Trích ở bộ : “Truyền Đăng Lục” và “Đại Thừa Khởi Tín Luận”

Đại sĩ, người nước Tang Kỳ Đa thuộc Đông Thiên Trúc. Có bầy ngựa nghe tiếng Đại sĩ thuyết pháp là buồn cảm hí kêu, nên người thời ấy gọi Đại sĩ là Mã Minh Tôn giả.

Về dòng Tổ chánh truyền, bắt đầu từ ngài Ma Ha Ca Diếp là Tổ thứ nhứt, ngài A Nan Đà là Tổ thứ hai... thời Đại sĩ là Tổ thứ 12, đắc pháp nơi Tổ thứ 11, ngài Phú Na Dạ Xà Tôn giả.

Đại sĩ từng trứ tác bộ “Đại thừa Khởi Tín Luận”, y cứ nơi “chúng sanh tâm” mà hiển thị “Đại thừa nghĩa”. Tất cả pháp nhiễm ô sanh tử của phàm, và tất cả pháp thanh tịnh giải thoát của Thánh đều duy “tâm” tùy duyên tịnh hay nhiễm mà tạo thành. Mê “tâm”, thời khởi vô minh, phân biệt chấp kiến, rồi gây nghiệp mà chác lấy quả sanh tử khổ lụy. Ngộ “tâm”, thời dứt nghiệp phá chấp kiến, hết vô minh mà chứng đặng quả giải thoát an vui.

Chứng ngộ tự tâm, tín thật đó là tâm tánh của mình, vĩnh viễn không mê mờ quên lãng tự tâm bổn tánh ấy, đây gọi là bậc “tín tâm bất thoái” của Đại thừa. Đưa người đến bậc Đại thừa, tín tâm bất thoái là mục đích chủ chính của bộ “Đại thừa Khởi Tín Luận”.

Đến bậc “bất thoái” này, theo trong luận, phải là người đủ năng lực thiện căn huân tập, thâm tín nhơn quả, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, phát Bồ-đề tâm, đặng gặp chư Phật gần gũi cúng dường, tu Bồ Tát hạnh. Tu tập các hạnh như vậy đủ một vạn đại kiếp, tín tâm thành tựu chứng bậc bất thoái.

Nếu là người chưa đủ tất cả các điều kiện trên đây, thời là còn có thể bị thoái chuyển, nơi đạo Vô thượng chưa được bảo đảm.

Rốt sau, Đại sĩ có lời khuyên người nên cầu sanh Tịnh độ để được mau thành tựu tín tâm, chắc chắn trụ bậc “bất thoái”.

Đây là lời Đại sĩ khuyên :

“Chúng sanh vì ở Ta Bà thế giới này, tự sợ chẳng được thường gặp chư Phật để gần gũi cúng dường, e rằng tín tâm khó thành tựu được. Phải biết rằng Đức Thích Ca Như Lai của chúng ta có chỉ dạy một phương tiện siêu thắng để nhiếp hộ tín tâm. Tức là Đức Bổn Sư dạy chuyên tâm niệm Phật. Do vì chuyên tâm niệm Phật, nên tùy nguyện được sanh về Tịnh độ, thường gần bên Phật, vĩnh ly ác đạo. Như trong Kinh : Nếu người chuyên niệm Tây phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, bao nhiêu thiện căn công đức của mình tu tập đều hồi hướng nguyện cầu về thế giới ấy, thời bèn đặng vãng sanh. Khi được sanh về Cực Lạc Tịnh Độ rồi, vì thường được thấy Phật nên vĩnh viễn không còn bị thoái chuyển”.

Vì nhân duyên như vậy nên Đức Bổn Sư ta, nơi pháp hội Kỳ Viên thuyết Kinh A Di Đà, ba bốn phen cặn kẽ khuyên bảo mọi người nên đồng phát nguyện cầu sanh về Cực Lạc thế giới. Bổn Sư lại nói chúng sanh nào sanh về Cực Lạc thế giới đều là bậc “bất thoái chuyển”. “Cực Lạc thế giới, chúng sanh sanh giả giai thị A bệ bạt trí”([2]).

Về sau, Đại sĩ phó pháp cho Tổ thứ 13, Ca Tỳ Ma La Tôn giả, rồi nhập chánh định “Long phấn tấn Tam muội”, thân vọt bay lên hư không tròn sáng như mặt trời, giây lát trở về pháp tòa ngồi kiết già mà nhập diệt.

Theo lời người xưa, Đại sĩ là bậc Pháp thân địa thượng Bồ Tát.
 
Trích từ: Đường Về Cực Lạc
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Hương Quê Cực Lạc, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Long Thọ Bồ Tát
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Đại Thế Chí Bồ Tát Khai Thị Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Phổ Hiền Bồ Tát Khai Thị Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Đức Phổ Hiền Dạy Tu Niệm Phật Tam Muội
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Văn Thù Sư Lợi Dạy Tu Niệm Phật
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh