Sự quan trọng của ‘hòa’.

Luận Ngữ nói: ‘Cái dụng của Lễ, Hòa là quý’.  Lễ tức là quy phạm trong sanh hoạt hằng ngày.  Trong đời sống hằng ngày, xử sự, đối người, tiếp vật, quý nhất là Hòa.  Ngạn ngữ có câu: ‘Nhà hòa thuận thì vạn sự hưng vượng’.  Từ xưa đến nay vua chúa Trung Quốc thống trị quốc gia, dạy dỗ dân chúng đều dùng chữ Hòa.  Cơ sở của Hòa là Hiếu, Hiếu biểu hiện ở bên ngoài tức là Hòa, chẳng Hòa tức là chẳng Hiếu.  Cố cung ở Bắc Kinh, Trung Quốc là hoàng cung của ba triều Nguyên, Minh, Thanh, thời gian ba triều này kéo dài gần năm trăm năm.  Trong hoàng cung có ba kiến trúc chính, nhiều người gọi là ‘Ðiện Kim Loan’, thật ra tấm biển ngạch [treo trước điện] chẳng ghi Ðiện Kim Loan.  Ðiện lớn nhất gọi là ‘Thái Hòa Ðiện’, phía sau đó là ‘Trung Hòa Ðiện’, thứ ba là ‘Bảo Hòa Ðiện’.  Triều nhà Thanh dùng ‘Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa’ để trị thiên hạ cho nên có thể kéo dài hai trăm sáu mươi mấy năm.  Ðến đời sau cùng, nhà chẳng hòa dẫn đến vong quốc; nếu con cháu đều có thể giữ gìn được hòa mục thì [có lẽ] nhà Thanh còn kéo dài đến ngày nay.

Trong lịch sử Trung Quốc mỗi vị đế vương thành lập đất nước đều đề xướng hiếu đạo, hòa mục, nếu con cháu có thể giữ pháp tắc, quy chế của tổ tông, thì quốc gia sẽ vĩnh viễn chẳng suy thoái.  Ngược lại chẳng tuân thủ thành quy của tổ tông, anh chị em trong nhà, bạn bè thân thích chẳng hòa tức là dấu hiệu vong quốc.  Chỉ cần cục diện bất hòa sanh ra, chánh quyền tuyệt chẳng duy trì được đến năm mươi năm; nếu tranh chấp kịch liệt hơn thì đại khái mười năm, năm năm liền diệt vong.  Gia đình, quốc gia, cho đến bất cứ một đoàn thể nào trong thế gian và xuất thế gian đều như vậy.

Thế nào là người chân chánh tu đạo?  Hòa tức là tu đạo, chẳng Hòa thì không có đạo gì để nói hết.  Nếu tứ chúng đệ tử tuân giữ thành pháp, quy củ do Phật chế định thì Phật pháp sẽ trụ lâu dài trong thế gian, pháp duyên thù thắng, chúng sanh có phước.  Nếu người xuất gia mặc trên người bộ đồ này, ở trong Tăng đoàn chẳng hòa hợp tức là phá hoại Tăng đoàn, quả báo sẽ ở tại địa ngục A Tỳ.  Người xuất gia tu hành tốt, có thể thành Phật, thành Bồ Tát, thành tựu sẽ là cao nhất; nếu tu không tốt thì đọa lạc sẽ tới chỗ thấp nhất.  Người xuất gia làm một người ‘lão hảo nhân’ có thể thành tựu hay không?  Chẳng thể thành tựu, lão hảo nhân là kẻ đạo đức giả (nghĩa là kẻ giả nhân giả nghĩa), không những không thể duy trì hình tượng của Phật pháp, ngược lại còn bại hoại, phá hoại hình tượng của Phật pháp, tội nghiệp ấy vô lượng vô biên.

b.Tư cách xuất gia thời xưa

Hiện nay người xuất gia chẳng bằng lúc trước, lúc trước xuất gia đâu có dễ dàng như vậy!  Mặc lên chiếc áo người xuất gia thì vua chúa nhìn thấy cũng phải chắp tay xá một cái, đó là tôn kính đạo đức, học vấn, đức hạnh của bạn, [vì] bạn là ‘thầy của trời và người’, ngôn hạnh cử chỉ đều là tấm gương cho người và trời.  Thế nên thời cổ đại xuất gia phải thông qua sự khảo thí của nhà vua, thi đậu rồi mới được phát văn bằng, gọi là ‘độ điệp’.  Sau khi thi đậu lấy được ‘độ điệp’, bạn có duyên với đạo tràng nào, pháp sư nào thì đến đó để xuất gia.  Nếu bạn chẳng có ‘độ điệp’ mà họ cạo đầu cho bạn thì là phạm pháp, phải chịu pháp luật quốc gia trừng trị.

Tiến Sĩ là đẳng cấp cao nhất của sự thi cử trong nước, đây là tiêu chuẩn học thuật phổ thông, tương đương với cấp bằng Bác Sĩ (Tiến Sĩ, PhD) trong trường học hiện nay.  Người xuất gia trong học thuật phổ thông đậu văn bằng Tiến Sĩ, rồi thi cử về Phật pháp, sau đó mới khảo đức hạnh, cả ba đều phải đậu hết mới được phát ‘độ điệp’.  Nếu chế độ [hiện nay vẫn giống] như thời xưa, có lẽ chúng ta sẽ chẳng có tư cách xuất gia.  Nhưng sau này chế độ ấy bị Thuận Trị hoàng đế nhà Thanh phế bỏ.  Ấn Quang pháp sư trong Văn Sao có đề cập đến vấn đề này nhiều lần, đều vô cùng cảm khái, thương tiếc!  Cách làm này của vua Thuận Trị sai lầm, làm cho Phật pháp suy bại đến như vậy, lọt xuống [đáy sâu] tận ngàn trượng.  Vua Thuận Trị cho rằng xuất gia là một việc tốt, đáng được tôn kính, đề xướng, chẳng nên hạn chế một cách nghiêm khắc.  Ðương lúc đó đích thật là việc tốt, làm cho những người có trình độ kém một chút cũng có thể xuất gia, nhưng ông ta chẳng nghĩ đến ba trăm năm sau, Phật giáo vì vậy đã bị hủy diệt, ông ta phải chịu trách nhiệm này.

c. Tam Phước và Lục Hòa

Ðức Phật dạy chúng ta tu hành, cơ sở chính là Tịnh Nghiệp Tam Phước và Lục Hòa Kính.  Tịnh Nghiệp Tam Phước là để tự mình tu tập, Lục Hòa Kính là dùng để chung sống hòa đồng với đại chúng.  Giống như việc xây nhà, đây là nền móng, nếu không có nền móng thì những việc khác chẳng cần nói nữa.  Ðiều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước: ‘Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết hại, tu thập thiện nghiệp’, phải làm hết lòng, đây là phước báo nhân thiên.  Học Phật thì trước tiên phải làm người cho hoàn hảo, nếu người còn làm chẳng nổi thì làm sao có thể thành Phật, làm Tổ?  Thế nên chúng ta ngày nay khuyên người chẳng nói đến lý luận cao siêu, chỉ khuyên người tu tam quy, ngũ giới, thập thiện.  Nếu có thể làm theo tam quy, ngũ giới, thập thiện được hoàn hảo thì người này là thánh nhân hiện đại.

Trong Tam Quy Y, thứ nhất là Giác chứ chẳng mê, thứ nhì là Chánh chứ chẳng tà, thứ ba là Tịnh chứ chẳng nhiễm.  Quy tức là quay về, y tức là nương dựa.  Khi chúng ta khởi tâm động niệm, làm chuyện gì cũng đều tương ứng với Giác - Chánh -Tịnh, đó là quy y chân chánh.  Nếu không tương ứng thì chẳng có quy y, chẳng quay về, vẫn còn mê, tà, nhiễm.  Hành vi sinh hoạt, xử sự, đãi người, tiếp vật phải nương theo ngũ giới, thập thiện.  Thực hiện ngũ giới, thập thiện vào trong đời sống, biến thành hành vi sinh hoạt cụ thể, như vậy mới là học Phật.  Phật pháp được xây dựng trên cơ sở của Phước thứ nhất này, sau đó mới ‘Thọ trì tam quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi’; lại nâng cao lên trên ‘Phát Bồ Ðề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Ðại Thừa, khuyến tấn hành giả’, như thế là Phật pháp.

Phật dạy chúng ta khi tiếp xúc với đại chúng phải y theo Lục Hòa.  Thứ nhất ‘Kiến hòa đồng giải’ là căn bản.  Tức là xây dựng phương thức chung, cách suy nghĩ và cách nhìn của mọi người đều như nhau, vấn đề sẽ được giải quyết.  Ðức Phật có trí huệ chân thật, cứu cánh, viên mãn, đức Phật dạy chúng ta ‘Kiến hòa đồng giải’, hoàn toàn buông bỏ thành kiến của mình, như vậy thì sẽ Hòa.  Ðức Phật chẳng nói: ‘Tri kiến của ta mới đúng, tri kiến của quý vị đều sai lầm, đều phải theo ta’.  Ðức Phật chưa từng ‘xỏ mũi người ta dắt đi’, Phật dạy chúng ta hoàn toàn buông xuống hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đây là chánh tri chánh kiến.  Chỉ cần tự mình còn tri kiến thì đó đều là tà tri tà kiến.  Mọi người đều chẳng có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì thiên hạ sẽ thái bình.

Ðức Phật giảng kinh thuyết pháp suốt bốn mươi chín năm, Ngài có tri kiến hay chăng?  Chẳng có.  Kinh Kim Cang nói: ‘Ðức Phật chẳng nói một câu pháp’ vì những gì Phật nói đều là chân tướng sự thật, tuyệt đối chẳng xen vào một ý kiến riêng của mình, thế nên mới nói: ‘chẳng nói mà nói, nói mà chẳng nói’.  Tự mình chẳng có ý tứ, đó là chẳng nói, những gì nói ra đều là chân tướng sự thật.  Khi thấy chúng sanh làm sai lầm thì nói với họ: ‘Việc này sai rồi, tương lai sẽ có quả báo’, đó là giảng sự thật.  Bởi vậy nên nếu ai nói Phật thuyết pháp tức là báng Phật.

d. Cảnh duyên chẳng tốt xấu, tốt xấu ở nơi tâm

Vào đời Ðường, Mã Tổ Ðạo Nhất hòa thượng và Bách Trượng đại sư là Tổ thứ tám của Thiền Tông, phát khởi việc xây dựng tòng lâm, đề xướng cộng tu (cùng nhau tu tập).  Xây dựng tòng lâm nói theo cách nói hiện nay tức là xây dựng đại học Phật giáo, thành lập chế độ cho việc tu học Phật pháp, đây là đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc.  Ðiều thứ nhất trong Bách Trượng Thanh Quy: ‘Tòng lâm lấy việc ‘vô sự’ làm hưng vượng’.  Chẳng có sự việc mới là hưng vượng, có sự việc thì chẳng hưng vượng.  Chuyện phiền toái của chúng ta ngày nay là hai con mắt chuyên nhìn thấy lỗi lầm của người khác, chẳng biết hồi quang phản chiếu nơi mình.  Ngẫu Ích đại sư dạy: ‘Cảnh duyên chẳng tốt xấu, tốt xấu ở nơi tâm’.  Cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự; hết thảy những người, sự, vật ở bên ngoài chẳng có thiện - ác, tốt - xấu; tốt - xấu ở tại tâm mình.  Nếu bạn dùng ác tâm nhìn thì người bên ngoài đều là người ác, dùng ác tâm nhìn thì sự việc bên ngoài đều là việc xấu, cho nên xấu là do mình xấu, chẳng phải là bên ngoài xấu.

Phật coi hết thảy chúng sanh đều là Phật; Bồ Tát coi hết thảy chúng sanh đều là Bồ Tát; người thiện coi thết thảy chúng sanh đều là người thiện, người ác coi hết thảy chúng sanh đều là người ác.  Mọi người hãy phản tỉnh xem mình rốt cuộc là thiện hay ác, là phàm hay thánh, là mê hay ngộ.  Vô lượng vô biên tội nghiệp, lỗi lầm của mình đều chẳng biết, đều phản ứng ở bên ngoài; bạn nhìn thấy tình huống bên ngoài thực tế đều là phản ứng từ tâm thái của mình, bên ngoài thật sự là trung lập.  Cách nói này của Ngẫu Ích đại sư, đức Phật trong kinh nói đến rất nhiều; Phật dạy y báo, chánh báo trang nghiêm trong thập pháp giới đều là ‘duy tâm hiện, duy thức biến’.  Thế nên Phật nhìn hết thảy chúng sanh đều là Phật, chúng sanh ở địa ngục cũng là Phật, đối với chúng sanh ở địa ngục, Phật cũng cung kính, cũng chẳng dám coi thường.  Phổ Hiền Bồ Tát Thập Nguyện dạy chúng ta phải ‘Lễ kính chư Phật’, đối với chúng sanh ở địa ngục và yêu ma quỷ quái cũng đều cung kính, đều niệm ‘Nam mô’, Nam mô nghĩa là quy y, lễ kính.  Ðây là chân tướng sự thật.

e. Tầm quan trọng của việc nghe kinh

Năm xưa, Thiên Ất pháp sư ở Cao Hùng nêu ra một câu hỏi: ‘Tại sao đạo tràng hiện nay khó quản lý như vậy?  Tôi dùng hảo tâm, ý tốt để đối xử với đại chúng, đại chúng lại vong ân bội nghĩa?’.  Tôi chỉ nói với pháp sư một câu: ‘Ðó là vì đạo tràng chẳng có Ðạo’.  Ðạo tức là mỗi ngày đều phải giảng kinh.  Lúc trước người học trò mỗi ngày đều phải đọc sách; ba ngày chẳng đọc sách thì mặt mũi mất hết, vì thói quen tập khí từ vô thỉ kiếp đều khơi dậy.  Mỗi ngày nghe kinh là mỗi ngày đè nén phiền não tập khí của mình; một ngày không nghe kinh thì thói quen đều khơi dậy.  Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni chưa từng hướng dẫn đại chúng niệm Phật, tham thiền, Ngài giảng kinh thuyết pháp mỗi ngày, còn tu hành là ở nơi mỗi cá nhân.  Lúc trước trong đạo tràng có ‘Hai thời giảng kinh’, hai thời là đơn vị thời gian của Ấn Ðộ, Ấn Ðộ chia một ngày đêm thành sáu thời, ngày ba thời, đêm ba thời, cho nên hai thời ở Ấn Ðộ là tám tiếng đồng hồ hiện nay.  Mỗi ngày tám giờ liên tục nghe đức Phật giảng kinh thuyết pháp, tự mình dần dần sẽ minh bạch, khai ngộ.  Ngày nay đạo tràng chẳng giảng kinh, ai cũng nghĩ ngợi lung tung thì đạo tràng làm sao có thể hòa mục cho được?

Hiện nay pháp sư giảng kinh ít, phương pháp bù đắp là dùng băng thâu hình, thâu âm để nghe kinh, đây là phương pháp cứu cấp.  Bốn chúng đồng tu đều phải nghe kinh, tuyệt chẳng thể gián đoạn, cũng giống như học trò vào trường học, mỗi ngày nghe kinh hai giờ đồng hồ, nghe như vậy không gián đoạn trong vòng hai ba năm thì sẽ biến đổi thể chất.  Nếu chẳng nghe kinh, chẳng nghiên giáo, học Phật ba mươi năm, năm mươi năm vẫn là phàm phu, mỗi ngày đều làm những chuyện thị phi, nhân ngã, tạo tội nghiệp tam đồ.  Tôi là một phàm phu, lúc trẻ tuổi cũng nhìn thấy chỗ sai xấu của người khác, hiện nay tôi nhìn ai cũng là Phật, Bồ Tát.  Cảnh giới này làm sao chuyển biến được?  Là do bốn mươi năm giảng kinh, đọc kinh chẳng gián đoạn, đây là kinh nghiệm của tôi.  Lúc tôi chẳng giảng kinh thì mỗi ngày đều đọc kinh, chẳng có ngày nào buông lỏng, việc này có thể nói để quý vị rút kinh nghiệm.  Thế nên nhất định phải đọc kinh, nghe kinh, phải hết lòng thực hiện Tam Phước, Lục Hòa.

Thiền Tông lục Tổ Huệ Năng đại sư dạy: ‘Nếu là người tu đạo chân chánh, chẳng nhìn lỗi của thế gian’, đây là một câu rất quan trọng, có thể giúp cho chúng ta tu hành thành tựu.  Người chân chánh tu đạo chẳng nhìn lỗi lầm của người khác trong thế gian, chỉ nhìn lỗi lầm của mình.  Nếu bạn chẳng nhìn lỗi của mình, chuyên nhìn lỗi kẻ khác thì nhất định sẽ đọa tam đồ, khẳng định chắc chắn một trăm phần trăm.
 
Trích từ: Ý Nghĩa chân thật của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Học Tinh Hoa, Hòa Thượng Thích Đức Nhuận Tải Về
2 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
3 Phật Học Vấn Đáp, Thượng Tọa Thích Đức Trí Tải Về
4 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
5 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
6 Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật, Cư Sĩ Diệu Âm Tải Về
7 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
8 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
9 Khuyên Tu Pháp Môn Niệm Phật, Thích Nguyên Anh Tải Về
10 Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
11 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
12 Phật Học Tinh Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
14 Đường Vào Ánh Sáng Đạo Phật, Cư Sĩ Tịnh Mặc Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về

Lục Hòa
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Lục Hòa Kính
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Lục Độ Vạn Hạnh
Thượng Tọa Thích Trí Siêu