Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Y-Nghia-Ghi-Chat-An-Kin-Trong-Chu-Tu-Chet

Ý Nghĩa Ghi Chặt Ẩn Kín Trong Chữ Tử Chết
Pháp Sư Thích Tự Liễu | Dịch Giả :Cư Sĩ Bích Ngọc

Chúng ta nghe câu chuyện về người thợ vá nồi, một câu Phật hiệu niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ xong lại tiếp tục niệm. Chúng ta rất ngưỡng mộ, rất muốn học theo và bắt chước ông ta, người xưa miêu tả

“Bách bát luân châu lục tự kinh, tiêu ma tuế nguyệt độ quang âm”    

Trăm lẻ tám hạt châu [dùi mài câu] kinh sáu chữ,
Tiêu mòn ngày tháng [chẳng uổng] thời gian trôi qua).

Nhưng lúc thật sự làm chuyện này, chúng ta làm chẳng nổi. Lúc vừa khởi đầu thì rất tinh tấn, dần dần trở nên giải đãi. Giải đãi, cứ thường giải đãi, cuối cùng thất bại không phấn chấn khắc phục được nữa. Đối với chuyện thường giải đãi, Ấn Quang đại sư có dạy:

“Lý do quý vị giải đãi vì chẳng suy xét cho kỹ sự khổ trong tương lai, nếu có thể cân nhắc và suy xét cho kỹ sẽ chẳng đến nỗi giải đãi hoài”,

Đó là vì tâm sanh tử chẳng tha thiết, chẳng suy xét cho kỹ, nếu chẳng vãng sanh, sự thống khổ đời sau khi đọa vào ba đường ác [sẽ dễ sợ vô cùng]. Do vậy Ấn Quang đại sư dạy cho chúng ta bí quyết niệm Phật: dán một chữ Chết trên trán.

Chữ Chết này có ý nghĩa ẩn kín vô cùng sâu sắc. Người xưa có câu “Chưa thấy quan tài chưa rơi lệ”. Người đời nay nhìn thấy quan tài cũng không rơi lệ, chẳng sợ chết, chẳng sợ luân hồi. Đồng tu chúng ta thường đi trợ niệm cho người ta, nhìn thấy tình huống đau khổ của người sắp lâm chung, thường có tâm cảnh giác, âm thầm hạ quyết tâm 'lần này về nhà tôi nhất định sẽ buông xuống vạn duyên, niệm Phật đàng hoàng'. Nhưng rồi qua vài hôm sau tật cũ cứ hiện ra, đáng nên bận rộn những chuyện không đâu thì vẫn bận rộn những chuyện ấy. Kết quả ra sao? Chết đi đáng luân hồi như thế nào thì vẫn luân hồi như thế ấy. Do vậy tổ sư dạy chúng ta dùng chữ "Chết" này để tự nhắc nhở chính mình sanh tử là chuyện lớn. Lão nhân gia dạy chúng ta ngắn gọn như sau:

"Muốn tâm chẳng tham đắm chuyện bên ngoài, hãy chuyên niệm Phật. Chẳng thể chuyên, phải bắt nó chuyên. Niệm không được, phải ép cho nó niệm được. Không thể nhất tâm, ép cho nó nhất tâm... Cũng chẳng có phương pháp gì đặc biệt. Chỉ lấy một chữ "Chết" dán lên trán, dán rủ lên mi. Trong tâm thường nghĩ 'Chúng ta từ vô thỉ kiếp cho đến nay, tạo ra các ác nghiệp vô lượng vô biên. Giả sử ác nghiệp đó có thể tướng, mười phương hư không cũng chẳng thể dung chứa. May mắn làm sao, đời này được thân người, lại được nghe Phật pháp, nếu không nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây phương, khi một hơi thở ra không hít vào được nữa, nhất định sẽ rơi vào lò than, vạc dầu, rừng kiếm, núi đao trong địa ngục chịu khổ chẳng biết trải qua bao nhiêu kiếp. Lúc ra khỏi địa ngục rồi lại phải đọa vào cõi ngạ quỷ, bụng to như biển, cổ họng nhỏ như kim, đói khát nhiều kiếp, cổ họng thiêu đốt, chẳng nghe đến danh từ 'tương hay nước', hiếm có khi nào được no lòng. Từ cõi ngạ quỷ thoát ra lại phải làm súc sanh, để cho người ta cỡi hoặc cho người ta nấu nướng. Dù cho có được thân người cũng ngu si, vô tri, chỉ biết tạo nghiệp, chẳng biết tu thiện, chẳng được mấy mươi năm lại phải đọa lạc trở lại. Trải qua số kiếp nhiều như cát bụi, luân hồi trong lục đạo. Tuy muốn thoát lìa nhưng không thể được'.

Nếu có thể nghĩ như vậy, những gì mong cầu nói trên liền có thể được"
 
Trích từ: Tâm Sanh Tử Không Tha Thiết
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