Trí Huệ Và Pháp Cúng Dường
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Đại chúng quý mến.

Sau một năm tư duy tu học. Chúng ta hãy thử dùng thành quả tư tu có được, dù nhiều hay ít, để cứu xét tâm tính, tất sẽ nhận ra ưu khuyết nơi ta. Càng nhận ra khuyết, tất càng hiển bầy cái ưu có được qua tư duy, nên Thiền tông Lục tổ nói “Thường kiến tự kỷ quá, dữ đạo tức tương đương” (thường thấy lỗi mình chính là cùng đạo tương ưng). Nếu không tư duy tất không bao giờ nhận ra cái mê muội bao kiếp của ta.

Trời đất tạo ra muôn loài, con người là yếu kém nhất, không biết bay như chim, không biết bơi như cá, chạy không nhanh bằng ngựa, khỏe không bằng voi, chịu lạnh nóng không bằng các loài khác, ăn uống phải nấu nướng, thân thể phải cần y phục mới chống nổi với khí trời, bị nhiều bệnh nhất trong mọi loài. Tựu chung thân thể con người rất ư mong manh và không tự tại như các loài khác. Thế nhưng tạo hóa cho con người một bảo vật vô giá để thống trị muôn loài, đó là trí huệ, tác dụng của trí huệ là tư duy, chỉ có con người biết tư duy trong muôn loài, vì thế chỉ có loài người mới có trí huệ. Ngay đến trong loài người, người nào kém tư duy sẽ là người thiếu thông minh, còn người không biết tư duy hẳn nhiên bị coi là người ngu.

Nhờ tư duy mà con người tiến bộ không ngừng, mới biết trí huệ không có giới hạn. Chư Phật tích tập tư duy trong vô lượng kiếp mới thành tựu viên mãn được trí huệ. Con người cũng hợp lực tích tụ tư duy hằng bao đời mới tiến tới sức thần thông như hiện nay, nhờ thần thông của trí huệ khởi tư duy, con người vốn không biết bay mà rồi chẳng có chim nào bay cao hơn chim trí huệ, vốn không biết bơi mà chẳng có cá nào bơi xa và lặn sâu bằng cá trí huệ, vốn ốm yếu mà chẳng voi nào khỏe hơn voi trí huệ, vốn chậm chạp mà chẳng ngựa nào nhanh hơn ngựa trí huệ. Vốn mong manh với lạnh nóng, mà rồi mát mẻ và ấm áp nhất trong muôn loài…

Thế mới biết trí huệ nhiếp vô lượng thiện lợi, là bảo vật tối thắng trên đời, trí huệ nhiếp mọi thứ sức mạnh, bay cao, bơi xa lặn sâu, chạy nhanh mà không hề phí sức. Trí huệ là ấm áp mát mẻ, là an toàn, là phụng sự che chở và bảo hộ muôn loài, hội đủ biết bao phúc lạc công đức. 

Lực thần thông của trí huệ mắt thường không nhìn ra, chỉ nhận được bằng chính trí huệ. Vì vậy người càng có trí huệ càng nhận chân được tính chất bảo của trí huệ, vì chỉ có trí huệ mới có năng lực siêu việt như vậy. Nên đức Phật dậy “Duy huệ thị nghiệp”. Ngu nhân thiếu trí nên dùng trí huệ làm công cụ cho ngã kiến và lòng tham ái, khác nào lấy ngọc làm đạn bắm chim sẻ. Những năng lực công đức đó đối với các loài khác thì thật chẳng thể nghĩ bàn. Các loài đó không thể dùng trí và nhận thức của chúng để đo lường, để tin hiểu nổi cái trí huệ của con người, như chúng sinh đối trước trí huệ của chư Phật.

Thế nhưng khi cái trí huệ này đi sai phương hướng nó sẽ phát sinh những hậu quả tiêu cực, đưa đến vấn đề nan giải và bế tắc. Phật pháp gọi đó là huệ phược (huệ trói buộc). Trong tiến trình tu tập, không những bước đầu là trừ mê (đoạn mê sự), mà sau đó còn trừ bỏ mọi huệ phược (trừ mê lý).

Thế nào là huệ phược? Trong phạm vi này, chúng ta chỉ tóm lược huệ phược như sau “Khi thấy được năng lực và hiệu quả của trí huệ rồi, con người “tư duy một cách khôn ngoan” nếu ta dùng cái năng lực vô hạn đó vào mục tiêu hữu hạn, tức vì ngã và ngã sở, thì ta sẽ có lợi lớn vô cùng. Nào hay vì vậy mà năng lực này mất sức vô hạn, nên dẫn đến kiệt quệ và bế tắc, điều này gọi là huệ phược hay là vô minh”.

Chúng ta cũng chẳng lạ gì vấn đề từ minh năng thành vô minh. Như người trồng mía nghĩ “rất khôn ngoan”, rằng nếu lấy nước mía tưới cây mía, tất mía sẽ càng ngọt, nhưng cái khôn này đưa đến cái ngu, chẳng khác với người trồng hạt vừng rang.

Do đó chúng ta có thể kết luận nếu trí huệ đặt vào môi trường vô hạn thì trí huệ đó sẽ có năng lực vô tận có lợi cho nhất thiết chúng sinh bao quát cả chúng ta, nhưng nếu quay hướng nó về hữu hạn tức vì ngã và ngã sở thì trí huệ đó vô lực và trở ngược lại thành thứ trói buộc ta và chúng sinh, mất hết tự tại giải thoát.

Như trí huệ của con người ở thế kỷ này, họ phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật nâng cao đời sống con người, nhưng khi những tư duy phát triển này hướng đến ngã và ngã sở, thì tất cả những thứ phát triển đó trở thành sự trói buộc, và đẩy con người đến chốn bế tắc, đường cùng của trí huệ, khi đó toàn bộ trí huệ trở thành vô minh, như những người ngu trong kinh Bách dụ. Ngay đến người tu học trí huệ cũng vậy, chỉ vừa khởi ngã và ngã sở là toàn bộ trí huệ đều thành vô minh.

Chính vì lẽ đó chư Phật khi nào cũng khiển trách ngã và ngã sở. Hay nói khác hơn tử huyệt của trí huệ chính là ngã và ngã sở, như gót chân của Achilles (Achilles’ heel). Người vô minh là người không biết tư duy để phát sinh trí huệ, lại chỉ biết vì ngã và ngã sở, đó gọi là vô minh của vô minh. Người biết tư duy phát sinh trí huệ nhưng lại cũng vì ngã và ngã sở, gọi là huệ phược, hay là trí huệ của vô minh. Người có trí huệ rồi, lại biết lìa bỏ tử huyệt của trí huệ là ngã và ngã sở, khiến cho trí huệ bất tử vô tận với thời gian, và biến khắp trong không gian, đó gọi là trí huệ của trí huệ, hay là chân trí huệ.

Do vậy giáo pháp trí huệ của chư Phật được ấn chứng bằng ba dấu ấn. Vô thường, Vô ngã và Niết bàn. Pháp hoa huyền nghĩa nói “bất luận pháp nào nếu có một trong ba ấn này là pháp của Phật nói, nếu không có tất là pháp của Ma nói”. Cả Tam thừa tu hành không có thừa nào ngoại lệ, tất cả đều bắt buộc phải chứng ngã pháp đều không, nhờ vậy vô thường chấm dứt, Niết bàn hiển bầy.

Như vậy chung ta nhận chân được chỗ đến của Phật pháp là Niết bàn, chấm dứt vô thường, muốn thế cần phải chứng được ngã không và pháp không. Do đó người tu nếu dùng trí huệ phát triển ngã, tức đồng với tăng trưởng vô thường đi ngược lại với Niết bàn, gọi là bội giác hợp trần. Thế mới biết chân trí huệ là vĩnh viễn lìa bỏ ngã và ngã sở, nhờ vậy mà trí huệ thành vô lượng, không có bờ bến, trong trí huệ lại chứa đủ các lực như đã trình bầy ở trên, vì đủ hết mọi lực nên nói là thần thông lực. Những người chưa đủ trí huệ lìa ngã và ngã sở tất nhiên không thể đạt được hay tin hiểu nổi thần thông lực của trí huệ, vì vậy kinh điển đại thừa mới gọi là trí lực thần thông bất khả tư nghị. Lại do nhờ thần thông lực mà được tự tại vô ngại, vì thế nên còn được gọi là giải thoát bất khả tư nghị.

