Chỉ Học Bằng Miệng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Trưởng giả tử cùng thương nhân vào biển tìm bảo vật, vị này thuộc lòng cách lái thuyền, như khi gặp nước xoáy, giòng nước ngầm, chỗ hiểm nạn, làm sao để lái, sao cho thuyền qua, và sao để ngừng thuyền, nên cao giọng tuyên bố là tôi nắm vững phương pháp lái thuyền. Con tầu ra khơi chưa bao lâu thuyền trưởng bệnh chết, trưởng giả tử thay thế. Khi gặp cơn xoáy lớn, trưởng giả tử lớn tiếng điều khiển sao cho thuyền qua, sao cho con thuyền vững, nhưng thuyền cứ xoay vòng không thoát ra khỏi cơn xoáy để hướng đến bảo tàng, chung cục mọi người đều chịu chết khát.
 
Phàm phu cũng vậy, ít tập thiền pháp, chỉ biết chút ít quán sổ tức và bất tịnh, tuy thông văn cú, nhưng không hiểu nghĩa lý, cũng như thông đạt hết mọi phương pháp. Nhưng tự cho là mình đã hiểu hết, vọng truyền thiền pháp, khiến người mê loạn thất tâm, đảo ngược pháp tướng, nên trải qua bao năm tu hành cũng không đạt được kết quả, chẳng khác nào người ngu kia điều khiển thuyền khiến mọi người chết thảm.
 
Lời Bình:

Biển dụ cho thế gian, trưởng giả tử dụ cho chúng ta, bảo tàng dụ cho công đức giải thoát, thuyền dụ cho sự tu hành, xoáy nước dụ cho ma chướng, thuyền trưởng dụ cho bậc hiền thánh. Đại ý câu chuyện chỉ dậy cái học từ chương, y cú bất y nghĩa, vốn không đem lại kết quả thực biết. Như Mạnh tử nói, tận tín ư thư, bất như vô thư (cứ tin hoàn toàn vào sách, thì thà không có sách) . Cái học này chẳng khác gì lời phê bình của Mặc tử về người mù học đen trắng, trên lý thuyết người mù nói rất chính xác, nhưng trên sự hành, bảo phân biệt đậu đen và trắng thì người mù không phân được, như vậy chỉ khi nào hành giải tương ưng mới thật sự là biết.
 
Phàm nhân ít thực hành Phật pháp, nên chỉ hiểu trên mặt văn tự câu cú mà không hiểu thật nghĩa, đó là vô lượng nghĩa. Phàm phu học Phật theo phan duyên, khi học Phật thì duyên với pháp Phật, tạm thời quên đi mọi duyên thế tục, khi ấy phàm nhân nghĩ rằng ta đã hiểu đạo, và rất mến đạo, đến khi hết giờ học, gặp duyên đời lại phan duyên đời quên mất đạo, cứ vậy mà tuần hoàn, nên thành “nhược tồn nhược vong” (thoạt nhớ thoạt quên), xoay vần trong duyên này như con thuyền xoay vòng trong xoáy nước.  Do phan duyên nên khi duyên học Phật tụ hội, thì phan duyên học Phật, tới khi duyên tán, thì học Phật cũng tán theo, nên kiến thức có được trong cái học phan duyên đó rất ư thiếu định, vì vậy lúc có lúc không, trí huệ học Phật không được giữ lại, theo duyên đến và theo duyên đi, đạo đi thì đời đến, đời đi thì đạo đến, lúc thiện lúc ác, lúc Phật lúc ma, vì vậy Huệ năng đại sư khuyên Huệ minh “bất tư thiện, bất tư ác, chính dữ ma thời na cá thị Minh thượng tọa bổn lai diện mục” (đừng nghĩ ác cũng chẳng nghĩ thiện, ngay chính lúc đó là bổn lai diện mục của ông). Lời khuyên này dậy Huệ minh đừng sinh tâm nhị biên, phan duyên đắc thất, phải biết dụng công tu hành chân chính là “ngoại ly tướng, nội bất loạn” (bên ngoài lìa tướng, bên trong chẳng loạn). Ngoại ly tướng là không phan duyên, nội bất loạn, là “ư tâm vô sự”(tâm không nhiễm chấp bất kì sự vật nào), khi tâm đối duyên không loạn, thì gọi là tùy duyên bất biến. Tâm bất loạn, nên cảnh có đổi tâm cũng chẳng thay, như cây cổ thụ, chim đến chim đi đều bình đẳng, không thủ xả. Do tâm bất động nên duyên đến đi cũng thành bất động loạn. Vì vậy học Phật bằng tâm phan duyên, Phật pháp sẽ thành vọng, lúc sinh lúc diệt theo duyên huyễn. Ngu giả bị thức phân biệt mê hoặc, đưa vào cảnh giới sinh tử luân hồi huyễn hóa, chấp cảnh là thật nên tìm cách tránh né sinh tử khổ trong cảnh giới của sinh tử, thay vì tìm lối thoát ly. Trí giả nhận chân được vọng của thức, không bị mê hoặc, nên không thấy sinh tử để tránh, do vậy đạt được vô sinh vô tử. Thức có nghĩa phân biệt, vọng thấy nhị biên. Trí có nghĩa nhận ra được vọng của thức.
 
Trưởng giả tử học hàng hải phân biệt danh cú theo văn tự rất rành rọt, nhưng không ly văn nhập nghĩa, để hiểu được thật nghĩa của cách dùng. Có  nhờ vào sự hiểu nghĩa mới đem được nghĩa của sách vào trong biển lớn, ngồi nơi nghĩa này mà dạo chơi an toàn trong sóng lớn của đại hải. Nếu chỉ chấp nơi văn tự, thì chỉ biết chèo thuyền trên những trang giấy êm ả trong sách vở, và tất nhiên lúng túng khi đối diện với cơn sóng cả bập bềnh. Như người học kinh Viên giác, chỉ thấy quyển sách kinh này mới là kinh Viên giác, những thứ khác đều không phải, đây là cái thấy của vọng thức, nên Viên giác này là loại bất liễu nghĩa, vì viên giác chỉ có nơi quyển kinh viên giác, còn nơi mọi thứ khác đều không phải và chẳng có viên giác, nếu quả thật Viên giác chỉ có trong tập sách nhỏ thì không thể gọi đó là “viên” giác được. Nếu ôm giữ quan niệm này thì thật là phỉ báng viên giác. Đã gọi là viên giác thì không một pháp nào mà không phải là viên giác, pháp nào cũng là pháp viên giác, đồng với nhất thiết pháp giai thị Phật pháp của kinh Kim cương. Do vậy hễ chấp cú thì viên giác chỉ còn là quyển sách mang tên viên giác, ý nghĩa cũng chỉ nằm gọn nơi văn tự trong sách, ngoài ra đều là phi viên giác, nhưng dùng trí quán thật nghĩa thì văn tự viên giác là quyển kinh, còn đệ nhất nghĩa viên giác thì ở khắp mọi nơi. Do đó đức Thế Tôn dậy “Vị xuất luân hồi, nhi luận Viên giác, bỉ viên giác tính, tức đồng lưu chuyển” (chưa hết luân hồi mà bàn Viên giác, tính viên giác đó sẽ thành luân hồi).
 
Chúng ta cũng giống như trưởng giả tử nọ, chỉ biết diệt tập trừ khổ trên lời nói hay trong giấy vở của kinh sách, nhưng không thể trừ tập diệt khổ trong sóng gío của cuộc đời nằm ngoài kinh sách, vì vậy vẫn sống và chết với bao khổ não. Khi phải đối diện với ba đào của thiện ác thị phi, chúng ta vẫn không sao điều khiển con thuyền thoát ra được cơn xoáy của các nghiệp chướng ma quái này để tiếp tục hướng đến bến bờ của bảo tàng, để rồi phải chết trong sự khát khao được hưởng kiếp an lành.
 
Do vậy tu tất phải hành, hành ắt phải vượt qua sóng gío với tâm không khiếp sợ. Người sợ sóng gío là người không bao giờ dám tìm đến bảo tàng, không dám tìm bảo tàng đồng với nghĩa người này không bao giờ có được bảo tàng mà phải chịu kiếp nghèo cùng vĩnh viễn. Phật pháp dậy “trong mọi cái nghèo, nghèo trí huệ và từ bi là cái nghèo nhất”. Học Phật tựa như người đi tìm bảo tàng học lái thuyền, người muốn tìm bảo tàng tất học lái thuyền, cũng vậy người cầu công đức giải thoát tất học Phật pháp. Nay học Phật lại sợ khổ không dám kham nhẫn độ sinh, khác gì học lái thuyền lại sợ sóng lớn không dám vào biển tìm kho báu, như thế học Phật vô ích, hoặc giả chưa thật sự nắm vững cái học, như người học lái thuyền chưa tốt nghiệp không dám ra biển. Song đã học tất phải cho đến chốn, không thể qua loa chút đỉnh rồi tự cho là mình am tường để trốn học, và cũng chẳng dám đương đầu với sóng nước.
 
Vì vọng thức khiến chúng sinh “nhận vọng làm chân”, nay Như lai muốn chỉ tính chân có sẵn đó cho chúng sinh, nên mượn ngôn từ thuyết giáo khai thị cho chúng sinh thấy được thật nghĩa thật pháp vốn vẫn hiển bầy, song vì vọng mà thấy sai, nên ngôn từ của Như lai chỉ là phương tiện khai thị, thật pháp là thật nghĩa của phương tiện pháp. Vì vậy thật pháp không phải là ngôn thuyết hay văn tự, nên trong kinh Kim Cương dậy “nhược hữu nhân ngôn, Như lai hữu sở thuyết pháp, tức vi báng Phật” (nếu người nào nói Như lai có thuyết pháp tức là báng Phật). Khi Như lai sắp nhập bát niết bàn, Văn thù bồ tát thỉnh Phật tái chuyển pháp luân, ngài đáp “ta trụ thế 49 năm chưa từng nói một chữ, nay nếu nói tái chuyển pháp luân, như vậy là Như lai đã từng thuyết pháp sao” (ngô trụ thế 49 niên, vị thường thuyết trước nhất tự, nhữ thỉnh tái chuyển pháp luân, thị ngô tằng chuyển pháp luân da?). Ngôn từ của Như lai vốn là ngón tay chỉ trăng, và chưa hề là trăng, chân lý như trăng vốn sẵn có, lúc nào cũng hiển bầy, cho dù Như lai có chỉ hay không chỉ, trăng vẫn không hiện hay mất, nên ngôn từ chẳng dính dáng đến diệu nghĩa của thật pháp, vì vậy Huệ năng nói “chư Phật diệu lý phi quan văn tự” (diệu nghĩa của chư Phật, chẳng có quan hệ gì với chữ viết). Trăng bất động thường trụ hiển hiện đó là thật pháp, Như lai mượn ngôn từ để chỉ, ngôn từ là phương tiện là giả pháp, thật pháp không có ngôn từ và phương tiện, tự hiển bầy phân minh, thiền tông gọi là vô tình thuyết pháp.
 
Qua câu chuyện này, trưởng giả tử học pháp hành hải mà không học nghĩa nên khi đổi sách thành biển thì lúng túng không biết phải làm sao, vì anh này chỉ biết trong sách, ngoài sách thì bó tay. Như người học kinh Viên giác mục đích để bằng cách nào vượt qua được xoáy nước của luân hồi, dòng nuớc ngầm của ái dục, cơn nước lớn của huyễn hóa trong biển sinh tử. Thế nhưng tín chúng chỉ học thuộc các chữ nghĩa trong từng trang kinh Viên giác, hay ghi nhớ những ngôn từ giải nói kinh Viên giác, tập hợp những thứ trên cho là đã học và hiểu kinh Viên giác trọn vẹn. Nhưng khi muốn luận thuyết về kinh thì phải mở quyển kinh và nói trong  phạm vi của những trang kinh, ngoài quyển kinh ra thì không có gì là Viên giác nữa, và Viên giác cũng chẳng dính dáng chút gì trong thân tâm ta, khi quyển kinh được gấp lại.
 
Thử hỏi Viên giác là viên giác, ta là ta, không hề dính mắc gi đến nhau, thế thì viên giác này chẳng có thực lợi gì cho ta và người, đã chẳng có thực lợi lại ra công sức học hỏi rồi chỉ bầy cho tha nhân thứ viên giác vô dụng này thì quả là “viên” mê. Thật nghĩa của Viên giác chính là chỉ có giác không hề có mê, mê đó là huyễn hóa không thật. Ta và chúng sinh cũng như muôn sự muôn vật đều cùng tính giác, nên Phật pháp dậy chư Phật và nhất thiết chúng sinh đều có đồng một bản đó là bản giác. Kinh Viên giác nhấn mạnh “thủy tri chúng sinh bản lai thành Phật, sinh tử niết bàn do như tác mộng” (mới biết chúng sinh vốn đã thành Phật, sinh tử niết bàn tựa như giấc mộng). Người học Phật được chư Phật khai thị tính bản giác, chỉ cần dụng công khai triển “bản giác” nơi ta tất viên giác với ta là một, khi đã viên giác tất mọi thứ từ sinh tử luân hồi đến niết bàn của ta cũng như của hết thầy chúng sinh đều thành giác cả, khi ấy tất được tự tại vô ngại với biển lớn sinh tử, sóng cả luân hồi.
 
Phàm nhân học Viên giác như trưởng giả tử học lái thuyền, thuộc làu văn tự. ngỡ rằng ta đã thông suốt, bị tri thức này lừa dối, không thành tựu được chân viên giác, như xoáy nước cầm chân con thuyền không cho thẳng tiến đến bảo tàng. Những người học Phật này khi còn trong hoàn cảnh yên ổn, , họ ngỡ rằng đạo lực của ta đã cao, như trưởng giả tử lái thuyền trong chốn nước êm tưởng rằng mình có tài cán, cho đến khi sóng gío ba đào mới biết đạo lực lái tầu thật sự cao hay thấp.
 
Phàm phu y cú bất y nghĩa, lấy văn tự ngôn thuyết làm Phật pháp, khác nào lấy ngón tay làm trăng, nên không những không thấy được thật pháp lại sa vào mê pháp, khiến mọi pháp đều trở thành bất liễu nghĩa. Ngược lại nếu chuyển thức thành trí, tất y nghĩa bất y cú, nên thấy thật nghĩa nơi mọi pháp, vì vậy pháp nào cũng là pháp liễu nghĩa, thành tựu kim cương bát nhã, nhất thiết pháp giai thị Phật pháp, chứng đắc viên giác, không pháp nào không giác. Mới biết thật pháp không nói được, nếu nói được tất chẳng phải pháp. Do đó biết nghĩa viên giác thì tung hoành trong huyễn hóa, tự tại vô ngại, nếu chỉ biết cú ngữ tất viên giác này bị huyễn hóa xoay chuyển, như trưởng giả tử cùng với cuốn sách hàng hải bị xoáy nước nhận chìm.
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Ngựa Ô Đuôi Trắng
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Vác Bình Đi Dạo
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Trảm Đầu Lạc Đà
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Uống Nước Rửa Ruột
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