Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Chan-Thanh-Thanh-Tinh-Binh-Dang-Chinh-Giac-Tu-Bi

Chân Thành Thanh Tịnh Bình Đẳng Chính Giác Từ Bi
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Chân thành – thanh tịnh – bình đẳng – chính giác – từ bi  
Tôi đem những gì mình tu học tâm đắc nhất tóm tắt thành 10 điều 20 chữ. Ðây là những điều rất dễ hiểu, dễ nhớ. Năm điều đầu tiên là: Chân thành – thanh tịnh – bình đẳng – chính giác – từ bi.   
- Chân thành  

Tiêu chuẩn của cái tốt là gì? Ðó là lòng chân thật, không lừa mình dối người. Trong xã hội hiện tại người có thể làm được một điều này không còn nhiều, nhưng nhất định chúng ta phải làm được. Thực sự mong muốn thoát khỏi khổ đau, được sống an lạc hạnh phúc thì không còn cách nào khác ngoài việc lấy cái tâm chân thật để đối xử với mọi người, mọi loài. Sau đó mới thực sự làm việc gì, nhất cử nhất động đều không còn sợ hãi; trên đối với trời đất, dưới đối với tất cả chúng sanh lòng luôn thanh thản, khoan khoái dễ chịu, tự do tự tại. Nếu dùng tấm lòng giả dối để đối xử với người, thì dù cho không có sám hối trước tượng Phật, bản thân mình vẫn còn có lương tâm, không ai hay biết thì cũng bị lương tâm quở trách, tâm bất an, trong giấc ngủ thường gặp ác mộng. Nỗi khổ đó từ đâu mà đến? Ðó là kết quả từ cái tâm lừa dối đối xử với mọi người, mọi loài nó sanh ra. Ðúng là lợi bất cập hại, thì vì sao không dùng tâm chân thành để đối đãi với mọi người?  

- Thanh tịnh  

Thứ hai là phải tu tâm thanh tịnh. Các bạn nên biết, môi trường sanh thái tự nhiên của trái đất của chúng ta đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, các nhà khoa học đã đưa ra lời cảnh cáo, nếu tình trạng ô nhiễm này không lập tức dừng lại, thì trong vòng 50 năm nữa trái đất không còn là nơi thích hợp cho loài người sanh tồn. Lời cảnh cáo nghiêm trọng này có căn cứ khoa học rõ ràng. Vì sao ngày nay việc bảo vệ, phòng chóng ô nhiễm không có hiệu quả? Người đời chỉ nhìn thấy bên ngoài, kỳ thật sự ô nhiễm bên trong tâm con người còn nghiêm trọng hơn nhiều. Tâm thức, tinh thần, tư tưởng, kiến thức đều bị ô nhiễm. Bên trong, bên ngoài đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các nhà khoa học nói rằng 50 năm sau trái đất này không còn thích hợp cho loài người sanh tồn nữa, tôi xem ra hình như khoảng thời gian đó hơi lâu!  

Vì vậy, hôm nay chúng ta phải tu học và hoằng dương chính pháp, phải lấy tâm thanh tịnh đặt lên hàng đầu, đó là bảo vệ môi trường. Ðề phòng ô nhiễm từ việc bảo vệ cái tâm của chúng ta thanh tịnh, nhất định phải học Phật pháp, nhất định phải tu giới, định, tuệ. Tâm thanh tịnh thì thân cũng thanh tịnh; thân tâm thanh tịnh thì hoàn cảnh bên ngoài cũng thanh tịnh, đó mới là bảo vệ môi trường từ căn nguyên trở đi, mới thật sự có hiệu quả. Mỗi con người ai cũng quan tâm đến sức khoẻ, hạnh phúc, tuổi thọ của mình, mà muốn đạt được những điều đó phải bắt đầu từ đâu? Từ tâm thanh tịnh.  

Tôi có rất nhiều người đồng tu, ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đặc biệt là khi tôi ở Nhật bản, lúc nào cũng có người đến hỏi: Pháp sư, bình thường ngài dùng những vật thực gì? Ăn những chất bổ gì? Mà trông thân thể của ngài rất khỏe mạnh, tinh thần cũng rất tốt! Tôi trả lời với họ: Tôi có một thứ rất bổ dưỡng! Họ hỏi tôi: Là thứ gì vậy? Tôi nói: Nước máy của công ty nước máy Ðài loan! Tôi ăn cơm tuỳ duyên, không làm phiền người khác, người ta cho tôi thứ gì, tôi dùng thứ ấy, rất đơn giản và ăn rất ít. Tôi không ăn vặt, không ăn tất cả những thực phẩm bổ dưỡng. Những chất bổ đều có tác dụng phụ, bạn xem những người có tiền, những gia đình phú quý, muôn ngàn thứ bổ dưỡng, nhưng chất bổ ra khỏi thân là bệnh.  

Vậy thứ gì bổ nhất, dinh dưỡng nhất? Ðó là tâm hồn thanh tịnh! Tâm không có phiền não, không phân biệt, không lo nghĩ ưu tư, không bận tâm, đó là hạnh phúc nhất! Cái đó gọi là người gặp việc vui tinh thần trong sáng, niềm vui này là từ trong tâm thức toả ra. Còn niềm vui của người đời là từ sự tìm kiếm khoái lạc, tìm kiếm kích thích. Tìm kiếm kích thích từ những hơi thuốc phiện là một dạng độc tố, đó là một thứ niềm vui, khoái lạc không chân chính. Niềm vui chân chính là từ miền tâm thức thanh tịnh toả ra, đó mới là hạnh phúc chân thật. Cho nên trong nhà Phật thường tu tập thiền định, người có định lực thâm hậu thì lấy niềm vui thiền làm thức ăn (thiền duyệt vi thực).  Thức ăn ở đây chỉ là tỉ dụ, nhưng đúng là nguồn dinh dưỡng, thiền duyệt chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất. Thiền duyệt chính là niềm vui từ tâm thức thanh tịnh toả ra, nhà Phật gọi đó là niềm vui sống đầy đủ với pháp (pháp hỉ sung mãn). Bạn có thể đạt được pháp hỉ, đó chính là niềm vui giúp cho cơ thể khoẻ mạnh, tuổi thọ tăng cao.  

- Bình đẳng  

Thứ ba là tâm bình đẳng. Ðối với bản thân phải thanh tịnh, đối với mọi người phải bình đẳng, không có phân biệt cao thấp. Không xem trọng người giàu sang, phú quý, khinh thường những người nghèo hèn, khổ cực. Phải dùng tâm bình đẳng để đối xử với mọi người, mọi loài, luôn lấy tâm giác ngộ để đối đãi với tất cả mọi sự, lấy tâm đại từ bi để quan tâm, lo lắng, chiếu cố, giúp đỡ hết thảy chúng sanh. Xem người khác với bản thân mình là một, người ta cần sự giúp đỡ, chúng ta phải toàn tâm toàn lực để giúp họ.  

- Chính giác – từ bi  

Chính giác là trí tuệ, là trí tuệ bát nhã vốn có đầy đủ trong chân tâm của mỗi chúng sanh, không phải thứ trí tuệ từ bên ngoài mà có. Chỉ cần giữ tâm thanh tịnh bình đẳng thì trí tuệ tự nhiên phát sanh. Nói một cách khác, một khi tâm thanh tịnh bình đẳng thì chính là tác dụng của trí tuệ: vạn sự vạn vật, quá khứ, tương lai đều hiểu biết tường tận, không thể nghĩ bàn. Người đời cho rằng thần thông biến hoá là chuyện phi thường không thể có, nhưng kỳ thật đó là bản năng của con người, khắp cùng thế giới này cho đến cả những hành tinh khác, không chỗ nào là không thấy không nghe được, sáu giác quan của chúng ta đều có thể tiếp xúc một cách trọn vẹn. Ngày nay bản năng của chúng ta đã mất, cho nên xem thấy khôi phục một ít đã cảm thấy thần thông rộng lớn không thể nghĩ bàn, mà không biết rằng đó là bản năng của mình. Vì sao bản năng của chúng ta bị mất? Vì tâm bị ô nhiễm và tâm khởi niệm phân biệt. Ðức Phật nói rằng tất cả chúng sanh đều do vọng tưởng phân biệt và cố chấp nên không thể khôi phục. Nếu có thể dập tắt lòng vọng tưởng, phân biệt và cố chấp thì bản năng có thể khôi phục được.  

Tâm từ bi là đối đãi với tất cả mọi chúng sanh bằng tình thương chân thật. Từ bi chính là lòng thương yêu. Vì tất cả chúng sanh, toàn tâm toàn lực thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc mà không có bất kì một điều kiện nào, tất cả đều bình đẳng, đó chính là tấm lòng đại từ đại bi.  
 
Trích từ: Học Vị Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Đức Niệm Đọc Tiếp
2 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Chú Giải Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Kinh Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, Tâm Tịnh Tải Về
5 Học Vị Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm, Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng Tải Về