Chư Phật xuất hiện nơi đời không ngoài một đại sự nhân duyên “Khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến” có nghĩa mở bầy cho chúng sinh thấy rõ chúng sinh vốn sẵn đủ Phật tri kiến, để chúng sinh có thể quay trở về hòa nhập với Phật tri kiến xưa nay, lìa bỏ ngã kiến nguồn gốc của chúng sinh tri kiến. Như người tỉnh mộng ngộ nhập với hiện thực. Điều này có nghĩa ngã kiến là chúng sinh tri kiến, lìa ngã kiến là Phật tri kiến. Phật tri kiến không phải là một tri kiến mới mẻ vừa được kiến tạo bằng sự tu hành, mà Phật tri kiến là tri kiến bản lai thường hằng, nhưng do nhất niệm vọng động thành ngã kiến, do có ngã tướng nên có nhân tướng, chúng sinh tướng và thọ giả tướng, vì vậy mà chúng sinh và cảnh giới vô thường của chúng sinh xuất hiện, ngay trong Niết bàn tự tính xưa nay, như người đau mắt thấy hoa đốm trong hư không. Niết bàn như hư không, hoa đốm như vô thường sinh tử, đau mắt như ngã kiến.

Chúng sinh kiến không thể tin hiểu nổi Phật tri kiến bất khả tư nghị nên chư Phật phải phương tiện thị hiện nơi cảnh giới vô thường của chúng sinh để khai thị cho chúng sinh cái tri kiến xưa nay, vốn không ngã kiến, chúng sinh kiến, không cảnh giới vô thường của ngã kiến, tri kiến đó là Phật tri kiến, mà nhất thiết chúng sinh đều có như nhau.

Tóm lại nhờ vào chư Phật, chúng ta đã biết trí huệ là năng lực bất khả tư nghị, mà ai ai cũng có bình đẳng như nhau, lại biết tử thần của trí huệ là ngã kiến. Như thế còn chần chờ gì không khai thác trí huệ của tự thân, dùng trí huệ đánh gục tử thần ngã kiến. Hành như vậy vừa là y giáo chư Phật phụng hành, vừa lợi mình lợi người, vừa duy trì gìn giữ không cho giáo pháp trí huệ này bị đoạn tuyệt trên thế gian.

Như khi học tăng Huệ hải đến tham vấn Đạo nhất thiền sư, thiền sư hỏi “Ông đến cầu chuyện gì?” Huệ hải thưa “Đệ tử muốn cầu pháp nơi Hoà thượng” Đạo nhất nói “Về đi thôi, ở đây ta chẳng có lấy một chút pháp nào để cho ông cả, hãy về tìm nơi kho bảo ở nhà ông vốn sẵn đủ”.

Một năm tư duy trong chúng ta có nhiều người tiến bộ rõ rệt, điều này ai cũng nhận ra, song sự tiến bộ ở những người đó đều nhờ vào việc nỗ lực tư duy. Vào những ngày vía Phật Bồ tát và Tổ sư chúng ta thường dùng tư duy để cúng dường Phật thay vì chỉ dùng hương đăng hoa quả cúng dường theo truyền thống. Chúng ta cúng dường quý ngài bằng cả hai mặt sự lý, một mặt cúng dường sự bằng cách dâng hoa quả hương đăng, mặt khác tư duy giáo pháp của quý ngài vừa để tăng tiến nhân duyên với quý ngài, vừa phát triển trí huệ, và nhất làm quý ngài hoan hỷ. Vì sao quý ngài hoan hỷ? Chúng ta hãy nghiền ngẫm lời dậy của đức Thế tôn “Cho nên Thiên đế nên dùng pháp cúng dường, để cúng dường Như lai” và như thế nào là Pháp cúng dường? Qua phẩm Pháp cúng dường trong kinh Bất khả tư nghị giải thoát pháp môn tức kinh Duy Ma Cật.

Để nhận rõ tư duy cúng dường là sự cúng dường tối thắng, mà các bậc trí huệ thường làm, như hành động cúng dường pháp của trưởng lão Tu bồ đề được Thế tôn xưng tán. Rất mong đại chúng qua phẩm Pháp cúng dường của kunh Duy Ma sẽ hiểu rõ và y lời Phật dậy tu hành, để Phật pháp được cửu trụ nơi đời, công đức vô lượng.

Cầu Phật gia hộ cho tất cả đều luôn cúng dường chư Phật bằng cúng dường pháp.

Nam mô Bổn sư Thích ca mâu ni Phật tác đại chứng minh.
 

Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Giới Định Huệ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Trí Huệ
Pháp Sư Đạo Thế

Phước Huệ Nhân Quả
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Phước Báo Và Trí Huệ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Tu Phước Và Tu Huệ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Sự Quan Trọng Của Định Huệ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không