Phật Học Vấn Đáp


Tại sao phải vãng sanh về thế giới Tây phương Cực lạc?

4/22/2023 11:35:11 AM
Bởi vì đức Phật A Di Đà trước khi chưa thành Phật tên là Tỳ kheo Pháp Tạng đã phát ra 48 lời nguyện trong đó có một lời nguyện "Sau khi tôi thành Phật, chúng sanh trong khắp mười phương nếu niệm danh hiệu của tôi "A DI ĐÀ PHẬT", tôi nhất định tiếp dẫn họ về cõi nước của tôi, tương lai thành Phật", chúng sanh trong cõi nước tôi đều hoá sanh từ hoa sen, nên thân thể thanh tịnh không bị nhiễm ô". Với đại nguyện rộng lớn của Phật A Di Đà, nên tất cả chúng sanh ai ai cũng tu "pháp môn niệm Phật", vì đây là pháp môn hợp với mọi trình độ căn cơ và rất dễ tu.

Kinh Đại Tập nói: "Thời mạt pháp ức ức người tu hành, khó có người đắc đạo, chỉ nương vào pháp môn niệm Phật thì độ thoát sanh tử". Đây là nói ức ức người tu hành mà không có một người đắc đạo, chỉ có niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc mới thoát khỏi sanh tử. Đặc biệt vào thời đại bây giờ là vào mạt pháp, niệm Phật rất tương ưng và hợp căn cơ của người thời này.

Nhưng ở các nước phương Tây, hiện tại chưa phải là thời đại mạt pháp, có thể nói đang là thời kỳ chánh pháp. Tại sao nói đang là thời kỳ chánh pháp? Bởi vì Phật pháp mới vừa đến các quốc gia ở tây phương đang trong lúc thịnh vượng, hiện tại ở Mỹ có rất nhiều người thích ngồi thiền, đây là biểu hiện đang trong thời chánh pháp. Thời chánh pháp cũng tu pháp môn niệm Phật được, thời mạt pháp cũng tu pháp môn niệm Phật được. Vì sao trong thời đại nào cũng tu được, nếu người nào tu pháp môn khác mà không tiến bộ thì nên tu pháp môn niệm Phật.

Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói: "Có Thiền có Tịnh độ, giống như hổ mọc sừng, hiện đời làm thầy người, tương lai thành Phật thành Tổ". Nếu vừa tham thiền vừa niệm Phật thì giống như hổ mọc sừng, hiện đời đủ tư cách làm thầy tương lai thành Phật thành Tổ.

Vì vậy, người chân chánh tham thiền cũng chính là người chân chánh niệm Phật, người chân chánh niệm Phật, cũng chính là người chân chánh tham thiền. Nói một cách nữa, người chân chánh trì giới, cũng chính là người chân chánh tham thiền, người chân chánh tham thiền, cũng chính là người chân chánh trì giới. Thế người chân chánh giảng kinh thuyết pháp cũng chính là chân chánh tham thiền. Sách Chứng Đạo Ca của ngài Vĩnh Gia nói: "Tông diệc thông, pháp diệc thông, định huệ viên minh bất trệ không." Vừa tham thiền vừa giảng kinh, đây chính là tông thuyết đều thông. Hoặc nói một cách khác, người chân chánh trì chú, chính là người chân chánh tu mật tông, cũng chính là người chân chánh tham thiền.

Tuy nói năm loại: Thiền, Giáo, Luật, Mật, Tịnh, nhưng chung quy lại là một chứ chẳng phải hai. Nhưng nói rốt ráo, ngay một cũng chẳng có, sao lại nói năm loại chứ? Người học Phật chân chánh điều này cần hiểu rõ ràng.

Sở dĩ có người có tâm phân biệt cho rằng pháp môn niệm Phật là tối cao, tham thiền không đúng, hoặc có người nói tham thiền là tối cao, niệm Phật là sai lầm. Những người như thế đều chưa hiểu Phật pháp. Nên biết, tất cả đều là Phật pháp, đều bất khả đắc, đã không pháp để được, vậy sao trên đầu lại đội thêm cái đầu nữa chứ? Đã vô sự sao lại tìm việc làm gì nữa chứ? Nếu bạn thật sự hiểu và lãnh hội là không pháp để được. Có thể một vài người chưa lãnh hội hiểu điểm này, nghe xong họ thất vọng. Vì sao vậy? Vì Phật pháp phương tiện lập quyền pháp, chính là để nói thật pháp; Phật nói quyền trí, là đưa người đi đến thật trí. Thế nào là thật trí? Thật trí là một tên "quy vô sở đắc" là trở về chổ không thể đắc là thật tướng vô tướng, không hình không tướng, đó mới là trí huệ chân thật.
Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Minh Thành



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật