Kinh Ngũ vương[10] ghi: “Đức Thế Tôn dạy năm vị vua:

– Người đã sinh ra trong đời thì thân phải chịu muôn nghìn đau khổ. Nay Ta lược nói tám nỗi khổ, các ông hãy lắng nghe. Đó là sinh, già, bệnh, chết, thương yêu mà xa lìa, mong cầu mà không thỏa mãn, ghét nhau mà gặp nhau, lo lắng buồn phiền.

XXX.3.1. Thế nào là khổ do sinh?

Con người khi chết, thần thức không biết sẽ đi về đâu? Khi chưa tìm được nơi sinh thì phải thụ thân trung ấm. Trong khoảng hai mươi mốt ngày, đợi khi cha mẹ giao hợp liền vào thụ thai. Ở trong thai, bảy ngày đầu tựa như sữa loãng, [185c] bảy ngày thứ hai như sữa đong, bảy ngày thứ ba như sữa đặc, bảy ngày thứ tư như hòn thịt, bảy ngày thứ năm thai hình thành. Bấy giờ gió mát nhập vào bụng mẹ thổi vào thai nhi khiến cho hình thành sáu căn. Ở trong thai mẹ, thai nhi nằm dưới sinh tạng,[11] trên thục tạng[12]. Khi mẹ ăn chén canh nóng thì thai nhi như nằm trong vạc nước sôi. Nếu mẹ uống bát nước lạnh thì thai nhi như băng giá xát vào thân. Khi mẹ ăn no thì ép ngặt thai nhi, đau không thể nói. Lúc mẹ đói, trong bụng trống rỗng thì thai nhi như bị treo ngược, chịu khổ vô cùng. Đến thời kỳ sinh, đầu hướng xuống sản môn như bị chẹt giữa khe núi đá. Lúc sinh, mẹ nguy cấp, cha lo sợ, hài nhi mới sinh ra thân thể mềm yếu, chạm phải lá cỏ cũng đau như dao cắt, cất tiếng khóc lớn! Như thế có khổ không?

Năm vị vua đáp:

– Thật là quá khổ!

XXX.3.2. Thế nào là khổ do già?

Cha mẹ nuôi nấng đến lúc trưởng thành, dốc hết sức lực, không quản khó nhọc, chẳng màng gian lao, khiến thân thể già nua, thịnh đi suy đến, đầu bạc, răng long, mắt mờ, tai điếc, da chùn mặt nhăn, xương khớp đau nhức, đi lại khó khăn, đứng ngồi than thở, ôm lòng buồn tủi, tinh thần sa sút, khi nhớ khi quên, ngày chết sắp đến, đứng ngồi nhờ người, nói ra thật chảy nước mắt! Như thế có khổ không?

Đáp : Thật là quá khổ!

XXX.3.3. Thế nào là khổ do bệnh?

Con người do bốn đại hòa hợp mà thành, một đại không thuận thì một trăm lẻ một bệnh phát sinh, bốn đại không hòa thì bốn trăm lẻ bốn bệnh đồng thời phát sinh, địa đại không thuận thì toàn thân nặng nề, thủy đại không thuận thì toàn thân phù thủng, hỏa đại không thuận thì toàn thân nóng bức, phong đại không hòa thì toàn thân sôi động, xương cốt đau nhức như bị gậy đập. Bốn đại không thuận thì chân tay run rẩy, khí lực cạn kiệt, đứng ngồi nhờ người, môi miệng khô khan, gân đứt, mũi nghẹt, mắt không thấy sắc, tai chẳng nghe tiếng, thân tiết ra đồ bất tịnh rồi nằm trên đó, ôm lòng khổ não, cất tiếng bi thương! Thân nhân ở bên cạnh đêm ngày chăm sóc, không lúc nghỉ ngơi, thức ăn ngon đưa vào miệng liền thành vị đắng. Những điều như thế có khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ!

XXX.3.4. Thế nào là khổ do chết?

Con người lúc chết, bốn trăm lẻ bốn bệnh đồng thời phát sinh. Bốn đại sắp tan rã, thần thức bất an. Lúc sắp chết, có ngọn gió lạnh bén như dao thổi cắt thân thể, đau đớn vô cùng. Bấy giờ mồ hôi toát ra, hai tay quờ quạng, người thân ở hai bên khóc lóc thảm thiết, đau tận xương tủy, không thể kiềm chế. Người chết, hơi thở ngừng đập,[186a] khí lực chấm dứt, hơi ấm không còn, thân thể cóng lạnh. Khi chết phong đại đi trước, hỏa đại theo sau, rồi thần thức mới lìa khỏi xác, thân thể trở thành vô tri. Khoảng một tuần sau, toàn thân trương phình, máu thịt tan rã hôi thối không ai dám gần. Bỏ thây ngoài đồng trống chim chóc ăn thịt, thịt hết xương khô, ngổn ngang đây đó. Như thế có khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ!

XXX.3.5. Thế nào là khổ do yêu thương mà xa lìa?

Gia đình, anh em, vợ con, nội ngoại, sum họp thương mến nhau. Một hôm li tán, bị người cướp đoạt, khiến cho mỗi người mỗi ngả, cha đông, mẹ nam, con trai tây, con gái bắc, không ở một chỗ, hoặc bị ép buộc phải làm tôi tớ, chỉ biết tự buồn than. Tình cốt nhục chia lìa, biệt tăm biệt tích, xa xăm mù mịt, không biết khi nào mới được gặp nhau. Những điều như thế có khổ hay không?

Năm vị vua đều đáp:

– Thật là quá khổ!

XXX.3.6. Thế nào là khổ do mong cầu không thỏa mãn?

Những người dùng tiền tài trong nhà mua lấy chức quan, hi vọng được giàu sang, nên luôn dốc lòng tìm cầu, đến khi được làm chức quan ở vùng biên địa, chưa được bao lâu thì tham lấy của dân, bị người tố cáo. Một hôm quan phủ đưa xe ngục đến, họ đau khổ vô cùng, không biết cái chết sẽ đến lúc nào? Như vậy có khổ không?

Năm vị vua đáp:

– Thật là quá khổ!

XXX.3.7. Thế nào là khổ do ghét nhau mà gặp nhau?

Hàng phàm phu thế gian cùng ở trong ái dục, tranh giành những điều tầm thường mà sát hại lẫn nhau, không khi nào dứt, gieo nên oán thù. Mọi người xa lánh, nhưng không nơi trốn tránh, nên tự mài dao, vót tên, mang cung, cầm gậy chống giữ đề phòng. Họ rất sợ gặp nhau, nhưng oan gia ngõ hẹp đâu thể tránh được! Thế là đao, kiếm, cung, tên, chém giết lẫn nhau, chưa biết ai thắng ai thua, ngay lúc đó sợ hãi vô cùng. Như thế có khổ không?

Năm vị vua đều đáp:

– Thật là quá khổ!

XXX.3.8. Thế nào là khổ do lo lắng buồn phiền?

Người ở đời, sống thọ thì đến trăm năm, đoản mạng thì chết trong bào thai. Cho dù, người sống đến một trăm năm, nhưng ban đêm chiếm hết một nửa, còn lại năm mươi năm; trong đó say sưa, bệnh tật, không biết làm người giảm mất năm năm. Từ nhỏ đến mười lăm tuổi khờ khạo chưa biết lễ nghĩa, tám mươi tuổi trở lên, đần độn vô trí, không còn minh mẫn, tai điếc, mắt mờ, quên cả phép tắc, lại mất bốn mươi năm. Tổng cộng mất chín mươi năm. Mười năm còn lại, có lắm chuyện lo buồn như thiên hạ loạn lạc cũng lo, hạn hán cũng lo, lũ lụt cũng lo, sương lạnh cũng lo, mất mùa cũng lo; con cháu nội ngoại bệnh tật cũng lo; kinh doanh sợ mất của cũng lo; [186b] quan gia chưa đến thu thuế cũng lo; người trong nhà bị tù tội chưa biết khi nào tha cũng lo, anh em đi xa chưa về kịp cũng lo; gia đình nghèo nàn không đủ cơm áo cũng lo; xóm giềng có việc cũng lo; không tròn nghĩa vụ đối với đất nước cũng lo; trong nhà có người chết, không tiền chôn cất cũng lo; đến mùa gieo giống mà không có trâu cày cũng lo. Cứ như thế, mỗi thứ mỗi lo, không lúc nào vui vẻ. Đến ngày lễ cùng nhau tụ tập, đáng lẽ vui vẻ, nhưng lại nhìn nhau thương khóc. Những điều như thế có khổ không?

Đáp: Thật là quá khổ!

Lại nữa, kinh Kim Sắc vương ghi: “Có vị thiên nữ nói cho Kim Sắc Vương nghe bài kệ:

Pháp nào là khổ?
Đó là nghèo hèn.
Khổ nào lớn nhất?
Đó là nghèo hèn.
Khổ nghèo, khổ chết,
Cả hai giống nhau.
Thà chịu chết khổ,
Không chịu sống nghèo
______________

[10] Kinh Ngũ vương (Ngũ vương kinh 五王經): kinh, một quyển, đã mất tên người dịch. Nội dung, Đức Phật thuyết tám nỗi khổ ở thế gian, năm vị vua nghe xong đều xin xuất gia.
 
[11] Sinh tạng 生藏: ruột non.
 
[12] Thục tạng 熟藏: ruột già.
Trích từ: Thiện Ác Nghiệp Báo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Thích Thiện Thông Tải Về
2 Thiện Ác Nghiệp Báo, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn Tải Về

Oán Khổ
Pháp Sư Đạo Thế

Vòng Khổ
Ni Sư Thích Nữ Giới Hương

Khổ Đế
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa