Phật Học Vấn Đáp


Danh sắc là gì?

2/18/2023 7:16:38 PM
Danh sắc (nāma rūpa) là chi phần thứ tư trong chuỗi 12 nhân duyên. Danh sắc là từ phức hợp nhằm chỉ đến một hợp thể mà nó bao gồm cả hai yếu tố: tâm lý và vật lý. Danh thuộc về tâm (mind) và sắc thuộc về cơ thể (body). Thông thường, khi nói đến danh (nāma) là nói đến các lĩnh vực thuộc tâm lý, bao gồm: thức (viňňāna), tâm vương (citta) và tâm sở (cetasika). Tâm vương là sự nhận biết chủ yếu, khách quan và tự nhiên; do vậy nó được dùng đồng nghĩa với thức (khả năng nhận thức). Trong khi đó tâm sở là các trạng thái khác nhau của tâm vương như vui, buồn, thương, ghét... Vì vậy, trên nguyên tắc, chỉ có một tâm vương; trong khi có nhiều loại tâm sở khác nhau. Tuy nhiên, trong hợp thể danh sắc của 12 nhân duyên, thì danh chính là các trạng thái của tâm hay còn gọi là tâm sở hay tâm hành (xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư). Bởi vì, tương quan duyên khởi ở đây là “do thức (tâm vương) làm điều kiện nên danh sắc sinh khởi”. Kết hợp cùng với danh (tâm lý) là sắc (thuộc về vật lý), bao gồm 28 yếu tố.

Trên thực tế, trong thời điểm thụ thai (tái sinh) cần phải có sự hiện diện của a. kiết sinh thức hay thức tái sinh, b. những trạng thái tâm (tâm sở) xuất hiện cùng với thức tái sinh, và c. các yếu tố của sắc (vật lý). Tất nhiên, các yếu tố sắc vật lý này rất tinh tế, không thể nhìn thấy được trong thời điểm thụ thai. Ví dụ, trong hàng trăm triệu tế bào sinh dục nam nhưng chỉ có một tế bào kết hợp được với một noãn bào (trứng) để hình thành một hợp tử duy nhất mà thôi. Do vậy khi nói “thức duyên danh sắc” là nói đến một giai đoạn hình thành nên sự sống (đầy đủ cả tâm lý và vật lý) trong tiến trình tái sinh.
 
Trích từ:  Cẩm Nang Của Người Phật Tử Tập 2. Khải Thiên



Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật