* Ở trong Tam Tạng, Phật dùng đủ loại thí dụ để thuyết pháp cho hàng Thanh văn mà không thuyết đến Bồ tát đạo. Duy trong kinh Bản mạt (Pùrvaparàntàka sutra) của Trung A hàm (Madhyamà), Phật tuy có thọ ký cho Bồ tát Di lặc rằng: "Đời sau ông sẽ được thành Phật hiệu là Di lặc", mà cũng không nói đến Bồ tát hạnh. Nay Phật muốn giảng đủ các Bồ tát hạnh cho Di lặc v.v… cho nên thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật.
* Lại nữa, có vị Bồ tát tu Niệm Phật tam muội, Phật muốn khiến họ đối với Tam muội này được tăng ích, nên thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật. Như Phẩm đầu trong kinh Đại Bát nhã Ba la mật nói: "Phật hiện thần túc, phóng ra ánh sáng sắc vàng chiếu khắp mười phương thế giới nhiều như cát sông Hằng. Thị hiện thân lớn, sáng suốt trong sạch, đủ các thứ sắc đẹp đầy khắp hư không, Phật ở giữa chúng, đoan chánh thù diệu không ai sánh kịp; thí như núi chúa Tu di nổi giữa biển cả, các Bồ tát nhờ thấy sự thần biến của Phật, nên tăng thêm lợi ích đối với Niệm Phật tam muội. Vì lẽ đó, Phật thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật.
* Lại nữa, Bồ tát (Tất đạt đa) lúc mới sanh, phóng ra ánh sáng đầy khắp cả mười phương, đi bảy bước, nhìn khắp bốn phương, với âm thanh như Sư tử rống, Ngài thuyết bài kệ:
"Phần thai sanh đã hết,
Đây là thân cuối cùng
Ta đã được giải thoát,
Sẽ lại độ chúng sanh".
Sau khi phát thệ như vậy, thân Ngài lớn dần, Ngài muốn từ bỏ thân thuộc, xuất gia tu đạo. Nửa đêm thức dậy, nhìn thấy các ca nhi, hậu phi, thể nữ, hình trạng như thây thối, Ngài liền sai Xa nặc (Chandaka) thắng con Ngựa trắng, nửa đêm vượt thành, đi được mười hai do tuần, đến trong cánh rừng có vị tiên nhân tên Bạt già bà (Bhàrgavà) đang ở, lấy dao cắt tóc, cởi y phục quí giá đổi lấy áo Tăng già lê thô xấu, rồi ở bên sông Ni liên thuyền (Nairànjana), sáu năm tu khổ hạnh, ngày ăn một hạt mè hoặc một hạt gạo, nhưng tự nghĩ: "Đây không phải là Chánh đạo". Bấy giờ Bồ tát bỏ chỗ tu khổ hạnh, đến dưới gốc Bồ đề, ngồi tòa Kim cang. Ma vương đem mười tám ức vạn đồ chúng đến phá hoại Bồ tát, Bồ tát dùng sức công đức và trí tuệ hàng phục bọn Ma mà chứng quả Vô thượng Bồ đề. Bấy giờ vị vua trời cõi Phạm thiên, chúa tể của ba ngàn đại thiên thế giới, tên là Thi khí (Sikkin) cùng với chư thiên ở cõi Sắc, Thích đề hoàn nhơn cùng với chư thiên ở cõi Dục và Tứ thiên vương cùng đến trước Phật, khuyến thỉnh Thế tôn khởi đầu quay bánh xe Chánh pháp. Lại vì Bồ tát nhớ đến sở nguyện đại từ đại bi của mình nên nhận lời thỉnh cầu mà thuyết pháp. Pháp sâu xa trong các pháp là Bát nhã Ba la mật vậy. Vì thế Phật thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật.
* Lại nữa, có kẻ hoài nghi rằng Phật không chứng được Nhất thiết trí, vì cớ sao? Vì các pháp vô lượng vô số, làm sao một người mà có thể biết tất cả các pháp? Phật trú trong pháp Bát nhã Ba la mật thật tướng thanh tịnh như hư không, vô lượng vô số, mà tự nói lên lời chân thật rằng: "Ta là bậc Nhất thiết trí, muốn dứt hết thảy nghi ngờ của chúng sanh"; vì thế Phật thuyếtKinh Đại Bát nhã Ba la mật.
* Lại nữa, có những chúng sanh đáng được độ, nhưng vì đại công đức và trí tuệ của Phật vô lượng, khó biết khó hiểu, do đó họ bị ác sư mê hoặc, tâm đắm chìm trong tà pháp, không vào được Chánh đạo. Vì hạng người đó, Phật khởi tâm đại từ, duỗi tay đại bi cứu vớt, đưa vào Phật đạo. Do đó mà Phật tự thị hiện ra công đúc tối diệu, phát ra đại thần lực, như trong Sơ phẩm của Kinh Bát nhã Ba la mật nói: "Phật nhập vào Chánh định tên là Tam muội vương. Khi ra khỏi Chánh định, Phật dùng Thiên nhãn quán khắp mười phương thế giới, khắp các lỗ chân lông của Ngài đều mỉm cười, và từ dưới bàn chân có tướng nghìn bánh xe của Ngài phát ra sáu trăm ngàn vạn ức ánh sáng đủ màu, chiếu khắp mười phương vô lượng vô số thế giới của chư Phật nhiều như cát sông Hằng, làm cho tất cả đều chói sáng". Phật muốn tuyên thị thật tướng của hết thảy các pháp, đoạn trừ nghi kết của hết thảy chúng sanh, nên thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật.
* Lại nữa, có người ác tà, ôm lòng tật đố, phỉ báng rằng: "Trí tuệ của Phật không ra khỏi (trí tuệ của) loài người, mà chỉ dùng huyễn thuật làm mê hoặc đòi". Vì để dứt lòng cống cao tà mạn của những người đó, nên Phật hiện ra vô lượng thần lực, vô lượng trí tuệ lực, từ trong Bát nhã Ba la mật, tự nói lên rằng" "Ta là đấng có đầy đủ vô lượng thần thông phước đức, tôn quí nhất trong ba cõi, che chở cho tất cả. Nếu ai phát một niệm ác thì mắc phải vô lượng tội, nếu phát một niệm tịnh tín thì được hưởng phưuớc lạc cõi người, cõi trời, và chắc sẽ được quả Niết bàn". Lại vì muốn khiến mọi người tín thọ Chánh pháp, nên nói: "Ta là Đại sư, có đủ Mười lực, Bốn vô sở úy, đứng ở hàng Thánh chúa, tâm được tự tại, với âm thanh như Sư tử hống mà quay bánh xe Chánh pháp, là tối tôn thượng trong tất cả thế giới". Lại nữa, Phật Thế Tôn vì muốn cho chúng sanh hoan hỉ mà nói Kinh Bát nhã Ba la mật này, rằng: "Các người nên sanh tâm hoan hỉ lớn. Vì cớ sao? Vì hết thảy chúng sanh đều bị mắc trong lưới tà kiến, bị bọn ác sư dị học làm mê hoặc; còn Ta thì từ trong lưới tà kiến ác sư mà ra khỏi, là bậc Đại sư đủ Mười lực, khó có thể gặp, nay các ngươi đã gặp được, Ta sẽ theo thời khai mở các Pháp tạng thâm áo như Bảy mươi bảy phẩm trợ đạo v.v… như vậy các ngươi mặc tình thu lượm. Lại nữa, hết thảy chúng sanh vì bệnh kiết sử gây ra phiền não. Từ khi có sanh tử đến bây giờ, không ai trị được bệnh ấy, lại thường bị ngoại đạo ác sư mê hoặc. Ta nay ra đời làm Đại y vương, tập hợp các thứ pháp dược, các ngươi hãy uống đi". Vì thế Phật thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật.
* Lại nữa, có người nghĩ: "Phật cũng như người, cũng có sanh tử, chịu sự đói khát, lạnh nóng, già bệnh". Phật muốn trừ ý nghĩ đó nên thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật này, khai thị rằng: "Thân Ta là không thễ nghĩ nghì, các Phạm thiên vương và Tổ phụ chư thiên, dù trải qua kiếp số nhiều như cát sông Hằng, muốn suy lường thân Ta, tìm xét âm thanh Ta, còn không thể trắc lường, huống là trí tuệ tam muội của Ta?", như kệ nói:
"Đối tật tướng các pháp,
Các hàng Phạm thiên vương,
Hết thảy chúa trời đất,
Mê mờ không thể biết.
Pháp ấy rất thâm diệu,
Không ai đo lường được.
Phật ra đời khai mở,
Sáng như mặt trời chiếu".
* Lại như khi Phật Chuyển xe pháp lần đầu tiên, Bồ tát Ứng trì từ tha phương đến muốn trắc lường thân Phật, vượt lên quá hư không vô lượng cõi Phật, đến thế giới của Phật Hòa thượng, mà thấy thân Phật vẫn y như vậy, bèn nói kệ:
"Hư không không biên tế,
Công đức Phật vẫn thế,
Dẫu muốn lường thân Phật,
Uổng công không lường được.
Vượt quá cõi hư không,
Vô lượng các cõi Phật,
Thấy thân Thích Sư tử,
Vẫn như cũ không khác.
Thân Phật như núi vàng,
Diễn xuất ánh sáng lớn
Tướng tốt tự trang nghiêm,
Như hoa nở mùa xuân".
Như thân Phật vô lượng, ánh sáng và âm hưởng cũng vô lượng. Các công đức và Giới, Định, Tuệ … của Phật cũng đều vô lượng, như Tam Mật ở trong kinh Mật Tích, trong đó có nói rộng.
Lại, khi Phật mới sanh, chạm đến đất liền đi bảy bước, miệng tự cất tiếng nói, nói xong lặng im như các trẻ nít, không đi, không nói, ba năm được mớm sữa, các bà mẹ nuôi nấng, dần dần lớn khôn; nhưng thân Phật thì vô số trong khắp các thế gian, vì độ chúng sanh mà hiện làm kẻ phàm phu. Song kẻ phàm phu khi sanh, thân phần, các căn và ý thức chưa thành tựu, bốn oai nghi nơi thân là ngồi, nằm, đi, đứng và nói năng, thinh nín cùng các cách thức của con người đều chưa hiểu rõ. Trải qua ngày tháng năm dần dần học tập mới đủ các cách thức của người, chứ sao nay Phật mới sanh ra liền có thể nói được, đi được, rồi sau mới không thể nói và đi? Điều này thật là lạ? Nên biết, chỉ vì Phật dùng phương tiện lực hiện thân làm theo cách thức của người, đi đứng nằm ngồi như người để khiến chúng sanh tin theo pháp thâm diệu. Nếu Bồ tát khi mới sanh mà đã đi dược, nói được, người đời tất sẽ nghĩ: "Nay mới thấy người như vậy, thế gian chưa từng có. Đây chắc là Trời, Rồng, Qủy, Thần. Những điều người ấy học không phải là điều chúng ta làm được, vì cớ sao? Vì nhục thân sanh tử của chúng ta do bị nghiệp kiếp sử lôi kéo, không được tự tại nên những điều sâu như vậy của người ấy ai mà theo nổi?" Vì nghĩ như thế nên họ tuyệt vọng, không được thành pháp khí của Thánh hiền. Vì hạng người đó mà Phật sanh ra trong vườn Lâm tỳ ni, tuy có thể đi đến ngay dưới chân cội Bồ đề mà thành Phật, song Ngài vẫn dùng sức phương tiện, thị hiện làm hài đồng, ấu thơ, thiếu niên rồi thành nhân. Theo từng thời kỳ mà hưởng thụ sự vui chơi, học tập nghệ thuật, trang phục, hưởng thọ ngũ dục, đủ cách thức của người thường, dần dần thấy sự khổ già bệnh chết mà sanh tâm nhàm chán, nửa đêm vượt thành xuất gia, đi đến chỗ của tiên nhân Uất đặc già (Udraka) và A la la (Àlala) thị hiện làm đệ tử, nhưng không thực hành theo pháp của các vị ấy. Tuy thường dùng thần thông, tự nhớ đời trước, trì giới hành đạo trong thời đức Phật Ca diếp, mà nay vẫn thị hiện tu khổ hạnh sáu năm cầu đạo. Bồ tát tuy làm chủ ba ngàn Đại thiên thế giới, mà vẫn thị hiện dẹp phá ma quân, thành Vô thượng đạo; vì tùy thuận theo pháp thế gian, nên hiện ra các biến hóa đó. Nay ở trong Bát nhã Ba la mật thị hiện đại thần thông và trí huệ lực. Các người nên biết thân Phật nhiều vô số khắp các thế gian.
* Lại nữa, có người đáng được độ mà hoặc vì rơi vào chấp kiến nhị biên, hoặc vì vô trí nên chỉ cầu cái khoái lạc nơi thân; hoặc có người vì đạo mà tu theo khổ hạnh. Những người như thế, đối với Đệ nhất nghĩa, họ bị mất phần Niết bàn chánh đạo. Phật muốn phá hai lối cực đoan đó, đưa họ vào Trung đạo, nên thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật.
* Lại nữa, để phân biệt quả báo cúng dường sanh thân và pháp thân nên thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật. Như đã nói trong phẩm Xá lợi tháp.
* Lại nữa, vì muốn giảng thuyết A bệ bạt trí và tướng của A bệ bạt trí. Lại vì muốn nói rõ Ma huyễn, Ma ngụy, Ma sự. Lại vì nhân duyên để người ở đời đương lai cúng dường Bát nhã Ba la mật. Lại vì muốn thọ ký cho hàng Tam thừa, nên thuyếtKinh Đại Bát nhã Ba la mật. Như Phật bảo A nan: "Sau hi Ta bát Niết bàn, Bát nhã Ba la mật này sẽ truyền đến phương Nam, từ phương Nam truyền đến phương Tây. Sau đó năm trăm năm (Phật lịch) sẽ truyền đến phương Bắc. Ở đây có nhiều thiện nam, thiện nữ nhơn tin pháp cúng dường các thứ hoa hương, anh lạc, tràng phan, kỹ nhạc, đèn sáng, trân bảo, cùng các tài vật khác; hoặc tự chép, hoặc khuyên người khác chép, hoặc đọc tụng, hoặc nghe giảng thuyết, chơn chánh ghi nhớ, tu hành, đúng pháp mà cúng dường. Người này nhờ nhân duyên đó mà hưởng thụ các thứ cục lạc của thế gian và đến đời cuối cùng thì chứng Tam thừa mà vào Vô dư Niết bàn". Những việc nhân duyên như vậy, xem trong tác phẩm của kinh. Thế nên thuyếtKinh Đại Bát nhã Ba la mật.
* Lại nữa, vì muốn thuyết tướng Đệ nhất nghĩa Tất đàn, nên Phật thuyết Kinh Đại Bát nhã Ba la mật. Có bốn thứ Tất đàn: Một là Thế giới Tất đàn, hai là Các các vị nhân Tất đàn, ba là Đối trị Tất đàn, bốn là Đệ nhất nghĩa Tất đàn. Trong bốn Tất đàn đã tổng nhiếp hết thảy mười hai bộ kinh, tám vạn bốn ngàn Pháp tạng, đều là thật không trái ngược nhau. Trong Phật pháp tất cả đều thật. Có pháp thật vì theo Thế giới Tất đàn, có pháp thật vì theo Các các vị nhân Tất đàn, có pháp thật vì theo Đối trị Tất đàn, có pháp thật vì theo Đệ nhất nghĩa Tất đàn.
Sao gọi là Thế giới Tất đàn? (Tất đàn theo nghĩa phổ thông). Vì có những pháp theo nhân duyên hòa hợp nên có, chứ không có tính biệt lập. Ví như xe, do có càng, nhịp, trục, bánh hoà hợp lại nên có, chứ không có chiếc xe riêng. Con người cũng như thế, do năm uẩn (ngũ chúng) hòa hợp nên có, chứ không có con người riêng.