XVIII.3.1. Lời dẫn

Từng nghe, nhẫn là đức tính vô cùng cao quý, trì giới và khổ hạnh không thể sánh bằng. Cho nên, tì-kheo Sằn-đề[73] dù bị hình phạt tàn khốc vẫn không hối hận. Tiên nhân nhẫn nhục[74] dù bị chặt đứt tay chân vẫn không giận dữ.

Vả lại, đạo từ bi lấy việc cứu độ làm trên hết; bản hoài của bồ-tát là lấy sự thương xót làm sự nghiệp. Thế nên, các ngài thường hiện thân khắp địa ngục để chịu khổ thay cho chúng sinh, độ tất cả hữu tình, ban cho họ sự an lạc. Lẽ nào chúng sinh vì một xúc chạm nhỏ mà sân hận, thậm chí, vừa trừng mắt nhìn nhau, giận hờn to tiếng thì liền đánh nhau, để rồi kết thành thù hận. Có khi cha con, anh em làm tổn hại nhau, bạn bè, thân thuộc lại gây thương tích, bạo ngược còn hơn chim cú, diều hâu, hiểm độc hơn cả loài ong, bò cạp. Cho nên, kiếp kiếp oán thù, đời đời không dứt.

XVIII.3.2. Khuyên nhẫn nhục

[96b] Luận Thành thật [75] ghi: “Kẻ tiểu nhân không thể chịu nổi sự mắng chửi, sỉ nhục, như chim gặp mưa đá. Bậc đại nhân có thể nhẫn chịu sự chửi bới, mạ nhục, như voi gặp mưa hoa. Thế nên, hành giả phải thường quán sát nguồn gốc nhân duyên của người đối diện, hoặc quá khứ là cha mẹ của ta, vì nuôi dưỡng ta nên không kể là tội hay phúc, mà ta chưa từng báo ân, lẽ nào lại giận họ ư? Hoặc họ là anh em, vợ con, quyến thuộc, hoặc là thánh nhân, hoặc là bạn tốt, nhưng vì tâm phàm phu nên ta không nhận ra, vì sao lại hủy báng họ?”.

Nhiếp luận ghi: “Nhờ quán sát năm trường hợp mà diệt trừ được sân hận.

1. Quán tất cả chúng sinh đều là ân nhân của ta
2. Quán tất cả chúng sinh bị hoại diệt trong từng sát-na, người nào gây tổn hại, người nào bị tổn hại?
3. Quán chỉ có pháp, không có chúng sinh, thì ai gây tổn hại, ai bị tổn hại?
4. Quán tất cả chúng sinh đều phải chịu khổ, sao lại muốn làm họ khổ thêm?
5. Quán tất cả chúng sinh đều là con của ta, sao lại sinh lòng tổn hại?”.

Kinh Báo ân chép: “Giả sử bị đội vòng sắt nóng trên đầu, không bao giờ vì nỗi khổ này mà sinh lòng ác”.

Luận Thành thật ghi: “Người thực hành tâm từ, dù ngủ hay thức đều được an ổn, không thấy ác mộng, được chư thiên ủng hộ, mọi người yêu mến, không bị hãm hại, không bị binh đao, không bị chết vì nước trôi, lửa cháy”.

Trong luật Tứ phần có bài kệ:

Nhẫn nhục hạnh đứng đầu,
Phật nói vô vi cao,
Xuất gia quấy rối người,
Không gọi là sa-môn.

Kinh Di giáo[76] ghi: “Người thực hành nhẫn nhục được gọi là người có sức mạnh”. Kinh này cũng chép: “Thấy lỗi của người, miệng không được nói. Chính mình phạm lỗi, cần phải tỏ bày”.

Sách Nho ghi: “Nghe lỗi của người như nghe tên cha mẹ. Tai có thể nghe, nhưng miệng không được nói”.

Kinh chép: “Khen ngợi điều hay của người, chớ khoe việc tốt của mình”.

[96c] Sách Nho ghi: “Bậc quân tử khen điều tốt của người, không phá điều tốt của người”.

Kinh chép: “Bố thí không mong cầu báo đáp. Nếu được người báo đáp dù ít hay nhiều đều nên chú nguyện, thụ nhận với lòng biết hổ thẹn”.

Sách Nho ghi: “Công tử ban ơn cho người, xin công tử hãy quên việc ấy! Người ban ơn cho công tử, xin công tử chớ quên!”.

Lại ghi: “Bố thí cho người, chớ nên ghi nhớ! Nhận sự bố thí, nhớ mãi không quên”.

Kinh ghi: “Như khoan thứ cho mình, đối với người chớ giết, chớ đánh!”.

Sách Nho chép: “Điều mình không muốn, chớ đem đến cho người”.

Nên biết Phật giáo và các tôn giáo khác căn bản đều giống nhau. Tuy hình tướng khác nhau, nhưng lập hạnh không sai khác. Nếu trái với ý chỉ này thì đồng với hạng người ngu muội, chứ đâu căn cứ vào nội ngoại giáo. Kinh chép: “Phật thuyết pháp cho chúng sinh là vì khiến họ đoạn trừ vô minh[77] mê hoặc, cũng như thầy thuốc giỏi tùy bệnh cho thuốc. Đó gọi là nội giáo”.

Sách Nho chép: “Lẽ trời xa xôi, chỉ lòng nhân là gần gũi”. Đây gọi là ngoại giáo.

Lại nữa, nếu người xuất gia khéo quán sát khổ, không, vô thường, vô ngã[78], xa lìa sinh tử, chí cầu thoát tục. Đó gọi là nương vào nội giáo. Nếu trái hạnh này thì đồng với ngoại đạo. Nếu người tại gia biết nhàm chán thế gian, mến chuộng ý chí cao vời, một lòng tôn kính tam bảo, giữ gìn bốn đức, thực hành hiếu để, nhân, nghĩa, lễ, trí, trinh, hòa, ái, kính, thì cũng đồng với nội giáo; nếu trái với điều này, ắt đồng với ngoại đạo.

Nếu người đời biết nương vào nội giáo, thì sẽ thấu rõ chân lý, tâm thể hội được lý đạo, dần dần bước lên con đường giải thoát, thẳng đến quả Bồ-đề.

Nếu người đã biết như thế, lại muốn thực hành hạnh nhẫn nhục này, chỉ cần tự hạ thấp mình, khen ngợi đức hạnh của người, cũng như chiếc khăn lau bụi, gom bụi bẩn về mình, đưa sạch sẽ cho người. Cho nên, kinh chép: “Lùi một bước mà được, đó là Phật đạo”.

Vì thế, sách Nho ghi: “Bậc quân tử kính nhường mà được, đó là nghĩa”. Cho nên, thường phải đề cao người khác, luôn biết khiển trách chính mình.

XVIII.3.3. Lợi ích của nhẫn nhục

Kinh Đại bảo tích[79] ghi: “Nhẫn nhục[80] có mười lợi ích:

1. Không chấp vào ta và vật của ta.
2. Không phân biệt giai cấp.
3. Phá trừ tâm kiêu mạn.
4. Bị kẻ xấu hại, nhưng không trả thù.
5. Quán tưởng vô thường.
6. Tu tập từ bi.
7. Tâm không phóng dật.
8. Không màng đến những việc đói khát, khổ vui.v.v…
9. Đoạn trừ sân hận.
10. Tu tập trí tuệ.

Nếu người nào thành tựu được mười điều này, thì có thể tu hạnh nhẫn nhục”.

[97a] Kinh Nguyệt đăng tam-muội [81]ghi: “Phật dạy:

– Nếu vị bồ-tát nào an trụ trong hạnh nhẫn nhục nhân từ, sẽ được mười điều lợi ích:

1. Lửa không thể thiêu cháy
2. Đao không thể đâm chém
3. Chất độc không thể hại
4. Nước không thể cuốn trôi
5. Được phi nhân ủng hộ
5. Được thân tướng trang nghiêm
7. Bít lấp các đường ác
8. Sinh lên cõi Phạm thiên tùy theo sở thích
9. Đêm ngày thường an ổn
10. Thân được an vui”.

Kinh Tư-ha tam-muội ghi: “Đức Phật dạy:

– Nhẫn có sáu lợi ích để thành tựu được Nhất thiết trí[82]. Đó là:

1. Thân thể có sức mạnh phi thường
2. Lời nói có sức thuyết phục
3. Ý chí hướng đến quả vị Phật
4. Năng lực thần túc tự tại vô ngại
5. Năng lực thành tựu quả Phật
6. Trí tuệ có công năng phá trừ phiền não”.

Lục độ tập kinh[83] ghi: “Có bốn trường hợp cần phải nhẫn nhục để được đầy đủ trí tuệ. Đó là:

1. Khi cầu pháp, nhẫn chịu lời mắng chửi của người.
2. Khi cầu pháp, nhẫn chịu sự đói, khát, lạnh, nóng, gió, mưa.
3. Khi cầu pháp, vâng làm theo lời dạy của hòa thượng[84], a-xà-lê[85].
4. Khi cầu pháp, lãnh hội ba môn giải thoát: không, vô tướng, vô nguyện”.

Trong kinh Tì-kheo tỵ nữ nhân ác danh, có bài kệ:

Tuy nghe nhiều tiếng xấu,
Người khổ hạnh nhẫn chịu,
Không nên tự than khổ,
Cũng không được buồn phiền.
Loài nghe tiếng sợ hãi,
Ấy là thú trong rừng,
Làm chúng sinh loạn động,
Không phải pháp xuất gia.
Nhân giả nên nhẫn chịu,
Tất cả mọi tiếng xấu,
Người giữ tâm vững chãi,
Đó là pháp xuất gia.
Không phải do người nói,
Làm ông thành giặc cướp,
Cũng không vì lời họ,
Ông thành A-la-hán.
Nếu ông tự biết rồi,
Chư thiên cũng sẽ biết.

Luật Ngũ phần [86] ghi: “Đức Phật bảo các tì-kheo:

– Vào thời quá khứ, bên cạnh hồ nước trong a-luyện-nhã[87], có hai chim nhạn cùng kết bạn với một con rùa. Một thời gian sau, nước trong hồ khô cạn, hai chim nhạn bàn với nhau: ‘Nay nước trong hồ này đã khô cạn, chắc bạn rùa khổ sở lắm đây!’. Bàn luận xong, chúng nói với rùa:

– Nước trong hồ đã khô cạn, bạn không thể sống được! Bây giờ, bạn ngậm một cành cây, còn chúng tôi mỗi người ngậm một đầu. Chúng tôi sẽ đưa bạn đến chỗ có nhiều nước, nhưng khi ngậm cây, bạn không được nói!

Thế rồi, chúng ngậm cành cây như đã định. Khi đi qua một làng nọ, bọn trẻ thấy thế, la lên:

– Ôi! Nhạn gắp rùa bay kìa! Nhạn gắp rùa bay kìa!

Nghe vậy, rùa nổi giận nói:

– Can gì đến bọn bay!

[97b] Vừa mở miệng, rùa liền tuột khỏi cành cây, rơi xuống đất mà chết. Nhân việc này, Đức Phật nói kệ:

Người sống ở đời,
Búa ở trong miệng,
Sở dĩ chém mình,
Là do lời ác.
Đáng chê lại khen,
Đáng khen lại chê,
Tự chuốc tai họa,
Trọn không an vui.

Đức Phật bảo:

– Con rùa đó chính là Điều-đạt, xưa kia vì tức giận mà mở miệng nói đến nỗi phải chịu cái khổ mất mạng; ngày nay, lại sân giận mắng nhiếc Như lai, nên bị rơi vào địa ngục lớn.

Kinh Pháp cú thí dụ ghi: “Ngày xưa, khi La-vân[88] chưa đắc đạo, tính nghịch ngợm, lời nói ít chân thật. Thấy vậy, Phật bảo La-vân:

– Con hãy đến tinh xá Hiền Đề mà ở, cố gắng giữ gìn lời nói và nhiếp phục tâm ý, siêng năng tụng kinh, trì giới.

La-vân vâng lời, đỉnh lễ Phật rồi ra đi.

Đến đó ở được chín mươi ngày, La-vân thấy hổ thẹn, tự thân sám hối, ngày đêm chẳng nghỉ. Một hôm, Đức Phật đến tinh xá, La-vân nhìn thấy, vui mừng chạy đến đỉnh lễ. Phật dạy La-vân:

– Con hãy mang chậu nước đến rửa chân cho Như Lai!

Vâng lời Phật, La-vân mang nước đến rửa chân cho Ngài. Sau đó, Phật hỏi La-vân:

– Nước này dùng để nấu ăn và uống có được không?

La-vân bạch Phật:

– Nước này không dùng lại được! Bởi vì, nước này vốn sạch, nhưng nay đã đem rửa chân, trở thành dơ bẩn, nên không thể dùng.

Phật bảo La-vân:

– Con cũng như thế, tuy là con của Như Lai, cháu của quốc vương, lìa bỏ vinh hoa ở đời, xuất gia làm sa-môn, nếu con không siêng năng kiểm soát việc làm, giữ gìn lời nói, lòng dạ chứa đầy cấu uế của ba độc, thì cũng như chậu nước bẩn này, không thể dùng lại được. Mặc dù nước trong chậu đã đổ đi, nhưng cái chậu vẫn không thể đựng thức ăn, vì nó đã từng đựng đồ dơ bẩn rồi. Con nay cũng như vậy, miệng không nói thành thật, tính tình ngang bướng, không chịu tinh tiến, từng mang tiếng xấu, khác nào chậu đựng nước rửa chân không thể đựng thức ăn!

Bấy giờ, Phật dùng ngón chân hất đổ chậu nước, rồi hỏi:

– Con có tiếc cái chậu này không?

La-vân bạch Phật:

– Con cũng thấy tiếc, nhưng không buồn gì cả!

Phật bảo La-vân:

– Cũng như vậy, con tuy làm sa-môn, nhưng không biết nhiếp phục thân miệng, làm mích lòng nhiều người, sau khi mạng chung thần thức luân chuyển trong ba đường ác, bậc hiền thánh chẳng thương tiếc, cũng như lời con nói.

La-vân nghe lời này, lòng hổ thẹn tự nhủ sẽ cố gắng, khắc cốt chẳng quên, tinh tiến nhu hòa, luôn nhẫn nhục như đất, ngay đó đắc quả A-la-hán”.

Kinh La-vân nhẫn nhục ghi: “Lúc bấy giờ, La-vân đi đến nhà một bà-la-môn không có tín tâm để khất thực. Vị bà-la-môn này keo kiệt không cho còn đánh La-vân đến vỡ đầu chảy máu, rồi hốt cát bỏ vào bình bát của La-vân. [97c] La-vân nhẫn chịu không chống trả, lặng lẽ mang bát đến bên sông gội đầu, rửa bát và thầm nhủ. ‘Ta đi khất thực một mình không ngờ họ vô cớ ngang ngược đánh ta, ta chỉ đau trong chốc lát, nhưng e rằng ông ấy phải chịu khổ lâu dài. Cũng như kiếm bén chém thây thối rửa, thây không biết đau, chẳng phải kiếm không bén. Lại như vị cam lộ của cõi trời đem cho loài heo ngu si kia ăn, heo không ăn mà bỏ chạy, đó chẳng phải do vị cam lộ không ngon. Ta đem lời chân thật của Phật để dạy cho người ngu si, hung ác ở thế gian, người ngu không biết suy xét, há chẳng giống như vậy sao!’.

La-vân trở về bạch Phật, Phật dạy:

– Người ấy đã tự hại mình! Sau khi mạng chung, họ sẽ đọa vào địa ngục Vô Trạch, bị quỷ ngục hành hình đau đớn, muôn khổ ập đến. Trải qua tám mươi bốn nghìn năm, thọ mạng người kia mới hết, lại thụ thân trăn, nọc độc trở lại hại mình. Sau đó lại thụ thân rắn hổ mang, thường ăn đất cát, trải qua mười nghìn năm mới hết. Người này vì lòng sân giận, đối với bậc trì giới nên phải mang thân rắn độc, vì lấy đất cát bỏ vào bình bát nên đời đời ăn đất cát mà chết. Tội hết, được sinh làm người. Khi mang thai, người mẹ mắc phải bệnh nặng, của cải trong nhà ngày một sút giảm. Đứa bé sinh ra ngu đần, không có tay chân. Cha mẹ hoảng sợ, đều nói: ‘Yêu tinh gì đến đây, là việc chẳng lành’, liền đem đứa bé ấy bỏ ở ngã tư đường. Người qua kẻ lại đều kinh ngạc, tranh nhau lấy ngói, đá, dao, gậy, đánh chọi vào đầu làm dập não, đau đớn cùng cực suốt mười ngày mới chết. Sau khi chết, thần thức tái sinh làm người ngu đần như trước, trải qua năm trăm đời, tội nặng kia mới hết. Sau đó lại sinh làm người nhưng thường bị đau đầu, sinh vào nơi không gặp Phật pháp, nên mãi luân chuyển trong ba đường ác”.

Luận Tân bà-sa ghi: “Ta từng nghe trong hiền kiếp vào thuở quá khứ, có vị vua tên là Yết-lợi. Bấy giờ, có vị tiên nhân tên là Nhẫn Nhục, sống trong rừng, chuyên tu khổ hạnh.

Một hôm, vua cùng với quyến thuộc trong cung vào rừng dạo chơi nhưng không cho người nam theo. Đi một hồi lâu, nhà vua mệt mỏi, ngủ thiếp đi. Khi ấy, vì thích hoa quả, các thể nữ trong cung dạo khắp khu rừng. Từ xa, trông thấy vị tiên nhân ngồi ngay thẳng, một mình lặng lẽ tư duy, các thể nữ cùng đi đến chỗ vị tiên. Sau khi đến, họ đỉnh lễ, rồi ngồi xung quanh. Vị tiên liền giảng giải về tội lỗi của tham dục cho họ nghe. Các thể nữ nghe rồi, sinh lòng nhàm chán. Bấy giờ, vua tỉnh giấc không thấy các thể nữ, liền suy nghĩ: ‘Chẳng lẽ có ai dụ dỗ các thể nữ của ta đi mất rồi ư!’. Nghĩ rồi, vua bèn rút kiếm đi tìm khắp nơi, chợt thấy các thể nữ đang ngồi vây quanh vị tiên. Lòng rất tức giận, vua nghĩ ‘Con quỷ nào đây đã dụ dỗ các thể nữ của ta’, rồi đến hỏi vị tiên:

– Ông là ai?

Vị tiên đáp:

– Tôi là tiên nhân.

Vua lại hỏi:

– Ông ngồi ở đây làm gì?

Tiên nhân đáp:

– Tu đạo nhẫn nhục.

Vua suy nghĩ: ‘Người này vì thấy ta nổi giận nên nói tu đạo nhẫn nhục. Bây giờ, ta hãy thử, xem ông ấy như thế nào!’.

[98a] Vua lại hỏi:

– Ông đã đắc định Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa?

Vị tiên đáp:

– Chưa!

Cứ thế, nhà vua lần lượt gạn hỏi cho đến:

– Ông đã đắc thiền thứ nhất chưa?

Tiên nhân đáp:

– Chưa!

Vua càng thêm tức giận, nói:

– Ông là người chưa ly dục, sao lại tùy tiện ngắm nhìn các thể nữ của ta?

Vị tiên đáp:

– Tôi là người tu đạo nhẫn nhục.

Vua nói:

– Ông thử duỗi một cánh tay ra, xem có thể nhẫn được không?

Bấy giờ, vị tiên duỗi ra một cánh tay, vua dùng kiếm bén chặt cánh tay rơi xuống đất tợ như cắt ngó sen. Vua lại hỏi vặn:

– Ông là ai?

Vị tiên đáp:

– Tôi là người tu đạo nhẫn nhục!

Vua lại bảo duỗi cánh tay còn lại, rồi chém đứt nó. Vua gạn hỏi như trước, vị tiên cũng đáp như trước. Như thế, vua lần lượt chém đứt hai chân, rồi cắt hai tai, xẻo lỗ mũi, mỗi lần hỏi đáp cũng giống như trước, khiến cho bảy bộ phận trên cơ thể của vị tiên đều rơi xuống đất, để lại bảy vết thương, vua mới hả giận. Tiên nhân bèn nói:

– Đức vua hôm nay vì sao lại tự mệt mỏi chán chường? Giả sử ngài có vằm nát thân thể của tôi ra nhỏ như hạt cải, cho đến vi trần, tôi cũng không khởi một niệm tức giận, cũng không hề động tâm.

Vị tiên lại phát nguyện:

– Hôm nay, ta thật không có tội mà ông lại chặt đứt bảy bộ phận trên thân ta để lại bảy vết thương. Đời sau, khi ta đắc quả A-nậu-bồ-đề[89], với tâm đại bi, không đợi ông thỉnh, trước nhất ta sẽ khiến ông tu thất chủng đạo[90] để đoạn trừ thất tùy miên[91]”.

Nên biết, vị tiên tu hạnh nhẫn nhục lúc bấy giờ nay chính là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, vua Yết-lợi tức là Cụ Thọ[92] Kiều-trần-na[93]. Sau khi Kiều-trần-na thấy thánh đế[94], Đức Phật dùng thần lực phá trừ ám chướng cho ông ta, khiến cho ông ta nhớ lại sự việc trong đời quá khứ. Kiều-trần-na nghe xong, vô cùng hổ thẹn, chắp tay cung kính đỉnh lễ Đức Phật.
_____________________
[73] Tì-kheo Sằn-đề (Sằn-đề tì-kheo; Cg: Sằn-đề tỉ-khâu 羼提比丘): tên gọi Đức Thế Tôn ở kiếp quá khứ, lúc Ngài đang tu hạnh Bồ-tát và thành tựu được hạnh nhẫn nhục.
 
[74] Tiên nhân nhẫn nhục (nhẫn nhục tiên 忍辱仙; S: Kṣānti-vādi-ṛṣi): vị tiên tu hạnh nhẫn nhục ở nước Ba-la-nại, Ấn Độ vào thời quá khứ, là tiền thân của Đức Phật Thích-ca, khi Ngài còn ở giai vị tu nhân.
 
[75] Luận Thành thật (Thành thật luận 成實論; S: Satyasiddhi-śāstra): luận, mười sáu quyển, hoặc hai mươi quyển, do ngài Ha-lê-bạt-ma soạn, ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào khoảng năm 411-412 đời Dao Tần, được xếp vào Đại chính tạng tập 32. Đây là kinh điển căn bản của tông Thành Thật.
 
[76] Kinh Di giáo (Di giáo Kinh 遺教經): kinh, một quyển, do ngài Cưu-ma-la-thập dịch vào thời Hậu Tấn, được xếp vào Đại chính tạng tập 12. Nội dung tả lại sự việc trước khi nhập diệt của Đức Thích Tôn tại Ta-la song thọ, nơi rừng Câu-thi-la, ngài dạy các đệ tử phải lấy giới bản làm thầy để chế ngự năm căn, lìa giận dữ, kiêu mạn, buông lung, để đạo nghiệp được tinh tiến.
 
[77] Vô minh 無明 (S: avidyā): tên khác của phiền não. Thấy biết không đúng sự thật, trạng thái tinh thần mê muội đối với sự vật, không thông đạt chân lý và không thể lý giải rõ ràng sự tướng và đạo lý.
 
[78] Khổ, không, vô thường, vô ngã 苦空無常無我: bốn hành tướng của quả báo hữu lậu, tức bốn hành tướng của Khổ đế trong mười sáu hành tướng của tứ đế, là bốn thứ do quán cảnh Khổ đế mà phát khởi.
 
[79] Kinh Đại bảo tích (Đại bảo tích kinh 大寶積經; S: Mahā-ratnakūṭa-sūtra): kinh, một trăm hai mươi quyển, do ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch vào đời Đường, Trung quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 11. Nội dung bàn về các pháp môn chủ yếu của Đại thừa Phật giáo.
 
[80] Nhẫn nhục 忍辱: nhịn nhục hay là chịu nhục, nghĩa là chịu lấy sự đau khổ, khuất nhục, không có lòng nghĩ trả hận.
 
[81] Kinh Nguyệt đăng tam-muội (Nguyệt đăng tam-muội kinh 月燈三昧經; S: Samādhi-rāja): kinh, mười quyển, Đức Phật dạy đồng tử Nguyệt Quang về việc nhờ tu tâm bình đẳng, tâm cứu hộ, tâm vô ngại, tâm vô độc và vô lượng tam muội ở nhân địa hoặc nhờ biết đúng như thật thể tính của tất cả các pháp, chứng được Bồ- đề, thành tựu các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục thì đạt được tam muội “Thể tính các pháp bình đẳng không hý luận”.
 
[82] Nhất thiết trí 一切智 (S: sarvajña): trí biết rõ tất cả pháp tướng trong ngoài.
 
[83] Lục độ tập kinh 六度集經: kinh, tám quyển, do ngài Khương Tăng Hội dịch vào đời Ngô, Tam Quốc, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 3. Nội dung kinh này gồm chín mươi mốt câu chuyện bản sinh của Đức Phật.
 
[84] Hòa thượng 和尚 (S: upādhyāya): bậc thầy có trí tuệ và đức độ cao vời. Hòa thượng là vị thầy gương mẫu cho người thụ giới nên các tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Tịnh Độ thường gọi là “Giới Hòa Thượng”.
 
[85] A-xà-lê 阿闍棃 (Hd: Qũi Phạm sư; S: ācārya): người dạy dỗ đệ tử, khiến cho mọi việc làm của đệ tử đều trang nghiêm, đúng pháp, chính bản thân cũng xứng đáng làm bậc thầy gương mẫu cho đệ tử noi theo nên còn gọi là đạo sư.
 
[86] Luật ngũ phần (Ngũ phần luật 五分律): luật, ba mươi quyển, do Hóa Địa Bộ (Di-sa-tắc) lưu truyền và được ngài Pháp Hiền thỉnh bản Phạn về từ nước Sư tử (Tích Lan). Vì bộ luật này có năm phần nên gọi là Ngũ phần luật. Trong đó quy định giới tì-kheo hai trăm năm mươi mốt điều, tì-kheo ni ba trăm bảy mươi điều.
 
[87] A-luyện-nhã 阿練若 (S: araṇya): nơi tịch mịch thích hợp với người tu hành, tức nơi vắng vẻ cách làng xóm khoảng 2,5 km.
 
[88] La-vân 羅雲 (Cg: La-hầu-la; S:Rāhula): một trong mười vị đệ tử lớn của Đức Phật.
 
[89] A-nậu-bồ-đề 阿耨菩提 (S: Anuttara-samyak-sambodhi): sự giác ngộ cao nhất trùm khắp tất cả. Trong đó, A-nậu-đa-la là Vô thượng. Tam-miệu tam-bồ-đề: dịch ý là chính biến tri, tức trí tuệ giác ngộ của Phật hàm ý bình đẳng viên mãn.
 
[90] Thất chủng đạo 七種道 (Cg: thất giác chi): bảy pháp có công năng giúp cho trí tuệ bồ-đề phát triển.
 
[91] Thất tùy miên 七隨眠: bảy tùy miên. Trong sáu tùy miên tham, sân, si, mạn, nghi, kiến, tham tùy miên được chia làm hai thứ là dục tham và hữu tham, cộng chung là bảy tùy miên.
 
Trích từ: Thiện Ác Nghiệp Báo
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Thiện Ác Nghiệp Báo, Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn Tải Về
2 Kinh Chiêm Sát Nghiệp Báo Thiện Ác, Thích Thiện Thông Tải Về

Niệm Phật Phải An Nhẫn Các Chướng Duyên
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm