Phật Học Vấn Đáp


Con niệm Phật không nhập tâm, kính xin thầy từ bi chỉ dạy con.
Con trường chay, niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc trên mười năm rồi, tháng rồi đủ phước duyên, con được đọc quyển sách “Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh” của Thầy, con vui mừng vô hạn, không khác kẻ bần cùng được gặp của báu. Con cố gắng hành trì đúng như Thầy chỉ dạy, ngặt vì con quá bận rộn sinh kế, gia duyên ràng buộc. Sáng, trưa, chiều, tối, cả ngày phải đối diện với việc làm ăn, với vợ con, quyến thuộc, mắt thấy tai nghe đều là việc chướng đạo. Do đó, con niệm Phật không nhập tâm được. Con nhất quyết đời này phải vãng sanh Cực Lạc, liễu sanh thoát tử, nên con định xuất gia, thoát tục để được rảnh rang, công phu đắc lực hơn, hầu đạt Bất niệm tự niệm như Thầy chỉ dạy, nhưng bà xã con không đồng ý, vậy con phải làm sao?, kính xin thầy từ bi chỉ dạy con.

8/19/2022 4:26:55 PM

Liên hữu quyết chí hiện đời phải đạt Bất niệm tự niệm để bảo đảm được vãng sanh Cực Lạc là điều rất tốt. Mỗi người có nghiệp riêng, phải biết tùy duyên. Đừng nghĩ người xuất gia rảnh rang, thoát tục và công phu đắc lực hơn người tại gia.

a Về sự rảnh rang:

Người xưa nói: “Vị trước cà sa hiềm đa sự. Trước vị cà sa sự hựu đa”. Nghĩa là chưa đắp cà sa than nhiều việc. Đắp cà sa rồi việc lại nhiều hơn. Bận rộn hay thảnh thơi ở nơi tâm mình, không ở nơi thân tại gia hay xuất gia.

Liên tông Thập tam Tổ Ấn Quang đại sư dạy: “Một lòng không trụ muôn cảnh đều nhàn”. Nghĩa là làm tất cả mọi việc mà lòng không chấp trước, dính mắc thì luôn luôn an nhàn, (tâm thảnh thơi).

b Về việc xuất gia thoát tục:

Xuất gia có ba nghĩa: xuất thế tục gia, xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Chủ yếu là hai nghĩa sau, là xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Nếu chỉ xuất thế tục gia thôi thì còn sinh tử luân hồi, trôi lăn trong sáu nẻo.

Người xuất gia có ba hạng:

Thân xuất gia mà tâm không xuất gia,

Thân không xuất gia mà tâm xuất gia.

Thân, tâm đều xuất gia (dĩ nhiên hạng người này tốt nhất).

Vì hoàn cảnh, và chưa đủ phước duyên, liên hữu nên làm hạng người thứ hai.

Thân không xuất gia mà tâm xuất gia cũng là tốt hơn hạng người thứ nhất rồi.

Người tu Tịnh nghiệp phải lấy sự nghiệp niệm Phật làm chánh yếu, nên Tổ sư Pháp Nhiên dạy: “Đã tu Tịnh độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo niệm Phật mà quyết định. Ở nhà niệm Phật được, thì cứ ở nhà mà niệm Phật” (có nghĩa là không bắt buộc phải vào chùa, vào chùa mà không niệm Phật được thì ở nhà niệm Phật vẫn tốt hơn). (Niệm Phật Tông Yếu câu đáp 71, Pháp Nhiên thượng nhân).

Xưa nay, mắt thấy tai nghe những người tại gia thành tựu Tịnh nghiệp, vãng sanh Cực Lạc nhiều vô số kể, có bắt buộc phải xuất gia đâu?

Điều quan trọng là:

1.  Tại gia hay xuất gia, mỗi mỗi đều có cái tốt của riêng nó. Tùy phước duyên của mỗi người, không nên thiên chấp. Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Tùy duyên nhưng bất biến. Bất biến nhưng phải tùy duyên”.

2.  Nhìn thấu: Tức thấy rõ rằng: “Vạn pháp giai không”, nghĩa là tất cả các pháp, bản chất của nó là không. Gia đình cũng vốn là rỗng rang, nên ta chỉ làm hết bổn phận, trách nhiệm, mà không đắm luyến trước giờ phút lâm chung.

3.  Buông xuống, tức là xả. Xả không có nghĩa là vất bỏ, mà là không dính mắc, không chấp trước. Người xưa nói: “Quạ lướt mặt hồ không để bóng. Gió lùa khóm trúc chẳng lưu vang” là ý này.

Xả một được một, xả mười được mười, xả tất cả được tất cả (xả đắc).

4.  Tin sâu, nguyện thiết, hành chuyên (đúng theo sự chỉ dẫn trong sách “Niệm Phật Đạt Bất Niệm Tự Niệm Bảo Đảm Vãng Sanh”.

5 Phải có quyết tâm cao, bền lòng vững chí, sẵn sàng san bằng mọi trở ngại, chướng duyên để đạt được mục tiêu cuối cùng là vãng sanh Cực Lạc, thành Phật độ chúng sanh.

Thành kính chúc liên hữu thành tựu viên mãn chí nguyện vãng sanh Cực Lạc, thành Phật độ chúng sanh.

Trích từ:  Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp. Thượng Tọa Thích Minh Tuệ


Thẻ
Niệm Phật        Cực Lạc        Vãng Sanh        Xuất Gia        Chướng       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật