Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > The-Nao-La-Tu-Hanh-Bien-Dao...?

Thế Nào Là Tu Hành Biện Đạo...?
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Sau khi đi tham bái nhiều vị danh tăng ở các nơi. Đạo Nguyên thất vọng, muốn trở về Nhật Bản, một hôm trên đường hành cước bắt gặp một vị tăng gìa khiêng nặng đi ngược chiều. Ngài liền đề nghị gánh dùm vị tăng kia, lão tăng nói “cám ơn thầy, nhưng thân làm điển tòa, tôi nhận lãnh cái công việc quan trọng này từ đức Thế Tôn, nào dám đùn đẩy cho người khác”.

Đạo Nguyên nhìn lão tăng già yếu khệ nệ vác gánh nặng trên vai “Tại sao lại giao công việc điển tòa nấu nướng bếp núc cho một người như thầy?, lẽ ra với tuổi tác này, thầy chỉ nên cả ngày tọa thiền, tham công án, mới hợp lý”.

Lão tăng tiến lại gần, quán sát dung mạo của ngài rồi nói “Xem ra thầy là người thông minh, vậy mà không hề lãnh ngộ được thế nào là tu hành biện đạo, thậm chí ngay trên danh tự cũng chẳng hiểu nốt”.

Ngài hỏi “thế nào là tu hành biện đạo? Thế nào là danh tự?” Lão tăng nhìn chăm chú ngài rồi đáp “Thầy đừng bao giờ quên câu hỏi này thì đó sẽ là câu trả lời”, vừa dứt lời liền quay đầu bỏ đi, ngài trông theo và cất tiếng hỏi “Có còn gặp lại nữa không”, vị lão tăng vẫn bước đi không hồi đầu và đáp “Nếu tôi còn sống”.

Sau thời gian hành cước cầu học “pháp chân thật” của Như Lai, Đạo Nguyên thất vọng, muốn trở về Nhật, thời may gặp đệ tử của Như Tịnh thiền sư là Tịch Đan, khuyên ngài trở về Thiên Đồng tự tham bái ngài Như Tịnh, trên đường về ngài ghé chùa A Dục Vương thăm Điển tòa, và được nghe lão tăng giải thích "văn tự là 1,2,3,4,5, còn biện đạo là chỉ cho Phật pháp biến khắp nơi và không thể che giấu được", nói xong lão tăng cười lớn trước sự ngơ ngác nhưng đầy suy nghĩ của ngài.

Bình:

Có thể nhiều người ngạc nhiên với câu nói của thầy điển tòa "lão tăng nhận lãnh việc này từ Như lai, nên nào dám giao bừa cho người khác". Có thật Như Lai giao cho lão tăng công việc này không? Nếu nói giao trên mặt sự tướng thì chắc chắn là không, nhưng trên mặt lý giải thì không những Như Lai giao cho thầy điển tòa mà còn giao cho bất cứ chúng sinh nào thật sự muốn "tu hành biện đạo".

Khai thị và Ngộ nhập.

Những ai thật sự được khai thị “Phật tri kiến” đều nhận chân ra ý nghĩa tối trọng yếu từ sự xuất hiện nơi đời của Như Lai. Đó là đến để phụng sự cho chúng sinh - nhất thiết chúng sinh – mà không hề chỉ giới hạn nơi loài người, hay những người quanh ta, đặc biệt là người ta yêu thương. Chúng ta có thể đồng hóa “Phật đản sinh” với “phụng sự chúng sinh” là một. Sự “phụng sự” đó không ngoài pháp phụng sự duy nhất mà thế gian không hề có, và pháp đó mới thật sự là nhu cầu chân chính cần thiết nhất cho hết thẩy chúng sinh được vĩnh hằng an lạc, đó là “khai thị Phật tri kiến” cho nhất thiết chúng sinh. Phụng sự bao hàm các nghĩa “bảo vệ” “cứu độ”, Nghĩa chân thật của “bảo vệ” và “cứu độ” chính là bảo vệ và cứu độ chúng ta thoát khỏi ngã chấp và cảnh giới của ngã, mà không hề là bảo vệ và cứu độ cái “ngã chấp” và cảnh giới của ngã được an toàn, như phần lớn người ngộ nhận. Bản chất của ngã là bất an, như bùn vốn bẩn, tính chất của hoa sen giữ thân không nhiễm mùi hôi của bùn, mà không phải để làm bùn thơm. Sau khi được mở bầy Phật tri kiến, người này nhận biết chân chính thế nào là con đường giải thoát, thế nào là phụng sự chúng sinh, và giải thoát cùng phụng sự chúng sinh liên quan với nhau thế nào. Bao giờ nhiếp cả ba điều này thành một thì đó là “ngộ nhập Phật tri kiến”.

Nhờ yếu tố “khai thị Phật tri kiến”, những người hữu duyên đều phát vô thượng tâm “thượng cầu hạ hóa”, nên Phật chủng bất diệt. Phật Phật truyền thừa không dứt. Ở đây ta có thể thấy “Phật chủng” chính là “bồ đề tâm” “tâm thượng cầu hạ hóa”. Người được khai thị là người “tiếp nối Phật chủng” hành pháp tu tập trí huệ thượng cầu, và từ bi cứu độ chúng sinh. Nếu không trí huệ tất không biết “tiếp nối Phật chủng” để trở thành thân bằng quyến thuộc của chư Phật, cho đến thành bồ đề quả, và độ sinh thành Phật, mà vẫn chỉ là phàm phu cầu cho “thân tâm ngã chấp” được lợi lạc trong nhà lửa, mà không cần cầu trí thượng cầu và bi hạ hóa. Vì vậy những người chân chính được khai thị, tất tuyệt đối tin vào “chính pháp thậm thâm nan tín”, đó là phát bồ đề tâm hành “nan hành” thệ giải đại đạo, nguyện thống lý đại chúng, một cách nhẹ nhàng hoan hỷ, như thầy Điển tòa vác gánh nặng nuôi chúng tăng, sẵn sáng từ chối lòng tốt của vị tăng trẻ từ viễn phương đến.

Khai thị đồng với sự lãnh thọ pháp.

Lão tăng nhận chân chỉ có con đường y lời Phật dậy phát tâm phụng sự nhất thiết chúng sinh, mới có thể thành được quả bất khả tư nghì - giải thoát cho ta và nhất thiết chúng sinh thành tựu Phật đạo. Chỉ có phát tâm hành “pháp nan hành” này, mới khiến cho mọi “nan sự” đều thành dễ dàng. Thế gian có hai điều khó, thứ nhất là chấm dứt mọi khổ đau và sinh tử luân hồi; thứ hai quên mình phụng sự cho nhất thiết chúng sinh. Hai điều này tất cả trời người đều vĩnh viễn không làm được, thậm chí cả “ông Trời” cũng bó tay.

Chư Phật xuất hiện nơi đời, không ngoài mục đích chỉ bầy khai thị cho chúng sinh hiểu biết và hành được 2 việc tối nan hành đó. Sở dĩ “nan” là do vọng tâm bị vọng nghiệp chi phối, nay nhờ chư Phật khai thị cái thấy đưa đến sự thành Phật cho ta và người, mới nhận ra vọng ngã mà ta phụng sự bao kiếp nay là nguyên nhân chính khiến ta và hết thẩy chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử luân hồi bất tận. Cái nhìn thấy vọng ngã và nguyên nhân luân hồi, đó là Phật tri kiến. Khi đã nhận ra sự thật nhờ vào được khai thị, hành giả mới hiểu biết rõ ràng chỉ có nguyện lực mới diệt được “ngã” và cảnh giới “sinh tử” của nó, nên đã không ngần ngại sợ sệt, dám phát đại nguyện hành “nan hành” độ sinh diệt vọng ngã và cảnh giới luân hồi sinh tử, sự giải hành này là tác dụng của Phật tri kiến.

Chỉ có Phật tri kiến nhận biết 2 tối nan đề của nhất thiết chúng sinh, và lại cũng chỉ có Phật tri kiến mới thành tựu được 2 nan đề đó. Muốn giải thoát khỏi cảnh khổ, Phật pháp dậy “giải thoát ngã chấp” thay vì vác cái “ngã gốc tội” đi tìm cảnh giải thoát, muốn giải thoát “ngã chấp” không gì bằng đưa ngã vào nguyện, để thoát khỏi nghiệp. Nói chung Phật tri kiến là con mắt giác ngộ thấy rõ đạo của 4 đế.

Do đó những người lãnh hội được sự khai thị, thường phát nguyện “phụng sự” hơn là “xin xỏ”, vì vậy mà thầy Điển tòa từ chối sự giúp đỡ của Đạo Nguyên, vì “phụng sự” không cần được “phụng sự”.

Lãnh hội và thọ kí.

Dựa vào lực khai thị của chư Phật, chúng sinh lãnh hội được chính pháp. Chính pháp là phương cách “thành Phật và độ sinh”, pháp này tất cả trời người quỷ thần đều không biết được. Hành pháp độ sinh chính là con đường thành Phật; hành pháp thành Phật chính là con đường độ sinh, nên nói “thành Phật” và “độ sinh” không thể phân hai. Thành Phật là lợi ích tối thượng của ta; độ sinh là lợi lạc tối thắng của người. Tự lợi và lợi tha là một, điều này không một ngã nào trong tam giới có thể nhận biết hay hành nổi, nếu không lãnh hội được từ sự khai thị của chư Phật.

Một khi lợi ích của ngã và tha là một, thì “ngã” này được giải thoát ra khỏi “ngã và ngã sở” đầy nghiệp lực của chúng sinh. Lợi ích của ngã không còn có đối lập với bất cứ lợi ích chân thật nào của muôn loài, nên “ngã” không còn vì ngã này tạo tác bao vọng nghiệp, mà chỉ sản sinh ra vô lượng nguyện độ tận chúng sinh. Sự nghiệp thành Phật của “ngã nguyện” này dính liền với sự độ nhất thiết chúng sinh. Đó là “ngã” mà trời người cung kính cúng dường.

Dựa vào trí huệ tất nhận ra "phụng sự chúng sinh" chính là chủ ý của Phật pháp. Đức Phật giao phó chuyện độ sinh cho ai? Dĩ nhiên cho người phát tâm gánh vác, và khi người nào phát tâm này, tất được Như Lai giao phó, đây gọi là phó chúc công việc độ sinh cho người đó, để họ làm việc Phật, và đây là con đường thành Phật, tức chính là sự thọ kí.

Như vậy khi được phó chúc tất đồng với được thọ kí, và dĩ nhiên muốn được phó chúc và thọ kí cần phải phát tam tâm, tức Thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng tâm, nói gọn là Bồ đề tâm.

Khi được phó chúc và thọ kí, vị này chắc chắn thành Phật đạo. Và chỉ bao giờ đạt đến được địa vị này mới bất thối chuyển để quyết định tương lai của mình thế nào, còn ngoài ra không thể đoan chắc tương lai ta sẽ về đâu, tịnh độ, thiện đường, nhân gian hay địa ngục?, còn trong địa vị phàm phu đầy ngã chấp, nhất quyết không biết chắc được.

Người được Phật giao cho việc gánh vác chúng sinh, người đó mới biết chắc được tương lai, nhờ vào sự thọ kí của Phật. Ở đây lão tăng phát tâm nhận lãnh gánh vác luơng thực nuôi tăng nặng nề trên đôi vai gầy guộc mà nhất định không vì lý do mệt hay già mà đưa đẩy cái nguyện "thống lý đại chúng" này cho người khác được. Đó là Thành tâm, Thâm tâm, nuôi dưỡng và phục dịch cho các chúng sinh "thành Phật tương lai" là Hồi hướng tâm. Đó không phải là "niệm Phật" thâm ân mà y giáo phụng hành, khiến Phật đạo cửu trụ nơi đời, Phật Phật tiếp nối. Niệm Phật như thế, một người niệm, vô lượng chúng sinh đắc độ. Do vậy mới hiểu được rằng đức Thế Tôn phú chúc thọ kí, mà tự ta chối từ sự thọ kí đó, cũng chỉ vì cái "ngã chúng sinh" đó, rủ rỉ bên ta là "khó lắm", "em chã", "không làm đâu", thế là ta rời bỏ đạo tràng "thọ kí" để qua các "đạo tràng xin xỏ". Khác nào bỏ ngọc như ý, đi lấy đồ đồng, không muốn khỏe mạnh nâng đỡ tha nhân, chỉ muốn nuôi bệnh ngồi xe lăn cho tha nhân đẩy. Thế nên chẳng lạ gì Phật giáo thì suy yếu dần mà ngoại đạo thì phát triển.

Ai cấm ta phát tâm, để được phú chúc và thọ kí, nếu không phải là cái "ngã chấp" tư lợi. Với tâm tự tư tự lợi, làm sao quyết định nổi chỗ đến cao thượng của mình, chúng sinh chỉ có thể quyết định chính xác được một chỗ đến duy nhất cho mình không sai chạy, đó là tam ác đạo. Tâm không độ sinh làm thế nào trụ trong cảnh độ sinh được. Quây quần bên Phật đều là Bồ tát xả thân vì chúng sinh, không có Bồ tát nào từ chối sự xả thân chịu khổ vì chúng sinh. Qua kinh điển chúng ta thấy tất cả các vị Bồ tát đều có quá khứ hy sinh thân mạng tài sản cho chúng sinh, chưa từng có một Bồ tát nào thân cận với Như Lai lại không có những thành quả "được phú chúc và thọ kí". Lão tăng điển tòa này hành mật hạnh với tam tâm, thật xứng gọi là tu hành biện đạo.

Đạo Nguyên khi ấy chỉ chấp tu hành biện đạo là tham thiền giải công án, tựu chung chỉ là lý thuyết và hìng tướng, mà chẳng có chúng sinh nào được thực lợi, sự tu hành biện đạo đó chung quy chỉ là loại tu "hí luận", do vì không hề biết rằng "được phó chúc và thọ kí" là con đường quyết định thành Phật, cần dũng mãnh phát tâm gánh vác cái Phật sự "nặng nề và gian khổ" rất ư nan hành, để được sự lợi lạc thù thắng tối thượng là ta và chúng sinh đồng thành Phật đạo trên con đường hành pháp "thống lý đại chúng" mà chư Phật "phú chúc và thọ kí" cho.

Vì vậy khi nghe lời nói đầy vẻ tu hành biện đạo của Đạo Nguyên, thầy điển tòa mới nói "nhìn thầy thông minh, mà lại chẳng hiểu thế nào là tu hành biện đạo, mà ngay đến cả trên mặt danh từ tu hành biện đạo là gì xem ra cũng chẳng hiểu được nghĩa" nói gì đến thực hành. Đạo Nguyên quả là người có căn tính thông minh, nên lập tức nhận ra mật nghĩa nào đó trong lời đáp của đối phương. Vì vậy mới hỏi "Thế thì tu hành biện đạo là gì? Nghĩa của tu hành biện đạo là gì?" Lão tăng đáp gỏn lọn "Đừng bao giờ quên câu hỏi này thì đó là câu trả lời". Tại sao? Bởi cứu cánh của tu hành biện đạo là giải thoát thành Phật, song muốn được giác ngộ ắt phải phát tâm gánh vác phụng sự nhất thiết chúng sinh, nếu không tư duy thấu đáo một cách “thật đức năng” ý chỉ cứu cánh này của “tu hành biện đạo”, tất chỉ tu hành cầu cho “ngã” và “ngã sở” được như ý trong cảnh giới ngũ dục.

Đa phần người tu đều không nhắm đến cứu cánh của “tu hành biện đạo”, nên dùng “tu hành biện đạo” thành công cụ cầu tư lợi, tức biến “tu hành biện đạo giải thoát” thành trói buộc. Phàm nhân không hiểu càng “tu hành biện đạo” vì “ngã”, càng tạo vọng nghiệp và trói buộc thêm thật chặt. Chúng ta có pháp môn làm phương tiện đến giải thoát, nhưng đừng chủ quan cho rằng cứ ngồi vào xe phương tiện đó là đến được mục đích. Dụ như xe hơi là phương tiện để đi Côn Minh, nhưng nếu ta không biết hướng tất phương tiện xe đó sẽ đưa ta đến mục tiêu sai hướng, cho nên có xe mà không hiểu phương hướng thì xe trở thành tai hại. Cũng vậy có pháp môn chưa đủ, phải hiểu rõ phương hướng của pháp môn tức sự “tu hành biện đạo”, thì pháp môn đó sẽ nhờ vào sự hướng dẫn đúng hướng của “tu hành biện đạo” sẽ đưa đến kết quả chính xác. Vì vậy người tu nào cũng ngồi xe phương tiện pháp môn, mà chả mấy ai đến đích giải thoát được, tựu chung cũng do nơi chỉ dựa vào pháp môn mà không tư duy cách lèo lái xe pháp môn đó, sao cho đến đích. “Tu hành biện đạo” chả phải là cách lèo lái xe phương tiện pháp môn đó ư?

Xem ra ngày nay chúng ta học đạo, tu theo pháp môn, nhưng ngay đến văn tự của pháp môn còn “ngơ ngác” đầy ngộ hội, nói gì đến “biện đạo tu hành”. Thiền là gì? Tịnh là gì? Thế nào là Mật? Thế nào là Hiển? còn chưa thông nghĩa, hà huống là có thể hạ thủ công phu “tu hành biện đạo”. Vì vậy khi thấy Đạo Nguyên thắc mắc về “tu hành biện đạo” và “văn tự”, thầy Điển tòa rất hài lòng nhắc nhở “đừng bao giờ quên câu hỏi đó thì sẽ có câu trả lời”. Và quả nhiên Đạo Nguyên đã không cô phụ lời giáo hóa này, và đã được câu trả lời mang về Nhật bản.

Văn tự chỉ để chỉ bầy cho chúng ta đạo bàng bạc khắp nơi, “biến nhất thiết xứ”, đâu cũng là đạo, nhưng ta lại chấp mê cho rằng chỉ có văn tự đó là đạo, do đó thay vì thấy đạo biến nhất thiết xứ, nay lại thấy đạo là giới hạn trong chữ nghĩa hay một sự hành nào đó. Dụ như  Pháp Hoa kinh là văn tự diễn bầy pháp nhất thừa pháp, nghĩa bất nhị môn, để ta nhận ra thật nghĩa của các pháp vốn bình đẳng, vì cùng một bản thể, cùng đến một cứu cánh, nhưng ta lại cho rằng Pháp Hoa là quyển kinh 7 cuốn, 28 phẩm khác với các kinh khác. Và rằng tụng kinh sách Pháp Hoa là hơn tụng các kinh khác, mà không hiểu rằng nhờ Pháp Hoa giáo nghĩa mà ta thấy nghĩa nhất thừa, pháp bất nhị nơi tất cả các kinh cho đến các pháp thế gian. Hiểu nghĩa nhất thừa, thì tụng kinh nào cũng là Pháp Hoa, ví bằng ngược lại thì có tụng Pháp Hoa vẫn là chưa hề tụng Pháp Hoa kinh.

Do lẽ này thầy Điển tòa nói “văn tự chỉ là thứ phân biệt trong nhiều thứ khác, như kinh Pháp Hoa và các kinh khác là 1 hay 2 cho đến nhiều kinh, nhưng đều hiển bầy một sự thật “nhất thừa”, sự thật này không hề bị che mất, luôn bất động hiển hiện, như đại Phật trong sương mù hay trong trời quang mây tạnh đều bất biến, không ẩn không hiện, ẩn hiện là do thức tình vọng động, như nhãn căn phan duyên ngoại cảnh, thấy Phật khi ẩn khi hiện.

Nắm bắt được ý chỉ của “tu hành biện đạo” thì mọi pháp đều thành phương tiện đưa đến giác ngộ. Thực hành “tu hành biện đạo” là khiến mọi phương tiện đều thành cứu cánh. Đó là “chân thật đạo” của Như Lai.

Côn Minh 7-9-09

Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Phát Bồ Đề Tâm Một Hướng Chuyên Niệm
Hòa Thượng Thích Tịnh Không