Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Hanh-Gia-Tu-Hoc-Trong-Thoi-Mat-Phap-Co-Nam-Moi-Nghi-Ngo-Nho-Nho

Hành Giả Tu Học Trong Thời Mạt Pháp Có Năm Mối Nghi Ngờ Nho Nhỏ
Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Hành giả tu học trong thời mạt pháp có năm mối nghi ngờ nho nhỏ.

Mối nghi thứ nhất là: Chúng sanh trôi nổi trong sanh tử luân hồi, trải qua mọi sự khổ đau, suy xét cho cùng thì nguyên nhân chính đều do tam độc tham, sân, si. Nay hành giả chuyên tâm niệm Phật, nguyện cầu được vãng sanh Tây phương thì ba thứ tà độc đó càng thêm tăng trưởng, như vậy há không phải là nhận thức điên đảo? Vì sao? Vì Ta-bà là thế giới ô trược, theo lý lại là chỗ chúng sanh phải ở lâu dài (bởi chúng sanh phiền não nhiễm ô, đâu ra khỏi được tam giới, lẽ dĩ nhiên là phải ở đây thôi!), vậy mà nay lại khởi niệm chán ghét cõi này cầu sanh cõi nọ, đó là tà sân vậy! Tây phương Tịnh độ là cảnh giới của thánh giả nhàn du, đâu phải chỗ cho kẻ hạ phàm mơ tưởng, vậy mà nay lại phát nguyện được sanh qua đó, tức là tà tham! Sở dĩ có tham sân như vậy đều là do vô minh cả, tức là tà si chướng! Tam độc như vậy hàng ngày cứ tích chứa trong ruộng tâm, dù có niệm Phật cũng chỉ cảm ứng với thần ma quỷ quái, làm sao mà được vãng sanh Tịnh độ?

Đáp:

Lời Phật dạy cốt là để làm lợi lạc cho chúng sanh hữu tình, nhưng phải khéo biết thủ xả tùy theo cơ duyên. Vì sao? Vì nếu đã chứng ngộ được pháp vô sanh, thì theo lý có thể ở lâu dài nơi thế giới Ta-bà để cứu độ chúng sanh; còn nếu như chưa chứng được quả vị bất thoái, thì cõi ô uế này không nên ở lâu. Vả chăng, nếu đã khế ngộ với pháp vô sanh, thì Ta-bà với Cực lạc vốn là bất nhị, hà tất phải chán ghét, lìa bỏ thế giới này để cầu sanh Tịnh độ chỗ khác? Chỉ có những người đang ở trong chốn sanh tử luân hồi mới cần phải cầu sanh Tịnh độ.

Uế độ là nơi cư trú của bậc Đại sĩ, theo lý phải hiểu, quý ngài thường qua lại tới lui để hóa độ chúng sanh, không hề chướng ngại. Còn bọn hạ phàm chưa tu tập thành tựu thắng quán, thì chỉ tạm thời vơi chút khổ đau nhưng rồi cũng bị trở lại trôi lăn trong đêm dài sanh tử. Cho nên, xả bỏ cõi uế này không phải là nuôi lớn tà sân như ai đã nói! Hơn nữa, cái niềm hạnh phúc an lạc ở Tây phương Tịnh độ không hề làm cho chúng sanh khởi lên lòng tham, nói chi đến tà tham! Vãng sanh qua đó, đồng thời phân biệt tương ưng với tuệ, đâu có tà si!

Như vậy, người tu niệm Phật, bên trong thì tích tập ba thiện căn, bên ngoài thì chiêu tập chư thánh hiền giúp đỡ, sau khi xả báo ở cõi này, cõi Tịnh độ vi diệu nở hoa đón mừng. Cho nên chớ có lo sợ thần ma quỷ quái, bởi chúng không thể động đến người tu chánh nghiệp!

Mối nghi ngờ thứ hai là:  Nghiệp giống như cái cân đo lường, thiện ác đều phải trả. Từ khi mang nghiệp mà sanh ra trên cõi đời đến nay, nghiệp ác đã tạo chắc không phải chỉ có một, vậy tại sao không bị chịu quả báo mà được vãng sanh thẳng về Tây phương? Giả sử muốn được vãng sanh, há không bị nghiệp ác làm chướng ngại sao?

Đáp:

Phàm con người đã gây tạo nghiệp, nhất định phải chịu quả báo hoặc khổ hoặc vui. Từ vô lượng kiếp đến nay làm kẻ phàm phu, cho nên tích lũy cái nhân tội lỗi rất nhiều, không sai lầm mà cũng không trốn tránh. Nay cảm lấy quả báo làm thân người với những nghiệp quả xấu ác, quả thật không đoạn trừ được. Nếu nói đã đoạn trừ, tức là nay không có việc xấu nào để trừ. Còn nếu như nghiệp ác chưa diệt hết, lúc thọ sanh làm sao không chướng ngại?

Nay vì thương xót người tu hành trong thời mạt pháp mà nói rằng, lúc thọ sanh thân này, các nghiệp ác chưa có đoạn trừ, nhưng do con người có nghiệp thù thắng hơn, nên nghiệp ác không thể làm trở ngại. Quả báo tốt đẹp đã hết, thì quả khổ phải thọ nhận. Lại cần phải thấy rằng, nghiệp ác dù chưa đoạn, nhờ có nghiệp thù thắng hơn, nên có thể làm cho nghiệp ác tạm thời không phát sanh. Tịnh nghiệp càng thêm lớn mạnh, thì (nghiệp ác) làm sao khởi chướng ngại được. Vì sao? Vì người đã quy y Tam bảo và thọ giữ năm giới, cái nhân thiện hữu lậu đã gieo trồng, nên kết sanh thức dẫn đi thọ thai, nhập vào thai mẹ, bấy giờ thức này đã yếu, nghiệp ác không thể làm trở ngại, cho nên đã được thân người thì tội lỗi đã không còn sức mạnh. Từ xưa đã gieo trồng chánh hạnh, đời nay lại phát tâm, thệ nguyện đoạn tận mọi nguồn gốc khổ đau, tương lai lại nguyện thành Phật, tinh cần khắc niệm như vậy mà lập nguyện sanh về Tây phương. Khi báo thân này hết, được thiện hữu từ bi ân cần hộ niệm khiến cho tâm an trụ vào chánh niệm, Thánh chúng lại hiện ra trước mặt, càng tăng thêm lòng khát ngưỡng, nương nhờ nhân duyên thù thắng này mà được vãng sanh thì đâu có gì khó? Chớ có sanh lòng hoài nghi mà không tu tịnh nghiệp!

Mối nghi ngờ thứ ba là: Cứ theo tình trạng tu học ngày nay thì lấy việc học tổng quát(46) làm tôn chỉ. Nếu như chủ trương riêng niệm Phật Di-đà thì thành ra hẹp hòi, đó mới là chướng đạo, không thể thoát khỏi luân hồi. Vậy tại sao không từ bỏ lối tu riêng biệt này, lấy cách tu học phổ quát theo tình hình chung của thời đại?

Đáp:

Có chí học rộng biết nhiều là điều lợi ích vô cùng, nhưng chỉ có bậc đại trí, thánh hiền mới có khả năng lãnh hội; còn như người sức kém trí hẹp thì khó mà noi theo. Đức Phật tùy theo căn cơ của chúng sanh mà đặc biệt nói riêng pháp môn này. Vì để phù hợp căn tánh của chúng sanh, nên theo lý chẳng có gì tổn hại. Vả lại, có thể lấy pháp môn này làm cái nhân tu tập để thành tựu tất cả các pháp.

Mối nghi ngờ thứ tư: Người muốn tu đạo giải thoát trước hết phải biết được cái nhân của khổ đau. Truy tìm nguồn gốc của khổ đau thì thấy chính là do nghiệp ác. Hoàn cảnh để cho nghiệp ác phát khởi chính là thế giới Ta-bà. Do không thấu hiểu nghĩa lý về tánh và tướng của đạo thánh hiền nên gây tạo vô lượng vô biên những nghiệp ác. Hết thảy chúng sanh, phàm có hai loại. Một là thật báo. Hai là ứng hình. Thật báo có nghĩa là, bản thể thì có Phật tánh nhưng hình tướng đều là người thân. Do vì mê mờ bản thể nên mới vọng sanh tâm lý tham, giận…; trên bản thể Như Lai tạng mà lại khởi tâm si mê. Hình tướng tuy khác nhau nhưng đều là thân bằng quyến thuộc, vốn không phân biệt. Bởi vì cách Sanh(47) nên không còn nhớ biết, lại vọng khởi lên tâm lý thương ghét, thường đối với cha mẹ Phật tánh của mình mà lại duyên theo cảnh xấu, tạo nghiệp giết hại, trộm cắp, tà dâm… Thánh chúng Tam thừa thương xót chúng sanh, ứng thể đồng như phàm phu, kẻ mù chẳng biết, ngược lại còn sanh tâm khinh bỉ, cho nên tội ác càng thêm tăng trưởng; vì không biết nên lại sanh thêm vọng tưởng điên đảo. Nay được khai ngộ, đối cảnh biết nghĩ đến lỗi lầm, cho nên đã trừ được nghiệp ác, tương lai không gây tạo trở lại. Chỉ cần ở cõi này mà biết sám hối thì cũng đã có thể tiêu trừ tận gốc tội lỗi nghiệp chướng. Chán ghét cõi Ta-bà, cầu sanh Tây phương há có thể làm mất hết oán kết hay sao?

Đáp:

Muốn đạt được cứu cánh giải thoát thì phải diệt tận gốc rễ của khổ đau, diệt tận cái nhân của khổ đau không gì hơn là dứt bỏ mọi điều ác. Hoàn cảnh gây tạo tội lỗi chính là thế giới Ta-bà. Oán hiềm tích giữ ở đây đã thành ái kết. Ngày nay thẩm xét kỹ càng (mới thấy tất cả đều bị) sợi dây vọng tưởng điên đảo trói buộc. Vì muốn cho chúng sanh biết rõ bản thân mình vốn có thể tánh Như Lai, thể tướng đều là bà con quyến thuộc cho nên chư Phật với tấm lòng đại bi đã phương tiện ứng hoá thân mình tuỳ theo chúng sanh trong lục đạo, biểu hiện giống như phàm phu. Giải thích như vậy thì mọi người đều tin theo. Nhưng y theo luận mà làm, thực nghiệm chẳng có mấy ai. Hiểu biết thì chẳng có gì khó, thực hành mới là khó.

Đã gây tạo lỗi lầm, thật lòng ăn năn hối cải, đời này thệ nguyện không bao giờ tái phạm những việc ác, lại chuyên tâm niệm danh hiệu Phật và tu các hạnh lành, hồi hướng nguyện vãng sanh Tịnh độ, tha thiết như cứu lửa đang cháy trên đầu. Trầm luân ở thế giới này, than ôi chỉ sợ lạc đường! Còn an thần nơi cõi Cực Lạc sẽ chứng được quả vô sanh. Một khi công phu tu hành thành tựu lại phát nguyện quay trở lại cõi đời ngũ trược, với tâm đại bi giáo hoá hết mọi loài, cứu độ hết thảy chúng sanh. Chớ dừng lại nửa đường, cũng đừng rẽ qua lối khác, mà hãy tu bằng cách mỗi lúc khởi tâm động niệm, trước hết đều nghĩ đến những kẻ oán thù, nguyện xả bỏ tất cả mọi cái nhân của khổ đau, cùng nhau vãng sanh về Cực Lạc. Tu như vậy thì những kẻ đã oán thù của mình đều được lãnh thọ, họ sẽ xả bỏ tâm oán hiềm. Do không biết nương vào cách tu này cho nên mới ôm lòng ngờ vực.

Mối nghi ngờ thứ năm: Nay thời mạt pháp, xa Phật cách Thánh quá nhiều, cho nên những người phàm phu ngu muội đúng lẽ thích hợp với pháp môn lễ sám Bồ-tát Địa Tạng, hiện giờ lại có nhân duyên, theo lý lại càng nên chuyên niệm và tưởng nhớ Tam bảo. Cõi Tịnh độ của Phật Di-đà chỉ giành riêng cho người thượng căn tu hành, thuộc về giai đoạn thứ hai của Phật pháp, tức là thời tượng pháp, những người ở vào giai đoạn này mới có thể tu tập được. Còn giai đoạn này là thời mạt pháp, điều ác dẫy đầy, tánh dục của chúng sanh rất lớn thì làm sao có thể thực hành pháp tu của bậc thượng. Người thượng căn học pháp bậc hạ thì quá dễ dàng, nhưng kẻ hạn căn mà học pháp bậc thượng thì chỉ có thêm chướng ngại, nhận điều khổ não. Pháp môn và căn cơ còn không biết rõ, hỏi làm sao tu tập thành công?

