Phật Học Vấn Đáp


Xin Thầy nói rõ cho chúng con biết sáu loại khảo là nội, ngoại, thuận, nghịch, minh, ám khảo là thế nào?

8/19/2022 4:25:37 PM

Những nghiệp báo thiện ác gây đình trệ sự tu trì của hành gỉả gọi là “khảo” hay “khảo đảo”. Xin nói qua sáu loại khảo như sau:

1. Nội khảo: Nội là trong, nội khảo là những gì từ trong thân tâm mình gây khó khăn con đường tu của chính mình. Thí dụ: thân sinh ra đau bệnh đủ thứ như: nhức đầu, đau răng, đau bụng, sốt rét, ung thư….. Tâm, tánh tình trở nên tham lam, bỏn xẻn, hẹp hòi ích kỷ, si mê, hôn trầm…. (Câu hỏi 83A). Cụ thể đã có những vị ngồi niệm Phật chừng mười lăm phút là ngủ gục, nhức đầu, mắc đi tiểu, có vị nặng hơn, gần như hôn mê, tiểu luôn tại chỗ.

2. Ngoại khảo: ngoại là ngoài, ngoại khảo là những gì ngoài thân mình, nó gây khó khăn con đường tu của mình, như:  Thời tiết nóng, lạnh, động đất, lũ lụt…Thân nhân, vợ chồng, cha mẹ, anh em, con cháu; thân bằng quyến thuộc, bằng mọi cách gây khó khăn trở ngại đường tu của mình.

3. Thuận khảo: Nhờ công đức niệm Phật mà có thêm nhiều phước đức, nên cầu gì được nấy, muốn gì được nấy như: Mua may bán đắc, làm ăn phát tài.  Danh vọng như ý, người đời thì thăng quan tiến chức, người đạo thăng trụ trì, viện chủ, có chùa to Phật lớn, được Phật tử trọng vọng, thậm chí thần thánh hóa mình. Vì đắm nhiễm danh lợi nên bị sụp bẩy lợi danh, thoái thất việc tu hành. Người ta nói chết vì lửa thì ít mà chết vì nước thì nhiều. Người xưa nói: “Việc thuận tốt được ba. Mê lụy người đến già”.Duyên thử thách của thuận khảo rất vi tế, người tu phải hết sức thận trọng!

4. Nghịch khảo: Hành giả bị nghịch cảnh gây trở ngại như: Thân bằng quyến thuộc ngăn cản, phá hoại đường tu.  Bản thân mang nhiều bệnh tật khó trị.  Oan gia theo đuổi mưu hại (ma dựa, ma nhập). Kẻ xấu vu oan giá họa khiến bị tù đày.  Tiểu nhân tranh đua, ganh ghét, rêu rao bêu xấu làm cho khó an nhẫn. Tuy nhiên nghịch cảnh đôi khi lại giúp người tu tỉnh ngộ thấy rõ cuộc đời này vô thường, khổ não, phải tìm con đường giải thoát sanh tử luân hồi (Vãng sanh Cực Lạc). 

5. Minh khảo: đây là sự thử thách rõ ràng trước mắt, nhưng hành giả không tự tỉnh ngộ. Có nhiều trường hợp, xin kể vài thí dụ như sau: Người kém tài thiếu đức mà được kẻ xấu tâng bốc, bợ đỡ khen là nhiều đức hạnh, tài năng, có nhiều phước báo. Người này trở nên cống cao ngã mạn, khinh thường mọi người, làm những điều càn dở, bất chấp sự khuyên nhủ của thiện tri thức, kết cuộc bị thảm bại. Người có đạo tâm nhưng kém hiểu biết, nghe kẻ xấu xúi bậy, ngăn trở như nói ăn chay trường thiếu dinh dưỡng, sẽ gây nhiều bệnh, chết yểu… rằng tụng Kinh, trì chú, niệm Phật sẽ bị đổ nghiệp, xui xẻo…Tự biết mình không đủ khả năng, nhưng vì tham vọng cao xa, tin nghe những kẻ kém hiểu biết chuyên nịnh bợ, nên làm những việc ngoài tầm tay, kết quả thảm bại, lại không nghe lời khuyên nhủ của thiện tri thức, ương ngạnh, tự ái, liều lĩnh làm càng, phải chịu thảm bại nặng nề, kết cuộc thoái thất Bô đề tâm.

6 Ám khảo: đây là sự thử thách trong âm thầm, không lộ liễu như một số ví dụ sau: Có người ban đầu tinh tấn ăn chay niệm Phật, sau làm ăn thất bại, gia kế sa sút, sanh lòng chán nản, trễ bỏ sự tu, thậm chí trở lại phỉ báng. Người này do không hiểu sâu luật nhân quả, nên sanh tệ trạng như thế. Có người, công việc làm ăn dần dần tiến triển thuận lợi, rồi ham mê đuổi theo lợi lộc mà quên lãng đường tu. Có người, cuộc sống điều hòa nhưng thời cuộc biến đổi, thân thế nhà cửa nay đổi, mai dời, tâm mãi hoang mang, bất giác lần lựa, bỏ sự trì niệm hồi nào không hay.

Trích từ:  Tịnh Độ Thực Hành Vấn Đáp. Thượng Tọa Thích Minh Tuệ



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật