Lục độ là gì? Xin cắt nghĩa cho rõ? | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Trung Quán | Xem: 13


Câu Hỏi

Lục Độ Là Gì? Xin Cắt Nghĩa Cho Rõ?

Trả Lời

Lục độ là gì?
 
Lục độ là: 1. Bố thí. 2. Trì giới. 3. Nhẫn nhục. 4. Tinh tiến. 5. Thiền định. 6. Trí tuệ.
 
Xin cắt nghĩa cho rõ?
 
Bố thí: là đem những gì mình có chia sớt, giúp đỡ cho người, vật. Muốn thoát nạn nghèo khổ, bần cùng, được sinh nhơn, thiên, đời đời phú quý, trường thọ tôn vinh, thì phải bỏ tính keo tham, gian lận phát tâm rộng lớn, làm hạnh bố thí, mà còn đem cả đất nước, thành quách, vợ con, cho đến cả thân mình mà bố thí một cách bình đẳng, không phân biệt chủng loại, sang hèn, tự mình phát tâm bố thí, chứ không đợi chúng sanh phải đến xin.
 
Những kẻ tham xẻn, tích trữ không làm hạnh bố thí, đó là họ tự trồng cái nhân bần cùng và ngạ quỷ. Họ tự đưa mình vào chổ tối tăm khổ sở. Kinh sám nói: Khi sinh không có mang cái gì ra, khi chết cũng không mang được cái gì theo, chỉ mang lấy cái nghiệp theo mình. Vậy ta tiếc gì nữa mà không bố thí? Bố thí ta sẽ được an vui sung sướng, và ta là người thực hành hạnh Bồ Tát vậy.
 
Trì giới: Giới là điều răn cấm của Phật chế ra. Giữ giới là chận đứng lại tất cả điều ác, và thoát khỏi cái lỗi lầm. Giữ giới cũng là cái nhân để thành Phật. Phật chứng được pháp thân thanh tịnh cũng do Ngài giữ giới trong ba A tăng tỳ kiếp (vô số kiếp).
 
Ðứa con không nghe lời cha mẹ là đứa con bất hiếu, đứa con bỏ đi. Chúng ta là đệ tử Phật, mà không giữ giới thì không dứt được nhân ba cõi, và dĩ nhiên không thoát được sinh tử luân hồi. Vậy muốn thoát ô uế, dơ bẩn, phàm tục chứng được pháp thân thanh tịnh như Phật, thì phải thực hành trì giới, và đó cũng là cách “Hiếu” với cha lành của chúng ta vậy.
 
Nhẫn nhục: là nhẫn chịu sự nhục. Các vị tỳ kheo hỏi Phật: Cái gì là đại lực. Ðức Phật Tỳ Bà Thi nói: “ nhẫn nhục là đạo thứ nhất”. Cho biết nhẫn nhục không phải là hạnh tầm thường. Nhẫn nhục để diệt tính tức giận, kiêu ngạo và bạo tàn. Nói gần nhẫn nhục tránh cho ta nhiều sự phiền phức, tai hại có thể xảy ra vì sự nóng nảy bồng bột trong nhứt thời.
 
Nhẫn nhục có hai thứ:1. Sinh nhẫn (nhẫn loài hữu tình) 2. Pháp nhẫn( nhẫn vật vô tình ).
 
Sinh nhẫn lại chia làm hai: Ðược người cúng dàng, tôn trọng mà tâm không chấp, không hãnh diện, gọi là nhẫn cảnh thuận. Gặp kẻ đánh mắng, làm hại mà nhẫn được, không bực bội phiền não, gọi là nhẫn cảnh nghịch.
 
Pháp nhẫn cũng chia làm hai: Nhẫn chịu được sự nóng, lạnh, mưa, gió, đói, khát…, gọi là nhẫn ngoại cảnh. Nhẫn chịu, đè nén được sự tức giận, lo phiền, nghi hoặc, kiêu mạn, dâm tà v.v… gọi là nhẫn tâm pháp ( nội tâm).
 
Tinh tiến: là siêng năng tiến tới, phản nghĩa chữ lười biếng. Muốn thành công bất cứ một sự nghiệp gì trên thế gian, đều phải tinh tiến, phải có tâm cương quyết, mạnh mẽ, khí khái lướt tới.
 
Kinh pháp Hoa nói: Phật với Ngài A Nan đồng phát tâm tu hành ở đời đức Phật Không Vương. Ngài A Nan chỉ ham học hỏi, còn Phật tinh tiến tu hành, kết quả Phật thành đạo trước, Ngài A Nan còn phải làm thị giả theo hầu.
 
Thiền định: là định tâm làm một cảnh để tiêu trừ vọng nghiệp, vọng niệm. Vọng niệm kết thì trí tuệ mới phát sinh. Như Ðức Phật Thích Ca tu tập nhiều ngày, và sau 49 ngày nhập định dưới gốc cây bồ đề Ngài được giác ngộ thành Phật, đó cũng là nhờ công năng của thiền định.
 
Trí tuệ: là sự thông hiểu, sáng suốt đoạn mê lầm, ngộ chân lý, tức là trí bát nhã vậy. Trí tuệ có chia ra thực trí và quyền trí. Thực trí là trí quan sát thấu đáo bản thể vũ trụ, thông suốt nguồn gốc chân lý. Quyền trí là trí thông suốt hiện tượng vũ trụ, soi sáng thiện, ác, chánh, tà.
 
Tóm lại, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ là sáu phép tu để đối trị tham sẻn, tà ác, giận tức, lười biếng, tán loạn, si mê ( gọi là lục tệ), và đưa ta đến bờ giác ngộ an vui, cũng như con đò đưa ta từ bờ sông này đến bờ sông kia, nên gọi là Lục độ.
 
Ðoạn trước đã nói thập thiện tức là thập ác, nghĩa là sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói hai lưỡi, nói ác, nói đơm đặt thêu dệt, tham dục, giận tức, tà kiến ngu si, thân làm, miệng nói, ý nghĩ những điều như trên, thì gọi là thập ác.
 
Thập ác chia làm ba bậc: bậc thượng, bậc trung, bậc hạ. Thập ác bậc thượng là nhân của địa ngục, bậc trung là nhân của súc sinh, bậc hạ là nhân của ngạ quỷ ( loài quỷ đói ).
 
Nói rõ thì, tội sát sinh phải đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Hết ba báo này, nếu được làm người thì phải chịu hai quả báo: chết non, nhiều bệnh.
 
Tội trộm cắp cũng bị đọa như trên: sau khi làm người bị hai quả báo: nghèo cùng, đói khát và chung tiền của không được sử dụng một cách tự tại.
 
Tội tà dâm cũng bị đọa như trên: sau khi làm người phải bị hai quả báo: vợ không trinh thuận hiền lương, và không được họ hàng tùy theo ý mình.
 
Tội nói dối cũng bị đọa như trên: sau sinh làm người phải bị hai quả báo: bị nhiều người phỉ báng, và bị người lừa dối.
 
Tội nói hai lưỡi cũng bị đọa như trên: sau sinh làm người bị hai quả báo: thường bị nghe những tiếng nói ác, và ham tranh giành kiện tụng.
 
Tội nói đơm đặt thêu dệt cũng bị đọa như trên: sau sinh làm người phải bị hai quả báo: nói không ai nghe và nói không được khúc chiết, linh động/
 
Tội tham dục cũng bị đọa như trên: sau sinh làm người bị hai quả báo: tâm không biết tri túc (vừa đủ), và lòng tham dục không chán.
 
Tội giận tức cũng bị đọa như trên: sau sinh làm người bị hai quả báo: thường  bị người bới xấu, và thường bị chọc tức và làm hại.
 
Tội tà kiến ngu si cũng bị đọa như trên: sau sinh làm người bị hai quả báo: sinh vào nhà tà kiến ( nhà không tin chân lý, chỉ tin càng tin nhảm), và tính thường xu nịnh, bợ đỡ cong queo.
 
Lại còn có những ác nghiệp và ác báo khác như nhau:
 
Kẻ làm nghiệp sát sinh, sẽ bị quả báo chết non. Kẻ trộm cắp sẽ bị nghèo hèn khổ sở. Kẻ tà dâm sẽ bị làm chim sẻ, chim bồ câu, chim oan ương. Nếu được làm người phải sinh vào nhà tệ ác, gặp vợ không đoan chính. Kẻ hay nói ác sẽ bị họ hàng đấu tranh coi nhau như thù nghịch. Kẻ hay phỉ báng chê bai sẽ bị không lưỡi và lở mồm lở miệng. Kẻ hay nóng giận sẽ bị thân hình xấu xa tàn tật, còng gù. Kẻ hay bỏn xẻn sẽ bị cầu gì cũng không được như ý nguyện. Kẻ ăn uống và vô độ sẽ bị đói khát và hay bị binh về yết hầu. Kẻ thích săn bắn sẽ bị quả báo điên cuồng mất mạng. Kẻ bội nghịch bất hiếu với cha mẹ, sẽ bị Trời Ðất tai sát. Kẻ hay đốt rừng núi sẽ bị mê cuồng mà chết. Kẻ ăn ở tàn nhẫn với con cái hoặc mẹ ghẻ con chồng hoặc cha ghẻ con vợ, sẻ bị đầu thai trở lại làm con của con mình, và bị nó đánh đập lại. Kẻ hay giăng lưới bắt chim sẻ bị cốt nhục chia lìa. Kẻ huỷ báng Tam Bảo sẽ bị mù điếc, câm, ngọng. Kẻ khinh mạn giáo pháp sẽ bị ở mãi trong đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh). Kẻ tiêu phá của thường trụ sẽ bị luân hồi địa ngục ức kiếp. Kẻ ô nhục, xâm phạm người thanh tịnh và vu báng chư Tăng sẽ bị ở mãi trong loài súc sinh. Kẻ đổ nước sôi, đốt lửa, băm chém sinh vật sẽ bị luân hồi thường mạng… Kẻ phá giới cầm trai sẽ bị làm cầm thú đói khát. Kẻ phá hoại tiêu dùng của cải phi lý sẽ bị thiếu hụt về nhu cầu. Kẻ kiêu mạn ngông nghênh sẽ bị làm thân hèn hạ, bị người sai khiến. Kẻ nói hai lưỡi, đâm thọc gây gỗ sẽ bị không lưỡi hoặc trăm lưỡi. Kẽ tà kiến tin nhảm nhí, mê tín sẽ bị sinh vào chốn biên địa (kinh địa tạng).
 
Ác nghiệp có những ác báo như thế, nên người tu hành phải tự mình và khuyên người bỏ ác làm lành, và đó chính là ý nghĩa “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” của Phật giáo vậy.