Phật Học Vấn Đáp


Tam nghiệp cúng dường như thế nào?
Kính bạch thầy, trong kinh có nói đến Tam nghiệp cúng dường, nhưng con chưa hiểu Tam nghiệp cúng dường như thế nào? Kính mong thầy giải thích cho con hiểu. Cảm tạ ơn thầy.

8/1/2022 1:01:41 PM

Tam nghiệp là thân, khẩu, ý. Nói nghiệp là vì ba thứ nầy tạo thành nghiệp. Như đã nói, nghiệp là thói quen do lặp đi lặp lại nhiều lần mà thành. Thói quen thì có thói quen xấu và thói quen tốt. Thói quen tốt gọi là thiện nghiệp. Thói quen xấu gọi là ác nghiệp. Cúng dường có nghĩa là cung cấp (cúng đọc trại của chữ cung) và nuôi lớn (dường đọc trại của chữ dưỡng). Nuôi lớn cái gì? Tức nuôi lớn căn lành. Nói thân nghiệp cúng dường, có nghĩa là năm vóc (đầu mặt và tay chân) của thân thể gieo xuống đất để thành kính đảnh lễ Tam bảo. Thân phải giữ oai nghi tề chỉnh nghiêm trang không được trạo cử. Đây là nói lúc hành giả hành lễ trong khi lạy Phật thân phải đứng ngay ngắn hướng về Tam bảo mà chí thành đảnh lễ. Đồng thời, thân phải giữ ba điều cấm giới nghiêm tịnh: không sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nên dùng thân tạo các nghiệp lành. Đó gọi là dùng thân trang nghiêm cúng dường.

Còn nói khẩu nghiệp cúng dường có nghĩa là dùng lời hay tiếng đẹp để tán dương công đức Tam bảo. Trong khi lễ tụng ta không nên tụng niệm lớn tiếng làm áp đảo đại chúng. Ta phải lưu ý điều chỉnh âm thanh của mình để hòa âm cùng một cung bậc với đại chúng. Có người ỷ mình có âm thanh tốt tụng niệm lớn tiếng làm áp đảo tiếng của đại chúng, do đó đại chúng sanh lòng phiền thế là ta mang tội. Vì thế ta phải cẩn thận vấn đề nầy. Ngoài việc tụng niệm ra, khi giao tiếp với mọi người ta cũng phải nói lời hòa nhã êm dịu, luôn sử dụng ái ngữ trong khi hành xử. Đó là ta khéo biết dùng khẩu nghiệp cúng dường, nghĩa là làm cho căn lành của ta ngày tăng trưởng thêm lên.

Còn nói ý nghiệp cúng dường là trong khi lễ tụng tâm ý ta phải chú ý đến lời kinh tiếng kệ mà ta đang trì tụng. Tâm ta phải luôn thanh tịnh sáng suốt, không suy nghĩ lung tung. Đó là ta khéo biết dùng ý nghiệp cúng dường. Ngoài việc lễ tụng ra, ta hằng để tâm nhớ nghĩ đến sắc tướng trang nghiêm của chư Phật, Bồ tát, và nhớ nghĩ đến những pháp lành để hằng ngày dụng công tu tập phát triển hạnh lành hướng đời mình về đạo lý giác ngộ và giải thoát. Ta luôn nhiếp tâm thành ý để niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Được thế, thì mới thực sự là ý nghiệp cúng dường vậy.

Trích từ:  Một Trăm Câu Hỏi Phật Pháp Tập 3. Thượng Tọa Thích Phước Thái


Thẻ
Nghiệp        Thập Niệm        Cúng Dường       

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật