Phật Học Vấn Đáp


Chúng ta muốn thành Phật, nhưng chúng ta không tu Lục Độ của Bồ Tát được không?
Có một đồng tu nói không cần tu Lục Độ, bởi vì đó là pháp tu của Bồ tát. Chúng ta muốn thành Phật, có thể không tu Lục Độ, xin Pháp sư khai thị.

8/12/2022 5:19:47 PM

Không thể được! Bạn phải hiểu rằng Phật cao hơn so với Bồ tát một bậc, Phật là từ Bồ tát tu thành, bạn chỉ học Phật mà không học Bồ tát thì bạn vĩnh viễn không thành Phật được. Tại sao vậy? Bạn không tu nền móng, làm gì có đạo lý này! Hơn nữa, bạn phải hiểu rằng, phía dưới Bồ tát còn có nền tảng, bạn từng tầng từng tầng đi xuống, bạn mới phát hiện thứ nền tảng nhất chính là Đệ Tử Quy, điều này chúng tôi nói rất nhiều rồi. Trong Phật Tạng Kinh, không phải là Đại Tạng Kinh, là một bộ kinh ở trong bộ Đại Tạng Kinh, tên của Kinh gọi là Phật Tạng Kinh, Thế Tôn nói với chúng ta rất rõ ràng: “Đệ Tử Phật không học Tiểu Thừa trước mà học Đại Thừa thì không phải đệ tử Phật”. Đây là Thích ca Mâu ni Phật nói, nếu bạn không y theo trình tự từ nhỏ đến lớn, không theo tuần tự từng bước thì Phật không thừa nhận bạn. Cho nên, Phật giáo Trung Quốc cũng là từ Tiểu Thừa đến Đại Thừa, Phật Giáo Trung Quốc thời Tùy Đường có mười tông, có hai tông Tiểu Thừa là Câu Xá Tông và Thành Thật Tông. Hai tông này đến cuối thời nhà Đường thì đã suy rồi, đến nhà Tống thì không còn nữa, hiện nay rất nhiều người không biết.

Vậy thì Phật giáo Trung Quốc dùng cách tu gì? Dùng nền tảng Nho và Đạo thay thế Tiểu Thừa, vậy thì được. Vì sao vậy? Nói chung, đồ của Trung Quốc thì hợp với khẩu vị người Trung Quốc. Cho nên Trung Quốc dùng Nho dùng Đạo làm nền tảng, Nho và Đạo nhập vào Đại Thừa thì không có vấn đề gì. Thế nhưng Đại Thừa vẫn là từ Thập Thiện Nghiệp Đạo mà tu. Nền tảng của Nho và Đạo không khác nhiều so với Thập Thiện Nghiệp Đạo, cho nên có thể nói hết thảy đều đã đầy đủ rồi, không thể không biết điều này. Từ trên nền tảng này để tu Lục Hòa Kính. Khi Tịnh Tông Học Hội chúng ta thành lập, chúng tôi có một bài Duyên Khởi, đề xuất ra năm khoa mục tu hành của chúng ta. Năm khoa mục thì không nhiều, mọi người đều rất dễ nhớ, dễ học. Khoa mục thứ nhất chính là Tịnh Nghiệp Tam Phước. Bạn xem điều đầu tiên của Tịnh Nghiệp Tam Phước, “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp”, bốn câu này là nền tảng. Hiếu thân tôn sư là Đệ Tử Quy, từ tâm bất sát là Cảm Ứng Thiên, câu sau cùng là tu Thập Thiện Nghiệp. Ba thứ này là điều đầu tiên của Tịnh Nghiệp Tam Phước, cái đầu tiên phải trọn đủ.

Có ba điều này thì bạn bước vào cửa Phật, “thọ trì Tam Quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi”. Bạn nhất định phải làm được Tam Quy Ngũ Giới, nếu làm không được Tam Quy Ngũ Giới thì chỉ là thọ trên hình thức mà thôi, trên thực chất không có. Từ Tam Quy Ngũ Giới lại nâng cao đến “phát Bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng Đại Thừa”, đây đều là thuộc về tự lợi. Sau cùng là lợi tha, “khuyến tấn hành giả”. Tự hành hóa tha, Tịnh Tông chúng ta chính là lấy ba điều này làm nguyên tắc chỉ đạo. Sau đó là đời sống trong đoàn thể, quy tắc sống trong đoàn thể là Lục Hòa Kính, đây là giới luật vô cùng quan trọng. Phải hòa khí, người thế gian nói “hòa khí sanh tài”, “gia hòa vạn sự hưng”, bất hòa thì tuyệt đối không phải là Phật pháp. Sau Lục Hòa Kính là tam học Giới Định Huệ, Lục Độ. Khoa mục sau cùng là Phổ Hiền Thập Nguyện, chính là Thập Đại Nguyện Vương. Chúng tôi yêu cầu phải thực hiện được năm môn công khóa này thì niệm Phật có lý nào không vãng sanh chứ! Phải có thái độ như vậy mà học Phật. Nói không cần tu Lục Độ, vậy thì nhất định không thể thành tựu, đâu có loại đạo lý đó!

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Khai Thị        Bồ Tát       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật