĩ Toàn Thư - Khuyên Người niệm Phật cầu sinh tịnh độ, Cư Sĩ Nguyễn Minh Tiến Tải Về
13 Luận Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, Cư Sĩ Minh Chánh Tải Về
14 Đại Thừa Khởi Tín Luận, Cư Sĩ Chân Hiền Tâm Tải Về
15 Phát Bồ Đề Tâm Luận, Cư Sĩ Quảng Minh Tải Về