Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Lam-Sao-Ma-Chung-Duoc-Dia-Vi-Bat-Thoai...?

Làm Sao Mà Chứng Được Địa Vị Bất Thoái...?
Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Kinh Đại vô lượng thọ(34) ghi: Người vãng sanh về Tịnh độ sẽ trụ trong chánh định tụ(35). Kinh Di-đà cũng ghi: Chúng sanh vãng sanh về quốc độ Cực Lạc ai nấy đều chứng A-bệ-bạt-trí(36).

Hỏi: Phàm luận về địa vị bất thoái thì phải nói đến công phu tu tập đã trải qua vạn kiếp. Nay người niệm Phật trong một đời, cho đến khi lâm chung chỉ cần mười niệm, đều được Phật Di-đà tiếp dẫn vãng sanh thì làm sao mà chứng được địa vị bất thoái? Xét về công phu tu tập có quá nhiều sai biệt, nếu không muốn nói là bất hợp lý.

Đáp:

Bất thoái và chánh định, tên gọi khác nhau mà đồng một nghĩa. Người tu hành, phàm có hai hạng. Một là ở uế độ, hai là ở Tịnh độ. Uế độ tu nhân phải qua nhiều kiếp, Tịnh phương khởi hạnh tự có nhiều đường.

Nay xin nói rõ hai chữ bất thoái. Theo luận

Thập trụ Tỳ-bà-sa(37), bất thoái có bốn loại:

1, Vị bất thoái: Tức trải qua vạn kiếp tu nhân, ý nói đã thành tựu duy thức quán, không còn bị thoái lui và đọa lạc vào đường ác khiến bị lưu chuyển sanh tử.

2, Hạnh bất thoái: Đây là hạng người đã chứng sơ địa, thành tựu chân duy thức quán, xả tâm nhị thừa, ở nơi hạnh lợi tha mà đắc được bất thoái.

3, Niệm bất thoái: Khi đã vào Bát địa, đạt được Vô công dụng trí(38), dù ở trong cảnh tĩnh hay động đều được tự tại, không còn niệm thoái chuyển.

4, Xứ bất thoái: Địa vị này dù chưa có kinh văn nào nói đến, nhưng tôi suy nghiệm từ lý kinh mà thành lập. Vì sao? Trong luận Bà-sa(39) có nói, người ở Dục giới chứng đắc quả A-la-hán, khi gặp

5 cảnh duyên chướng ngại cũng có thể khiến đạo tâm thoái thất, đánh mất thánh quả(40). Trên bước đường tu đạo có biết bao phiền não, đường xa lại mang nhiều bệnh. Có người ưa tụng đọc kinh điển, có người ưa tranh luận với nhau, có người ưa lo việc của Tăng… Nếu như ở cõi trời mà chứng quả, không gặp các duyên chướng ngại, thì có thể chứng được quả vị bất thoái, nhập vào niết- bàn vô dư. Người tu tịnh nghiệp cũng như vậy. Ba quả vị bất thoái nêu trước, chẳng có phần của mình, nếu như trôi lăn trong sanh tử ở cõi Ta-bà, ở mãi trong cõi này, thì sẽ bị đắm nhiễm mà thôi.

5 chướng duyên khiến cho thoái thất là: 1, thọ mạng ngắn ngủi lại thêm nhiều bệnh; 2, bạn xấu quá nhiều, thường hay quyến rủ làm việc xằng bậy, phá hoại tâm thanh tịnh; 3, ngoại đạo tà giáo quá nhiều khiến đảo lộn đúng sai; 4, sáu cảnh sáu trần luôn khuấy động tịnh tâm; 5, không được thấy Phật, chẳng gặp Thánh chúng. Nếu như ở mãi ở thế giới Ta-bà sẽ gặp phải 5 chướng duyên này, rất là khó tu. Còn nếu như vãng sanh về Tịnh độ thì sẽ gặp được 5 thắng duyên hỗ trợ tu học, đó là: 1, thọ mạng lâu dài lại không bệnh hoạn; 2, bạn tốt xum vầy khuyên nhau tu học; 3, thuần một chánh pháp chẳng có ngoại đạo; 4, chỉ có cảnh giới thanh tịnh, hoàn toàn vô nhiễm; 5, thường được thấy Phật cùng với Thánh chúng. Do nhờ có được 5 thắng duyên này nên chi không còn bị thoái thất. Căn cứ các địa vị bất thoái, thì không có vị nào có tốt hơn địa vị thứ tư này. Bởi ở đây, cõi giới thù thắng, duyên lành rất mạnh, lại không còn bị thoái chuyển. Thí như có một người xấu, thường làm chuyện bất thiện, bấy giờ gặp một người rất tốt, thương tình và khuyến khích tuyệt giao với những hoàn cảnh xấu, thường theo bạn tốt, dần dần người xấu kia cũng đi đến chỗ không còn gây tạo lỗi lầm nữa. Đó là cái thắng duyên của xứ bất thoái vậy!
_________
Chú Thích

34. Đại vô lượng thọ kinh, 大無量壽經, tức Vô lượng thọ kinh (S.aparimitāyur-sūtra), lược gọi là Đại kinh, 2 quyển, do Khương Tăng Khải (S. Saṃghavarman) dịch vào đời Tào Ngụy, niên hiệu Gia Bình thứ 4 (252), ĐTK/ĐCTT 12, số 360.

35. Chánh định tụ (S. samyaktva-niyata-rāśi): một trong ba tụ, còn gọi là Chánh tánh định tụ, Chánh định, chỉ cho người chắc chắn được chứng ngộ trong số chúng sanh.

36. A-bệ-bạt-trí (S. avinivartanīya): không còn thoái lui.

37. Luận Thập trụ Tỳ-bà-sa (S. Daśabhūmika-vibhāṣā-śāstra): 17 quyển, Bồ-tát Long Thọ tạo, Cưu-ma-la-thập dịch, ĐTK/ĐCTT 26, số 1521.

38. Vô công dụng trí: Bồ tát ở địa vị thứ 8 trở lên, không phải nhờ cái công gia dụng, tự nhiên khế hợp với trí chân tánh.

39. Luận Bà-sa, tức luận Đại Tỳ-bà-sa (Abhidharma-mahāvibhāṣā-śa- stra), 200 quyển, do 500 vị Đại A-la-hán ở Bắc Ấn Độ biên soạn, Huyền Trang dịch vào đời Đường, còn gọi là A-tỳ-đạt-ma Đại Tỳ-bà-sa luận, hoặc gọi tắt là Bà-sa luận, ĐTK/ĐCTT 27, số 1545.

40. Luận Bà-sa, quyển thứ 7 có nói đến 6 hạng A-la-hán, 5 hạng đầu đều có thể thoái thất, đánh mất thánh quả, duy chỉ có hạng sau cùng là không còn bị thoát thất nữa. Luận Câu-xá cũng nói như vậy. Quang Ký dẫn luận Đại Tỳ-bà-sa, quyển thứ 60, với cùng một lời văn như trong luận này. Tuy nhiên, trong khi khảo cứu lại các luận trên thì chưa tìm được văn bản làm bằng. Có thể do các ngài lấy ý mà nêu ra thôi!

Trích từ: Tây Phương Yếu Quyết
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Hộ Niệm Vãng Sanh Tây Phương, Liên Xã Đài Trung Tải Về
2 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Tây Phương Hợp Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
4 Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy, Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng Tải Về
5 Tây Phương Hiệp Luận, Sa Môn Thích Trí Thông Tải Về
6 Tây Phương Xác Chỉ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về