Đáp:

Những lời nói của nhân giả không phải hoàn toàn phi lý, nhưng do sự học chưa lâu nên mới phát sanh những nghi ngờ này. Dừng lại mọi vọng tưởng thì tự nhiên thông suốt. Định lực mở ra thì đường tu rất gần.

Nay xin giải thích thành hai phần, một là dẫn chứng từ kinh sách, hai là nói rõ ý nghĩa pháp môn.

– Thứ nhất là dẫn chứng từ kinh sách, nhưng kinh sách thì có quá nhiều, sao chép đủ loại nên rất khó tra cứu, nay chỉ xin nêu năm kinh căn bản để khai sáng sự nghe sự học.

+ Kinh Đại tập Hiền Hộ(48) nói rằng: “Phật bảo Hiền Hộ, sau khi Ta niết-bàn, các đệ tử của Ta truyền bá pháp môn tam-muội này thì những Tỳ- kheo xấu ác không thể nào tin và thọ trì, ngược lại còn phỉ báng và cho là ma thuyết. Lại nữa, Hiền Hộ, lúc các Tỳ-kheo làm điều phi pháp, lúc các quốc gia đánh nhau, lúc đấu tranh huỷ báng nhau và lúc chúng sanh sống trong môi trường ô trược thì có bốn chúng đệ tử của Ta có khả năng truyền bá pháp môn này, làm lợi ích cho chúng sanh”.

+ Kinh Dược Sư ghi: “Bồ-tát Văn-thù vì chúng sanh thời tượng pháp mà thưa hỏi rằng: “Bốn chúng đệ tử nguyện cầu vãng sanh Tây phương mà lòng vẫn còn do dự, chưa quyết định, thì niệm danh hiệu Phật Dược Sư, chắc chắn đoạn được lưới nghi, đến lúc lâm chung, sẽ có tám vị Đại Bồ-tát hiện ra trước mặt tiếp dẫn vãng sanh”.

+ Kinh Di-đà ghi: “Chư Phật ở những cõi khác đều khen ngợi Đức Phật Thích-ca có khả năng ở trong thế giới đầy dẫy năm điều xấu ác mà nói pháp môn rất là khó tin. Chư Phật ở trong sáu phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài để chứng minh và khen ngợi pháp môn này”.

+ Quán kinh ghi: “Phu nhân Vi-đề-hi vì thấy cuộc đời đầy dẫy năm điều xấu ác, bất thiện, chúng sanh bị năm thứ khổ não(49) bức bách, nên phát nguyện vãng sanh Tịnh độ”. Ba phẩm cuối của kinh này nói rằng, những người tạo đủ mọi nghiệp ác mà biết niệm Phật thì đều được vãng sanh hết.

+ Kinh Vô lượng thọ ghi: “Thích-ca Như Lai vì chúng sanh sống trong đời ngũ trược mà thuyết pháp, khiến cho tất cả đều được thoát khỏi năm đường ác, trừ năm thứ khổ, dập tắt năm thứ thiêu đốt(50). Lại nữa, trong đời vị lai, khi tất cả các kinh điển đều bị tiêu diệt hết, thì Ta vì lòng từ bi mẫn đặc biệt lưu giữ lại một bộ kinh này, duy trì một trăm nữa, khi ấy, nếu chúng sanh nào phát khởi một niệm tin tưởng thì đều được vãng sanh Tịnh độ”.

Hỏi: Những kinh sách đã dẫn ở trên đều do Phật nói, tất nhiên là không phải hư dối. Chưa biết cửa phương tiện của nó, xin hãy nói cho hết ý!

Đáp:

Lời của đại nhân nói tất hợp với chân lý, đúng với kinh điển. Đây đều là pháp cứu cánh, không phải thuộc kinh điển bất liễu nghĩa.

Trong pháp hội niết-bàn, Đức Phật nhiều lần nhắc nhở đại chúng ai còn hoài nghi thì mau thưa hỏi, nhất là về pháp môn Tịnh độ; tại rừng sa-la không còn điều nghi ngờ nào mà không được giải quyết. Chư Phật trong mười phương đều hiện tướng lưỡi rộng dài để ấn chứng pháp môn này. Căn cứ những điều này thì biết pháp môn Tịnh độ không phải làm pháp phương tiện, mà là pháp cứu cánh.

Trên thì lược dẫn từ kinh điển, nói rõ nhân duyên, dưới thì trình bày lời Tổ giải thích rõ ràng để trừ hẳn mối nghi. Chư Phật chỉ dùng một thứ ngôn ngữ để thuyết pháp mà tất cả chúng sanh đều hiểu, vạn loại hữu tình không loài nào là không khế ngộ. Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện rộng lớn cứu độ chúng sanh trong đường ác; Đức Phật Di-đà với lòng đại bi, dùng mười niệm để tiếp dẫn muôn loài. Không cầu sanh về Tịnh độ e rằng đọa lạc tam đồ. Khi đọa lạc trong tam đồ rồi niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng, đó là ở trong cái khổ hy vọng được cứu độ. Còn nay khuyến khích mọi người chuyên tâm niệm Phật Di-đà, thệ nguyện vãng sanh Tây phương, đến khi lâm chung, chư Phật lập tức đến tiếp dẫn, liền được sanh về Tịnh độ, thoát khỏi hẳn ba đường ác, không phải trải qua sự đau khổ, khỏi phải mất công nhọc sức kêu cứu.

Tông yếu của sự phân chia Phật pháp thành ba thời kỳ là căn cứ vào căn cơ và thời gian mà nói. “Một ngàn năm trăm sau (Phật niết-bàn), không tu tịnh nghiệp, giả sử có người tu thì mọi công hạnh đều thành tựu, đó là giai đoạn thứ hai, không phải nghiệp của chúng sanh hạ phàm”. Nay xem xét cái ý này, có người cho là thuyết cho bậc thượng căn tu hành, (nhưng thật ra, ý của câu nói ấy là), trong ba phẩm vãng sanh chỉ mới nói rõ người vãng sanh bậc thượng và trung. Pháp môn Tịnh độ không phân biệt sự tu tập có định tâm hay tán loạn, tạo nghiệp nhẹ hay nặng, tất cả đều được vãng sanh Cực Lạc.

Những người xuất gia thanh tịnh trong chúng, những kẻ tại gia bình thường hay quý tộc, những người mai danh ẩn tích, yên tĩnh, tán loạn… đều có thể tu niệm Phật và nhất định đều được vãng sanh.

Tâm không màng danh lợi, việc công, việc tư đều để bên ngoài, không tham chức vụ thế gian, một lòng học đạo, tinh tấn tu hành… người này sẽ đầy đủ tam phước, nhất định vãng sanh Tịnh độ.

Gia nghiệp đủ thiếu, sự nghiệp buộc ràng… một mực tuỳ duyên, những người này cũng được vãng sanh Tịnh độ.

Đời nay tạo tội, cho đến phạm tội xiển-đề(51), đến lúc đại nạn lâm đầu, cạnh kề cái chết, muôn khổ bức bách, chợt gặp được thiện hữu khuyên dạy niệm Phật, các tướng ác được tiêu trừ, lập tức được vãng sanh Tịnh độ.

Người có thiện căn đại thừa, tức là những bậc từ Sơ địa Bồ-tát lên đến Thập địa Bồ-tát, tuỳ theo kết quả tu tập sâu cạn, được vãng sanh vào ba phẩm bậc thượng. Những người căn trí tiểu thừa thì từ mới phát tâm hướng thiện cho đến đạt được Thế đệ nhất pháp(52), được vãng sanh vào ba phẩm bậc trung. Những người còn lại không thuộc căn cơ đại thừa và tiểu thừa, tuỳ nghiệp nặng nhẹ mà vãng sanh vào ba phẩm bậc hạ.

Như vậy, tuỳ theo sự tu tập, hành đạo cạn, sâu, tạo nghiệp nặng, nhẹ… nếu có thể phát tâm bồ-đề, nguyện sanh về Tịnh độ, thì theo nghiệp nhiều ít, tất cả đều được vãng sanh vào một trong ba bậc thượng, trung, hạ phẩm, mỗi phẩm lại có ba bậc thượng, trung, hạ phẩm, vị chi có tất cả chín phẩm. Do đó, đừng có thiên chấp vào bất cứ một khía cạnh nào phát sanh nghi ngờ đối với pháp môn Tịnh độ.

Lại nói, nay là thời kỳ thế giới đầy dẫy những điều xấu ác, không thích hợp cho người niệm Phật nguyện sanh Tịnh độ. Điều này không có căn cứ. Bởi kinh Đại vô lượng thọ có ghi: “Khi tất cả kinh điển đều bị tiêu diệt hết, Đức Phật vì lòng từ bi thương xót chúng sanh mà đặc biệt lưu giữ lại bộ kinh này thêm một trăm năm nữa. Bấy giờ, nếu chúng sanh nào nghe đến danh hiệu của Phật A-di-đà mà phát khởi lòng tin thì đều được sanh về thế giới của Ngài”.

Như vậy, rõ ràng giáo pháp mà Đức Như Lai thuyết giảng đem đến lợi ích lớn nhất cho chúng sanh chính là một vạn năm thời mạt pháp. Khi ấy tất cả kinh điển đều đã mất hết rồi, chỉ còn lại một bộ kinh duy nhất là kinh Vô lượng thọ, cho nên lợi ích của nó càng lớn hơn nữa. Đức Phật Thích-ca đặc biệt lưu lại kinh này thêm một trăm năm, cho nên đây là bộ kinh cứu độ chúng sanh đời mạt pháp. Trong suốt một vạn năm thời mạt pháp, tất cả kinh điển từ từ mất dần, Đức Phật Thích-ca thương xót chúng sanh lưu lại kinh này thêm một trăm năm, mà đặc biệt là lúc bấy giờ hễ bất kỳ chúng sanh nào có thể tu nhân niệm Phật thì quả chứng đều là vãng sanh Tịnh độ.

Thâm nhập kinh văn này rồi thì đủ khả năng diệt trừ mối hoài nghi. Chớ chấp giữ những tri giác thiên lệch của mình mà đánh mất cơ hội thông đạt nghĩa lý kinh điển.

_________
Chú Thích

46. Chủ trương học tất cả các pháp môn, không phân biệt tiểu thừa, đại thừa, tông phái…

47. Cách sanh: Thọ thai kiếp khác.

48. Đại tập Hiền Hộ kinh (大集賢護經), gọi đủ là Đại phương đẳng đại tập kinh Hiền Hộ phần (大方等大集經賢護分), 5 quyển, Tam tạng Xà-na- quật-đa (Jñānagupta) người Thiên trúc dịch vào đời Tuỳ, ĐTK/ĐCTT tập 13, n0 416.

49. Sanh, lão, bệnh, tử gom chung thành một nỗi khổ, hai là ái biệt ly khổ, ba là oán tắng hội khổ, bốn là cầu bất đắc khổ, năm là ngũ ấm xí thạnh khổ.

50. Chúng sanh gây tạo năm nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu nên bị trôi lăn trong lục đạo luân hồi, chịu bao nhiêu thống khổ như thiêu như đốt, nên gọi là ngũ thiêu.

51. Xiển-đề: Không tin nhân quả.

52. Thế đệ nhất pháp: Chỉ cho giai vị Gia hành thứ 4 trong 4 giai vị Gia hành, là gia vị tột cùng của trí hữu lậu, cũng là pháp thù thắng nhất trong các pháp thế gian.

Trích từ: Tây Phương Yếu Quyết
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tây Phương Hiệp Luận, Sa Môn Thích Trí Thông Tải Về
2 Hộ Niệm Vãng Sanh Tây Phương, Liên Xã Đài Trung Tải Về
3 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Tây Phương Hợp Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
5 Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy, Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng Tải Về
6 Tây Phương Xác Chỉ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về