Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Phat-Day-Bo-Tat-Do-Sanh-Khong-Nen-Chap-Tuong

Phật Dạy Bồ Tát Độ Sanh Không Nên Chấp Tướng
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Phật dạy: "Tu Bồ Đề ! các ông phải y như lời ta dạy đây, mà hàng phục vọng tâm của mình.

Tu Bồ Đề ! Các vị Đại Bồ Tát phải độ tất cả các loại chúng sanh (như loài sanh trứng, loài sanh con, loài sanh chỗ ẩm thấp, loài hoá sanh, loài có sắc, loài không sắc, loài có tưởng, loài chẳng phải không tưởng v.v...) đều được nhập Niết bàn. Bồ Tát tuy độ vô lượng vô số chúng sanh như vậy, nhưng không thấy có một chúng sanh nào được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ Tát còn thấy có mình độ và chúng sanh được độ, tức là Bồ Tát còn chấp bốn tướng (tướng ngã, tướng nhơn, tướng chúng sanh và tướng thọ giả) thì không phải là Bồ Tát".


LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật dạy Bồ Tát độ sanh, phải dùng Trí huệ Bát Nhã, phá các vọng chấp ngã, nhơn v.v...đó là phương pháp "hàng phục vọng tâm". 

Bồ Tát muốn biết mình còn phiền não vọng chấp hay không, để diệt trừ, tất nhiên phải lao mình vào phiền não; nghĩa là phải nhập thế độ sanh, làm các Phật sự. 

Phật dạy Bồ Tát khi nhập thế độ sanh làm các Phật sự, luôn luôn phải dùng Trí huệ Bát Nhã phá trừ các chấp ngã, chấp pháp, không còn thấy bốn tướng (ngã nhơn v.v....)thì phiền não vọng chấp không sanh. Đó là phương pháp "hàng phục vọng tâm". 

Nếu Bồ Tát vừa khởi vọng chấp: "có mình độ và người được độ v.v...", tức là Bồ Tát còn ngã, nhơn, bỉ, thử, thì vô số phiền não đua nhau nổi lên như sóng. Cổ nhơn nói: 
"Nhứt ba tài động, vạn ba tuỳ".

Nghĩa là: Một lượng sóng vừa nhô lên, thì trăm ngàn lượng sóng liền theo đó mà nổi lên. 

Nếu Bồ Tát còn vô minh phiền não vọng chấp nổi lên, thì không phải là Bồ Tát; vì chưa nhập được Trí huệ Bát Nhã. 

Kinh Tứ thập nhị chương chép: 

"Giáo pháp của ta: "Niệm" mà không trụ chấp nơi niệm, mới thật là "Niệm". "Làm" mà không trụ chấp nơi làm, mới thật là "làm". "Nói" mà không trụ chấp nơi làm, mới thật là "nói". "Tu" mà không trụ chấp nơi tu, mới thật là "tu". "Chứng" mà không trụ chấp nơi làm, mới thật là "chứng". 

Đó là tôn chỉ "vô trụ tướng" của kinh Bát Nhã.
 _____________________

GIẢI DANH TỪ
 
Tất cả chúng sanh chia làm 9 loại:
 
1. Loài sanh trứng (noãn sanh): như gà, vịt, chim, cò v.v...
 
2. Loài sanh con (thai sanh): như người, trâu, bò v.v...
 
3. Loài sanh nơi ẩm thấp (thấp sanh): như vi trùng, con oăn v.v...
 
4. Loài hoá sanh (hoá sanh): như cỏ mục hoá sanh đơm đớm v.v...
 
5. Loài có hình sắc(hữu sắc):như chúng sanh ở cõi Dục và cõi Sắc.
 
6. Loài không hình sắc (vô sắc): như chúng sanh ở cõi Vô sắc v.v...
 
7. Loài có tâm tưởng (hữu tưởng): như chúng sanh ở cõi trời hữu tưởng v.v...
 
8. Loài không tâm tưởng (vô tưởng): như chúng sanh ở cõi vô tưởng. Chúng sanh ở cõi Dục, tu định vô tưởng, được sanh về cõi trời Vô tưởng, hưởng thọ 500 kiếp, rồi vẫn trở lại trong vòng sanh tử luân hồi.
 
9.Loài chẳng phải có tưởng và chẳng phải không tưởng (phi hữu tưởng, phi vô tưởng): như chúng sanh ở cõi trời phi phi tưởng xứ, trong cõi Vô sắc. Chúng sanh ở cõi này, đồng với hư không, không có thân thể và thế giới. Họ chỉ có định không có huệ, thọ đến tám vạn kiếp, rồi trở lại đoạ về chỗ không vong.
 
BỐN TƯỚNG: Mỗi chúng sanh đều có bốn tướng: Như đối với người khác tự xưng "tôi" hay "ta", là "ngã tướng"; Ta có nhơn cách là "nhơn tướng"; Ta thuộc loài hữu tình, sanh vật là "chúng sanh tướng"; Ta có thân mạng, sống trong một thời gian là "thọ giả tướng".
 
Tóm lại, phàm chấp một tướng, tất nhiên chấp đủ bốn tướng:
 
- Ngã tướng: chấp có "ta"
 
- Nhơn tướng: chấp có "loài người".
 
-  Chúng sanh tướng: chấp có chúng sanh.
 
-  Thọ giả tướng: chấp có mạng sống trong một thời gian
 
NIẾT BÀN: Dịch âm của tiếng Phạn "Nirvana", dịch nghĩa là viên tịch: Viên mãn vắng lặng. Niết bàn có bốn loại:
 
1. Tánh tịnh Niết bàn.
 
2. Vô trụ xứ Niết bàn.
 
3. Hữu dư Niết bàn.
 
4. Vô dư Niết bàn.

 
Trích từ: Phật Học Phổ Thông Khóa 12 Kinh Kim Cang
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Học Vấn Đáp Loại Biên, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
2 Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Tải Về
3 Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
4 Phật Học Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Đức Trí Tải Về
5 Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
6 Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
7 Giáo Trình Phật Học, Lê Kim Kha Tải Về

Chấp Tướng
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Diệt Đế
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa