Phật Học Vấn Đáp


Khi phiền não đến nói chung không khống chế nổi. Con nên điều chỉnh tâm trạng của mình như thế nào?
Con làm việc trong đạo tràng mà luôn có ý kiến của cá nhân bên trong, khi phiền não đến nói chung không khống chế nổi. Con nên điều chỉnh tâm trạng của mình như thế nào để phát được chân tâm phục vụ chúng sinh?

8/13/2022 5:26:21 PM

Đây là vấn đề giáo dục, vì sao chúng ta thường hay bốc đồng, khăng khăng giữ ý kiến của chính mình, không chịu nhẫn nhường? Đây là vấn đề giáo dục. Nếu chúng ta học Đệ Tử Quy rồi, học tốt rồi thì sự việc này sẽ không còn nữa. Trong xã hội trước đây, Đệ Tử Quy được dạy từ khi còn nhỏ, cho nên từ nhỏ đã biết nhẫn nhường. Cả đời của tôi, năm nay sống đến hơn 80 tuổi rồi, cả đời có thể trải qua được rất bình an, trải qua được rất vui vẻ, chính là biết nhẫn nhường ở mọi nơi. Tôi học được từ chỗ nào vậy? Trước năm 10 tuổi, tôi sống ở nông thôn, là cha mẹ dạy, thầy giáo dạy, thầy giáo lúc đó là tư thục. Giáo dục truyền thống của chúng ta đều là dạy “Hiếu Thân Tôn Sư”, đều là dạy luân lý đạo đức, dạy nhân quả báo ứng, chúng tôi được cắm gốc từ nhỏ. Hết thảy việc nếu có thể nhường một bước thì chẳng phải biển rộng trời cao rồi sao? Người khác làm việc này, ta có thể làm tốt hơn họ, nhưng cho dù họ làm không tốt bằng ta, có thể làm được là tốt rồi. Nếu có tổn hại rất lớn, chúng ta sẽ khuyên bảo, khuyên bảo không nghe thì chúng ta có thể rời đi, ta cũng không phá hoại đạo tràng này. Cho nên nhất định phải học nhẫn.

Học Phật, nhẫn là mấu chốt thành bại. Bạn xem trong Kinh Kim Cang nói với chúng ta, “nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”, chữ nhất thiết pháp này là hết thảy pháp thế xuất thế gian, nếu bạn muốn thành tựu, vậy thì phải nhẫn nại, thành tựu lớn thì phải có đại nhẫn nại, thành tựu nhỏ thì phải có tiểu nhẫn nại. Bồ tát thành Phật, khảo nghiệm sau cùng là bị Ca lợi Vương cắt xẻo thân thể, nhẫn nhục đến mức như vậy mà Bồ tát có thể nhẫn, không có một mảy may tâm sân khuể, hơn nữa còn phát nguyện tương lai khi ta thành Phật, đầu tiên là đến độ ông. Bạn xem thấy từ bi biết bao! Cho nên phải học nhẫn nhường. Từ nhẫn nhường nâng lên chính là lễ nhường, lễ nhường còn cao hơn nhẫn nhường một bậc. Chúng ta phải ở nơi này thật sự tu học, đây là thật sự hạ công phu.

Trích từ:  Học Phật Vấn Đáp. Hòa Thượng Thích Tịnh Không


Thẻ
Phiền Não       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật