a. Y báo chuyển theo chánh báo.

Ở Úc châu, Tân Tây Lan (New Zealand), tìm nơi phong cảnh đẹp đẽ, núi sông tao nhã để làm đạo tràng chẳng khó, vấn đề ở chỗ có người chân chánh tu đạo hay không.  Có câu ‘cảm ứng đạo giao’, nếu chúng sanh có cảm thì Phật, Bồ Tát nhất định sẽ ứng; không những hữu tình chúng sanh có ứng, sơn hà đại địa vô tình cũng sẽ cung ứng cho bạn.  Ðó là như trong kinh thường nói: ‘y báo chuyển theo chánh báo’, chánh báo là tâm của mình, trừ mình ra đều là y báo.  Chúng ta nương dựa vào hoàn cảnh sinh tồn, hết thảy người, sự, việc, núi sông đại địa đều thuộc về y báo, thậm chí chư Phật, Bồ Tát cũng là y báo của chúng ta.  Nhà Phật nói về danh từ ‘Y Chánh’ (y báo, chánh báo), chúng ta phải minh bạch, hiểu rõ khái niệm ấy.

Tâm chúng ta chánh trực thì cảm ứng sẽ chánh trực; tâm tà vạy thì cảm ứng sẽ tà vạy, thế nên mới nói: ‘Hết thảy pháp từ tâm tưởng sanh’, ‘Hết thảy pháp duy tâm hiện’.  Hoàn cảnh bên ngoài không tốt, xấu ác là vì tâm mình tà, tâm mình xấu ác, tuyệt chẳng thể trách hoàn cảnh.  Làm thế nào cải tiến hoàn cảnh sinh hoạt của mình?  Phải sửa đổi bắt đầu từ tâm niệm; tâm chánh trực, hết thảy pháp đều chánh trực.  Cho nên sanh hoạt của chư Phật, Bồ Tát trang nghiêm như vậy, trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta thấy y báo, chánh báo trang nghiêm của Tỳ Lô Giá Na Phật, trong kinh vãng sanh thấy y báo, chánh báo trang nghiêm của A Di Ðà Phật.  Từ đó mới biết tâm hạnh chẳng tương ứng với A Di Ðà Phật thì niệm Phật cũng chẳng thể vãng sanh, tâm hạnh là việc quan trọng hạng nhất trong việc vãng sanh.

Trong đoạn cuối của Ðại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương Sớ Sao, Từ Vân Quán Ðảnh pháp sư nói đến một trăm thứ quả báo của người niệm Phật, quả báo đầu tiên là đọa địa ngục A Tỳ.  Ðối với chuyện này tôi cảm thấy vô cùng kinh ngạc nên mới hỏi thầy Lý.  Thầy Lý nói: ‘Ðây là một vấn đề quan trọng, tôi chẳng nói riêng cho anh biết, tôi sẽ trả lời trong buổi giảng kinh’.  Tại sao niệm Phật lại đọa địa ngục A Tỳ?  Cả ngày từ sáng đến tối trong miệng thì niệm A Di Ðà Phật, trong tâm mong cầu vãng sanh tây phương Cực Lạc thế giới, nhưng ngôn ngữ hành vi đều phá hoại đạo tràng, phá hoại Phật pháp, tạo nghiệp phá hoại Tam Bảo cho nên quả báo sẽ đọa địa ngục A Tỳ.  Ðặc biệt là thời kỳ ‘Ðấu Tranh Kiên Cố’ trong đời Mạt Pháp, các người xuất gia cùng chung cư trú tại một đạo tràng chẳng hòa hợp, cứ đấu tranh với nhau, tuy niệm A Di Ðà Phật, tương lai cũng sẽ cùng nhau đọa địa ngục A Tỳ, đạo lý là như vậy.

