Thập Nhị Nhân Duyên
Gia Đình Phật Tử

A. DẪN NHẬP :

Mười hai nhân duyên là cách trình bày đặc biệt của giáo lý “ Duyên khởi ”. Giáo lý này được đức Phật nói đến rất nhiều trong các Kinh tạng, khi Ngài chứng ngộ được nguyên lý “ Thập nhị nhân duyên ”, thấy được các nhân duyên hình thành nên vũ trụ vạn hữu sau 49 ngày tham thiền nhập định vào ngày mùng 8 tháng 12 Âm lịch ( theo kinh Phật Bản hạnh là ngày trăng tròn tháng 12 ). Tuy nhiên không phải ngay từ buổi đầu, Đức Phật thuyết 12 nhân duyên mà Ngài chỉ đơn giản nói một duyên, hai duyên hoặc ba duyên …. Thuyết 9 nhân duyên được Phật nói đến trong kinh Mahanidana Digh Nikaya 19 tạng Pali; thuyết 10 duyên được Phật nói đến trong kinh Thành Dụ; còn thuyết 12 nhân duyên thì được Phật nói đến trong kinh Đại Duyên. Ngoài thuyết 12 nhân duyên của Mahanidana – Sùtra chúng ta còn thấy thuyết 24 nhân duyên của Buddhaghosa ở trong Visuddhumagga.

B. NỘI DUNG :

I. HÀNH TƯỚNG CỦA THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN :

Mười hai nhân duyên  Tức là Vô minh, Hành, Thức, Danh sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão tử làm nhân làm duyên cho nhau.

1. Vô Minh : ( Avijya )

Tức là tăm tối, mù mờ, không nhận thức sáng suốt. Phật dạy : “ Thế nào gọi là Vô minh ? Tức là không nhận thức được sự có mặt của khổ, không nhận thức được nguyên nhân gây ra đau khổ, không nhận thức được hạnh phúc khi chấm dứt nguyên nhân đau khổ và không nhận thức được con đường của sự chấm dứt nguyên nhân đau khổ, gọi là vô minh ”.

2. Hành : ( Sànkhàra )

Tức là hành động (Action ), động lực trong tâm khi bị khuấy động bởi vô minh ( Cái giận, cái ghét, cái buồn, cái bực bội, thù hận, v. v..Tất cả những hiện tượng ấy đều do vô minh khuấy động). Trong kinh Phật dạy : “ Hành có ba loại : Thân hành, khẩu hành và ý hành ”. Như vậy chúng ta thấy đức Phật không chỉ công nhận mọi hành vi của thân, khẩu, mà ngay cả trong ý niệm, suy tư, tình cảm đều được gọi là Sànkhàra.

3. Thức : (Vijnàna )

Thức là ý thức, là sự hiểu biết, là khả năng biểu hiện và nhận thức, được thúc đẩy bởi một sự phát triển nội tại theo quy trình của Nghiệp thức do một nhân tố có tính quyết định đó là  Chủng tữ Thức A Đà Na.

4. Danh sắc : ( Nàma, Rùpa )

Danh ở đây không phải là tên gọi mà chỉ cho tâm lý ( Psycho ). Tâm lý theo Phật giáo nguyên thuỷ thì đó gọi là Thọ, Tưởng, Hành và Thức. Sắc tức là vật lý ( Physics ) những hiện vật chất, thời gian, không gian. Phật dạy : “ Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý gọi là Nàma và tứ đại là Rùpa 

5. Lục Nhập : ( Sabhàytana )

Cũng còn gọi là lục xứ. Thế nào gọi là lục xứ, tức là nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý xứ tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Sự gặp gỡ của lục căn và lục trần gọi là lục nhập.

6. Xúc : ( Phassa )

Tức là xúc chạm, tiếp xúc. Xúc là một tâm sở biến hành, nó được tạo ra bởi lục nhập. Nhưng phạm vi của xúc là sự va chạm giữa căn và trần, sự tiếp xúc giữa chủ thể và đối tượng.

7. Thọ : ( Vedàna )

Tức là nhận lãnh, cảm thọ gồm : khổ thọ, lạc thọ, phi khổ phi lạc thọ. Cảm thọ được phát sinh do sự xúc chạm. Từ  sự xúc chạm mà phát sinh cảm giác dễ chịu, cảm giác khó chịu và cảm giác trung tính. Phật dạy: “ Thọ có sáu loại : Thọ phát sinh từ nhãn xúc, nhĩ xúc, tỉ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Đây gọi là thọ ”.

8. Ái : (Tanha )

Tức tham ái, vương vấn, thèm muốn, khao khát. Sự thèm muốn, khao khát cái gì ? – Đó là sự khao khát về sắc, thanh, hương, vị, xúc, và pháp. Chính sự khao khát vấn vương là nguồn gốc của khổ đau. Phật dạy : “ Chính Tanha ( ái ) hướng dẫn đến đời sống khác, đi tìm hỷ và tham, tìm kiếm hỷ lạc tại chỗ này, chỗ kia, đó là dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này các thầy khất sĩ đây gọi là nguồn gốc của khổ đau ” .

9. Thủ : ( Upàdàna )

Tức là mắc kẹt, vì tham ái, vương vấn nên mới mắc kẹt. Sự mắc kẹt có nhiều phương diện. Phật dạy : “ Có 4 loại thủ chấp : Dục thủ ( sự mắc kẹt vào tham muốn), Kiến thủ ( mắc kẹt vào nhận thức ), Giới cấm thủ ( mắc kẹt vào những giới điều ), Ngã luận thủ ( mắc kẹt vào ý niệm về ngã ). Bốn loại này đều gọi là chấp thủ ”.

10. Hữu : ( Bhara )

Có nghĩa là có– sự hiện hữu, sự có mặt. Vì mắc kẹt cho nên mới có hiện hữu. Vì mắc kẹt vào Dục, Giới cấm, Ngã và Kiến nên mới có sanh, tử luân hồi tam giới lục đạo. Hữu tức là sự hiện hữu của tam giới, ( Dục giới, sắc giới và vô sắc giới ). Thầy Buddhaghosa nói : “ Hữu có chín loại : Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu, Tưởng hữu, Phi tưởng hữu, Nhất uẩn hữu, Tứ uẩn hữu và Ngũ uẩn hữu ”.

11. Sinh : ( Jàti )

Tức là sự biểu hiện– Phật dạy : “Cái thuộc chúng sinh, thuộc nhóm chúng sinh này hay nhóm chúng sinh khác, là sinh, xuất sinh, giáng sinh, đản sinh, sự xuất hiện của các uẩn, sự hình thành của các xứ. Đây gọi là sinh”. Đối với con người thì sự biểu hiện của danh sắc hay ngũ uẩn gọi là Jàti.

12. Lão tử : ( Jàra – Marana )

Tức là già chết, sự hoại diệt. Phật dạy :“ Cái gì thuộc chúng sinh, thuộc nhóm chúng sinh này hay nhóm chúng sinh khác là già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, các căn suy hoại. Đây gọi là già. Cái thuộc chúng sinh bộ loại này hay bộ loại khác là chết, là sự tách rời là sự tiêu mất, là tử vong; các uẩn tan rã, vứt bỏ. Đây gọi là chết ”.

II. Ý NGHĨA 12  NHÂN DUYÊN :

Thập nhị nhân duyên là 12 nguyên lý giải thích sự hình thành của các loài sinh động vật trong vũ trụ. Đây là sự triển khai và cụ thể hóa “ Lý Duyên sanh ”, là một giáo lý đặc thù, là điểm xác định sự khác biệt giữa Phật giáo với các tôn giáo khác, là cốt lỏi của nhân sinh quan Phật giáo. Lý Duyên sanh được tóm tắt trong một nguyên tắc hết sức giản dị nhưng bao quát được nguyên lý hình thành nên vũ trụ vạn hữu :

–   Do cái này sanh, cái kia sanh.

–   Do cái này diệt, cái kia diệt . . .

Điều này cho chúng ta thấy được rằng giáo lý Thập nhị nhân duyên là một giáo lý căn bản trình bày tướng trạng của sanh tử luân hồi với sự liên hệ mật thiết cùng định luật Nhân quả, đồng thời nó cũng nói lên mối tương quan sinh thành của các sự vật trong vũ trụ. Đó cũng là quy luật của sự sống chết, sự sinh diệt, một quy luật chi phối đời sống của mọi sinh vật hiện hữu trong vũ trụ.

1. Nhân :

Tức là nguyên nhân, điều kiện căn bản, cũng có khi gọi là hạt giống, là yếu tố quyết định, là điều kiện sinh khởi có mặt của một hiện hữu. Trong truyền thống Phật giáo Bắc phương cũng như Namphương đếu có nói tới 6 nhân : Năng tác nhân, Câu hữu nhân, Đồng loại nhân, Tương ứng nhân, Biến hành nhân và Dị thục Nhân.

2. Duyên  :

Tức là điều kiện hổ trợ, những yếu tố tác động giúp nhân sinh khởi. Abhidharma có nói tới 4 duyên : Nhân duyên, Tăng thượng duyên, Đẳng Vô gián duyên và Sở duyên duyên.

Tóm lại nhân duyên trong 12 nhân duyên hàm ý nghĩa “ nhân duyên khởi ” : sự nương tựa vào nhau mà sinh khởi.

III. NGUYÊN LÝ VẬN HÀNH CỦA 12  NHÂN DUYÊN :

1. Đồ hình biểu thị sự vận hành của 12 nhân duyên :

 2. Ý niệm tam thế lưỡng trùng :

Từ đồ hình biểu thị trên cho ta thấy Mười hai nhân duyên đã được xây dựng và thành lập ra lý thuyết tam thế lưỡng trùng. Tam thế tức là quá khứ, hiện tại và vị lai. Lưỡng trùng là hai lớp nhân quả. Theo thuyết này thì Vô Minh, Hành được xếp vào quá khứ. Thức, danh sắc, Lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu thuộc về hiện tại. Sinh và lão tử được xếp vào tương lai. Trong 12 chi thì vô minh và hành thuộc về kiếp trước, còn sinh và lão tử thuộc về kiếp sau. Thức … Hữu thuộc về đời hiện tại. Sự phân chia này có thể gây nhầm lẫn nguy hiểm. Nguy hiểm vì người học có thể hiểu lầm rằng nếu sinh và lão tử thuộc về tương lai thì trong kiếp hiện tại không có sinh và lão tử. Cũng vậy, vô minh và hành được xếp trong quá khứ, nhưng chúng ta cũng biết trong hiện tại có vô minh và hành. Trong tất cả các chi phần của 12 nhân duyên, ta đều nhận ra sự có mặt của vô minh và hành.

Trên một ngàn năm qua,  thuyết tam thế lưỡng trùng được coi như mẫu mực . Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc được xem như là quả, mà nhân là Vô Minh và Hành . Trong kiếp trước đã có nhân Vô minh và Hành cho nên hiện tại phải có quả là có Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc . Đó là cặp nhân quả đầu. Rồi lại vì có Thọ, Ái, Thủ, Hữu mà chúng ta tạo nhân, cho nên trong tương lai chúng ta phải chịu quả Sinh và Lão tử. Hai lớp nhân quả phối hợp các duyên, nối kết quá khứ, hiện tại, vị lai cho nên gọi là tam thế lưỡng trùng.

3.  Hai pháp quán “ Lưu chuyển ” và “ Hoàn diệt ”:

Từ định lý Duyên khởi đã chứng đắc “ Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này không thì cái kia không và cái này diệt thì cái kia diệt ”. Đức Phật đã thuyết minh về 12 nhân duyên như sau :

– “ Do vô minh có hành sinh; do hành, có thức sinh; do thức, có danh sắc sinh; do danh sắc, có lục nhập sinh; do lục nhập, có xúc sinh; do xúc, có ái sinh; do ái, có thủ sinh; do thủ, có hữu sinh; do hữu, có sinh sinh; do sinh, có lão tử, sầu, bi khỗ, ưu não hay toàn bộ khổ uẩn sinh. Đây gọi là Duyên khởi ”.

– “ Do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn, hành diệt, do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt; . . . .; do sinh diệt nên lão tử, sầu, bi, khỗ, ưu, não diệt. Như vậy toàn bộ khỗ uẩn đọan diệt. Này các Tỷ kheo như vậy gọi là đọan diệt ”.

Mười hai nhân duyên được Đức Phật định nghĩa gồm hai chiều hướng : chiều hướng lưu chuyển ( sinh khởi : do vô minh, hành sinh  . . .) và chiếu hướng hoàn diệt ( còn gọi là đoạn diệt : do đoạn diệt tham ái, vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt  . . .).

Quán Lưu chuyển : Quán sát trạng thái sinh khởi trong 3 đời : Vô minh, Hành ở quá khứ; Sanh, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, quả trong hiện tại; Ba quả hiện tại lại làm nhân là Ái, Thủ, Hữu dẫn đến quả vị lai là Sanh, Lão, Tử.

Quán hoàn diệt : Khi 12 nhân duyên được tập khởi, nghĩa là năm uẩn tập khởi và đây là chiều hướng của khổ đau, luân hồi. Khi 12 mắc xích này bị phá vỡ thì cấu trúc của năm uẩn cũng tan rã và đây là con đường của an lạc, giải thoát.

C. SUY NGHIỆM :

Mười hai nhân duyên là giáo lý về con người và nói cho đối tượng nghe là con người. Vì con người bị vướng mắc nặng vào Vô Minh, Ái và Chấp thủ nên Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh đến các chi phần này khi hướng dẫn con người tu tập vì mục đích giải thoát, giác ngộ. Đây không phải là một giáo lý dùng để đối trị chấp ngã hay nhằm giải thích thế giới; mà đây là một sự thật và là một pháp tu tập vì giải thoát thiết thực cho con người. Cuộc sống là sự hiện hữu của các mối tương quan đa phương giữa con người với con người, giữa con người với môi trường xã hội, môi trường tự nhiên. Khi một cá nhân sống tốt là đang góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp và ngược lại. Mỗi người phải có trách nhiệm với cộng đồng, bởi xây dựng cộng đồng chính là đang bảo vệ cá nhân mình.

Mười hai nhân duyên là một giáo lý vô cùng tinh tế và khó hiểu, bởi con người vốn đã quen với nếp tư duy hữu ngã từ vô thỉ. Muốn có một nhận thức đúng về giáo lý này đòi hỏi phải có sự quán sát và tư duy thường xuyên về nó. Suy tư và thực tập giáo lý 12 nhân duyên theo pháp quán “ Hoàn diệt ”, chắc chắn sẽ từng bước mang đến cho chúng ta một cuộc sống độ lượng, vị tha, giải thoát và an lạc trong hiện tại. Bởi như lời Phật dạy : “ Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Ta ( Phật ) ”. Thấy Phật là thấy được thực tại tối hậu, vượt ra ngoài mọi ràng buộc của thế giới ngã tính, bị giới hạn bởi vô minh, tham ái và chấp thủ này.

D. TU TẬP :

Tóm lại thuyết mười hai nhân duyên mà Đức Thế Tôn dạy nó không phải là một lý thuyết mà là một pháp môn hướng dẫn tu tập; là con đường chuyển hóa khổ đau và đem lại hạnh phúc an lạc.

Vậy để tu tập 12 nhân duyên thì chúng ta phải không gây nhân hiện tại là Ái, Thủ, Hữu. Vì đó chính là Vô minh của quá khứ. Một khi Ái, Thủ, Hữu hiện tại không còn thì dĩ nhiên chúng ta không còn tái sanh trong đời sau nữa. Do đó mà Tam tạng giáo điển thường xuyên nhắc ta đoạn tận tham ái và chấp thủ chính là để đoạn diệt gốc khỗ đó.

Trong tinh thần một Đoàn sinh bậc Chánh thiện của Gia Đình Phật Tử các em cần phải quyết tâm :

– Luôn luôn ghi nhớ và thực hành châm ngôn Bi Trí Dũng và 5 điều luật của Gia Đình Phật Tử.

– Phát nguyện trai kỳ ( ăn chay hàng tháng tối thiểu là tứ trai ) nhằm giúp chúng ta trưởng dưỡng thân tâm.

– Thọ trì ngũ giới một cách triệt để giúp chúng ta đoạn trừ tham ái.

Trích từ: Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện GDPT
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Vòng 12 Nhân Duyên
Ni Sư Thích Nữ Giới Hương

Thập Nhị Nhân Duyên
Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám

Thập Nhị Nhân Duyên
Hòa Thượng Thích Đức Thắng