Phật Học Vấn Đáp


Ngài tu học Phật pháp hơn 50 năm, tâm địa chân thành, thanh tịnh, có phải là đã có thần thông rồi không?
Xin hỏi Pháp sư, Ngài tu học Phật pháp hơn 50 năm, tâm địa chân thành, thanh tịnh, có phải là đã có thần thông rồi không? Nếu Ngài có thể thị hiện thì có thể khiến cho hàng hậu học chúng con đối với đạo lý học tập tâm địa chân thành, niệm Phật thành Phật càng tăng thêm tín tâm mà nỗ lực noi theo.

8/13/2022 5:24:17 PM

Không cần phải có thần thông, hơn nữa bổn ý của thần thông, “thông” là thông đạt, là hiểu rõ, “thần” là thần kỳ, điều mà người thông thường rất khó hiểu rõ ràng mà bạn có thể thông đạt hiểu rõ, đây gọi là thần thông. Cho nên, thần thông không phải là điều gì kỳ lạ, giống như 72 phép biến hóa của Tôn Ngộ Không, không phải là ý nghĩa này. Thần thông như vậy, ở trong cửa Phật, thông thường cho dù là có, cũng không cho phép tùy tiện thị hiện. Có được đại sự nhân duyên thì có thể ngoại lệ, không phải là đại sự nhân duyên thì không được. Vì sao vậy? Nếu lấy thần thông làm Phật sự để tiếp dẫn chúng sanh, yêu ma quỷ quái cũng có thần thông, vậy thì bạn không có cách gì phân biệt được Phật Bồ tát và yêu ma quỷ quái. Cho nên, Phật dùng giảng kinh thuyết pháp, yêu ma quỷ quái không biết giảng kinh thuyết pháp, chúng biết biến hóa. Phật dùng giảng kinh thuyết pháp thì có thể phân biệt được, yêu ma quỷ quái không có cách gì làm giả, chánh pháp mới có thể cửu trụ ở thế gian.

Thần thông mà chúng tôi biết được, trong kinh nói rất nhiều. Trong Tiểu thừa, việc này có liên quan đến đoạn hoặc, thần thông là bản năng, đoạn hết kiến hoặc rồi, đây là kiến tư phiền não, kiến tư phiền não đều là chấp trước, đoạn hết kiến hoặc rồi thì chứng Sơ Quả, là Sơ Quả Tiểu Thừa. Trong Đại Thừa Viên Giáo, như Bồ tát Sơ Tín Vị mà chúng tôi nói trong Kinh Hoa Nghiêm, ở địa vị này có hai loại thần thông hiện tiền, là thiên nhãn, thiên nhĩ. Thiên nhãn, ví dụ bức tường, chúng ta hiện nay giảng kinh ở nơi này là tầng lầu 11, chúng ta không nhìn thấy 10 tầng phía dưới. Nếu bạn có thiên nhãn thông, bạn nhìn xuống dưới thì đều xem thấy rất rõ ràng mỗi tầng, không có chướng ngại, giống như là trong suốt vậy, nhìn hướng lên trên cũng thấy rất rõ ràng, đây là thiên nhãn thông hiện tiền. Thiên nhĩ thông, người ở tầng lầu phía dưới nói chuyện, bạn nghe rất rõ ràng, người ở tầng 20 nói chuyện bạn cũng nghe rất rõ ràng. Tai của bạn giống như kênh vô tuyến vậy, muốn nghe ở đâu, thì kênh ở đó liền mở ra, không muốn nghe, thì nó đóng lại, sẽ không nghe thấy nữa, rất tự tại. Sơ Quả Tu đà hoàn có năng lực này.

Nếu chứng đến Nhị Quả Tư đà hàm thì có thêm hai loại năng lực là Túc Mạng Thông và Tha Tâm Thông. Đến Tam Quả A na hàm thì giống như thông thường nói là Thần Túc Thông, họ có thể biến hóa, có thể phân thân, cùng lúc có thể phân rất nhiều thân để làm nhiều việc. Người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc chính là như vậy, mỗi ngày họ đi tham bái mười vạn ức Phật, không phải là tham bái từng vị một, tham bái từng vị một thì gay rồi. Cùng một lúc họ có năng lực phân ra mười vạn ức thân, trước mặt mỗi tôn Phật đều có họ. Họ đi cúng dường Phật, nghe Phật thuyết pháp, khi trở về thì phân thân lại biến thành một thân, họ có năng lực này. Đến Tứ Quả A la hán có Lậu Tận Thông, Lậu Tận Thông chính là kiến tư phiền não đoạn tận rồi. Cho nên, điều này khi tu hành chứng quả thì sẽ tự nhiên khôi phục.

Trong giáo pháp Đại Thừa, trước đây chúng tôi từng đọc qua, Lậu Tận Thông là Bồ tát Thất Tín Vị, chưa lìa khỏi thập pháp giới. Bồ tát Thất Tín Vị thoát khỏi lục đạo luân hồi rồi. Lục Tín vẫn còn ở trong Lục đạo nhưng chắc chắn không đọa tam đồ, họ tu hành chỉ ở hai cõi Nhân và Thiên. Sau bảy lần đi lại nhân gian và cõi trời thì thoát khỏi lục đạo. Nhất định là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, mới xuất ly khỏi thập pháp giới, xuất ly thập pháp giới chính là Nhất Chân Pháp Giới. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói thế giới Hoa Tạng, thế giới Tây Phương Cực Lạc đều là thuộc về Nhất Chân Pháp Giới. Đây mới là mục tiêu hướng tới mà người học Phật chúng ta mong cầu ngay trong đời này. Thập Pháp Giới không phải là thật, Hoa Tạng, Tịnh Độ là thật. Cho nên, chúng ta phải buông xuống phiền não tập khí, nếu thật sự không buông xuống được thì phải chế phục, phải khống chế, không được để phát tác. Phát tác thì làm thương hại người khác không lớn, nhưng làm thương hại đối với chính mình thì rất nghiêm trọng, chúng ta không thể làm việc ngu xuẩn, không thể làm việc hồ đồ.

Việc tu học cả đời này của tôi, các bạn xem thấy tấm gương này, tôi tin rằng [các bạn] cũng có thể tăng trưởng tín tâm, 81 tuổi rồi, tinh thần vẫn rất dồi dào. Nơi này duyên không đủ, nơi này là toà nhà thương mại, không thể cho người ở lại, vào buổi trưa không thể ở trong này nghỉ ngơi. Nếu có thể ở nơi này nghỉ trưa một chút, mỗi ngày tôi giảng bốn giờ đồng hồ thì nhất định không có vấn đề gì. Tôi ở trong quốc tế qua lại cũng rất nhiều, mọi người nhìn thấy đều vô cùng ngưỡng mộ: “Thưa Pháp sư, Ngài giữ gìn sức khoẻ như thế nào?” Tôi đã nói với họ, giữ gìn cái đầu tiên là tâm địa thanh tịnh, thiện lương, ăn chay, tôi đã khuyên họ ăn chay. Tôi ăn chay được 56 năm rồi, từ trước tới giờ chưa từng sanh bệnh, thể lực vẫn không kém gì so với người trẻ tuổi, mỗi ngày bản thân tôi đọc kinh không ít hơn bốn giờ. Cho nên vạn duyên buông xuống, cái gì cũng không cần để ở trong tâm.

Nhất định không được có ân oán, người khác hủy báng tôi, thậm chí là lăng nhục tôi, hãm hại tôi, tôi đều cảm tạ, tuyệt đối tâm không khởi một niệm sân khuể, điều này tôi làm được rồi. Vì sao phải cảm tạ? Vì họ tiêu nghiệp chướng cho tôi. Nếu tôi có lỗi lầm, họ nói tôi, tôi cảm tạ họ vì họ nhắc nhở tôi, tôi phải sửa lỗi đổi mới. Nếu tôi không có, họ mắng oan tôi, là đã tiêu đi túc nghiệp trong đời quá khứ của tôi, đời này tôi không có, có thể đời trước tôi có. Cho nên thảy đều dùng tâm cảm ân, tâm cảm tạ, bạn nói xem vui sướng biết bao! Ngạn ngữ xưa nói “Người gặp việc vui, tinh thần sảng khoái”, một người có tinh thần tốt, thân thể tốt, không có gì khác, bạn đang sống ngay trong vui sướng. Sự vui sướng này từ đâu tới vậy? Không phải từ bên ngoài, mà là từ nội tâm, pháp hỉ sung mãn. Khổng Tử ở trong Luận Ngữ có nói, “Học rồi thường thực hành, chẳng phải vui lắm sao”, đây là vui sướng thật sự, không phải từ bên ngoài đến.

Đi ra ngoài tìm niềm vui, tôi thường hay lấy ví dụ, điều đó giống như người thế gian uống thuốc độc, chích ma tuý, bạn nhất thời vui sướng, nhưng cái giá phải trả của bạn rất nặng rồi. Cho nên, vui sướng phải từ trong tâm lưu lộ ra bên ngoài, phải pháp hỉ sung mãn, vậy thì đúng rồi.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Niệm Phật        Học Phật       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật