Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chí tâm kính lễ Thượng Phổ Hạ Quang Hòa Thượng Pháp Sư.
Qua 02 bài giảng "Chuyện cổ tích Hiện Bảo Tháp" và bài "Phân Biệt Công Đức Yếu Lược" từ trên Hòa Thượng Pháp Sư đã pháp thí, để Đại chúng chúng con thật hiểu thật pháp, để Đại chúng chúng con thật hiểu và thấy Hội Pháp Hoa luôn hiện hữu.
Con xin đê đầu đảnh lễ Thượng Phổ Hạ Quang Hòa Thượng Pháp Sư tam bái.
Nương theo hạnh Phổ Hiền Bồ Tát và Đại trí Đại Thánh Tăng Xá Lợi Phất, con chí thành cung thỉnh Thượng Phổ Hạ Quang Hòa Thượng Pháp Sư từ bi giảng dạy Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa KInh giáo Bồ Tát Pháp Phật Sơ Hộ Niệm Yếu Lược.
Vi khai thị Phật tri kiến cho Đại chúng chúng con, con thành tâm cung thỉnh Thượng Phổ Hạ Quang Hòa Thượng Pháp Sư từ bi giảng dạy Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa KInh giáo Bồ Tát Pháp Phật Sơ Hộ Niêm Yếu Lược.
Vì cùng Đại chúng chúng con cùng tạo thắng duyên Nhất thừa pháp vì lợi lạc chúng sanh mà thể nhập tri kiến Phật, con đê đầu cung thỉnh Thượng Phổ Hạ Quang Hòa Thượng Pháp Sư từ bi giảng dạy Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa KInh giáo Bồ Tát Pháp Phật Sơ Hộ Niệm Yếu Lược.
Nam mô Đa Bảo Như Lai
Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát
Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát
Đáp từ
Đạo hữu Minh Trung đúng pháp thỉnh ba lần, thực sự không thể từ chối. Thế nhưng vì đây là nan tín chi pháp không dễ gì hiểu được bằng thức. Một khi hiểu bằng thức lực công đức của kinh pháp vẫn không khởi tác dụng.
Thói thường ai cũng nói "hiểu nhưng vẫn khó hành", đó là chưa thật hiểu vì vẫn qua phân biệt của vọng thức. Nếu thực hiểu thì sự hiểu thực ấy là trí, trí này sẽ phát sinh đại hùng đại lực, đại từ bi, và từ đó sản sinh công đức độ sinh gọi là Phổ môn. Khi đó gã cùng tử mà xưa nay chỉ lấy việc cầu xin cơm áo làm đời sống sẽ lập tức trở thành trưởng giả lấy ban bố cứu giúp làm nhật thường sinh hoạt. Vậy mới là thật trí thanh tịnh công đức. Thí dụ như một người ăn mày mỗi ngày bỏ ra 15 tiếng đi xin, nay được người đưa vào xí nghiệp công tác, người ăn mày nói cho tôi thời gian tập bỏ bớt thời gian ăn xin mỗi ngày cho đến khi bỏ hẳn, mới thực sự bỏ ăn mày thành công nhân được. Thực là coỏng nặng. Trên thực tế ăn mày sẽ lập tức thành công nhân, hoàn toàn thay đổi tư duy và sinh hoạt. Sở dĩ phải tập tành thiện pháp cũng do nơi quá bận buộc với cuộc sống đầy triền phược.
Chúng sinh quen theo vọng thức ngã chấp nên tham dục dễ làm và không cần tập, còn công đức thì lười cả tập nói gì đến hành. Tôi bao năm qua hành đạo khi với nhóm này, lúc với nhóm kia, nhưng nhóm nào thì nhóm, toàn bộ cũng đều chỉ tạm bợ qua tháng ngày. Giờ tóc bạc sức yếu nhìn quanh mình chợt nhận ra bấy lâu nay ta mãi là người lữ hành cô đơn, vẫn thường độc hành, thường độc bộ. Người vui thì người theo, chán rồi thì mất dạng, lý tưởng thì "trả lại cho sư".
Thiên hạ lì lợm đeo theo vọng nghiệp không xả, cho dù phải hứng chịu muôn vàn phiền não, nhưng với tịnh nghiệp thì hững hờ và dễ nhàm chán. Tôi bao năm lì lợm với chân lý, làm bạn với lý tưởng thực là điều không dễ làm, song chính nhờ nỗi lì này mà nhận ra chính pháp, mà nào đâu phải do nơi tích lũy kiến thức của người làm của mình.
Trước đây thượng tọa trụ trì chùa VH thỉnh tôi giảng kinh Pháp hoa, tôi nói "giảng kinh này phải mất thời gian vô cùng, vì chỉ giảng vào cuối tuần, mà kinh có tới 28 phẩm. Hơn nữa nếu giảng đúng thật nghĩa của kinh chỉ e thiên hạ không kham nổi lâu dài, và rồi sẽ âm thầm biến mất".
Nay có một đạo hữu trong group cũng thỉnh tôi giảng, rồi đến anh Minh Trung thưa thỉnh.
Như những gì tôi đã trình bày, mọi điều hiểu biết về Phật pháp nói chung, kinh Pháp hoa nói riêng của tôi đều phát sinh từ đức tin vào phát bồ đề tâm hành bồ tát đạo, mà không hề học lại của ai. Đức tin thúc đẩy sự phát tâm hành bồ tát đạo đó mới là chính tin và đức tin chân thật, nếu đức tin không đủ lực để làm các việc đó thì không được coi là chính tín hay thật tín.
Quả thực "Phật pháp đại hải, tín vi năng nhập, trí vi năng độ" biển cả Phật pháp chỉ có tin mới vào được và trí mới qua nổi. Lá cờ năm mầu của Phật giáo biểu trưng cho ngũ lực mà tín lực đứng đầu, cũng cho thấy sức mạnh của niềm tin vô cùng quan trọng. Nếu không đủ tín lực tôi không thể phát bồ đề tâm hành bồ tát đạo bấy lâu nay, nếu đức tin không vững có lẽ tôi cũng bỏ cuộc như mọi người quanh tôi xưa nay. Trí và tín là một, chính tín sẽ sinh chính trí, chính trí cũng sẽ sinh chính tín.
Lâu nay tôi kêu gọi phát tâm hành đạo và lấy bản thân ra làm gương, không ngoài mục đích giúp mọi người khởi chính tín, phát chính trí, đó là cách khiến mọi người nhận ra thật đạo, mà không cần đến văn tự kinh quyển của vọng thức. Tạm cho rằng con đường tôi dẫn mọi người đi là lối giảng kinh thật đại thừa mà không dùng đến kinh văn, chỉ cần chí nguyện kiên cố không lìa bỏ hạnh nguyện này, càng đi càng thấy quanh mình là thật đạo. Mỗi bước đi trên con đường bồ tát đạo đều là sự trì tụng kinh điển không cho diệt mất, thì sẽ nhận ra chính pháp hiển bày trong mọi nỗi khổ và niềm vui được cứu khổ, mà không đơn thuần chỉ là sự từ thiện theo vọng thức phân biệt. Như vậy tùy cùng hành nhưng người thấy thật pháp, kẻ thấy quyền pháp bất đồng là do có chính tín hay không.
Vẫn biết bồ tát đạo là nan hành, thật đại thừa là pháp nan tín, nên tôi vẫn mãi là kẻ lữ hành cô đơn, vì vậy đôi khi muốn giảng nhưng rồi lại thôi, vì nói phải có người hỏi và biết nghe thì không làm mất lời và giá trị của pháp, nếu cứ nói bừa cho bất kể ai thì chỉ mỏi miệng tốn lời vô ích.
Tóm lại giảng theo lối quyền pháp cho hợp với vọng thức, hay giảng thật pháp để khai mở chân trí. Nếu giảng theo quyền pháp thì dùng kinh văn, gói trọn trong 7 quyển, 28 phẩm, khai mở quyền trí, gạt Phật tri kiến ra bên lề như thói thường xưa nay vẫn học tập kinh Pháp hoa. Nếu giảng thật pháp thì chung cục phải dùng đến thật kinh, kinh ấy khg thuộc văn cú, vọng thức có giới hạn trong số quyển hay số phẩm, mà là thật nghĩa tức tinh thần độ sinh nhiếp hết ba đời mười phương khônh cùng tận của các bậc giải thoát vô thượng, theo tinh thần "nên hiện thân nào để độ thì hiện thân ấy độ". Nơi nào có hóa thân độ sinh, hay có khổ và pháp cứu khổ của Phổ môn đều là kinh Pháp hoa sống (hoạt kinh và hoạt bồ tát). Nếu khi hành pháp cứu khổ cứu nạn chúng sinh mà nhận ra Phổ môn đang hiển bày thì thấy ta đang trong hội Pháp hoa hằng hiện hữu.
Tôi nhận xét thấy rằng tất cả những người đồng hành với tôi, luôn cho rằng việc hành đạo bố thí phóng sinh cứu khổ với sự học hỏi kinh luận là 2 vấn đề khác biệt hoàn toàn, đó là nhận xét theo vọng thức của họ, nếu nhận xét theo trí họ sẽ nhận ra hành bồ tát đạo chính là trì tụng "chân kinh" bằng cả ba nghiệp, ý quán chúng sinh khổ để cứu, khẩu khuyến mọi người phát tâm, thân hành sự cứu giúp muôn loài, kinh nào cũng không ngoài nghĩa này, Phật nào cũng lấy đó làm Phật sự, và chỉ dậy cho tăng chúng coi đây là sinh hoạt "thống lý đại chúng". Ngẫm xem đó không phải là Phổ môn thị hiện đó sao? Khác hẳn với Phổ môn được tụng bằng văn tự. Người tụng Phổ môn thị hiện để cứu khổ tha nhân, người tụng Phổ môn văn tự để mong được cứu, suy ra đủ thấy đâu là công đức và đâu là không công đức.
