Giết Con Giữ Hoa Tai
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Hai cha con trên đường đi, bất ngờ gặp giặc cướp xuất hiện, người cha sợ chúng cướp mất hoa tai bằng vàng của đứa con, vội vàng giựt đôi hoa tai nhưng không lấy được, liền chém đầu người con để giữ đôi hoa tai. Đến khi bọn cướp bỏ đi, lúc ấy mới lấy đầu con ráp lại vào cổ, nhưng đứa trẻ đã chết rồi.

Phàm phu cũng vậy, vì danh lợi tạo tác mọi hí luận, nói có hai đời, không hai đời, không trung ấm, có trung ấm, vô tâm số pháp, hữu tâm số pháp, không có chủng chủng vọng tưởng, có chủng chủng vọng tưởng, không đắc được thật pháp. Người ngu này vì chút danh lợi mà nói dối, mất sa môn đạo quả, khi mạng chung đọa tam ác đạo, như người ngu giết con lấy hoa tai.

Lời Bình:

Khổng tử từng than « ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã » (ta chưa từng thấy ai hiếu đức như những kẻ hiếu sắc). Dưới mắt Phật giáo thì sắc đứng ngang với tiền tài, danh vọng kế đó là nhu cầu ăn ngon và ngủ khỏe. Phàm nhân say mê sắc dục và những thứ nọ, miệt mài truy cầu chưa từng biết chán đủ, lại bất kể hậu quả sẵn sàng liều mình để được như ý, quả là cầu ngũ dục bất tích thân mạng, song đối với thiện pháp thì tính toán so đo, ngần ngại không dám hành, cho dù phải hy sinh chút ít lợi riêng. Giả như phàm nhân đều hiếu đức không tiếc thân mạng như đối với sắc dục thì hẳn nhiên nhân gian thành tịnh độ và phàm nhân đều là Thánh cả.

Phật pháp cho rằng cảnh giới của lục đạo đều thuộc cõi dục, tất nhiên ái dục là bản tính của chúng sinh. Phàm phu vốn có gốc tham dục, thường say mê ngũ dục, khi gặp thiện duyên, nhất thời tỉnh ngộ, phát tâm xuất gia. Nhờ xuất gia cạo tóc mặc y, nên được tha nhân cung kính, tham dục tái sinh, liền khởi vọng thức vô trí, muốn lợi dụng pháp phục và hình nghi này để đạt được mục đích lợi dưỡng, một thứ mà phàm phu đã bao kiếp miệt mài truy cầu, chưa hề biết mỏi mệt và chán chường, cho dù phải chịu vô lượng quả khổ, vì vậy mới gọi là si mê, say đắm đến độ ngu muội không thấy độc hại. Chính do si mê mà không thể hồi đầu để thấy đạo, những hàng phàm phu xuất gia, vừa thấy lợi là quên mất sơ phát tâm cầu đạo, bệnh si mê cũ lại tái phát.

Phàm phu vì muốn được lợi dưỡng hơn nữa nên dùng Phật pháp niết tạo thành mọi hí luận để dối gạt chúng sinh. Các pháp trong lời bàn, hiện nay không còn, mà thay vào bằng vô số các hí luận khác, điển hình như phong thủy, xem ngày xấu tốt, cúng quẩy sao hạn, cho rằng dựa vào các pháp này, có thể sửa đổi được nhân quả nghiệp báo, thân nhân của người chết chỉ cần xem ngày tốt, chọn hướng tốt, cúng quẩy quỷ thần, đốt vàng mã đút lót cõi âm, rồi đem chôn, vong linh nhờ vào các pháp này được siêu thoát, còn quyến thuộc thì phát tài lộc, mà chẳng quản gì đến luật nhân quả. Người sống muốn an lành phú quý, chỉ cần xem ngày và chọn hướng tốt làm nhà, hay buôn bán tất được thuận lợi như ý, luận cứ này trái hẳn với chủ trương chẳng có ngày tốt xấu, chỉ có nghiệp báo nhân quả thiện ác theo ta mỗi sát na, mỗi ngày, như hình theo bóng của Phật pháp, như lời Phật dậy « tâm dẫn đầu mọi pháp, tâm chủ tâm tạo tác, nếu nói hay hành động với tâm tư ô nhiễm, khổ não sẽ theo ta, như xe theo vật kéo ». Hoặc giả, « nếu nói hay hành động, với tâm tư thanh tịnh, hạnh phúc sẽ theo ta, như xe theo vật kéo ».

Các thứ tà giáo mê tín này không những làm hoen ố chính pháp mà còn khiến hàng tín đồ coi nhẹ nhân quả, cùng việc tu các thiện pháp để cầu phúc khi sống và được thoát khi chết, họ chỉ lo cầu các tà sư giúp tìm ngày lành tháng tốt cũng như hướng hạp với tuổi tác để được tài lộc hay để hương linh người chết được siêu thoát, hoặc thậm chí được hưởng phú quý ở âm ty bằng cách gửi vàng mã xuống âm phủ cho thân nhân quá vãng hưởng dụng thoải mái.

Một khi những thứ tà pháp này được nuôi dưỡng bằng sự duy trì hành sử đời này qua đời nọ thành một truyền thống, bấy giờ tà pháp xen tạp trong chính pháp một cách « hợp pháp ». Phàm nhân thường có xu hướng chỉ thích chọn và tin vào các pháp nào có lợi hay dễ hành dễ theo, do vậy thời mạt pháp đa số Phật giáo đồ vất bỏ toàn bộ giáo pháp nhân quả thật đức năng của chư Phật, chạy theo tà pháp nọ, để tại gia thì lo cầu tà sư chỉ bầy tà pháp, xuất gia thì trau giồi tà pháp thay vì chính pháp để trục lợi. Những người này ngộ nhận các tà pháp đó là Phật pháp nên hành sử chúng một cách vô tư, thậm chí nếu có người trí nêu lên tính chất phi Phật pháp của các pháp đó, thì những kẻ chủ trương sinh hoạt chùa chiền bằng tà pháp nọ, cho rằng người trí kia làm mất quyền lợi chùa, đồng với phá chùa.

Một bộ phận trong hạng tín đồ ấy vẫn thầm biết các tà pháp đó vốn không phải là Phật pháp, nên khi bị người trí dùng chính pháp phá bỏ các tà thuyết này, thì một lần nữa nói dối là tôi không hề chủ trương như vậy, mà viện dẫn lý do vì độ sinh nên phương tiện hành sử các thứ nọ, họ dùng đủ lý luận bảo vệ thứ tà lợi tà hành bị đức Thế Tôn cấm đoán, lại coi người trí như giặc cướp đi mọi lợi dưỡng của mình, nên che giấu tội, bằng hy sinh đạo quả sa môn. Những người này vì chút lợi dưỡng thấp hèn của thế gian, hưởng trong một đời vô thường chóng vánh, mà bỏ mất đạo quả sa môn, diệt mất nhân duyên giải thoát, khác nào người cha vì hoa tai mà giết con.

Người xuất gia được hưởng sa môn quả, bao quát công đức xuất thế và phúc đức thế gian, tựa như người cha có con trẻ với đôi hoa tai vàng, đứa con là công đức xuất thế, hoa tai là phúc báo thế gian, người cha luôn sợ mất hoa tai nên coi bất kì kẻ tranh lợi hay người bài xích tà pháp như kẻ cướp lợi của mình, do sợ mất lợi nên nhất quyết bảo vệ tà pháp hy sinh chính pháp, như người cha chặt đầu con thơ để bảo vệ hoa tai. Lợi đã hèn vì là tà lợi, hưởng lại ngắn do chỉ nhất thời, nên gọi là tiểu lợi, vì tiểu lợi mà bỏ chính pháp giải thoát, lợi mình lợi người, kẻ bỏ chính pháp là tự giết mình, khiến bản thân phải luân chuyển mãi trong sinh tử.

Chúng sinh tu hành khó thành tựu giải thoát cũng do vì tham đắm dục lạc. Giải thoát chính là diệt bỏ được lòng tham cố hữu chuyên tạo tác nghiệp sinh tử này, song tuyệt đại đa số chúng sinh vì không hiểu rõ chân lý ấy nên trở ngược lại dùng pháp tu giải thoát thành công cụ phục vụ cho lòng tham dục, chẳng khác nào hy sinh con để giữ hoa tai. Phàm nhân thường sẵn lòng giết hại con tức pháp giải thoát để duy trì và bảo vệ quyền lợi của ngũ dục tượng đôi hoa tai, vì lẽ này con đường giải thoát trở nên gay go và nan hành. Nguy thay ! Phần lớn người cha hiện nay đều sẵn sàng giết con để giữ hoa tai.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Bắt Trộm Ly Ngưu
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Giả Tiếng Uyên Ương
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Nguyệt Thực Đánh Chó
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