Phật Học Vấn Đáp


Tu theo hạnh tùy hỷ công đức như thế nào mới được lợi lạc?
Kính bạch thầy, mỗi khi con tụng Kinh Pháp Hoa đến Phẩm Tùy Hỷ Công Đức con rất thích, nhưng con không biết phải áp dụng tu như thế nào mới có được lợi lạc theo như trong Kinh dạy. Kính mong thầy từ bi giải thích cho con được hiểu. Kính trọng ơn thầy.

8/1/2022 12:50:02 PM

Tùy hỷ là vui theo với những việc làm phúc thiện của người khác. Nghĩa là khi ta mở rộng cõi lòng hoan hỷ thì khi đó ta không có tánh đố kỵ ganh ghét với bất cứ ai. Bản chất của con người không thích ai hơn mình. Lòng đố kỵ ganh tỵ của con người khi thấy ai hơn mình thì đều ganh ghét không ưa. Họ chỉ muốn mọi người phải nghe và phục tùng theo họ. Chính vì thế mà bản ngã của họ ngày càng cao thêm. Bản ngã càng cao thì những tập khí xấu ác thô trọng của họ càng hiện ra nhiều. Người có tâm tùy hỷ là người hay có những đức tánh hòa ái, nhẫn nại, khiêm cung. Họ luôn tôn trọng ý kiến của người khác. Họ không thích phê bình chỉ trích nói xấu ai. Vì họ thừa biết, những người thích giao du nói chuyện thị phi đàm tiếu chuyện thiên hạ sự, đó là những hạng người không tốt. Họ là hạng người chuyên đi vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết, nhưng bản thân họ thì lại đầy sâu, đầy vết mà họ không chịu thấy. Nhà họ rác rến đầy ấp mà họ không bao giờ biết lo dọn quét. Họ chỉ thích đi quét dọn rác rến nhà người khác. Đối với hạng người nầy gần họ chắc chắn là ta sẽ dễ bị nhiễm độc, tức nhiễm phải thói hư tật xấu của họ. Ta nên tìm cách lánh xa họ thì tốt hơn. Vì ta không muốn gây nên phiền phức phiền não. Thế nên, Phẩm Tùy Hỷ Công Đức thứ 18 trong Kinh Pháp Hoa Phật đã cho chúng ta ba bài học mà ta cần phải lưu ý. Dĩ nhiên, còn có nhiều bài học rất sâu sắc trong Phẩm nầy, nhưng ở đây trong phạm vi trả lời, chúng tôi chỉ xin nêu ra vắn tắt qua ba bài học căn bản, theo sự nhận thức thiển cận của chúng tôi mà thôi.

Thứ nhứt, ta không nên diễn dịch sai lệch yếu chỉ lời Phật dạy. Thông thường, người ta vì chủ quan nên hay diễn dịch sai lầm câu chuyện. Chuyện một đồn mười, vẽ vời thêu dệt tô đậm nét câu chuyện. Chuyện ít xích cho nhiều, đó là tâm bệnh chung của con người. Từ câu chuyện được nói qua người thứ nhứt và khi chuyền đến người thứ mười hoặc nhiều hơn nữa, thì câu chuyện đã không còn giữ nguyên vẹn ở lúc ban đầu. Người ta thường nói, "Tam sao thất bổn" là vậy. Bởi thế nên mới có câu: "Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly Kinh nhứt tự tức đồng ma thuyết". Từ đó, ta rút ra bài học: "Không nên nghe người khác học lại câu chuyện của người khác nói mình". Bởi họ không khi nào diễn kể lại đúng theo câu chuyện của người đó nói. Đây là một sự hiểu lầm nhau gây nên tình bạn sứt mẻ rất tai hại. Đó là chưa nói họ mượn tay người khác để hại mình. Chiêu thức nầy gọi là "ném đá giấu tay". Vì thế ta nên hết sức cẩn thận khi nghe câu chuyện mà người khác học lại với ta. Lối đâm thọc nầy thật là tội lỗi!

Thứ hai, ta nên chú ý cụm từ trong Kinh nói: "Tùy theo khả năng của mình". Khả năng nhận thức của mình như thế nào về lời Phật dạy, thì ta nên lượng sức mình mà diễn nói. Điều gì ta chưa hiểu rõ thì phải chịu khó học hỏi, ta không nên nói càng bướng theo sở kiến ý nghĩ riêng của mình. Bởi thế khi nghe pháp hay học hỏi giáo lý, ta phải chịu khó lắng nghe cho thật kỹ. Ta không nên có thái độ thờ ơ xao lãng khinh suất. Thế là ta đắc tội khinh pháp. Ta phải cố gắng nỗ lực gia công tìm tòi học hỏi nguồn giáo lý thâm sâu Phật dạy. Điều gì ta chưa hiểu, chưa thông, thì ta nên tùy hỷ học hỏi với những người có trình độ hiều biết Phật pháp hơn ta. Đó là ta khéo biết dẹp bỏ lòng ganh tỵ hay mặc cảm tự ty ở nơi chính mình. Ta phải tự nhủ với lòng mình rằng, bằng mọi cách ta phải cố gắng vươn lên để bền chí kiên tâm lập trường cầu tiến trong sự tu học.

Thứ ba, niềm hoan hỷ lớn mạnh trong ta là khi ta được tiếp nhận từ người khác diễn thuyết lại giáo lý sâu sắc trong Kinh Pháp Hoa. Nói rộng ra là ta phải hoan hỷ mở rộng cõi lòng đón nhận những nguồn giáo lý giác ngộ và giải thoát. Ta nên tùy hỷ với những việc làm tốt đẹp của người khác. Mặc đù điều đó ta có khả năng làm được hoặc không làm được. Đó là ta khéo biết tu hạnh Tùy hỷ công đức rồi. Cái công đức mà trong Kinh nói, nó nằm ở chỗ là, ta phải cương quyết dẹp bỏ lòng ganh tỵ đố kỵ với mọi người, mà ta phải thật tâm rộng mở cõi lòng để vui theo với những việc làm thiện sự của người khác. Như người đó có khả năng vượt trội hơn ta về mặt hành thiện vị tha chẳng hạn. Ví như, người đó phát tâm bố thí, cúng dường, công quả, đi chùa, tụng kinh, niệm Phật v.v...  mà ta chưa có khả năng làm được như họ, thì ta nên tùy hỷ với những việc làm của họ, thì Phật nói công đức của hai người hành thiện ngang nhau. Hạnh tùy hỷ mới nghe thì thấy dễ, nhưng khi thật hành thì mới thấy khó. Khó ở chỗ là lòng ta còn chất chứa quá nhiều tập khí ganh tỵ đố kỵ người khác. Và lòng tham lam tật đố của ta còn đầy ấp. Vì thế nên mới nói là khó tu hạnh nầy vậy. Tôi thành thật khuyên Phật tử nên cố gắng tu hạnh tùy hỷ công đức nầy.

Kính chúc Phật tử sẽ đạt được nhiều lợi lạc trong sự tu hành.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Tụng Kinh        Pháp Hoa        Thập Niệm        Công Đức       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật