a. Ba thứ bố thí

Kinh nói lúc phàm phu chưa minh tâm kiến tánh, trí huệ đức năng vô tận trong tự tánh chưa hiện tiền, nhất định phải nhờ vào tu đức, nếu chẳng biết tu hành thì đời sống sẽ rất khổ.  Ðịnh luật nhân quả [nói rõ] thiện nhân được thiện quả, ác nhân đem đến ác báo, đây là nguyên lý của tam đồ lục đạo.  Sự khác nhau lớn nhất giữa người thế gian và chư Phật, Bồ Tát là giác và mê, trí và ngu.  Phật, Bồ Tát giác ngộ, có trí huệ; phàm phu mê hoặc, ngu si, chẳng có trí huệ, tư tưởng kiến giải chẳng lìa cảm tình, cảm tình chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên quả báo khác nhau rất lớn, tuyệt chẳng phải những gì phần đông phàm phu có thể nghĩ tới, thấy được.

Người trong thế gian coi trọng tài và lợi, đặc biệt là hiện nay, kinh tế đứng hàng đầu, ai cũng liều mạng tranh giành kiếm tiền, giàu sang có thể tranh đoạt mà được hay sao?  Trong số mạng chẳng giàu sang, nếu tranh giành được thì chư Phật, Bồ Tát cũng phải tôn bạn làm thầy.  Thật ra những gì có thể tranh giành được vẫn là trong số mạng vốn sẵn có, đúng như câu ‘một miếng ăn một miếng uống không gì chẳng được định sẵn’, nếu trong số mạng chẳng có thì làm cách nào tranh đoạt cũng không được.  Liễu Phàm Tứ Huấn nói về đạo lý này rất rõ ràng, cho nên người xưa nói ‘quân tử vui làm quân tử, tiểu nhân lại oán trách làm tiểu nhân’, một miếng ăn, một miếng uống gì cũng đều đã được định sẵn trong số mạng.  Số mạng là do tự mình tạo ra, tự làm tự chịu.

Người thế gian mong cầu ba thứ quả báo tốt đẹp là ‘giàu sang, thông minh, và khỏe mạnh sống lâu’.  Nhà Phật nói: ‘Trong nhà Phật có cầu ắt ứng’, đích thật là cầu gì thì được cái đó.  Chỉ cần biết lý luận và phương pháp của sự cầu mong này, cầu đúng lý đúng pháp thì chẳng có gì mà cầu không được.  Giàu sang là do bố thí tài vật mà được, bố thí tài vật là nhân.  Trong đời này có được tiền tài cự phú là do đời quá khứ tu đại bố thí, bố thí lớn lao thì đời này mới được quả báo to lớn.  Tu bố thí pháp thì được thông minh trí huệ; tu bố thí vô úy thì được khỏe mạnh, sống lâu.  Quả chắc chắn phải có nhân, nếu chẳng chịu tu nhân thì làm sao có quả báo cho được?  Cướp đoạt tranh giành làm tổn hại người để làm lợi cho mình, tạo tội nghiệp, đó chẳng phải phước mà là họa hại.  Cho dù có đoạt được vẫn là trong số mạng có sẵn, nhưng vì thủ đoạn, khởi tâm động niệm chẳng thiện, tạo ác nghiệp, đời này hưởng hết phước sẽ đọa vào tam ác đạo.  Tam ác đạo vào thì dễ nhưng thoát ra rất khó!

Năm hai mươi sáu tuổi tôi tiếp xúc với Phật pháp, nghe tiên sinh Phương Ðông Mỹ giảng giải kinh Phật, triết học, và nhận lời dạy của lão cư sĩ Châu Kính Trụ.  Cụ Châu tặng cho tôi một cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn, kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện nhân quả báo ứng, phần lớn đều là những chuyện cụ đích thân gặp được.  Ðọc xong Liễu Phàm Tứ Huấn, biết cá tánh lúc nhỏ của ông Liễu Phàm, những ác nghiệp ông tạo hầu như tôi đều đã phạm; lỗi của ổng tôi đều có, ưu điểm của ông tôi chẳng có.  Sau khi hiểu rõ tôi hết lòng nỗ lực tu học, sửa lỗi.  Thế nên trong đời này lúc về già tôi có được một chút phước báo, một chút trí huệ, tuổi thọ cũng kéo dài thêm.  Tôi chẳng minh tâm kiến tánh, tôi chỉ biết dùng tâm chân thành để tu ba thứ bố thí.  Hiện nay tâm người ta chẳng chánh thường, chúng ta dùng tâm chân thành đối xử với họ, họ còn hoài nghi ‘có lẽ ông giả bộ, chắc là giả, chẳng phải thiệt’, hoài nghi nặng nề.

Cho nên có được giàu sang là phước báo, nhưng là phước hay là họa cũng rất khó nói.  Cổ thánh tiền hiền Trung Quốc tạo ra văn tự đều là những ký hiệu tràn đầy trí huệ, [chúng ta] nhìn thấy, đọc đến phải giác ngộ.  Chữ Họa (禍) và Phước (福) vô cùng tương tợ, ý này là ‘Là Họa hay Phước chỉ ở trong một niệm mà thôi’.  Một niệm giác thì Họa biến thành Phước, một niệm mê thì Phước biến thành Họa.  Thí dụ bạn có tiền nhưng không biết làm việc tốt, chỉ nắm chặt số tiền này, đây là họa hại.  Số tiền này có thể làm lợi ích cho rất nhiều chúng sanh, cứu sống rất nhiều sinh mạng của chúng sanh, bạn giữ chặt chẳng chịu đem đi cứu người, để cho những người này chết vì nạn, chết vì đói, bạn đã tạo ra tội nghiệp rất lớn.  Tuy chẳng hại người, chỉ giữ tiền, vì điểm này thôi sẽ làm cho bạn đọa địa ngục A Tỳ.  Cho nên [Tiền] Tài từ xưa đến nay được xưng là ‘thông hóa’, thông hóa nghĩa là phải lưu thông, chẳng thể giữ chặt.  Giữ ở trước mặt tức là tội, có thể lưu thông đi là phước, họa và phước chỉ ở tại một niệm.

Nhưng người có tiền luôn nói: ‘Tôi chịu bố thí, nhưng bố thí chưa chắc có thể đến tay những người đang bị nạn’.  Ðây là tùy thuận theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, làm mất đi cơ hội tu phước.  Người có trí huệ chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, biết những gì nên làm thì làm, những gì chẳng nên làm thì chẳng làm.  Tham quan ô lại rút bớt tiền cứu trợ những vùng bị nạn từ xưa đã có, không có cách gì tránh khỏi, đây chỉ là thiểu số mà thôi.  Chúng ta không thể vì những người như vậy mà chẳng làm các công tác cứu trợ, chẩn tai, như vậy là sự sơ sót của chúng ta.  Phải dùng tâm chân thành mà làm, tâm chân thành có thể làm người ta cảm động.  Tự mình làm chẳng được hoàn hảo là do tâm chân thành chẳng đủ, đem những trách nhiệm này đẩy cho người khác, như vậy là không có trí huệ.  Cư sĩ Lý Mộc Nguyên và tôi đều là thí dụ, cả đời bố thí một cách vô tư, hết lòng nỗ lực làm ba chuyện bố thí tài vật, bố thí pháp, và bố thí vô úy.  Quả báo các bạn đều đã thấy rõ ràng: những gì cần thiết trong sinh hoạt vật chất đều chẳng thiếu thốn, thông minh trí huệ mỗi năm đều tăng trưởng, vừa khỏe mạnh lại sống lâu.  Ðây chẳng phải tánh đức mà là tu đức, do tu mà có.  Tịnh Tông Học Hội và Cư Sĩ Lâm đều tu ba thứ bố thí, cả hai đoàn thể đều có được ba thứ quả báo.  Việc này chứng minh cho lời Phật dạy là chính xác, hoàn toàn tương ứng.

b. Tin Phật

Lúc trước, thầy Lý rát lòng mỏi miệng căn dặn tôi, phó chúc tôi phải ‘tin Phật’, ý nghĩa này rất sâu.  Con người thường tin quan niệm sai lầm, cách suy nghĩ sai lầm của mình, chẳng chịu tin Phật.  Coi những lời Phật dạy như gió thoảng qua tai, nghe xong gật đầu, vừa quay đi liền quên ráo trọi, vẫn cứ tin vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, vẫn tạo tội nghiệp như cũ.  ‘Tin Phật’ là đừng tin vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của mình, nhất định phải tin Phật.  Trong kinh nói sau khi chứng được quả A La Hán mới có thể tin tư tưởng của mình được vì tư tưởng và kiến giải của mình lúc đó mới chính xác.  A La Hán được xưng là ‘Chánh Giác’, lúc chưa chứng được quả A La Hán thì tư tưởng, cái nhìn của mình đều chẳng tin được.  Nếu có thể suy tư lời Phật dạy, liễu giải sâu thêm, sau đó biến nó thành tư tưởng và hành vi của mình thì người này thực sự có phước.

c. Tự độ và độ tha (độ mình và độ người khác).

Kinh Ðại Thừa nói con người nhất định phải tự độ rồi sau đó mới có thể độ người khác.  Lời Phật nói hàm ý rất sâu, nhưng có nhiều người ‘đoạn chương thủ nghĩa’ [74], hiểu sai lời Phật dạy nên gấp gấp tự độ mình trước, sau đó mới độ tha, họ phân chia tự độ và độ tha thành hai việc, như vậy là sai lầm.  Lúc chưa giác ngộ, trước khi minh tâm kiến tánh, độ tha là tự độ, học tập ở nơi độ tha.  Tôi dạy các bạn đồng học trước khi chúng ta tự độ, mỗi ngày giảng kinh thuyết pháp, nhìn thính chúng ngồi ở phía dưới đều là thầy giáo, thiện tri thức, đều là người giám học của mình.  Ở trên giảng đài mình báo cáo những gì mình học được cho họ nghe, mời họ phê bình chỉ giáo cho mình, là dùng tâm trạng và thái độ này, như vậy gọi là tự độ.  Ðến khi mình đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh rồi thì nhìn thính chúng ngồi phía dưới thành học trò, lúc đó tức là độ tha.  Tự độ và độ tha đều ở tại một giảng đường, khi rời khỏi giảng đường, rời khỏi thính chúng để tìm tự độ chẳng thể được.  Phật giảng kinh thuyết pháp mới gọi là độ tha, Thập Ðịa Bồ Tát, Ðẳng Giác Bồ Tát giảng kinh thuyết pháp đều là tự độ.

Chẳng thể độ tha thì sẽ chẳng thể tự độ, ta và người chẳng hai.  Bởi vậy bạn tu mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát ngay trên giảng đài.  Lễ kính chư Phật, thính chúng ngồi phía dưới là chư Phật.  Xưng tán Như Lai, giảng giải kinh luận của Thế Tôn tức là xưng tán tánh đức của đại chúng trong hội.  Quảng tu cúng dường, hết lòng nỗ lực chuẩn bị để giảng giải buổi học kinh giáo này được hoàn hảo, là pháp cúng dường cho đại chúng trong giảng đường.  Sám trừ nghiệp chướng, đại chúng sửa sai thì chúng ta hết lòng nỗ lực cải tiến tức là sám trừ nghiệp chướng.  Thỉnh chuyển pháp luân, Thỉnh Phật trụ thế, mời người khác rất khó, khi người ta chẳng chịu thì phải thỉnh chính mình; mời chính mình lên giảng đài chuyển pháp luân, mời chính mình trụ thế.  Hết thảy đều phải ỷ lại vào người khác thì Phật pháp sẽ diệt vong.  Tự mình giác ngộ, tự mình phải gánh vác sứ mạng tiếp nối huệ mạng chư Phật, hoằng pháp lợi sanh, phải hết lòng nỗ lực làm cho hoàn hảo.  Tu mười đại nguyện vương ngay trên giảng đài.  Thế nên tự độ tức là hóa tha, hóa tha bao gồm ở trong tự độ, tự độ và độ người là một, chẳng phải là hai.  Trên giảng đài như vậy, dưới giảng đài cũng phải như vậy; xử sự, đãi người, tiếp vật không có gì chẳng vậy.  Trước lúc giác ngộ, những việc này đều là tu đức, phước huệ song tu, định huệ cùng học.

Hy vọng các bạn đồng học hiểu rõ, phải hết lòng nỗ lực, ba thứ phước báo [nói trên] đều có thể đạt được, chẳng cần phải tính toán, tự nhiên sẽ thành tựu.  Hết thảy đều cầu nơi mình, đừng cầu kẻ khác.  Dùng chánh tâm, chánh hạnh, làm việc thiện cần đến tiền tài thì sẽ có Phật, Bồ Tát đem đến cho bạn.  Cư sĩ Lý Mộc Nguyên thường nói chúng ta làm những việc này cần đến tài lực hoàn toàn nhờ A Di Ðà Phật, nương dựa vào A Di Ðà Phật; chẳng cần quyên góp, chẳng cần xin người khác.  Chúng sanh chẳng có phước thì tiền sẽ chẳng tới; nếu chúng sanh thực sự có phước báo thì Phật, Bồ Tát sẽ khiến người mang tiền đến.  Cầu người tức là lọt vào trong ý thức, sẽ sanh phiền não.  Ðời Ðường, Bàng cư sĩ dạy chúng ta: ‘Chuyện tốt chẳng bằng không có chuyện’.  Hôm nay chúng ta thấy chúng sanh khổ nạn nhiều như vậy, hãy phát tâm từ bi giúp đỡ họ.  Phật, Bồ Tát cũng sẽ cứu khổ, cứu nạn, chỉ cần bạn chịu phát tâm, làm người đại diện cho Phật, Bồ Tát, thì Phật, Bồ Tát sẽ là ông chủ đứng sau lưng bạn, sẽ không ngừng ủng hộ cho bạn.  Nếu tâm bạn chẳng thiện, hạnh chẳng thiện, là một người đại diện giả dối thì sẽ chẳng có Phật, Bồ Tát nào ủng hộ, nhưng yêu ma quỷ quái sẽ ủng hộ cho bạn, bạn cũng sẽ có tài lực rất dồi dào, sẽ tạo ra tội cực ác, tương lai sẽ đọa vào địa ngục khổ cùng cực.  Yêu ma quỷ quái cũng biết đùa giỡn con người, không thể không biết điều này.  Ðặc biệt là trong đời Mạt Pháp, kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Tà sư thuyết pháp như cát sông Hằng’, phải biết phân biệt tà chánh.  Phải biết chân chánh tu phước, có tu phước mới có thể hưởng phước, mới được phước; nếu không tu phước mà mỗi ngày cứ khởi vọng tưởng, phước báo chân chánh sẽ chẳng bao giờ có được.
 
Trích từ: Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Tải Về
2 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
3 Phật Học Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Đức Trí Tải Về
4 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
5 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
6 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
7 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
8 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
10 Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
11 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
12 Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về