Nhân Duyên Phát Sinh Các Đoàn Từ Thiện
Nhiều Tác Giả | Ni Sư Thích Nữ Hạnh Đoan, Việt Dịch


Nghe kể tại Hoa Liên xảy ra một việc thế này: Có mấy cư dân trên núi khiêng một người bệnh nặng hạ sơn, họ lội bộ đường đèo suốt 8 tiếng, khó khăn lắm mới tới được bịnh viện tỉnh. Ngờ đâu do họ vô phương nộp tiền bảo đảm, nên bịnh viện đã từ chối chữa trị, mặc cho những sơn dân này khẩn thiết van xin, song người trong bịnh viện vẫn không chút động lòng.

Các sơn dân này vô cùng thất vọng, đành khiêng người bệnh quay trở về núi. Một vị Phật giáo đồ nghe được tin này, lòng quá xót xa, bèn quyết tâm phát huy tinh thần từ bi cứu giúp những người không may trong xã hội theo lý tưởng của đức Phật. Sau một thời gian dốc hết tâm huyết, nỗ lực hợp sức cùng những người đồng chí hướng, cuối cùng họ đã thành lập được một cơ sở cứu tế tuyệt hảo mang tên “Hội từ tế công đức”. Hiện nay được nhân dân khắp nơi nhiệt tinh hưởng ứng, số hội viên gia nhập cực đông, Nhờ vậy mỗi tháng hội có thể xuất ra bốn năm trăm vạn để cứu trợ hơn 1.500 hộ nghèo, khiến bần dân được hưởng sự sẻ chia dài hạn ấm áp tình người.

Ngoài ra, hiện nay hội còn đang xây dựng một bịnh viện ở Đông Bộ cực kỳ quy mô, có thiết bị tối hoàn thiện, để tiện phục vụ chẩn trị cho người dân bần khổ. Có thể thấy “việc tại người làm, hữu chí tất thành”. Kết quả, hội đã tạo phúc cho vô số dân nghèo, khiến mọi người vô cùng kính phục.

Còn hội từ thiện thứ hai được thành lập bắt nguồn từ Hà tiên sinh ở Gia nghĩa, số là mười mấy năm trước, ông có người bạn thân đi đường bị sụp hố sâu, gây thương tích nghiêm trọng. Sau khi ông Hà đến bịnh viện thăm bạn rồi, cảm thấy con đường nhiều ổ gà, ổ voi kia quá nguy hiểm, có thể gây hại chết người, nên ông đã rủ một số bạn thân, cùng đem cuốc, ki v.v.. đến sửa các chỗ lồi lõm trên đường. Họ lấp bằng chỗ trũng, tu bổ lại cây cầu treo, tự đóng góp, xuất tiền mua đủ thứ vật liệu sửa cầu, đường… cho tốt, công việc tu bổ tự nguyện này họ đi làm khắp nơi, cứ thế kéo dài được ba năm.

Đến năm Dân Quốc 60 (1971), họ nghe tin tại một vùng hẻo lánh nơi thôn Thạch Lộng, huyện Gia Nghĩa, có hai anh em do địa phương không có cầu, đã mạo hiểm qua sông và bị chết đuối.

Quá đau lòng, không muốn xảy ra tình trạng thảm thương tương tự, nhóm Hà tiên sinh đã vội vã đến vùng đất hẻo lánh ấy, góp tiền, góp sức, quyết tâm bắc cầu.

Hà Quang Sinh cùng hai mươi mấy người bạn hảo tâm, chia nhau quyên góp, đem thân mình làm gương, tự tay xây dựng cầu, kết quả việc làm của họ thu hút được thêm một số người trọng nghĩa tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, kéo nhau đến phụ giúp. Cuối cùng, vào tháng 6 năm 1971 họ đã hoàn thành cây cầu đầu tiên tên “Huệ Sinh Kiều” dài 9m8.

Tổng cộng suốt mười mấy năm nay, họ đã liên tục kiến tạo hơn 140 cây cầu và công việc chỉ mới dừng lại vào tháng 5 năm nay (1983) những cống hiến của họ đã đem lại lợi ích rất lớn. Quả là công đức vô lượng.

Gia Nghĩa có đoàn hành thiện quy mô tên “Hành Thiện Đường” hội đủ các thành phần sĩ, nông, công, thương. Bỉnh thường ngoài việc cứu trợ những người bị thiên tai, bần khốn, hoạn nạn bất hạnh ra, hội còn đến khắp các cô nhi viện toàn tỉnh bố thí gạo, mỗi chuyến đi được dân hưởng ứng nhiệt liệt. Nếu không bố thí gạo thì họ sẽ đích thân giao tiền, hành sự minh bạch rõ ràng. Đa số hội viên là công nhân, viên chức nhà nước hoặc các xí nghiệp có thu nhập thấp, nhưng nhiệt tâm giúp người của họ thì cực kỳ lớn.

Trong đây có một bà lão tuổi “cổ lai hi”, lưng còng lọm khọm, hàng ngày đẩy xe bán hàng rong, cho dù bà già yếu, sống cô độc nghèo khổ, nhưng luôn tiết kiệm nhìn ăn nhịn xài để có tiền bố thí. Chuyến hành thiện nào bà cũng có mặt, sốt sắng đóng góp, chẳng chịu thua kém ai. Các tu sĩ và đạo cô nơi chùa miếu, bình thường không có thu nhập gì, cũng phụ đóng góp cho hội hành thiện.

Có một nữ công nhân bình thường may giày gia công cho xí nghiệp, thu nhập rất thấp, nhưng chuyến bố thí nào chị cũng đóng góp rất nhiều, rất quan tâm lo cho các em cô nhi. Còn có ông cụ 85 tuổi, không những mỗi lần bố thí đều tới sớm, nhiệt tình hưởng ứng, mà hằng ngày còn lên núi hái thuốc, đem về cứu giúp người bịnh, thuở giờ chưa từng nhận một đồng thù lao. Tấm lòng vị tha của ông làm người ta phải cảm động. Do thuốc trị hiệu quả, nên mỗi ngày có đến một hai trăm người tới chỗ ông xin thuốc, việc này thu hút nhiều cặp vợ chồng hội viên như Nhan tiên sinh và Lâm tiên sinh v.v… tự nguyện buông hết sự nghiệp, hằng ngày qua chỗ ông phụ xử lý dược liệu. Có lúc họ phải tự xuất tiền để mua thêm thuốc bồ sung vào. Những nghĩa cử nhiệt tâm hành thiện của nhóm này, khiến người ta hết sức cảm động.

Do tôi thường cùng các nhân sĩ hành thiện liên lạc, nhờ vậy mà có cơ hội nghe họ tâm sự, được họ kể cho các câu chuyện kỳ lạ quý báu chưa từng có, thậm chí rất khó tin và khó tưởng tượng, nhưng lại hoàn toàn có thật – ngàn thật, muôn thật – Giờ đây, tôi xin được kể lại, chia sẻ cùng mọi người.

Từ Ngữ Phật Học Trong: Nhân Duyên Phát Sinh Các Đoàn Từ Thiện