Niệm Phật làm sao mới có thể vãng sanh thượng phẩm?  Tâm là tâm Phật, Hạnh là hạnh của Phật thì nhất định sẽ sanh Tịnh Ðộ.  Thế nên tôi thường nói những người trên sáu mươi tuổi thì bất cứ chuyện gì cũng đừng để ý, đừng quan tâm quá nhiều, một lòng một dạ cầu sanh Cực Lạc thế giới, vạn duyên buông xuống.  Bạn làm việc thiện, rất tốt; bạn hộ pháp, rất tốt; bạn giết người, đốt nhà cũng tốt, cái gì cũng tốt, đối với chính mình chẳng liên can gì hết.  Bạn tạo nghiệp của bạn thì bạn chịu quả báo của bạn; tôi tạo nghiệp thì tôi chịu quả báo của tôi.  Tự mình phải tìm ra một con đường thoát ly, họ tiến về địa ngục A Tỳ, nếu mình đi theo thì mình cũng ngu si.  Người ta chửi mắng mình, mình tôn kính họ; người ta hủy báng mình, mình tán thán họ.  Con người ai cũng có ưu điểm và cũng có khuyết điểm, nếu có thể chỉ nhìn ưu điểm của người ta thì người trong thiên hạ đều là người tốt; nếu chỉ nhìn khuyết điểm của người ta thì ngay cả Phật, Bồ Tát cũng chẳng là người tốt.  Từ đó có thể biết thị - phi, thiện - ác chẳng có tiêu chuẩn, chỉ dựa trên sự khởi tâm động niệm của mình.  Nếu tâm thiện thì tận hư không, trọn khắp pháp giới chẳng có gì là không thiện, nghĩ vậy thì cả đời bạn sẽ rất hạnh phúc, rất mỹ mãn.

Thế nên đừng yêu cầu người khác giống mình.  Muốn nghiên cứu một khóa tụng sáng tối tiêu chuẩn, một Phật thất, một Nghi thức cho Tam Thời Hệ Niệm tiêu chuẩn, để cho tất cả Tịnh Tông Học Hội trên thế giới đều y theo tiêu chuẩn đó, như vậy là sai lầm.  Sự ưa thích của mỗi người khác nhau, không thể yêu cầu cả thế giới đều giống như mình.  Khổng Phu Tử dạy chúng ta phải ‘nhập cảnh tùy tục’, được vậy thì sẽ tự tại biết bao!  Phổ Hiền Bồ Tát dạy: ‘Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức’ tức là dạy mình phải thuận theo người ta, đừng yêu cầu người ta thuận theo mình, đây là chỗ khác nhau giữa Phật, Bồ Tát và phàm phu.  Phật, Bồ Tát có thể tôn trọng, thuận theo người khác, [ngược lại] phàm phu muốn người khác phải thuận theo mình, phục tùng theo mình, thế nên phàm hay thánh là dựa trên một niệm khác nhau mà thôi.

b. Văn hóa đa nguyên

Văn hóa đa nguyên là gì? 

Hằng thuận chúng sanh chính là ‘văn hóa đa nguyên’.  Phải tuân lệnh của một người, đó là ‘văn hóa thống nhất’, là văn hóa nhất nguyên.  Thí dụ một buổi họp quy mô lớn, quốc kỳ của toàn thế giới treo chung một chỗ sẽ rất đẹp; nếu tất cả quốc kỳ của các nước trên thế giới đều có cùng một màu thì sẽ chẳng đẹp cho lắm.  Trong vườn hoa, trăm hoa đua nở sẽ rất đẹp, nếu chỉ trồng một loại hoa thì sẽ [rất đơn điệu], chẳng có giá trị thưởng thức.  Thế nên văn hóa trên căn bản là đa nguyên (nhiều nguồn gốc).  Lấy một thân thể để nói thì mắt có thể thấy, tai có thể nghe, cái tổ hợp này chính là đa nguyên vậy.  Nếu phải thống nhất thành nhất nguyên, chỉ cần con mắt mà thôi, tai, mũi, miệng đều bỏ hết thì người ta sẽ chẳng thể sinh tồn.  Cho nên mỗi khí quan trong thân thể đều là một tổ hợp văn hóa đa nguyên, thế giới cũng là một thể cộng đồng có văn hóa đa nguyên, làm sao có thể ép người ta thành ‘nhất nguyên văn hóa’ được?  Nhà Phật nói: ‘Một tức là nhiều, nhiều tức là một’, nhất là nhất nguyên, đa là đa nguyên.  Nhất nguyên là nói về tự tánh, đa nguyên là nói về hiện tướng, tác dụng.  Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Thể, Tướng, Dụng’, Thể là nhất nguyên, Tướng và Dụng là đa nguyên.  Ðây là chân lý, chân tướng sự thật, nếu phản nghịch lại thì chẳng kiết tường, chắc chắn sẽ có hung hiểm, tai nạn; nếu bạn có thể thuận theo thì sẽ hạnh phúc mỹ mãn phi thường.

c. Khống chế và chiếm hữu.

Làm thế nào nội trong đời này thoát ly ra khỏi Tam giới, lục đạo, thập pháp giới, vãng sanh Cực Lạc thế giới, thành tựu viên mãn Phật đạo? 

Nhất định phải tiêu trừ chướng ngại của mình.

Chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, chướng ngại thứ nhất chính là có ý niệm muốn khống chế [điều khiển] người khác, đây là chướng ngại rất lớn.  Hy vọng người khác đều nghe lời mình, tâm niệm như vậy là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đó là căn bản của lục đạo sanh tử luân hồi, nhất định phải buông bỏ.

Quan niệm sai lầm thứ nhì chính là muốn chiếm hữu, chiếm lấy hết thảy người, sự, vật.  Trong kinh Bát Nhã, đức Phật giảng về chân tướng sự thật của Hiện Tướng, Tác Dụng, kinh Kim Cang dạy: ‘Ba tâm chẳng thể được’, đó là tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm tương lai chẳng thể được.  Nếu quả thật bạn hiểu được thì bạn đã thành Phật rồi, vì cách dụng tâm của bạn cùng chư Phật tương đồng.  Ðối với hết thảy người, sự, vật nếu bạn còn khởi tâm động niệm thì bạn chưa hiểu kinh Kim Cang.  Ba tâm chẳng thể được cho nên chẳng có tâm để được (năng đắc), tâm có thể khống chế.  Những gì muốn được khống chế, muốn đạt được là người, sự, vật ở bên ngoài, những thứ này thuộc về cảnh giới, hết thảy cảnh giới đều là pháp do nhân duyên sanh, chẳng có tự tánh, ‘thể của nó là không, trọn chẳng thể được’, thế nên những thứ bên ngoài như người, sự, vật đều chẳng thể được.  Phần cuối kinh Kim Cang có tổng kết như sau: ‘Hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương và cũng như ánh chớp, nên quán như vậy’, cách nhìn này chính là cách nhìn của chư Phật Như Lai, tức là Phật tri Phật kiến.  Kinh Pháp Hoa dạy chúng ta ‘nhập Phật tri kiến’, tri kiến của Phật chính là: ‘Hết thảy các pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng’.

Trong hết thảy pháp đều chẳng có tâm niệm được - mất, chẳng có tâm niệm chiếm hữu, khống chế thì sẽ được đại tự tại.  Nhà Phật nói chân giải thoát, đại tự tại là được từ chỗ này.  Nếu vẫn lo được, lo mất, vẫn còn tâm niệm muốn khống chế hết thảy người, sự, vật thì như vậy là phiền não, trói buộc, bạn sẽ chẳng tự tại.  Không tự tại chẳng phải do người khác đem cho bạn, là do chính mình tạo thành đấy.  Hết thảy pháp đều do duyên sanh, duyên tụ duyên tán (duyên hợp duyên tan), hiểu được chân tướng sự thật này thì chúng ta mới có thể kết duyên tốt, kết thiện duyên với hết thảy chúng sanh, với chư Phật Như Lai.

d. Xây đạo tràng

Chân chánh phát tâm tu hành, chân chánh cần một nơi có phong cảnh xinh đẹp, thù thắng để làm đạo tràng, Lai cư sĩ sẽ phát tâm cúng dường, thành tựu cho các bạn tu đạo, tương lai làm Phật, làm Bồ Tát.  Hiểu được đạo lý này, cần hay không cần là việc của các bạn, hôm nay tôi giao gậy [của cuộc chạy đua tiếp sức], tôi đã hết việc rồi, cái gì cũng chẳng cần nữa, trên thế gian này tôi không còn lưu luyến bất cứ thứ gì, chẳng có ưu, chẳng có lo nữa.  Các bạn lo sợ thế giới có tai nạn to lớn, nhưng tôi chẳng lo sợ, tôi nhìn bom nguyên tử nổ tung như coi đốt pháo bông vậy.  Ðây là quan niệm, cách nhìn, cách suy nghĩ của chúng ta chẳng giống nhau.

Chúng ta xây dựng đạo tràng tại Úc châu là vì chúng sanh ở nơi đó, giúp đỡ họ phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, đó là hành Bồ Tát đạo, được vậy thì xây dựng đạo tràng này mới có ý nghĩa.  Chúng ta đến nơi ấy chẳng phải là để tránh nạn, hưởng phước, mà là để hoằng pháp lợi sanh, đây là để báo ân Phật, báo ân cha mẹ, đây là nguyên nhân xây dựng đạo tràng.  Có người hỏi tôi: ‘Thưa pháp sư, đạo tràng của thầy ở đâu?’  Tôi nói: ‘Tôi chẳng có đạo tràng, cả đời đều trụ tại đạo tràng của người khác’.  Cho nên chúng ta xem chân tướng sự thật cho rõ ràng, cho minh bạch thì sẽ tâm an, lý đắc, sẽ chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.  Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, trí huệ Bát Nhã của tự tánh sẽ hiện tiền.  Trí huệ chẳng cần học tập, là trong tự tánh vốn sẵn có đầy đủ, được vậy thì bạn làm sao chẳng tự tại ?

e. Học giảng kinh

Việc quan trọng nhất ở đạo tràng là giảng kinh thuyết pháp, một ngày cũng chẳng thể thiếu.  Nếu chẳng có pháp sư có thể giảng kinh thuyết pháp thì mình cần phải phát tâm, cầu người chẳng bằng cầu mình.  Giảng không hay thì làm sao?  Cầu Phật, Bồ Tát gia trì.  Tôi thường nói tôi chẳng biết giảng kinh, tôi hy vọng Phật, Bồ Tát mượn thân thể của tôi để giảng kinh, thân thể của tôi miễn phí, cho Phật, Bồ Tát mượn không điều kiện.  Phải thật sự phát tâm này, tuyệt chẳng vì chính mình, hết thảy đều vì chúng sanh, vì Phật pháp.

Cho nên nhất định phải đọc kinh, phải nghe Phật pháp, tự mình phải phát tâm học giảng kinh.  Giống như cư sĩ Triệu Lập Bổn ở Los Angeles, Mỹ quốc, nghe tôi giảng kinh rất hoan hỷ nên phát tâm học giảng kinh.  Ông học hai bộ ‘Lục Tổ Ðàn Kinh’ và ‘Kim Cang Kinh’.  Ông hỏi tôi: ‘Cả đời tôi chuyên nghe hai bộ kinh này được không?’.  Tôi trả lời ‘Ðược’.  Sau khi ông nghe hai bộ kinh này hết hai mươi mấy lần xong nói với tôi.  Tôi nói: ‘Ông tiếp tục nghe, nghe hết một trăm lần xong lại nghe tiếp một trăm lần nữa’.  Hiện nay ông giảng hai bộ kinh này rất hay, còn đến khắp nơi ở Mỹ để giảng, ông đã thành chuyên gia.  Cho nên không cần phải học phương pháp giảng kinh, thuộc lòng rồi thì sẽ biến thành của mình.  Dùng giảng kinh thuyết pháp để giúp đỡ người khác, có niềm nhiệt thành này thì tự nhiên sẽ có Phật, Bồ Tát gia trì.

Có câu ‘Trụ sắt mài thành kim, chỉ cần công phu sâu’ [89], chỉ cần có tâm chân chánh, thực sự chịu làm, đâu có lý nào không thành công cho được!   Thế nên đừng coi thường chính mình, chẳng có chuyện gì trong thiên hạ không thể thành tựu được cả.  Việc khó nhất trong thiên hạ là việc làm Phật cũng có thể làm được, ngoài chuyện này ra đều là chuyện nhỏ, chẳng cần phải bận tâm, giảng kinh không có khó gì cả.  Chỉ sợ là tự mình không chịu làm mà thôi.  Cho nên tự mình làm thật sự, chân chánh phát tâm thì có thể thành tựu, có thể tiếp tục huệ mạng của Phật, tự lợi lợi tha.
 
Trích từ: Ý Nghĩa chân thật của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Đức Niệm Đọc Tiếp
2 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
3 Phật Pháp Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
4 Phật Lý Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
5 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
6 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
9 Đạo Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
10 Triết Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
11 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
12 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về

Đạo Tràng Là Nơi Để Cầu Đạo
Lão Cư Sĩ Lý Bỉnh Nam

Tôn Tượng Phật Tại Đạo Tràng
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc