Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Coi-Cuc-Lac-Khong-Co-Nhung-Su-Kho

Cõi Cực Lạc Không Có Những Sự Khổ
Đại Sư Hoài Cảm | Dịch Giả :Hòa Thượng Thích Pháp Chánh

Hỏi: Cõi Cực Lạc không có những sự khổ. Không biết trong ba khổ, tám khổ, cõi Cực Lạc không có những khổ nào?

Đáp: Theo các bộ phái Tiểu thừa, như Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, v.v…, thân Phật vẫn còn đầy đủ ba khổ, trong tám khổ vẫn còn năm khổ (sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ), chỉ có ba điều không khổ là ái biệt ly, oán tắng hội và cầu bất đắc, bởi vì thân Như Lai, mười lăm giới là hữu lậu (năm căn, năm trần và năm thức), còn ba giới kia thông cả hữu lậu và vô lậu (ý giới, pháp giới và ý thức giới). Vì là thân hữu lậu nên có năm khổ, nhưng đã đoạn tham sân si, nên không có ba khổ còn lại, bởi vì ái biệt ly khổ là phiền não ái (si), oán tắng hội khổ là phiền não sân, cầu bất đắc khổ là phiền não tham. Đức Phật tuy thương xót dòng họ Thích bị thái tử Lưu Ly tru diệt, nhưng ngài không có ái biệt ly khổ; tuy bị Đề Bà Đạt Đa làm cho chảy máu, bị con gái Bà la môn vu khống, bị đặt bẩy hầm lửa, bị bỏ thuốc độc vào cơm, bị nhiều kẻ oán địch cấu kết mưu hại, nhưng ngài không có oán tắng hội khổ; tuy đi khất thực ôm bát trống về, gặp lúc đói khát, không người bố thí, gặp những trường hợp như vậy, ngài không có cầu bất đắc khổ. Phật pháp Đại thừa cho rằng thân Phật, năm uẩn, mười hai xứ (nhập), mười tám giới đều là vô lậu. 

Kinh Niết Bàn nói: “Chư Phật tôn pháp làm thầy, vì pháp thường trụ, chư Phật cũng thường trụ.” Lại nói: “Xả sắc vô thường, được sắc thường trụ. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.”

Kinh Duy Ma Cật nói: “Thân Phật vô lậu, các lậu đã diệt tận.” Tương tự, các kinh điển Đại thừa đều cho rằng thân Phật là vô lậu. Ba khổ, tám khổ đều là pháp hữu lậu, cho nên thân Phật không còn thọ các khổ. Từ Bồ tát thập địa trở xuống đến giai vị phàm phu, có hai cách giải thích.

(1) Trong ba khổ có hành khổ, hoại khổ. Trong tám khổ có một khổ, nghĩa là ngũ ấm xí thạnh khổ. Vì các Bồ tát thập địa trở xuống vẫn còn thọ thân hữu lậu biến dịch hoặc phần đoạn. Lại nữa, sự biến hóa thay đổi là hành khổ; các sự vui hữu lậu, lúc sanh thì lạc, lúc trụ là lạc, còn lúc hoại là khổ, cho nên có hoại khổ. Những vị ấy không có sự bức bách ưu khổ của thân tâm nên không có khổ khổ. Lúc mới thọ thân, tuy gọi là sanh, nhưng không có các khổ nương vào, vả lại không có sự bức bách của bào thai, nên không có sanh khổ; thọ mạng dài lâu vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, dù là phàm phu cũng nhập vào biến dịch sanh tử, rốt ráo thành Phật, nên không có tử khổ, sau đó xả thân (chết) ở cõi Tịnh, nguyện sanh vào cõi uế, cứu độ chúng sanh, tuy cũng là chết, nhưng không có khổ, đây là vì đem tâm ưa thích, nguyện xả báo thân, tu hạnh từ bi. Còn thân năm uẩn là do phiền não sanh ra, thể chất là hữu lậu, tức là năm ấm xí thạnh khổ. Ở cõi Tịnh độ, bốn đại an ổn, không có bệnh khổ, hình hài không suy tổn, không có lão khổ, cùng chư vị thiện tri thức tập hợp, không có oán tắng hội khổ, các duyên đều đầy đủ, không có cầu bất đắc khổ.

(2) Ở cõi Cực Lạc, tám khổ cũng giống như vừa nêu trên. Còn trong ba khổ, chỉ có hành khổ, bởi vì vẫn còn thọ thân phần đoạn, biến dịch. Chúng sanh chỉ thọ sự vui sướng thanh tịnh, thường hằng không gián đoạn, rốt ráo chứng đắc sự vui tịch diệt, tuy sự vui sướng đôi lúc tạm ngừng, nhưng không lấy làm khổ, nên không có hoại khổ. Cho nên nói cõi Cực Lạc không có sự khổ là nói không có khổ khổ và hoại khổ.

Trích từ: Thích Tịnh Độ Quần Nghi Luận
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tịnh Độ Thập Nghi Luận, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm Tải Về

Khổ Đế
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Vòng Khổ
Ni Sư Thích Nữ Giới Hương

Oán Khổ
Pháp Sư Đạo Thế

Bát Khổ
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Nguyên Nhân Của Đau Khổ
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa

Quán Thọ Thị Khổ
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa