Nhất Chân Nhất Thiết Chân
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Khi đã thấy chính xác được căn nguyên của sự đấu tranh, đó là ngã chấp, nếu tiếp tục suy luận cho ta thấy tiếp, người ta bảo vệ ngã hơn là bảo vệ chân lý. Nếu bảo vệ chân lý thì biết chấp nhận sự thật hay lý lẽ chân thật của tha nhân để sửa sai và hồi đầu. Như Khổng tử nói, "người chỉ cho ta thấy cái sai của ta là thầy ta, kẻ nói cái sai không thật của ta là người ganh ghét ta". Điều này chứng minh Khổng tử coi trọng sự thật tức chân lý hơn bản ngã, và sẵn sàng bỏ ngã để được chân lý, biết quán xét theo thật đức năng những lời phê bình về mình, để biết lời nói đó có giá trị hay không, đồng thời còn biết thế nào mới thực sự là một người thầy, tổng hợp những điều trên cho ta kết luận Khổng tử thật sự là người chân thật cầu học và biết học, vì vậy mới được 1 tỷ 300 triệu người tôn là vạn thế sư biểu (bậc thầy mô phạm của muôn đời). Một bậc vạn thế sư biểu mà sẵn sàng nhận lỗi, và kính trọng người chỉ lỗi đó như thầy mình, còn phàm phu thì sao? vì ngã mà chống trả lại sư trưởng nếu bị chỉ lỗi, Cái học của bậc thánh với phàm khác nhau nơi ngã. Thánh bỏ ngã để được lẽ phải. Phàm bác bỏ lẽ phải để bảo vệ ngã.

Còn về Phật pháp, đức Phật dậy, nếu gặp bậc hiền trí, chỉ lỗi và khiển trách, như chỉ chỗ chôn vàng, hãy kết thân người trí, làm bạn với người ấy, chỉ có lợi không hại. Khi phát tâm học đạo là phát tâm tìm kiếm những sai lầm của ta trong ba nghiệp, song ta khó thấy được ta, bằng thiện tri thức, nên nhờ nương thiện tri thức để chỉ ra cái vô minh trước đã, diệt vô minh rồi thì huệ sinh, ôm giữ vô minh không xả thì trí huệ nào trộn lẫn với vô minh đều có mùi hắc ám, như sâm nhung hòa chung với nước mắm, vì vậy muốn được sâm nhưng trước phải súc bình cho sạch, cũng vậy muốn được trí huệ phải biết sám hối mọi nghiệp tội trong quá khứ và hiện tại, tức súc cho sạch ba nghiệp trước khi thu nhận chính pháp. Vì vậy người chỉ lỗi và khiển trách chính xác là thiện tri thức của ta, là thầy ta, nhận lỗi và sám hối là xả vọng quy chân, nhờ vậy trí huệ mới nẩy sinh, nên được đức Phật khen là một trong bậc trí huệ ở thế gian (kinh Đại bát niết bàn). Thế nhưng đa số người học đạo, vác cái ngã tổ bố đi lượm nhặt kiến thức của sách vở, của giảng sư, thành bệnh béo phì ngã chấp, dùng pháp này bảo vệ và che đậy cho ngã bằng đủ mọi ngụy biện của ngôn từ, mà người Việt hay nói, cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Chính vậy từ đức Phật đến các thành nhân thế gian như Lão tử, Khổng tử, Mạnh tử đều phủ nhận ngôn từ chẳng phải là đạo. Ngay từ căn bản họ đã ngộ nhận, học đạo để giúp ngã tăng trưởng kiến thức, phúc báo ngũ dục, lợi mình lấn người, mà không biết đó là cách học đạo bội giác hợp trần. Điều kiện tiên quyết để nhập đạo của Phật pháp là cắt ái từ thân, xuất gia nhập đạo. Ái là mạng mach của ngã, cắt ái thì ngã tử vong. Thân là thân bằng gia đình họ hàng thân thuộc, nhưng chẳng thứ nào trong đó là thân bằng vĩnh hằng bằng mọi thói quen của ngã, những thói quen này theo ngã từ vô lượng kiếp nay. Từ thân là từ bỏ mọi thói quen tức ngã sở pháp. Nói chung cắt ái từ thân là bỏ ngã và trừ ngã sở. Gia là nghiệp, ngã luôn tạo nghiệp lực đạo luân hồi, nên nhà của ngã chính là tam giới lục đạo, ngã thay đổi nhà và trụ xứ trong vô lượng kiếp, lúc ở dinh thự, khi nằm gầm cầu, lúc ở chuồng heo, khi ngự thiên đường, nhưng vẫn nằm trong tam giới không thay đổi, nên tam giới gọi là gia, như người ở trong nhà có nhiều phòng, khi ở phòng này, lúc ở phòng kia, phòng tuy nhiều, nhưng nhà chỉ một. Xuất gia là ra khỏi căn nhà vĩnh hằng xưa nay là vọng nghiệp, không phải căn nhà bằng gạch hiện tại. Nhập nghĩa là vào, hễ bước ra khỏi nhà là rơi ngay vào trong đạo, nên nói xuất gia thì mới nhập được đạo, như người ra khỏi nhà tất thấy đường xá cảnh vật. Song bởi vọng thức, hiểu lầm bỏ nhà bỏ luôn cha mẹ, từ giả người thân, vác hết hành trang, trong đó có ngã và ngã sở lên đường vào chùa thế phát, gọi đó là cắt ái từ thân, xuất gia nhập đạo, tựa hồ ngốc tử khen cha, làm thiên hạ nghi ngờ công đức của xuất gia, bởi cắt ái phụ mẫu, thay bằng ái thầy ái huynh đệ, từ thân bằng nhưng kết bổn đạo làm thân bằng, bỏ nhà nhưng coi chùa như nhà ta, bởi vậy đạo vẫn ở đằng sau ta. Muốn thấy đạo cần hồi đầu. Đức Phật rõ biết chư căn tính dục của chúng sinh nên căn dặn một điều quan trọng khi đối đầu với u mê khổ quả. Hồi đầu thị ngạn. (Đến đây lại sản sinh thêm nhiều chi tiết, nhưng chúng ta chỉ lấy một chi tiết liên quan đến chi tiết ban đầu).

Thế nhưng người đời luôn luôn trọng ngã hơn trọng chân lý, nên thà chối bỏ chân lý nhưng không chối bỏ ngã, do đó mới gọi là u mê và vô trí, vì vậy trí huệ như chư Phật chỉ bầy cặn kẽ song vẫn không hiểu hoặc chỉ hiểu lầm theo ngã kiến, nhưng tựu chung vẫn bất khả thi. Do vậy có tu học đến đâu đi nữa mà còn ngã thì còn chướng ngại. Như tại sao phát bồ đề tâm được mà hành lại không được, tại vì phát tâm bồ đề vì ngã, không thật vì chúng sinh, nếu vì chúng sinh thì một khi phát tâm rồi, mọi hành động sẽ là bi nguyện lợi tha. Vì ngã cho nên chúng sinh vẫn chẳng được chút lợi lạc nào với bồ đề tâm mà Phật pháp ca ngợi, vì bồ đề tâm đó vẫn cố chấp không chịu đổi ngã lấy chân lý. Như vậy phát bồ đề tâm đó chỉ là phát bồ đề khẩu, và đương nhiên những người phát tâm này là những gã ngốc tử khen cha. Biến bồ đề tâm thành trò đùa, và công đức của bồ đề tâm bị nghi ngờ. Như cha của ngốc tử bị vạ lây vậy. Phải hiểu rõ chân phát bồ đề tâm chính là xả ngã vì chúng sinh, với lời nguyện "đương nguyện chúng sinh" Có ngã tất không thể vì ai được, đó là một sự thật thấy được ở khắp nơi và mọi lúc, chỉ có u mê cực độ mới đui mù không thấy được cái sự thật đầy dẫy ở thế gian và nó sống chung với mình hằng bao đời nay.

Lại nữa như con đề cập đến sự đấu tranh. Đấu tranh là xấu hay tốt? Đấu tranh vì ngã là điều tệ hại, vọng tác vô biên nghiệp khổ cho mình và người. Đấu tranh cho sự nghiệp an lạc của chúng sinh là điều mà chư vị bồ tát thường làm. Giả như tranh chấp giữa hai người, có thể cả hai cùng sai nếu đều vì ngã, có thể người trúng kẻ sai, như một người theo ngã, một người theo chân lý, hai cái thấy này không trùng hợp, người theo chân lý là vì sửa cái sai nguy hiểm cho kẻ ôm giữ ngã, nên là bồ tát đạo, kẻ khư khư giữ chặt bản ngã sợ mất như thể mất vợ, là kẻ quấy. Chúng ta phải phân biệt như vậy để vẫn đấu tranh mà không đấu tranh, như tay không cầm cán cuốc. Vì ngã khởi tranh gọi là đấu tranh, như tay đã cầm vật tất bận buộc không cầm được vật gì nữa. Vì chân lý khởi đấu tranh không gọi là đấu tranh, bởi chân lý vốn vô ngã, nên đấu tranh mà không bận buộc, có nghĩa cầm mà vẫn rảnh như tay không, thuật ngữ trong thiền tông gọi trình độ này là thùy thủ nhập triền, có nghĩa thỏng tay vào chốn chợ triền, vào chốn bận buộc mà vẫn an nhàn, đồng với cầm mà vẫn như không cầm. Đừng quên là vì chân lý mà không phải vì bất cứ thứ gì thuộc thế gian, như dân tộc hay xứ sở. PonPot, Hitler đều nhân danh này đấu tranh, đưa đến thảm họa cho nhân loại, giả như những kẻ này đừng vì họ đấu tranh thì họ hạnh phúc hơn nhiều. Tất cả những danh từ hoa mỹ chính nghĩa đó cũng chỉ là ngã sở mà thôi. Do vậy đức Phật không khi nào có tinh thần dân tộc chủ nghĩa, nhất thiết chúng sinh, bất luận mầu da chủng tộc đều bình đẳng trước nhân quả, và bình đẳng trên ước vọng được sống an lành, nên Ngài tuyên thuyết "không có giai cấp (chủng tộc) trong nước mắt cùng mặn, trong máu cùng đỏ". Do thấy nhất thiết chúng sinh bình đẳng, nên không một dân tộc nào bị thù ghét hay khủng bố, mà chỉ có nguyện độ nhất thiết chúng sinh. (Đến đây lại sinh ra nhiều chi tiết để nhận chân, nhưng sp chỉ nhặt lấy một chi tiết trong đó để tiếp tục suy luận).

Chúng sinh bình đẳng bao hàm mọi cái ngã đều bình đẳng, trong đó có cái ngã của ta. Đã bình đẳng thì không cần chọn lựa, dụ như trong bát nước rau, thì không cần phải chọn chỗ nào để múc, vì vị đều vô sai biệt, do đó phụng sự cho ngã hay cho tha nhân, nào có khác biệt, nhờ vậy mới có thể hành theo bồ đề tâm "đương nguyện chúng sinh" được.

Nếu chân phát tâm tất phải cứu xét tâm tính thường xuyên, để thấy bồ đề đi một đường, tâm đi một nẻo, chỉ gặp nhau ở cửa miệng mà thôi. Phát bồ đề tâm là lấy tâm ta quy y với bồ đề, gọi là tự quy y. Đem tâm này quy y bồ đề có nghĩa, ngã chịu khuất phục trước chân lý là sự giác ngộ. Giác ngộ là xả vọng quy chân, vọng là ngã, chân là bồ đề. Vọng diệt chân hiện, bấy gìơ bồ đề tâm tự tại tác dụng, đi đứng nằm ngồi đều độ chúng sinh, quá sức bận rộn, nhưng chẳng thấy có ngã độ sinh và chúng sinh tức ngã nào để độ, nên nhàn quá mức, đó cũng là nghĩa tay không cầm cán cuốc, đi bộ ngồi lưng trâu.

Còn như có người cho rằng có nhiều thầy vì hành bồ đề tâm mà không tự lượng sức mình, nên hoàn tục lấy vợ, thì xin thưa những người này vì tà tâm mà kề cà nữ sắc, nếu thật vì bồ đề tâm mà gần thì vẫn vô nhiễm, như câu chuyện Huệ sân nhắc tới trong một bài phát biểu, về hai huynh đệ gặp cô gái ở bờ sông. Nếu ta hiểu lầm thì sẽ cho vì bồ đề tâm mà nhiều người tu gục ngã, vì những người này không lượng sức bồ đề tâm của mình. Oai lực của bồ đề tâm rất vô cùng, chính vậy mà căn bản tu hành phải phát bồ đề tâm. Người tu gục ngã do không phát bồ đề tâm, mà không hề phải do bồ đề tâm yếu, một người chân phát tâm, lập tức có năng lực phi thường vượt qua mọi phàm tâm vọng thức. Đừng dùng vọng thức phát bồ đề tâm, rồi tự suy bản thân thấy theo quý thầy phát tâm hoài, mà dục vọng vẫn còn, nên nơi vọng sinh vọng cho là bồ đề tâm có yếu như mình và mạnh như chư tổ sư.

Không thấy đức bổn sư do phát bồ đề tâm mà làm được việc khó làm, khiến lục phương Phật phải hiện tướng lưỡi dài rộng xưng tán (kinh A di đa) đó sao. Nếu không phát và cứ mãi tự lượng sức mình thì chẳng biết ngài giờ đi làm trong hãng nào, và chúng ta thì đang lặn trong dòng sông nào đó với lưới bủa vây, hay bay vất vưởng trong những khu rừng sâu tìm sâu bọ sống qua ngày tháng. Những người này không hiểu khi phát bồ đề tâm, là tâm và bồ đề bất nhị gọi là bồ đề tâm, tâm không lìa bồ đề, bồ đề bất ly tâm, có nghĩa lấy giác quán tâm, lấy tâm quán vọng, tâm quy y bồ đề nên bội trần hợp giác. Chỉ một phen quán chiếu thấy ngã này, thân là gốc sinh muôn tội, tâm là nguồn ác (Bát đại nhân giác) thì có đủ sức mạnh để hồi đầu. Đừng do vọng thức mà gián tiếp cho rằng những người mới phát bồ đề tâm sẽ rất nguy hiểm dễ ngã gục, vì không lượng sức bồ đề tâm của mình, khiến cho người chưa phát thì không dám phát, kẻ phát rồi thì sợ hãi không dám hành bồ đề tâm.

Nếu chỉ biết nói là bồ đề tâm thì làm cái gì cũng đúng, nhưng không biết đúng theo thật đức năng về bồ đề tâm, thì chỉ là lời lẽ của ngốc tử khen cha.

Phàm sự tu học đời hay đạo đều cần đến hai lực là tự và tha, thiếu một trong hai sẽ thất bại. Người đời nói không thầy đố mày làm nên, rất đúng nhưng chỉ là điều kiện ắt có mà chưa đủ, vì phải cần đến sự nỗ lực của mày nữa, nếu mày suốt đời thân cận người có trí mà không nỗ lực thì như đức Phật dậy, người ngu dầu trọn đời, thân cận ngưòi có trí, không hiểu chân diệu pháp, như muỗng đối với bùi. Vì vậy cần phải nương tha lực để phát huy tự lực, điều này nẩy sinh hai xu hướng y văn hiểu nghĩa, điển hình là hai phái ngốc tử khen cha của thiền và tịnh. Hai hàng hiểu lầm giáo nghĩa chân thật của Thiền và Tịnh. Thế nào là phái tịnh độ của ngốc tử khen cha, đó là tư tưởng không tu hành bất cứ thiện pháp nào để cầu thanh tịnh hóa thân tâm, chỉ cứ dựa vào niệm danh xưng Phật là đủ, và ngoài lúc niệm Phật thì niệm vợ con tài sản, tổ sư của tịnh độ dậy, ái bất trọng bất sinh ta bà, niệm bất nhất bất sinh tịnh độ (ái mà không nặng không sinh ta bà, niệm mà không chuyên nhất không sinh tịnh độ). Kinh A di đà nhấn mạnh, điều kiện vãng sinh cần phải nhất tâm bất loạn, tâm vô nhị niệm, nay chúng ta luôn khởi nhị niệm, thì sao gọi là chuyên nhất nói gì đến nhất tâm, một khi đạt được nhất tâm, gọi đó là niệm Phật tam muội, có nghĩa chẳng còn chút tạp niệm của chúng sinh xen vào tam muội này được, tạp niệm của chúng sinh có vô số nhưng từ một gốc ngã sinh, như rễ sinh ra muôn vàn hoa lá. Nếu không nhất tâm, tất tâm nhị pháp (phân biệt) hãy còn, song giả sử vẫn được vãng sinh, thì một khi vãng sinh rồi vẫn nhân ngã thị phi náo động cõi tịnh, khiến tịnh thành uế. Bấy giờ không phải chỉ hủy báng đức Phật và tịnh độ bằng lời như ngốc tử mà ác hại hơn nhiều bằng chính hành động. Nơi nào có ngã nơi đó có bất đồng và tranh chấp đừng quên điều này. Điều này luôn theo sát ta trong đời sống mà sao không chiu thấy. Cho nên chư Phật và các vị tổ sư dậy niệm Phật không phải niệm Phật không thôi, mà có thêm chi tiết làm sao niệm cho được từ chuyên nhất đến tam muội. Chuyên nhất là bất loạn, nhất tâm là tam muội. Lại có người sẽ lý luận rằng khi đái nghiệp vãng sinh rồi, nhờ đức Phật A di đà khai thị ta sẽ chứng quả, dứt nhân ngã sống an bình bất động trên tịnh độ.

Họ quên mất trong đời sống họ tạo tác biết bao nghiệp quả, nay họ trốn được nghiệp báo nhờ xin tỵ nạn ở tịnh độ? Đức Phật dậy, hoặc trên trời dưới biển, hay trốn vào rừng núi, không chỗ nào trên đời, trốn khỏi quả ác nghiệp. Chắc chắn đức Phật A di đà không phá đám định luật nhân quả này ở thế giới Ta bà, bằng cách cho kẻ ác tỵ nạn. Ít ra những kẻ ác đó phải hồi đầu tu tịnh nghiệp sám hối nghiệp chướng, thanh tịnh thân tâm mới có thể mang dư nghiệp vãng sinh, như vậy rõ ràng phải nỗ lực trì giới hành thiện tích tụ công đức thanh tịnh như kinh Duy ma dậy, dục cầu tịnh độ, đản tịnh kì tâm, tùy kì tâm tịnh, tức Phật độ tịnh (muốn cầu vãng sinh, chỉ cần tịnh tâm, tùy theo tâm tịnh mà Phật độ của ta tịnh theo). Kinh A di đà cũng dậy, bất khả dĩ thiểu thiện căn phúc đức nhân duyên đắc sinh bỉ quốc (không thể dùng chút ít thiện căn mà vãng sinh được) . Chư Phật biết chúng sinh thường niệm ái dục nên phương tiện bầy niệm danh chư Phật để trừ bớt ái dục niệm. Nếu chuyên niệm hồng danh Phật phải như Liên tông cửu tổ Ngẫu ích dậy rằng, thực có thể niệm Phật buông bỏ thân tâm tức đại bố thí, thực có thể niệm Phật không khởi tham sân si tức đại trì giới, thực có thể niệm Phật chẳng so đo nhân ngã thị phi tức đại nhẫn nhục, thực có thể niệm Phật không chút gián đoạn giáp tạp tức đại tinh tiến, thực có thể niệm Phật không còn vọng tưởng đeo đuổi tức đại thiền định, thực có thể niệm Phật không còn gì mê hoặc được nữa tức đại trí huệ . Chữ đại ở đây là ba la mật đa. Những người ngộ nhận niệm Phật thì lai rai, niệm đời thì trong mọi động tác, không cần trì trai giữ giới, hành thiện như cứu tế người bị nạn, ăn chay, phóng sinh làm những việc mà các vị tổ sư Liên tông thường khuyên dậy và thực hành, mà mong vãng sinh, thì thật tham lam muốn bỏ công ít mà được quả nhiều. Cầu một chút phúc hèn của thế gian cũng trầy da sứt vẩy, những thứ hạnh phúc mong cầu của nhân sinh không có thứ nào dễ được, những thứ dễ lại là những thứ chúng sinh sợ hãi cực kì. Sở dĩ mỗi chúng sinh có mỗi cảnh giới phúc họa sang hèn, trí ngu khác nhau đều do nơi tâm huân tập thiện hay ác nghiệp, như vậy suy ra không huân tập thiện nghiệp thì đến Phật pháp cũng vô duyên, nói gì đến gặp Phật văn pháp, là những nhân duyên hy hữu vô cùng. Hiện tại phúc huệ không tu, làm sao có cơ hội gặp Phật khai ngộ. Tu tịnh nghiệp như vậy sẽ khiến những người khác chê bai chỉ trích pháp môn niệm Phật. Nếu cứ nhị tâm niệm Phật thử hỏi khi vô thường đến ta đi về nẻo nào? Chắc chắn lúc đó ta như con ngựa đi theo đường cũ. Trong đời sống ta niệm Phật và niệm thế gian, bên nào trọng bên nào khinh? Điều này lại cần đến vấn đề cứu xét tâm tính, tự vấn lòng mình thì rõ.

Đến tu thiền thì vọng cho là cứ ngồi yên bất động là thiền định, mà không thấy Mã tổ bị Nam nhạc bác, Vĩnh gia bị Huyền sách phê phán. Chỉ biết thân định mà không biết thử tâm thường định bất ly thiền, nên hành trụ tọa ngọa đều thiền định. Lại vọng chấp phá tướng, mà chê bai tụng kinh lễ Phật, song chẳng hiểu tự ta đang chấp vào pháp chấp nói trên, thành như ngoại đạo sinh hoạt. Bị che mắt không thấy Ngũ tổ và lục tổ dậy người tụng trì kinh Kim cương. Cũng chẳng nhận ra lục tổ dậy Pháp đạt, kinh có lỗi gì mà không tụng. Tự cho mình là tự lực khinh chê Tịnh độ là chỉ biết nương tha lực, mà không nhận chân thiền hay tịnh đều phải nương vào chư Phật, mà ra sức tu hành mới đạt được thành quả. Nghe tổ sư nói tức tâm tức Phật, liền chấp lấy, vỗ ngực nói ta cũng là Phật nên chẳng cần lậy Phật, mà không hiểu tổ sư nói tức tâm tức Phật là chân tâm, nào phải cái tâm tham dục huyễn hóa hiện tại của ta. Những kẻ tự nhận là thiền này, chỉ khiến tha nhân hiểu lầm thiền tông là vô kỉ cương, khùng khùng điên điên, mà chê cười, như ngốc tử khen cha.

Suy luận sẽ không cùng…..Từ một thật luận ra vô lượng thật, phá trừ vô luợng vọng chấp.

Phóng sinh, thiện pháp thuộc bồ tát đạo
Hôm qua tôi và quý thầy cô cùng các Phật từ 3 nước Bắc Âu đến, đi phóng sinh cho các Phật tử ở khắp nơi phát tâm, nhờ đạo tràng Côn minh thực hiện dùm. Một lần không thể phóng hết được, nên cứ hai ngày đi phóng sinh một lần từ giờ cho đến ngày Vu lan, mỗi lần từ 3 đến 400kg cá lươn. Sau khi sám hối và quy y cho bầy cá xong, từng chậu và thùng cá được trút xống hồ nước, dường như để đền đáp, bầy cá trình diễn màn nhẩy lượn trên mặt nước, coi rất vui mẳt, 5 Phật tử trẻ đến từ 3 nước Nauy, Đan mạch và Thụy điển, đều moi máy hình ra chụp và quay cảnh tượng tung tăng giải thoát nói trên.

Suốt từ mùa Phật đản đến giờ, biết bao sinh mạng đã được bi nguyện của Phật pháp cứu thoát. Một khi trở về Âu châu dưỡng già, niềm bất nhẫn nhất của tôi chính là mình sẽ không còn dịp hành thiện pháp này, để giúp cho biết bao sinh linh thoát khỏi thảm tử. Đời sống của người phát bồ đề tâm phải có ích lợi thiết thực cho nhất thiết chúng sinh, mà không chỉ hạn hẹp nơi loài người. Đức Phật cứu độ không giới hạn nơi nhân loại, từ bi của ngài trải đến muôn loài, con người khinh bỉ súc sinh, coi chúng như lương thực, mặc tình cắt chặt thân thể chúng, nướng xào kho hầm, chẳng màng đến cái đau đớn của chúng sinh, chỉ vì cái ngon miệng trong chốc lát, đâu ngờ rằng vị thì mất mà nghiệp thì còn. Vị ngon qua khỏi cổ lập tức biến thành oán nghiệp. Mạt lợi phu nhân chỉ vì làm thịt dê cho người chồng yêu thương của mình ăn, theo lời yêu cầu của người này, mà hai vợ chồng đó phải chịu số kiếp cắt cổ chặt đầu nhiều như số lông trên người con dê (xem kinh Vị tằng hữu), nghĩ thử xem chúng ta "làm thịt" chúng sinh bao nhiêu lần rồi? Và chẳng khởi được mảy may bi nguyện nào đến với loài này, một bi nguyện hạn hẹp, "kì thị chủng loại" như vậy, mà được gọi là bồ đề tâm sao? Ăn chay chỉ là mặt tiêu cực của trì bất sát giới, phóng sinh mới là mặt tích cực của gìới này, giữ cả hai mặt này là giữ giới bất sát viên mãn.

Phóng sinh là thiện pháp rất được chư vị tổ sư của Liên tông tán thán và khuyến khích, đặc biệt nhất là lục tổ Vĩnh minh Diên thọ, người được coi là hóa thân của Phật A di đà, và bát tổ Vân thê Liên trì đại sư. Ngũ giới cũng lấy bất sát sinh là giới trọng đầu tiên, vì Phật pháp lấy từ bi làm nền tảng tu hành.

Một phần lý do nào mà chư tổ sư khuyến khích mọi người tu hành thiện pháp này, tôi đã nói qua bài phóng sinh gửi đến cho mọi người, nhưng đó chỉ là phần nhỏ trong vô lượng nguyên nhân, khiến chúng ta tu thiện nghiệp này.

Hôm nay chúng ta thảo luận đến một mặt của thiện pháp phóng sinh. Nhân ngày Vu lan chúng ta hay gọi là ngày xá tội vong nhân, có nghĩa nhờ nương công đức an cư tu hành của chư tăng mà địa ngục và ngạ quỷ được nghỉ ngơi sự đau khổ, và đâu phải chỉ có hai đạo này được lợi lạc, mà súc sinh đạo cũng được nương, nhờ tháng 7 trở thành tháng tu tập, nên đa số Phật giáo đồ bắc truyền đều ăn chay và phóng sinh, như vậy cả tam ác đạo đều nhờ công đức tu hành của Phật giáo đồ, hay nói rõ hơn là do công đức của Phật pháp, mà được an lành.
Chúng ta đã biết Phật pháp lấy từ bi làm nền tảng tu hành, bất luận tiểu thừa, đại thừa đều không ra ngoài từ bi, nếu ngoài từ bi tất thành ngoại đạo. Có thể nói cả đại lẫn tiểu thừa đều lấy từ bi làm phương tiện tu hành để đạt được trí huệ giải thoát, nhưng đại thừa không dừng từ bi ở chỗ giải thoát tự thân, mà phát huy từ bi để độ sinh, như đã dùng từ bi để độ mình.  Do vậy từ bi này được gọi là từ bi tam muội, bất động (là nghĩa của tam muội) mà không ngừng tác dụng (độ sinh) nên còn gọi là vô duyên từ bi, còn từ bi của Thanh văn được gọi là Pháp duyên từ bi, vì do duyên nơi pháp khởi bi tâm, hành bi pháp độ chúng sinh, cho đến khi giải thoát, đại khái như chúng ta khi tu bát trai giới, vì nương theo giới pháp, mà khởi bi tâm, khi xả giới pháp, thì xả luôn bi tâm, sát sinh hại mạng lại như thường. Còn từ bi của chúng ta là chúng sinh duyên từ bi, có nghĩa phải duyên vào cảnh thống khổ của chúng sinh mới khởi tâm hành bi pháp, cứu tế chúng sinh, như các việc từ thiện thế gian hay làm, còn nếu không gặp các duyên này thì từ bi nghỉ xả hơi. Vô duyên từ bi không cần vào các duyên này cũng như không cần duyên pháp mà vẫn khởi từ bi, nói khởi là cưỡng nói, từ bi này thật sự không theo duyên hiện mà khởi, cũng chẳng theo duyên diệt mà mất, nên mới là tam muội bất động.

Từ bi là tâm cứu độ, bao hàm hai phương diện Thứ nhất là cứu độ thân nghiệp mạng, thứ hai là cứu độ huệ mạng.

Thứ nhất cứu độ những nổi khổ quả nơi thân tâm huyễn hóa của chúng sinh, đó là những điều cầu cứu khổ của tuyệt đại đa số tín đồ đại thừa, trong ba đời, đã, đang và sẽ tiếp tục cầu cứu như vậy. Chúng ta gọi đây là sự cứu độ thân mạng ở thế gian, tức thuộc về phương tiện thế gian pháp.

Phật pháp phương tiện dậy chúng sinh tập không sát trước, rồi mới phóng tức cứu. Không sát là mặt tiêu cực của từ bi, giúp chúng sinh tránh quả ác, và cũng có nghĩa đoạn ác. Cứu mạng sống là mặt tích cực của từ bi, giúp chúng sinh đắc phúc báo thiện quả, cũng có nghĩa là hành thiện. Hoàn thành cả hai phương diện mới là mặt từ bi viên mãn về thế gian, cứu khổ cho người và cho ta, không rơi vào ác đạo, được vãng sinh cõi Phật. Đây mới thật là tam tụ tịnh giới.

Thứ hai, nhờ thân nghiệp mạng được cứu bằng xả ác hành thiện rồi, nên đủ phúc được thân cận thiện tri thức, cho đến thân cận chư Phật bằng vãng sinh. Đủ huệ nghe hiểu được thật nghĩa của Phật pháp. Thấy Phật pháp từ kim khẩu Như lai cho đến muôn sự muôn vật đều diễn dương Phật pháp, như gío thổi cây rung, nuớc chẩy chim hót đều là diễn dương Phật pháp, không chỉ ở tịnh độ mà ngay uế độ cũng không khác, nên Phật dậy, nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Do hiểu được Như lai chân thiệt nghĩa nên huệ mạng tăng trưởng, thấy cảnh giới giải thoát tức cảnh giới chư Phật tự hiển bầy, không cần phải đi một bước nào để vào, như cổ đức nói bất lao đàn chỉ đáo tây phương (đến tây phương còn khỏe hơn búng tay).

Quan âm bồ tát cứu khổ huệ mạng cho chúng sinh bằng cách dậy chúng sinh tu tập trí huệ quán chiếu ngũ uẩn giai không, ngũ uẩn đã không tất ngã không, ngã không thì khổ bám vào nơi nào để tác dụng, nên nói là độ nhất thiết khổ ác, xa lìa mọi điên đảo vọng tưởng của ngã, nên đạt được cứu cánh niết bàn thanh tịnh vô vi bất động. Tu huệ lấy diệt ngã làm đầu, ngược lại đa số chúng sinh nghĩ tu huệ để nâng cao ngã, khiến mọi người vị nể, nào hay ngã càng tăng thì càng vô minh, vô minh đến độ bất phục thiện. Để bảo vệ ngã, thậm chí còn khởi tâm tranh chấp cả với sư trưỏng, mà quên mất rằng từ công phu thực tiễn tu hành cho đến sự hiểu biết mình đều không sánh được, nhưng hễ trái với ngã thì lập tức dùng "ngã trí" biện luận với "thật trí vô ngã". Phật pháp gọi những người này là tăng thượng mạn, vì vậy diệt mất huệ mạng, tạo nghiệp vô minh, đưa đến cảnh giới tam ác đạo. Phàm phu không biết gốc ác và vô minh của ngã hiển bầy ngay trong những ý tưởng và hành động nói trên. Do đó chư Phật chư bồ tát mới dậy quán tứ đại phi hữu, ngũ uẩn giai không để diệt cái gốc của ác và vô minh là ngã. Đây gọi là cứu cánh pháp cứu độ chúng sinh xuất thế gian.

Chúng ta vì thiếu bi trí, không thể tự lực tiêu trừ nghiệp chướng, nên phải dựa vào tha lực từ bi trí huệ của chư Phật để học và hành pháp trừ diệt nghiệp chướng, loài súc sinh do nghiệp vô minh mà thành, vì vậy dĩ nhiên chúng còn tệ hơn chúng ta rất nhiều, không chút chủng tử phúc đức và trí huệ, nên hoàn toàn bị nghiệp dẫn dắt, do vậy phải dựa vào tha lực bi tâm của chúng ta, vì chúng chưa đủ phúc huệ biết đến tam bảo, nên chúng ta giúp chúng quy y phóng sinh cứu thân nghiệp mạng của chúng, để do quy y khiến chúng được kết duyên với tam bảo, hành động cứu mạng sống của chúng là cột nhân duyên chúng vào với chúng ta. Như chư Phật thường đi khất thực để cột nhân duyên cho thí chủ với ngài, hầu cho họ có nhân duyên đắc độ. Nay chúng ta nguyện hành bồ tát đạo, từ bi thiết lập phương tiện nhân duyên đắc độ cho chúng, ta lấy giải thoát làm sự nghiệp, nên chúng có nhân duyên với ta, tức đồng nghĩa có nhân duyên với giải thoát. Đó là cách thức độ những chúng sinh nan độ, nan độ do thiếu nhân duyên, nếu nhân duyên đầy đủ tất dị độ. Như những người có nhân duyên với Như lai đều đắc độ, còn có nhân duyên với ngoại đạo, vẫn mệt nhoài trôi giạt trong ngũ thú. Chúng ta do có nhân duyên với Phật pháp chậm trễ nên hiện giờ vẫn còn xa vời với trí huệ của Phật pháp.

Như vậy phóng sinh là một cách phát bồ đề tâm hành bồ tát đạo, tự lợi lợi tha. Hiện tại cứu thân mạng, và gieo duyên Phật pháp đắc độ cho chúng, nhờ nhân duyên đắc độ này, mà đời đương lai chúng mới có duyên với chính pháp, đã có duyên với chính pháp tất không còn mang thân ngu si của súc sinh nữa, một khi chúng có được thân người, ta mới có thể khai mở huệ mạng cho chúng. Đừng quên rằng ngay chính đức bổn sư còn từng đọa thân súc sinh (kinh Vị tằng hữu), hà huống chúng ta. Trong mọi tha lực chúng sinh có thể nương được ở thế gian, chỉ là những tha lực đòi hỏi điều kiện, mà sự cứu giúp lại rất nhất thời, như khi ta cầu cạnh đến sự cứu giúp của bất kì ai, người này luôn có điều kiện để đáp ứng. Chỉ có tha lực của Như lai là vô điều kiện và cứu tế vĩnh hằng. Chính vì vậy Như lai và trí lực này mới là chỗ nương và cầu (quy y) duy nhất của chúng sinh.

Còn những kẻ lý luận, phóng sinh là khuyến khích người bắt cá nhiều hơn. Bản thân tôi thường hành phóng sinh đơn độc với dăm ba người bên cạnh hằng bao năm nay, chứng tỏ rất ít người phát tâm từ bi cứu tế muôn loài, cho dù nhiều lần "phát bồ đề tâm" thệ độ nhất thiết chúng sinh, trong mọi thời kinh, tha thiết muốn chư Phật, đại biểu là Quan âm bồ tát bảo hộ cho ta và thân bằng quyến thuộc được luôn an lành trong sáu thời. Nhưng không suy tự thân, có chúng sinh nào mà không khát khao sự an lành? Vì sao ta muốn an lành giết hại chúng sinh? Quan âm bồ tát sẽ bảo vệ ta tạo một đời sống như vậy? Đừng quên hãy bảo vệ nhất thiết chúng sinh để ta được an lành. Như vậy đủ thấy thiện pháp này không được hưởng ứng, có hưởng ứng cũng chỉ ba bẩy hai mốt, từ bi và hành nguyện không bền vững, nay phát mai thu hồi, nên tu học Phật mới khó tiến bộ. Tuy nhiên cho dù như vậy, tức rất ít người phóng sinh thường xuyên, tôi vẫn chưa hề thấy người ta bớt đánh cá mảy may nào đâu. Chẳng hiểu những người lý luận trên dựa vào đâu mà đổ hết lỗi đánh cá cho người phóng sinh, mà bỏ qua những người hay ăn thịt cá, chân lý của họ còn trong cơn mộng mị, đi chơi đâu mất rồi. Một khi biết đổ thừa, thì nên lắng tâm suy nghĩ lại, nên cản người phóng sinh hay nên cản người sát hại chúng để thỏa mãn môi miệng. Xin suy gẫm lại để khỏi hủy báng thiện pháp mà chư Phật và chư tổ sư khen ngợi.

Nhân mùa Vu lan coi đây như một món quà gửi đến trước nhất cho thân mẫu và sau đó cho mọi người trong đạo tràng vô trụ. Hồi hướng công đức đến với mười phương chúng sinh (nhớ là chúng sinh không phải chỉ là nhân loại).

Nam mô Vu lan hội thượng Phật bồ tát.
 
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Công Đức Phóng Sanh
Pháp Sư Viên Nhân

Tọa Thiền Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Thiền Định
Pháp Sư Đạo Thế