Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Nguoi-Lam-Cong-Tac-Giao-Duc-Xa-Hoi-Thien-Nguyen

Người Làm Công Tác Giáo Dục Xã Hội Thiện Nguyện
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

Nếu có thể thấu hiểu kinh Vô Lượng Thọ và Kinh Hoa Nghiêm, y giáo phụng hành thì có thể khế nhập vào Bồ Tát đạo, làm một sự chuyển biến trọng đại.  Chẳng những có thể đem lại phước báo chân thật cho mình trong đời này, khai triển quang minh cho tương lai, trên Bồ Ðề đạo sau này ắt cũng sẽ thuận buồm xuôi gió.

Gần đây nhiều đồng học trích lục một bài ‘Nhân sanh cam lộ’, nếu có thể đích thật làm được [như trong bài văn ấy nói], nói theo thế pháp thì là thánh hiền quân tử, nói theo Phật pháp thì là Bồ Tát chân thật.  Trong việc tự hành hóa tha, hoằng pháp lợi sanh nhất định sẽ được hết thảy chúng sanh hoan nghinh và kính yêu.  Cho dù chỉ làm được vài điều trong đó, đời này cũng sẽ thọ dụng chẳng hết.  Chẳng những tự mình làm mà còn phải khuyến khích hết thảy chúng sanh tận hết trách nhiệm của mình làm một phần tử hoàn hảo trong công việc giáo dục xã hội thiện nguyện.

Trong sanh hoạt bình thường ráng hết sức để tránh tạp niệm, tránh tán gẫu, lúc nói chuyện với người thì luận đạo, lúc chẳng nói chuyện thì đọc kinh, như vậy mới là tích công lũy đức.  Hạnh phúc nhất trong đời người là ngày ngày cùng những bạn bè có chung chí hướng và tâm đạo cùng nhau thuyết kinh, luận đạo, đây là đời sống vô cùng thù thắng.  Hoàn cảnh sanh hoạt như vậy là [hoàn cảnh] ở Tây phương Cực Lạc thế giới.  Chúng ta thấy được trong kinh, người ở cõi Cực Lạc đến từ mười phương, ba đời, họ buông bỏ tập khí đến để thân cận đức Phật A Di Ðà cùng chư Phật Như Lai.  Mỗi ngày cùng đồng tham đạo hữu hoặc trên mặt đất, hoặc trên không trung, hoặc đi kinh hành đều là thuyết kinh luận đạo.  Hoàn cảnh tu học ở Tây phương Cực Lạc thế giới là hoàn mỹ hạng nhất, đây là đời sống chúng ta mong mỏi, ngưỡng mộ.  Cho nên chúng ta phải xây dựng một mô phạm, điển hình, biểu diễn cho người đời xem, nếu họ có thể hiểu được thì cũng sẽ phát tâm hết lòng đến học tập.

Ở Tân Gia Ba chúng tôi đi thăm viếng những người Hồi Giáo, đây là lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với họ, hy vọng có thể tìm hiểu, tôn trọng lẫn nhau, tiêu trừ các sự hiểu lầm, ngăn cách.  Làm công tác đa nguyên văn hóa được viên mãn là công đức to lớn, là chuyện tốt thực sự đối với xã hội.  Hồi trước tôi đã từng quen biết với các lãnh tụ Phật giáo và Hồi giáo ở vùng biên cương Trung Quốc, sự quan hệ của họ vô cùng hòa hài, hợp tác lẫn nhau, tôn trọng và lễ kính lẫn nhau.  Hy vọng quan niệm và tinh thần này có thể đẩy mạnh đến toàn thế giới, làm cho mọi người đều đối xử hòa mục, hỗ trợ hợp tác, cùng nhau xây dựng đời sống hạnh phúc mỹ mãn.  Ðây là công việc của những người làm công tác giáo dục xã hội thiện nguyện, là việc mà trách nhiệm chẳng thể thoái thác cho người khác được.  Nói một cách khác, cả đời chúng ta đều vì một việc này, Phật pháp gọi là ‘Phật sự’, đây tức là công việc giác ngộ chúng sanh.          

Chúng ta phải hết lòng đẩy mạnh công việc này, phát triển rộng rãi.   Ðặc biệt giao thiệp với những đoàn thể và nhân vật có sức ảnh hưởng đến xã hội, nói theo Phật pháp thì những người này có đầy đủ thiện căn phước đức.  Thế nên những người có sức ảnh hưởng hoặc có địa vị lãnh đạo đều là do quả báo đời trước tu phước tích thiện.  Nếu chúng ta có thể dùng Phật pháp để giao thiệp với họ thì nhất định sẽ ảnh hưởng họ, tăng trưởng thiện căn phước đức của họ, như vậy sẽ có thể đem lại hòa bình an định, phồn vinh hưng vượng cho thế giới, tiêu trừ hết thảy các tai hại tự nhiên hoặc do người đem đến.

Không những như vậy thôi đâu, chúng ta vẫn phải tiếp tục mở rộng tâm lượng, đức Phật dạy chúng ta ‘tâm bao trùm hư không, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát’, phải hết lòng nỗ lực thực hiện.  Tâm lượng mở rộng đến viên mãn thì cho dù làm một việc thiện nhỏ bé nhưng nương theo tâm lượng cũng có thể biến trọn khắp hư không pháp giới, đây là đạo lý vun trồng phước báo to lớn, làm chuyện đại thiện thì cảnh chuyển tùy theo tâm.  Trong tự viện khi cúng thí thực đều niệm ‘bảy hạt biến thập phương’, nếu tâm lượng của bạn biến trọn khắp mười phương pháp giới, bố thí một hạt gạo sẽ có thể biến trọn khắp mười phương pháp giới, hết thảy chúng sanh đều có thể được thọ dụng; nếu tâm lượng nhỏ bé, niệm Chú cũng chẳng ích lợi gì, cảnh chẳng chuyển theo Chú.  Chú là tăng thượng duyên (duyên phụ), tâm là thân nhân duyên (duyên chánh), nếu chẳng có duyên chánh thì duyên phụ chẳng giúp gì được.  Nếu thực sự ‘tâm bao trùm hư không, lượng gồm thâu các cõi nhiều như cát’  thì tăng thượng duyên của Chú sẽ khởi tác dụng rất lớn.  Thế nên căn bản là ở nơi tâm địa, tâm địa phải lương thiện và chân thành.  ‘Tâm thành’ thì hành vi tự nhiên sẽ đoan chánh, công phu chân thực là ở chỗ này.

Chúng ta nói được nhất định phải làm được, vả lại khi gặp ai cũng nói.  Nhưng nói pháp phải khế cơ.  Trong kinh Hoa Nghiêm có nói mười thứ cơ [duyên], quan sát kỹ lưỡng hết thảy chúng sanh chẳng ai là không ở trong mười thứ cơ [duyên] này.  Nếu chúng sanh chẳng đạt được lợi ích trước mắt, chúng ta có thể trồng nhân cho tương lai, đó chính là ‘một khi lọt vào tai thì vĩnh viễn thành hạt giống đạo’.  Từ điểm này quan sát thì ai cũng là người đương cơ trong Phật pháp.

Trong kinh nói vận may nhất của người ta trong một đời là có thể thấy được tượng Phật, có thể nghe đến danh hiệu của Phật, Bồ Tát.  Không kể là họ biết hay không biết, đối với Phật, Bồ Tát cung kính hoặc hủy báng đều được phước lớn.  Cho dù là hủy báng thì khi chịu hết quả báo ác này, khi gặp duyên hạt giống kim cang sẽ khởi tác dụng, cũng do vậy nên được độ, được độ tức là được liễu sanh tử, thoát khỏi tam giới.  Thế nên chúng ta tuyệt đối không thể vì họ hủy báng mà không giúp đỡ, đây là sự thiếu sót của chúng ta.  Họ hủy báng, chúng ta bèn niệm một câu danh hiệu Phật, Bồ Tát cho họ nghe, làm nhân duyên cho họ đời sau được độ.

Thế nên phải biết cách kết pháp duyên rộng rãi, vui vẻ thân thiết với người, thường thường nên mang theo lễ vật nho nhỏ để có thể kết duyên với người ta, sau đó mới giảng giải khái niệm của nền giáo dục Phật Ðà, việc này quan trọng phi thường.  Chúng ta chẳng nói kết thiện duyên vì thiện duyên và ác duyên đều là tương đối, pháp duyên thì vượt ra ngoài thiện và ác, duyên này mới thực sự thù thắng.  Ác duyên chiêu cảm ác báo, thiện duyên tuy có thiện báo nhưng cũng chẳng tốt.  Vì vậy nên chư Phật Như Lai trong sanh hoạt thị hiện ba chiếc y, một cái bình bát chính là thiện ác hai bên đều chẳng tiêm nhiễm.  Nếu chư vị lắng lòng thể hội thì mới biết đó là cách sống rốt ráo viên mãn bậc nhất, đáng được học tập, hy vọng chúng ta cùng nhau nỗ lực.

 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Bàn về nhân quả báo ứng và sự giáo dục trong gia đình
Đại Lão Hòa Thượng Thích Ấn Quang

Thiện và Ác
Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Kết Thiện Duyên Rộng Rãi Là Nghĩa Thế Nào...?
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm

Thập Thiện Nghiệp
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Thiểu Dục và Tri Túc
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Yếu Nghĩa Về Thập Thiện
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Ái Dục Là Gốc Của Sinh Tử
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa

Phóng Sinh Và Từ Thiện
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