Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Tuong-Niem-Dan-Sanh-Voi-Y-Nghia-Cuu-Canh

Tưởng Niệm Đản Sanh Với Ý Nghĩa Cứu Cánh
An Chí Hoằng Khai

Đối với người con Phật, một khi nghe đến cụm từ Tưởng Niệm Đản Sanh, thì chúng ta nghĩ ngay đến Kỷ Niệm Ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Đản Sanh cách đây hơn 26 thế kỷ (tính theo năm 2021 là 2645 năm). Ngài được sanh ra và lớn lên trong Hoàng Tộc với vương cung Ca Tỳ La Vệ. Nhưng sự xuất hiện của Ngài không phải trong hoàng cung với chăn êm nệm ấm lụa là gấm vóc nguy nga sang trọng của hàng vương giả, mà Ngài xuất hiện giữa một không gian rộng lớn với muôn ngàn cây cỏ hoa lá xinh tươi giữa tiết trời xuân hạ giao thoa. Nơi ấy bây giờ được gọi là Thánh Tích Đản Sanh, một trong bốn Thánh Tích (Đản Sanh, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân và Bát Niết Bàn), còn gọi là Tứ Động Tâm. Bởi vì, những người con Phật nếu có một lần bước chân đến, đều phải dâng lên những nỗi niềm cảm xúc khó tả, đặc biệt là những người con Phật thuần thành tín tâm tha thiết với Phật Pháp, vì vậy được gọi là Động Tâm. Đó chính là hoa viên Lâm Tỳ Ni (Lumbini).

Nói về ý nghĩa của sự Tưởng Niệm Đản Sanh, thì trong mỗi người con Phật, đều có những suy tư và cách thức hành động riêng biệt của tự thân. Bởi tuỳ theo niềm tin và nhận thức của chúng ta về cuộc đời của Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài thuộc phương diện nào. Vì niềm tin chân thật và nhận thức đúng của chúng ta có được về Đức Phật, về căn bản thì phải dựa trên sự hiểu biết giáo pháp của Đức Phật. Nếu không như vậy, thì niềm tin sẽ không được chân thật và sự nhận thức cũng không được chân chánh. Vì Đức Phật có dạy: “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Vậy muốn hiểu được phần nào đúng về Đức Phật thì ít nhất chúng ta phải hiểu căn bản về những lời dạy của Ngài, sau đó niềm tin về Ngài mới chân thật mà không bị rơi vào mê muội mông lung. Với sự hiểu biết đúng và niềm tin chân thật, thì chúng ta mới có một thái độ đúng đắn khi Tưởng Niệm về Đức Phật, vì chúng ta biết phải làm gì cho phù hợp với sự Tưởng Niệm.

Khi nói đến Tưởng Niệm với một nội hàm đúng nghĩa, đó chính là sự Tri Ân và Báo Ân. Cũng như những người con khi nói đến sự Tưởng Niệm về ông bà cha mẹ hiện tiền hay quá cố, không vượt ra khỏi hai vấn đề; trước là biết ân ông bà cha mẹ đã sanh thành dưỡng dục và sau là nguyện báo đáp công ơn của ông bà cha mẹ đã sanh thành dưỡng dục mình nên con người hôm nay. Cũng vậy hàng con Phật dù xuất gia hay tại gia, một khi nói đến sự Tưởng Niệm về Đức Phật, thì cũng không ngoài tâm nguyện tri ân và báo ân Phật.

Như vậy, để Tưởng Niệm Đản Sanh đúng ý nghĩa, thì trước tiên đòi hỏi chúng ta cần phải hiểu rõ Tâm Nguyện Đản Sanh của Phật, có như vậy chúng ta tỏ lòng tri ân mới được gọi là đúng cách và một khi tri ân đúng cách thì sự báo ân của chúng ta cũng được đúng nghĩa. Vậy chúng ta hãy dựa vào Kinh điển để hiểu rõ thêm về mục đích của Đức Phật Đản Sanh.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh – phẩm 13 nói về sự xuất hiện của Như Lai như sau :

  • Khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
  • Khó gặp được ở đời; Khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu; Sự mệnh chung của một người, được đa số thương tiếc.
  • Khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.
  • Là sự xuất hiện của mắt lớn, là sự xuất hiện của đại quang, là sự xuất hiện của đại minh, là sự xuất hiện của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự Lưu, là sự chứng ngộ quả Nhất Lai, là sự chứng ngộ quả Bất Lai, là chứng ngộ quả A-la-hán.
  • Ta không thấy một người nào khác, … có thể chơn chánh chuyển vận Vô thượng Pháp luân do Như Lai chuyển vận.

Phẩm Phương Tiện thứ hai trong kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa đã nói lên mục đích duy nhất về sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca, cũng như chư Phật quá khứ và vị lai tất cả đều cùng chung như sau :

  1. Các đức Phật Thế Tôn, chỉ do một sự nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời.
  2. Các đức Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh khai tri kiến Phật để đặng thanh tịnh mà hiện ra nơi đời;
  3. Vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra nơi đời;
  4. Vì muốn cho chúng sanh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời;
  5. Vì muốn cho chúng sanh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời.
  6. Xá Lợi Phất ! Đó là các đức Phật do vì một sự nhơn duyên lớn mà hiện ra nơi đời.

Qua hai đoạn Kinh được dẫn chứng ở trên, đủ cho chúng ta thấy được thần lực vi diệu và bản hoài từ bi của Đức Phật khi Thị Hiện Đản Sanh giữa cuộc đời này. Đó là vì lòng từ bi vô biên vì muốn đem lại hạnh phúc an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Vì muốn lợi lạc cho chúng sanh, mà Đức Phật phải trải qua vô số đại a tăng kỳ kiếp hành Bồ Tát Đạo, làm những việc khó làm, thậm chí trời người không một ai có thể làm được. Và nếu có làm được đi chăng nữa, thì cũng chỉ đạt trên mặt sự tướng bởi năng lực vô minh điều khiển và kết quả cũng chỉ lẫn quẩn trong sanh tử luân hồi hư ảo mộng mị mà thôi. Còn với Đức Phật khi khởi niệm và hành động dù là việc nhỏ như hạt cát hoặc đầu cọng lông chăng nữa, cũng bằng tư nghiệp vô lậu và tư sở tác nghiệp vô lậu. Nói chính xác hơn là bởi năng lực Ngã Pháp đều Không, thấu trọn các pháp duyên sanh, vì vậy mà tất cả sự tạo tác của Đức Phật đều đem lại sự hạnh phúc an lạc thường hằng cho tất cả chúng sanh trong khắp pháp giới. Và cũng chính bởi năng lực Ngã Pháp đều Không một cách cứu cánh, nên trong Kinh nói Ngài là một con người khó gặp được ở đời; một người vi diệu. Khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân. Bởi Đức Phật là sự xuất hiện của mắt lớn, của đại quang, của đại minh, của sáu vô thượng, là sự chứng ngộ bốn vô ngại giải, là sự thông đạt của nhiều giới, là sự thông đạt của các giới sai biệt, là sự chứng ngộ của minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả thánh rốt ráo A-la-hán. Và không một ai có thể chơn chánh thay thế vai trò quan trọng của Đức Phật trong sứ mệnh thiêng liêng cao cả là chuyển vận Vô Thượng Pháp Luân.

Nhưng Đức Phật không phải chỉ xuất hiện ra đời, để cho chúng sanh chỉ biết về Ngài có một năng lực duy nhất mà không có người thứ hai trong vạn hữu vũ trụ như Ngài. Cũng không phải chỉ đem tình thương hạnh phúc an lạc hữu lậu đến với Trời Người, cũng không phải chỉ cứu chúng sanh đang ở trong ba ác đạo ra khỏi rồi thôi. Và cũng không phải chỉ giúp hàng phàm phu và ngoại đạo giác ngộ giải thoát sanh tử, đạt Niết Bàn tịch tịnh là xong, mà mục đích của Đức Phật là muốn chỉ bày (khai) cho tất cả chúng sanh trong ba cõi sáu đường nhận biết (thị) mình có Tri Kiến Phật và thấy ra (ngộ) Tri Kiến Phật và sau cùng là thể nhập sâu vào Tri Kiến Phật.

Sở dĩ, Đức Phật trình bày ra cái nhân duyên duy nhất để thị hiện, là vì tất cả chúng sanh vốn có Tri Kiến Phật này; nhưng vì do vô minh phiền não si chướng sâu dày, khiến chúng sanh phàm phu các loài không nhận chân ra được Tri Kiến Phật. Cũng như trong kinh Đại Bát Niết Bàn phẩm Như Lai Tánh thứ mười hai Phật dạy : “Nầy Thiện-nam-tử ! Ngã tức là nghĩa Như Lai tạng. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sanh chẳng nhận thấy được.” Tri Kiến Phật của kinh Pháp Hoa, cũng chính là Phật Tánh của kinh Đại Bát Niết Bàn và cũng chính là Như Lai Tạng trong kinh Thắng Man Phu Nhân chương bảy : «Thánh đế, đó là nói nghĩa sâu xa, vi tế, khó biết, không phải là cảnh giới tư lương. Đó là sở tri của bậc trí, là điều mà hết thảy thế gian không thể tin. Vì sao ? Đây là nói tạng sâu thẳm của Như Lai. Như Lai Tạng là cảnh giới của Như Lai, không phải là điều hết thảy Thanh văn và Duyên giác có thể biết. Ở nơi cảnh vực Như Lai Tạng mà nói ý nghĩa Thánh đế. Cảnh vực Như Lai Tạng sâu thẳm cho nên nói Thánh đế cũng sâu thẳm, vi tế, khó biết, không phải là cảnh giới tư lương; là sở tri của bậc trí, là điều mà hết thảy thế gian không thể tin.» Vì tất cả chúng sanh phàm phu ngoại đạo và cả hai bậc thánh Thanh Văn, Duyên Giác cũng không thể nhận ra được Tri Kiến Phật, Phật Tánh và Như Lai Tạng này, cho nên Đức Phật đã dùng vô số phương tiện quyền xảo để trình bày nhân duyên tất cả pháp, từ lúc Sơ Chuyển Pháp Luân đến lúc trước khi Bát Niết Bàn, Đức Phật đã không ngừng khai thị trực tiếp gián tiếp ẩn mật thí dụ v.v… trước là khiến cho các Thánh đệ tử nhận ra Viên Minh Châu được cất dấu trong búi tóc, thứ đến khích lệ nâng đỡ hàng chúng sanh phàm phu bằng thông điệp tuyệt vời là : “Tất Cả Chúng Sanh Đều Có Phật Tánh” và sẽ thành Phật.

Trên nền tảng Tri Kiến Phật, Như Lai Tạng và Phật Tánh vốn sẵn có trong tất cả chúng sanh, cho nên Đức Phật đã thị hiện Đản Sanh, Xuất Gia, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân và Niết Bàn, suốt quá trình như vậy, Đức Phật không ngừng phương tiện quyền xảo khai triển quy nạp và Đức Phật tuyên bố từ bi hùng lực trong kinh Pháp Hoa rằng : “Đức Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sanh nói pháp, không có các thừa hoặc hai hoặc ba khác.” hay nói một cách khác là “Tam Thừa Quy Nhất”.

Như vậy chúng ta cũng đã rõ nét về đại sự nhân duyên Đức Phật Thị Hiện Đản Sanh. Do đó, ý nghĩa chân chánh của sự Tưởng Niệm Đản Sanh với nội dung là Tri Ân và Báo Ân.

1- Tại sao phải tri ân Phật ? Bởi Phật vì thương chúng sanh trong ba cõi sáu nẽo luân hồi, mà khởi phát bồ đề tâm từ thuở còn ở địa ngục, do thấy nỗi khổ cùng cực của chúng sanh trong ấy. Từ đó Phật phát nguyện trải qua vô lượng kiếp không thể tính đếm được, lúc nào cũng đem lại sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh bằng Bồ Đề Tâm Vô Thượng Chánh Chân. Trong tâm của Phật luôn chứa đựng tất cả chúng sanh một cách bình đẳng, đúng như câu nói Phật thương chúng sanh như mẹ thương con. Trong kiếp sống hiện tại này, chúng ta quả là những con người hữu phước hữu duyên được làm con của Phật, được thọ hưởng giáo pháp nhiệm mầu của Phật, nương tựa Tam Bảo để tạo lập từ những phước đức hữu lậu của trời người cho đến các công đức vô lậu giải thoát của Thánh Tam Thừa và cứu cánh thành Phật viên mãn. Chính vì thế là người con Phật chúng ta không thể không tri ân Đức Phật là đạo sư của ba cõi và cha lành chung bốn loài.

2- Báo Ân Phật bằng cách nào ? Muốn báo ân Phật thì không gì hơn đó là học noi gương Phật bằng cách là Nguyện Phát Khởi Đại Bồ Đề Tâm là cái tâm mong cầu sự giác ngộ viên mãn, không còn hai chướng của phiền não và sở tri, cũng như sự chấp trước về ngã và pháp đều không còn, rốt ráo đoạn tận vô minh và với năng lực Đại Bồ Đề Tâm là luôn đem lại lợi lạc cho tất cả chúng hữu tình.

Nay y cứ vào Kinh Luận với tựa đề là Phát Bồ Đề Tâm – do Bồ Tát Thế Thân soạn thuật, trong phẩm thứ hai Ngài nói về sự Phát Tâm của chư Bồ Tát như sau :…

Lại có bốn duyên phát tâm tu tập Bồ Đề. Thế nào là bốn ?

  1. Một là tư duy chư Phật mà phát Bồ Đề tâm.
  2. Hai là quán thân tai hại sai lầm mà phát Bồ Đề tâm.
  3. Ba là từ mẫn chúng sinh mà phát Bồ Đề tâm.
  4. Bốn là cầu quả tối thắng mà phát Bồ Đề tâm.

I- Tư duy (về) chư Phật mà phát Bồ Đề tâm lại gồm có năm việc.

  1. Một là tư duy (về) chư Phật khắp mười phương quá khứ, vị lai, hiện tại, khi mới ban đầu phát tâm cũng đầy phiền não tính, y như mình hiện giờ. Rốt cuộc các Ngài đã thành chính giác, làm bậc vô thượng tôn. Do bởi duyên ấy nên (ta phải) phát Bồ Đề tâm.
  2. Hai là tư duy tất cả ba đời chư Phật phát đại dũng mãnh, Ngài nào cũng đắc được vô thượng Bồ Đề. Nếu Bồ Đề này là pháp có thể đắc được, thì ta cũng phải đắc được. Do duyên cớ ấy nên phát Bồ Đề tâm.
  3. Ba là tư duy tất cả ba đời chư Phật phát đại minh huệ, ở trong mạng (lưới) vô minh kiến lập thắng tâm, tích tập khổ hành, mà đều có thể tự kéo mình ra vươn lên khỏi ba cõi. Ta cũng như thế, sẽ tự kéo mình thoát khỏi (ba cõi). Do duyên cớ ấy nên phát Bồ Đề tâm.
  4. Bốn là tư duy tất cả ba đời chư Phật là bậc (tráng lực) trong loài người, các Ngài đều vượt khỏi biển lớn phiền não sinh tử. Ta cũng là trượng phu, cũng sẽ vượt khỏi được. Do duyên cớ ấy nên phát Bồ Đề tâm.
  5. Năm là tư duy tất cả ba đời chư Phật phát đại tinh tiến, xả thân mạng tài sản để cầu nhất thiết trí. Giờ ta cũng sẽ học theo chư Phật. Do duyên cớ ấy nên phát Bồ Đề tâm.

