Phổ Hiền Và Đại Hành
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Đại thừa Phật pháp mang nhiều đức tính rông lớn, thâm sâu không có giới hạn, nên thường dùng chữ “đại” để biểu trưng cho sự vô giới hạn của các đức tính, như đại trí, đại huệ, đại từ, đại bi, đại hành, đại nguyện, đại hùng, đại lực…

Hôm nay nhân ngày vía của đại hành Phổ Hiền bồ tát, chúng ta thử tìm hiểu thế nào là đại hành qua giáo pháp đại thừa và qua hành trạng của đại bồ tát Phổ Hiền.

A.Hành trong Tín Nguyện Hành.

Kinh Hoa Nghiêm dậy “Tín vi đạo nguyên công đức mẫu, trưởng dưỡng nhất thiết chư thiện căn” (tín là mẹ nguồn công đức của đạo, nuôi dưỡng hết thẩy mọi căn lành). Long Thọ bồ tát nói “Phật pháp đại hải, tín vi năng nhập, trí vi năng độ” (biển Phật pháp bao la, chỉ tín mới vào được, chỉ trí mới qua được). Đại thừa Phật pháp lấy tín là cửa ngỏ, là bước đầu để vào đạo, song tín không chưa đủ, cần phải phát huy 2 năng lực từ tín, đó là nguyện nơi tâm và hành nơi thân. Nguyện để gìn giữ tín tâm, hành để trưởng dưỡng tín căn, cho đến thành tựu hết thẩy công đức của tín.

Tín tâm sẵn đủ nguyện và hành, chính là bồ đề tâm. Đại thừa bồ tát tin gì để vào đạo? và đạo đó là đạo gì?.

Như Lai vì một đại sự nhân duyên mà thị hiện nơi đời, đó là “khai thị chúng sinh Phật tri kiến” (mở bầy tri kiến của Phật cho chúng sinh), và “ngộ nhập Phật tri kiến” (khiến chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến). Song le thế nào là Phật tri kiến? Phật tri kiến là sự nhận biết “tâm, Phật, chúng sinh, thị tam vô sai biệt” (tâm, Phật và chúng sinh là 3 thứ không sai khác), là sự nhận chân ra “bản và tích”, “nhất thiết chúng sinh đều có công đức và trí huệ đồng với Như Lai”, “Như Lai là Phật đã thành, hết thẩy chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nói chung Phật tri kiến là trí huệ nhận ra gốc vọng và nguồn chân. Chân thì chỉ có một, vọng thì vô lượng, vô lượng vọng đều lưu xuất từ nơi mê muội tính chân, khi nhận ra chân thì hết thầy vọng đều quy chân. Nhất thiết là vọng, nhất thật là chân. Nhất thật đó chính là nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết. Như vậy ta nhận thức được đạo của Phật chính là đạo nhất thật. Lại nữa Như Lai tuyên thuyết “như nước trong biển cả, chỉ duy có vị mặn, đạo ta cũng vậy chỉ duy có một vị, đó là vị giải thoát”, do đó đạo Phật chính là đạo giải thoát.

Nay muốn vào đạo, tất phải tin đạo, như người gia nhập tà đạo, tất tin vào tà thuyết. Người quy y Phật đạo tất cần phải tin vào đạo nhất thật hay giải thoát, chiếu theo kinh Đại phương tiện Phật báo ân chẳng phải quy y là giống nhau, mà quy y cũng phân làm 3 phẩm.

-Hạ phẩm quy y, đức tin mơ hồ, chỉ tin vì theo đám đông, nên không có mảy may nguyện hành.

-Trung phẩm quy y, đức tin thế tục, tức tin vì tự lợi, muốn được sự gia trì của pháp giải thoát cho ta sống hưởng dục như ý ở nhà lửa tam giới, nên chỉ có thiểu hành mà không nguyện.

Cả 2 hạng hạ và trung phẩm đều không mong thành Phật độ sinh, nên không hề phát bồ đề tâm. Vì vậy cho dù có quy y tam bảo bao lâu đi nữa vẫn là phàm phu không hơn không kém. Cả 2 hạng này ở nơi bảo sở của giác ngộ giải thoát, mà chỉ nhặt được chút nhân duyên thế tục, một ít phúc báo thế gian, thay vì lượm nhặt các quả giải thoát, khác nào đến được kho báu đầy châu bảo, mà nhặt toàn đồng và nhôm đem về, hoặc chẳng lượm được gì vì không có đôi tay tín.

-Thượng phẩm quy y với đức tin chân chính, phát bồ đề tâm, thượng cầu hạ hóa, trở thành thân bằng quyến thuộc của chư Phật, luôn thân cận gần gũi không lìa xa, đó chính là nghĩa của quy y. Tâm quy, thân y là chính tín quy y. Tâm quy nên luôn “thỉnh Phật trụ thế”, “thỉnh chuyển pháp luân” để “thường tùy Phật học” nguyện thành nhất thiết trí. Thân y nên thường “sám hối nghiệp chướng” nguyện xả bỏ nhất thiết vọng tưởng, điên đảo bầu bạn với ta bao đời, để “tùy hỷ công đức” vui với tất cả mọi công đức của thiện pháp ở ta và ở mọi chúng sinh, “phổ giai hồi hướng” các công đức này đến không sót một chúng sinh, khiến hết thẩy chúng sinh đều được “quy y tam bảo”, thân tâm vĩnh viễn thân cận tam bảo không có chỗ xa lìa.

Bậc thượng phẩm quy y bằng chính tín, tất lập nguyện khởi hành, thẳng tiến trên con đường giải thoát, dẫn theo vô lượng chúng sinh. Thượng phẩm quy y tự độ và độ tha, tự lợi và lợi tha. Người tu học Phật nếu muốn được lãnh bảo vật vô giá của chư Phật, mà không phải thứ đồng chì thấp hèn tất nên cứu xét tín nguyện hành nơi ta.

Người tu học đã khởi chính tín, tất quyết định phải hành, sự quyết định không chần chừ phải hành cho được là tác dụng “nguyện” của tín. Do nguyện đã quyết định, tất nhiên phải hành. Qua tiến trình này, tín quan trọng bậc nhất rồi tới nguyện, hành chỉ là công cụ của tín và nguyện. Thế nhưng đối với chư Phật Bồ tát cho đến những người phát bồ đề tâm tu bồ tát đạo, thượng cầu hạ hóa, thì hành lại đóng vai quan yếu thứ nhất, vì sao?

Bởi chúng sinh dựa vào pháp hành của chư Phật, chư bồ tát được cứu thoát. Như khi tín đồ cầu đức Phật A Di Đà là cầu ngài hành pháp “nguyện tiếp dẫn”, giải thoát cho người mất, cầu bồ tát cứu khổ là cầu hành động đem lại giải thoát của ngài cho ta và người. Mọi ý hướng cầu nguyện của nhất thiết chúng sinh đối trước chư Phật, bồ tát, đều là cầu quý ngài hành “nguyện” của quý ngài. Tựu chung “hành” pháp độ sinh là điều tối quan yếu của người phát bồ đề tâm, hành bồ tát đạo, và cũng là chỗ nương tựa của chúng sinh trung và hạ căn.

Nhất thiết chư Phật, chư đại bồ tát đều phát đại nguyện độ sinh, nếu không phát đại nguyện tất không thành quả vị bồ tát được, nói chi đến Phật. Ngay danh xưng bồ tát đã mang sẵn ý nghĩa “chúng sinh phát đại đạo tâm” (bồ đề tát đỏa), chúng sinh nương vào thật nguyện của chư bồ tát mà cầu ngài hành “thật nguyện” của ngài cho chúng sinh được ân triêm công đức. Nguyện mà không hành tất nguyện giả hay nguyện suông, nguyện thật ắt có hành. Nhất thiết chư đại bồ tát đều phát thật nguyện “thống lĩnh đại chúng, nhất thiết vô ngại”, nên “thệ độ nhất thiết chúng sinh”. Hành để thành tựu nguyện, thành tựu nguyện tất nhất thiết chúng sinh đều được độ, chúng sinh độ tận tất thành Phật đạo.

Chư Phật từ bản thùy tích mọi hành độ sinh, khiến chúng sinh và chư bồ tát từ tích hành nguyện độ sinh để ta và chúng sinh đồng quy về bản. Hành là việc làm từ bản ứng tích (thị hiện độ sinh) của Phật, và từ tích quy bản của bồ tát và chúng sinh. Thùy tích nên chư Phật ứng hiện vô biên thân, độ vô lượng chúng sinh, khiến các chúng sinh quy bản (xả vọng quy chân). Quy bản nên bồ tát phát tâm bồ đề, hành nguyện độ sinh, khiến nhất thiết chúng sinh và ta (phổ giai hồi hướng) đồng thành Phật đạo (quy bản). Nhờ bồ tát hành nguyện mà chúng sinh được khai thị, được ngộ nhập, nên hành là pháp cứu, do đó hành chiếm vị trí quan trọng trong việc độ sinh, tín chiếm vị trí quan trọng trong sự thành Phật, nguyện là mắt xích kết hợp và giữ cho tín và hành không lìa nhau. Trong trường hợp tín và hành lìa nhau tất bồ đề tâm tan vỡ, chỉ khi nào nguyện mất thì tín và hành mới rơi vào trường hợp nói trên. Hai hàng quy y hạ và trung phẩm thường không nguyện nên bồ đề tâm không thể phát khởi, do đó tuy quy y nhưng thân tâm xa lìa tam bảo. Xa lìa tam bảo tất gần gũi tam độc, nên thường gieo nhân xấu chịu quả ác, cả đời cầu nguyện mà vẫn chưa đủ diệt khổ hay tránh được khổ quả.

B.Hành trong Tín Giải Hành Chứng.

Tín giải hành chứng là 4 tiến trình tu tập từ nhân đến quả, từ sơ phát tâm đến thành tựu quả bồ đề.

Từ nhân chính tín, đưa đến liễu giải chân thiệt nghĩa nhất thiết pháp, do liễu giải nên hành đúng thực nghĩa, nhờ vậy chứng thật được chân lý. Nếu không tín tất không hiểu thiệt nghĩa, không hiểu thật nghĩa ắt mọi hành đều sai lầm, đưa đến kết quả mê muội. Tín sinh giải, giải sinh hành, hành sinh chứng.

Sau khi khởi chính tín quy y tam bảo, hậu kì chỉ cần phát triển giải hành để đạt đến chứng. Chứng là thành quả của giải hành, nên trong tiến trình tu chỉ tu nhân mà không thể tu quả, nhân đúng thì quả tự thành. Giải là giải lý, hành là hành sự, lý thuộc về tâm pháp tức trí huệ, sự thuộc về thân pháp tức hành độ sinh, gọi đó là từ bi. Giải hành liên quan mật thiết, hễ giải sao thì hành vậy. Như hiểu dục là lợi tất tâm tưởng dục, thân hành dục, dục đưa đến mọi thứ phiền não của tham sân si, đó là chứng quả phiền não tam độc. Nếu hiểu dục là gốc sinh phiền não luân hồi, tất tâm tưởng giới pháp, thân hành xả dục, chứng được quả ly dục tịch tĩnh, vô phiền vô não, vô tam độc của Thanh văn. Lại cánh tiến nhất bộ, hiểu rằng chỉ có phát tâm bồ đề mới tự cứu và cứu người viên mãn, nên tâm tưởng chân thật nghĩa, thân hành chân thật đạo, độ nhất thiết chúng sinh, chứng được cảnh giới vô trụ tự tại không đến không đi, biến khắp muôn phương, chiếu suốt muôn đời, không độ mà vẫn hằng độ.

Giải hành mật thiết như vậy, chứng là quả tất yếu của giải hành. Giải hành là nhân, chứng là quả. Giải chân thiệt nghĩa tức chứng thật tướng của các pháp, pháp khắp hư không, nên giải biến khắp hư không, giải này không còn giới hạn như thứ giải của chúng sinh, thậm chí cho đến hàng bồ tát thập địa. Giải này đồng với nhất thiết trí, biến khắp ba đời mười phương, giải mang theo hành, nơi nào có giải nơi ấy có hành, vì vậy hành cũng biến khắp ba đời mười phương, hành lại đem theo giải, nơi đâu có hành, nơi ấy có giải, giải hành tương tức, giải hành không giới hạn, biến nhất thiết xứ. Giải hành như thế chứng được cảnh giới vô trụ niết bàn, vì chẳng còn chỗ nào giới hạn được giải hành. Đây là chỗ giải hành chứng của chư Phật.

Giải là tâm Phật, hành là thân Phật, chứng là cảnh giới Phật. Giải hành và chứng không thể tách ly, nên kết luận giải hành chứng là Phật, đồng với nói thân, tâm và cảnh đều là Phật. Chi tiết hơn thân tâm cảnh cả 3 thứ là một, bất khả phân. Toàn cảnh giới vô trụ niết bàn là thân Phật, cũng là tâm Phật. Thân Phật biến khắp, trụ vô trụ mà không chỗ trụ, tâm Phật cũng lại như vậy. Điều này thuật ngữ nhà Phật gọi là pháp thân Phật. Pháp thân không phải là một thứ sắc thân khác với tâm như sắc thân của chúng sinh, pháp thân chính là thân tâm và cảnh giới dung hợp làm một, tức giải (trí huệ) hành (từ bi) chứng (giác ngộ giải thoát) tương tức.

Kinh Hoa Nghiêm diễn bầy cảnh giới Hoa Tạng của chư Phật. Thế giới này là cảnh giới của Tam thánh hay gọi đủ là Hoa Nghiêm tam thánh. Trung ương là Tỳ Lô Giá Na Phật, hai bên là đại trí Văn Thù bồ tát và đại hành Phổ Hiền bồ tát. Tỳ Lô giá Na Phật là thể chứng, đại trí bồ tát là tác dụng giải lý, đại hành bồ tát là tác dụng hành sự của thể chứng. Tuy nói tam thánh nhưng kì thực chỉ là Thánh, không hề phân ba, bởi thiếu một thì nghĩa Thánh chẳng còn, đủ ba thì Thánh nghĩa hiển bầy, dù phương tiện nói ba, hay bảo cứu cánh duy nhất.

Thế giới Hoa Tạng là cảnh giới của giải hành chứng, do từ chính tín ban sơ thành, vì vậy nếu không chính tín tất không sao thấy được, nói chi đến thể nhập cảnh giới này. Chính tín là phát bồ đề tâm nguyện, hành bồ đề tâm pháp. Thể nhập thế giới Hoa Tạng đồng với thể nhập vào cảnh giới bất nhị của giải hành chứng. Làm thế nào giải thích cho chúng sinh thiếu đức tin, thậm chí mê tín, tà tín, tà giải, tà hành hiểu được cảnh giới  Hoa Tạng của giải hành chứng, vì vậy ban sơ Như Lai thuyết kinh Hoa nghiêm, chúng sinh không tiếp nhận nổi, nên chuyển sang pháp A Hàm. Người học Phật thiếu tín, thường hay đòi hiểu trước tin sau, muốn hiểu cảnh giới Hoa Tạng rồi mới phát tâm tu giải tập hành, hạng này đâu hiểu rằng chỉ có phát tâm học giải tập hành mới là câu tự giải đáp cho ta về cảnh giới Hoa Tạng. Một khi chúng ta tin Phật qua các pháp môn nào đó, thì vì sao lại nghi ngờ và đòi nếm “quả Hoa Tạng” trước, rồi sẽ hành giải sau, khác nào kẻ ngu “nếm quả yêm bà la” (kinh Bách dụ), lẽ ra đã tin một pháp của Phật, tất nhiên tin mọi pháp khác đều có vị bình đẳng, bất tất đòi hỏi phải nếm trước.

Thật giải tất mong muốn hành, sự mong muốn đó là nguyện “nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa” nên “y Như Lai giáo, hành Như Lai sự”. Y Như Lai giáo là giải chân thiệt nghĩa, đắc Phật trí huệ. Hành Như Lai sự tức xả mọi thứ để độ nhất thiết chúng sinh, đắc Phật từ bi. Đó là đại Hành.

C.Phổ Hiền bồ tát và đại hành.

Tỳ Lô Giá Na là thanh tịnh pháp thân, bất động song luôn khởi 2 tác dụng, liễu giải thật tướng của nhất thiết pháp và tự tại hành mọi pháp phương tiện độ hóa chúng sinh. Do 2 công năng giải hành này mà thành pháp thân thanh tịnh biến nhất thiết xứ. Phàm thân tâm có giới hạn đều do nơi thanh tịnh còn giới hạn. Sắc thân do nghiệp bất tịnh chiêu cảm nên bị trở ngại, do vậy thân tâm đó đều bị giới hạn, từ giải đến hành, cho tới mạng căn. Khi thân tâm thanh tịnh viên mãn tất thành tựu pháp thân thanh tịnh đầy đủ giải hành chứng. Pháp thân này không còn giới hạn hay trở ngại, bởi lẽ “Phật dĩ pháp vi thân, thanh tịnh như hư không” (chư Phật lấy pháp làm thân, thanh tịnh bao la như hư không. Hoa nghiêm kinh). Pháp đó là giải hành chứng biến khắp hư không. Do đó “Chư Phật pháp thân bất tư nghị, vô sắc, vô hình, vô ảnh tượng” (pháp thân chư Phật không nghĩ bàn, không sắc, không hình, không ảnh tượng. Hoa Nghiêm kinh). Pháp thân đã không sắc, không hình, không ảnh tượng, nên làm thế nào dùng mắt thịt để thấy, lại không thể nghĩ bàn nên chẳng thể dùng thức tình mà nhận ra nổi. Muốn thấy pháp thân Phật, tức thấy Hoa Nghiêm tam thánh hay thế giới Hoa Tạng tất phải dùng đến chính tín khởi giải, tu tập hành chứng.

Hành giả muốn thành tựu pháp thân tất gia công hành pháp độ sinh, càng hành càng giải, càng giải càng hành, giải hành tương tức cho đến khi chứng thành pháp thân.

Pháp “hành” của bồ tát bao gồm 2 phương diện, trên đối với Phật, là đấng Thế tôn, bậc duy nhất xứng đáng được cung kính “lễ bái” “xưng dương”, dưới đối với nhất thiết chúng sinh “hằng tùy thuận” “phổ giai hồi hướng”. Lại gồm 2 phương diện tự độ và độ tha. Về mặt tự độ hành “quảng tu cúng dường”, “sám hội tội chướng” và “tùy hỷ công đức”, về mặt độ tha hành “thỉnh chuyển pháp luân”, “thỉnh Phật trụ thế” để cùng “thường tùy Phật học”, lợi lạc hữu tình.

Phàm có đức tin thượng phẩm tất biết thế gian này chỉ có Phật là người duy nhất có giáo pháp giải thoát, xứng đáng được tôn quý nhất, không có gì có thể so được, nên gọi Phật là Thế tôn, do đó thường cung kính lễ bái nhất thiết chư Phật, bởi Phật thân biến khắp, nên biến lễ mười phương, xưng tán không cùng tận. Do đức tin và hành này đưa đến giải và chứng, tức thành Phật quả. Đối với chúng sinh thì hằng thuận căn tính chúng sinh, làm mọi hành đưa không sót một chúng sinh quay về với bản giác. Ta có thể so hai đại hành “hằng thuận chúng sinh” với “ưng dĩ hà thân đắc độ giả”, và “phổ giai hồi hướng” với “tức hiện hà thân nhi vị thuyết pháp”. Như vậy bồ tát trên hành tôn kính chư Phật, dưới hành độ nhất thiết chúng sinh.

Sự tôn kính chư Phật, hành lễ kính và xưng dương nhất thiết chư Phật, chính là sự quyết tâm hồi đầu thẳng tiến về cung trạch của Như Lai, bỏ lại đằng sau mọi vọng nghiệp thế gian, như Thiền tông lục tổ khi đến Đông sơn tự chỉ cầu duy nhất thành Phật, không cầu bất kì thứ gì khác.

Bồ tát tu tập và hướng dẫn người tu tập về cả 2 mặt là tự độ và độ tha. Trên mặt tự độ thường nương chư Phật bằng cách cúng dường nhất thiết chư Phật trong ba đời mười phương, song cúng dường chư Phật hơn hết chính là đem chính pháp của chư Phật độ hóa chúng sinh, khiến ta và chúng sinh tương lai thành tựu Phật quả. Hành pháp cúng dường chư Phật, đồng thời xả bỏ mọi nghiệp chướng, sám hối tội nghiệp quá khứ, quyết không trở lại, nên lấy mọi công đức độ sinh cũng như bất kì công đức nào của tha nhân làm niềm phỉ lạc, như vậy bồ tát hành pháp tự độ qua 3 khía cạnh, khiến thân tâm hướng đến Phật, bản thân xả vọng nghiệp và lợi lạc chúng sinh.

Vì lợi ích của nhất thiết chúng sinh (độ tha) bồ tát hành các phương tiện khiến pháp luân thường chuyển, từ thỉnh Phật cho đến tăng tục thuyết pháp lợi lạc quần sinh, từ kinh điển đến sách vở thế tục đều chuyển thành pháp luân, khiến Phật pháp cửu trụ nơi đời, khiến Phật thường trụ tại thế, nhờ vậy bồ tát cùng nhất thiết chúng sinh thường được nương theo Phật và chính pháp học pháp giải thoát.

Hành như vậy gọi là đại hành, hành này thể hiện bồ đề tâm, lợi mình lợi người, tự giác, giác tha cho đến giác hành viên mãn. Hành này là hành cứu pháp của mười phương ba đời nhất thiết chư đại bồ tát, chư Phật Thế tôn.

Và bậc đẳng giác bồ tát thường hành đại hành tên gọi là Phổ Hiền bồ tát.

Nam mô Thập quảng đại nguyện vương, đại hành Phổ Hiền Vương Bồ tát ma ha tát tác đại chứng minh.

Côn Minh 21-2 Canh dần
Dương lịch 5-4-2010.
 

Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Giới Thiệu Kinh Hoa Nghiêm
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Mười Hạnh Nguyện Của Phổ Hiền Bồ Tát
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phổ Hiền Bồ Tát Khai Thị Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Đức Phổ Hiền Dạy Tu Niệm Phật Tam Muội
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Phổ Hiền Bồ Tát Khuyên Sanh Về Cực Lạc
Đại Sư Duy Tắc Thiền sư Thiên Như Đời Dao Tần