Điều đáng tiếc là do luôn bị thức chi phối nên không nhận ra mình đang ở trong thật pháp, lại chỉ muốn học thật pháp trong vọng thức, ô hô! quả là cưỡi trâu lại đi tìm trâu, vì vậy tôi luôn đắn đo, giảng thật pháp ư? thì vẫn đã giảng, đang giảng và sẽ tiếp tục giảng, hồi nào đến giờ vẫn giảng, nhưng phần đông chỉ chấp vào văn cú, nên khi nào tôi giải nói về câu cú trong Pháp hoa khi ấy mới là giảng kinh Pháp hoa
Đôi khi vọng thức cũng nổi lên trong tôi bằng một nỗi bất an cùng cực, sống không có đồng hành cũng không sao vẫn an vui, nhưng chết mà mất dấu hoàn toàn, không có người kế tiếp thì thật bàng hoàng bất an. Nhớ lời ôn Trí Thủ nói với tôi rằng "người tu hành sợ nhất một điều, đó là sợ mình sợ". Cuộc đời huyễn hóa giả tạm có gì để sợ, thế nên người tu mà sợ thì điều này đáng sợ thật. Nhưng điều tôi sợ nó có giá trị đáng sợ cực kì cao, nên đừng nghĩ tới thì thôi, một khi nghĩ tới cứ vẫn sợ, dù cũng có chút hổ thẹn khi nghĩ tới lời nói năm xưa của hòa thượng viện trưởng.
Lời cuối nhắn đến những ai muốn học thật đại thừa, hãy luôn quan sát mọi hoàn cảnh, mọi nhân duyên quanh mình để thấy pháp thanh tịnh trong ấy, mà pháp sư không ai khác hơn lại chính là những kẻ bị xem thường như người nghèo khổ, tật nguyền, con chim con cá thảy đều cho ta nhiều bài pháp không có trong sách vở, thế mới biết trong mọi thứ đều có chính pháp, mà không chỉ riêng có trong quyển sách gọi là kinh, đó mới thực sự là thật pháp vậy.
Cuộc đời là quyển kinh sống mà tôi thường mang bên mình để trì tụng hằng bao năm qua. Trước kia tôi phát nguyện hễ thấy bất kể kinh nào cũng đọc tụng, ngay đến những bộ kinh không người tụng như Duy ma, Đàn kinh, Lăng nghiêm, Hoa nghiêm... tôi đều tụng để kết nhân duyên với kinh điển, tôi quan niệm thấy kinh mà không tụng là nghiệp chướng sâu dầy, ma nghiệp gì ngăn che mà kinh ngay trước mặt vẫn không thể đọc tụng. Sau này càng hành bồ tát đạo càng nhận ra lời đức Phật dậy "nhất thiết pháp giai thị Phật pháp", pháp nào cũng là Phật pháp, kinh điển với tôi không chỉ còn có trong các trang sách nữa mà nó chính là cuộc sống, thứ gì cũng là Phật pháp, nên tất cả đều là pháp sư cho ta bài pháp, kẻ ngu cũng là thầy dậy khôn cho ta, sự đau khổ bất hạnh của chúng sinh dậy ta biết phát tâm từ bi, chỉ vùi mình trong văn tự kinh sách không thực sự dậy mình điều gì ngoài việc chỉ giỏi nói mà không biết làm.
Tóm lại có 2 cách học.
Cách thứ nhất theo lối cổ điển, học từ chương 28 phẩm kinh Pháp hoa, lối này giới hạn nghĩa kinh trong vòng quyền pháp, nên nghĩa kinh không còn là bảo sở mà chỉ là hóa thành.
Cách thứ 2 học thật đại thừa bằng Pháp hoa chân kinh. Chân kinh không phải giấy mực mà là toàn thể pháp giới bao la, hành giả phải nhập chân kinh bằng tinh thần "đương nguyện chúng sinh", chúng ta cần nhớ rằng không một vị Phật hay bồ tát nào bỏ qua tinh thần đó khi đến với thế giới triền phược này. Bằng đương nguyện chúng sinh thế giới Ta bà trở thành đạo tràng Phổ môn của mọi vị Phật và bồ tát, và như thế thế giới này sẽ thực sự là cảnh giới "Phổ môn thị hiện" của hội Pháp hoa.
Hãy theo căn tính mà chọn kinh để học.
Cầu chư Phật gia hộ tất cả.
PVVT
Báo Ân 26.3.2021