Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Noi-Chuyen-Voi-Dong-Tu-Tai-Niem-Phat-Duong

Nói Chuyện Với Đồng Tu Tại Niệm Phật Đường
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Từ lúc khai giảng đến nay Niệm Phật Ðường đã từ từ đi vào nề nếp, mọi người đều cảm nhận công đức thù thắng của sự niệm Phật một cách sâu sắc, sanh tâm hoan hỷ.  Nhưng cũng có một số đồng tu nói với tôi rằng trong đại chúng còn một số ý kiến.  Vấn đề này chúng ta không thể không để ý.  Cổ đức thường nói lúc cùng nhau tu tập (cộng tu) nếu có nghi hoặc, xen tạp thì sẽ phá hoại công phu niệm Phật.  Mục đích của sự niệm Phật là để đạt được ‘nhất tâm bất loạn’, nhất tâm tuy không dễ đạt được, chỉ cần đạt đến cảnh giới này thì nhất định nắm chắc vãng sanh bất thoái thành Phật.

Công phu thành phiến tức là chẳng có nghi hoặc, xen tạp, bất luận là ở chỗ nào lúc nào, dù lúc nửa đêm nằm mộng cũng chẳng quên A Di Ðà Phật, đó tức là hình dáng của công phu thành phiến.  Ngoại trừ A Di Ðà Phật ra, lúc tiếp xúc với hết thảy người, sự, vật phải luôn luôn cảnh giác cao độ, nhất định chẳng để ngoại cảnh dụ hoặc, lay động, đó tức là công phu.  Chúng ta muốn đạt được công phu này nhưng tại sao niệm Phật mãi trong Niệm Phật Ðường cũng làm không được? 

Có hai nguyên nhân:

Một là phiền não tập khí từ vô lượng kiếp đến nay quá nặng; tập khí tức là tri kiến, phần nhiều gọi là thành kiến, thành kiến rất nặng, ý kiến quá nhiều, đây là một chuyện rắc rối. 

Hai là không thật thà, thật thà cũng chẳng dễ, người có thể làm được thật thà bất luận tu học pháp môn nào đều nhất định có thể thành tựu.

Phương pháp bổ khuyết, bù đắp là đọc kinh, nghe giảng.  Ðọc kinh nghe giảng giúp cho chúng ta có thể nhìn thấu, buông xuống, giúp cho chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh.  Nói một cách khác hiểu rõ chân tướng mình đến thế gian trong đời này.  Nếu thực sự hiểu rõ triệt để sinh hoạt và hoàn cảnh xung quanh trong đời này thì tự nhiên sẽ buông xuống. Thế Tôn đã đau lòng mỏi miệng nói hết bốn mươi chín năm, luôn luôn nhắc nhở nhưng chúng ta thực sự đã mê quá sâu đậm.  Không ngừng nhắc nhở là hy vọng có một ngày nào đó chúng ta có thể hoảng nhiên đại ngộ, biết được mình đến thế gian chỉ là để thọ báo mà thôi.

Nghiệp đã tạo trong những đời kiếp trước thì đời này đến để thọ nhận quả báo, đây là nhân quả tuần hoàn.  Tạo thiện nghiệp nhiều thì đời này hưởng được một chút phước; tạo ác nghiệp nhiều thì đời này phải chịu rất nhiều đau khổ.  Nhưng chẳng có người nào trong lúc thọ báo bèn cam chịu thọ báo, vẫn cứ tạo nghiệp y như cũ.  Thọ báo rồi tạo nghiệp, tạo nghiệp xong lại thọ báo, vĩnh viễn cứ tuần hoàn.  Hiện tượng tuần hoàn này chẳng nâng lên trên mà là từ từ đi xuống, đời này chẳng bằng đời trước, như vậy đau khổ biết bao!  Tại sao lại có hiện tượng này?  Tại chúng ta tạo ra những nghiệp chẳng thiện.  Thế Tôn nói rõ cho chúng ta biết tạo thiện nghiệp thì đi cõi thiện siêu sanh, tạo ác nghiệp thì đi vào cõi ác đọa lạc, đây là chân tướng sự thật của nhân sanh.  Thử suy nghĩ kỹ thì đích thực là như vậy.  Phật từ bi thương xót những chúng sanh thọ khổ thọ nạn này vì ngu muội vô tri mê mất tự tánh, cho nên mới nói rõ chân tướng sự thật, hy vọng chúng sanh có thể vượt thoát tam giới, lục đạo luân hồi, cùng các Ngài làm Phật, làm Bồ Tát.

Vào Niệm Phật Ðường và muốn công phu được đắc lực thì phải buông xuống hết thảy thân tâm thế giới.  Không buông xuống nổi là vì không hiểu giáo lý nên phải dùng phương pháp giảng kinh để bổ cứu.  Thời xưa Niệm Phật Ðường chẳng có giảng kinh, nhưng mỗi cây hương lúc chỉ tịnh[25] đều có giảng khai thị, dụng ý cũng giống với giảng kinh, là giúp mọi người đoạn nghi sanh tín, công phu đắc lực.  Ðặc biệt là ngày nay thời gian chúng ta nghe kinh ngắn, chẳng đủ căn cơ, tuy là có duyên trụ tại Niệm Phật Ðường thù thắng như vầy mà vẫn sanh phiền não, vẫn còn nhiều ý kiến, vẫn gây chướng ngại cho công phu tu học của mình.  Do đó có thể biết chẳng thể không đọc kinh, chẳng thể không nghe giảng, mọi người phải hết lòng nỗ lực dụng công.

Sau khi Làng Di Ðà xây xong, Niệm Phật Ðường có thể chứa từ một đến hai ngàn người.  Ðồng tu trụ tại Làng Di Ðà đều là Phật, Bồ Tát vì những người đến chỗ này chỉ có một mục đích là làm Phật. ‘Niệm Phật là nhân, làm Phật là quả’.  Niệm Phật Ðường nhất định niệm Phật chẳng gián đoạn suốt hai mươi bốn giờ, ngày ngày đều như vậy, năm nào cũng đều như vậy.  Chúng ta là phàm phu nghiệp chướng nặng nề muốn ngày đêm niệm Phật chẳng gián đoạn, nhưng thể lực có trở ngại, có trở ngại cũng phải khắc phục.  Khi xưa Ðế Nhàn lão hòa thượng dạy phương pháp niệm Phật cho đồ đệ của Ngài -- người làm thợ vá nồi: ‘Niệm mệt rồi thì nghỉ, nghỉ mệt xong liền niệm tiếp tục’.  Nhất định chẳng thể làm biếng, giải đãi, đây chính là vì mình mà cũng vì chúng sanh;  bạn thành Phật rồi thì có thể phổ độ chúng sanh, đây là tự lợi, lợi tha.  Hy vọng mọi người tự động, tự phát đừng để người ta phải đốc thúc.  Trong Niệm Phật Ðường mặc áo hải thanh (áo tràng), lúc nghỉ mệt cũng đừng cởi áo hải thanh, khi cởi áo hải thanh thì sợ ngủ mê, làm ngưng trệ công phu niệm Phật; mặc luôn áo mà ngủ thì có thể đề cao cảnh giác, tận lực ngăn ngừa cho mình đừng làm biếng.  Tu học trong đạo tràng như vậy thì làm sao chẳng thành Phật cho được!

Trụ ở Làng Di Ðà đều miễn phí, một đồng [chúng tôi] cũng chẳng nhận, vì các bạn là Phật, Bồ Tát, chúng tôi đương nhiên phải cúng dường.  Một trong mười đức hiệu của Phật là ‘Ứng Cúng’, các bạn trú ở đây thì đương nhiên phải nhận sự cúng dường của hết thảy chúng sanh.  Bạn sẽ làm Phật nên chúng tôi dùng tâm cúng dường chư Phật để cúng dường các bạn, giúp các bạn ngay trong một đời này viên thành Phật đạo, cái duyên này vô cùng thù thắng!  Nơi đây xin chúc các bạn ngay trong một đời ngắn ngủi này nhất định sẽ thành tựu.
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Luận Niệm Phật
Pháp Sư Đàm Hư

Phương Pháp Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không