II- Quán thân tai hại sai lầm mà phát Bồ Đề tâm cũng gồm năm duyên sự :

  1. Một là tự quán thân mình (gồm) năm ấm bốn đại, đều có thể khởi tạo vô lượng ác nghiệp. Do muốn lìa bỏ thân này nên phát Bồ Đề tâm.
  2. Hai là tự quán thân mình (gồm) chín lỗ thường chảy ra (các thứ) hôi bẩn không sạch. Do muốn lìa bỏ thân này nên phát Bồ Đề tâm.
  3. Ba là tự quán do bởi thân mình có tham sân si, vô lượng phiền não đốt cháy thiện tâm. Do muốn lìa bỏthân này nên phát Bồ Đề tâm.
  4. Bốn là tự quán do bởi thân mình như bong bóng, như bọt nước sinh diệt trong từng niệm một, là cái pháp có thể xả được. Do muốn vất bỏ thân này nên phát Bồ Đề tâm.
  5. Năm là tự quán do bởi thân mình vô minh che đậy, thường tạo ác nghiệp, luân hồi sáu nẻo. Do không lợi ích gì hết nên phát Bồ Đề tâm.

III- Cầu quả tối thắng mà phát Bồ Đề tâm cũng gồm có năm duyên sự :

  1. Một là thấy chư Như Lai tướng tốt trang nghiêm, quang minh trong suốt, ai thấy được thời trừ hết phiền não. Do vì tu tập tướng tốt này nên phát Bồ Đề tâm.
  2. Hai là thấy chư Như Lai pháp thân thường trụ, thanh tịnh không ô nhiễm. Do vì tu tập pháp thân này mà phát Bồ Đề tâm.
  3. Ba là thấy chư Như Lai (có) các pháp tụ thanh tịnh là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Do vì tu tập các pháp tụ này mà phát Bồ Đề tâm.
  4. Bốn là thấy chư Như Lai có mười lực, bốn vô sở úy, đại bi, ba niệm xứ. Do vì tu tập các pháp này mà phát Bồ Đề tâm.
  5. Năm là thấy chư Như Lai có nhất thiết trí, thương xót chúng sinh, từ bi che khắp, có thể làm chính đạo cho tất cả các kẻ ngu mê. Do vì tu tập nhất thiết trí này mà phát Bồ Đề tâm.

IV- Từ mẫn chúng sinh mà phát Bồ Đề tâm cũng gồm năm duyên sự :

  1. Một là thấy các chúng sinh bị phiền não trói buộc.
  2. Hai là thấy các chúng sinh bị đủ loại khổ cuốn vây.
  3. Ba là thấy các chúng sinh tích tập các nghiệp bất thiện.
  4. Bốn là thấy các chúng sinh tạo các ác cực nặng.
  5. Năm là thấy các chúng sinh không tu chính pháp.

Tóm lại, để hướng tâm thành Tưởng Niệm Đản Sanh đúng ý nghĩa cứu cánh theo bản hoài của Phật, thì ngay trong đời hiện tại này, chúng ta hãy chân thành tha thiết phát nguyện đời đời, kiếp kiếp, tận vị lai kiếp, nguyện được làm con Phật, được tu học tất cả Pháp của Phật, nguyện được thọ giữ tất cả giới pháp của Phật, được đủ duyên lành cúng dường chư Phật (Tam Bảo), nguyện làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Phát bốn thệ nguyện rộng lớn như sau:

Chúng sanh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp
Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch
Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học
Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện đều viên thành.

Đệ tử con nguyện đem hết tất cả thân tâm cùng với tất cả pháp giới chúng sanh chí thành đảnh lễ quy y Đấng Đại Từ Bi Phụ, Giáo Chủ Cõi Ta Bà, Hiện Tọa Đạo Tràng, Ba Mươi Hai Tướng Tốt, Với Tám Mươi Vẽ Đẹp, Thị Hiện Đản Sanh, Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Trích từ: https://viengiac.info/
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị