Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Nguoi-Tao-Dung-Vo-Luong-Chua-Thap-Cung-Chang-Bang-Nguoi-Trong-Mot-Thoi-Gian-Ngan-Giu-Tam-Tinh-Lu

Người Tạo Dựng Vô Lượng Chùa Tháp Cũng Chẳng Bằng Người Trong Một Thời Gian Ngắn Giữ Tâm Tĩnh Lự
Đại Từ Ân tự Sa Môn Khuy Cơ | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Kinh Tối thắng diệu định(23) ghi: Người tạo dựng vô lượng chùa tháp, cũng chẳng bằng người trong một thời gian ngắn giữ tâm tĩnh lự. Lại nữa, trong các bộ kinh Đại thừa luôn nói đến cái lý vô sanh, khuyên người học đạo phải tu huệ.

Hỏi: Căn cứ các kinh nói trên, thì Phật khen ngợi pháp vô sanh. Trong tất cả các hạnh nghiệp, vô sanh là pháp đặc biệt tối thắng hơn hết. Vậy mà kinh Di-đà và các kinh khác của Tịnh độ lại khuyên người nguyện về Tây phương, chán ghét thế giới Ta-bà, nguyện sanh Tịnh độ. Nhưng sanh là gốc của tai họa, gốc sanh mà hết thì tai họa không còn. Nay pháp môn Tịnh độ dạy người ta bỏ sanh đây cầu sanh bên kia, nghĩa là làm cho thêm lớn cái gốc tai họa. Sao chẳng cầu lấy pháp vô sanh để ngộ lấy pháp thân? Niệm Phật là cầu Phật qua âm thanh sắc tướng, tức là chẳng hiểu được cái nhân của sanh. Giả sử được sanh Tịnh độ, thì ở đó có gì tốt đẹp hơn đây? Chỉ cần quán pháp vô sanh thì cách Phật không xa, vì tâm đây chính là Phật, đâu cần tìm cầu chỗ khác?

Đáp:

Đức Phật tuỳ duyên mà thuyết pháp, cốt là để lợi sanh. Giáo pháp sở dĩ bất đồng là bởi căn khí trình độ chúng sanh có cao thấp sai biệt. Nay nói về căn khí, lược có hai ý. Một là nghiệp dày, hai là hạnh mỏng. Những kẻ nghiệp (thiện) dày có thể học pháp vô sanh, những người hạnh mỏng phải cầu sanh Tịnh độ.

Luận về sự tạo nghiệp, phàm có hai điều. Một là tạo nghiệp trở lại, hai là tạo nghiệp xuất ly. Nghiệp trở lại có nghĩa là, tuy có học Phật pháp, nhưng chỉ học vì danh vì lợi, chứ chẳng phải học vì sợ sự nguy hiểm của sanh tử ở tương lai, tham cầu hiểu biết để rồi chấp nhân chấp ngã, tự cao tự đại, cho mình hơn người, mình đúng người sai, không giữ gìn ba nghiệp, miệng nói vô tướng nhưng lại chấp tướng còn hơn ai hết, như lửa cháy bừng bừng, đặt bày học pháp vô sanh nhưng thực chất là làm trò kỹ nghệ; thấy người khác niệm Phật liền nổi sân oán ghét, chê bai, đến nỗi khiến cho người mới tu hành ôm lòng thối thất; miệng nói diệu dược nhưng lại sợ chẳng dám uống, ngược lại đi uống những thứ độc dược khiến bệnh thêm nặng. Tâm này chính là nghiệp. Một khi tâm đã đi rong, tâm đã không chân thật, chưa thể thấy và giữ được tâm, vậy mà tự cho rằng mình đã liễu giải, nhưng kiểm điểm lại thì chẳng có gì, thế rồi bất giác tuyệt mạng, lại trầm luân trong sanh tử, xun xoe chịu khổ. Giải thoát đâu chưa thấy, đã thấy trở lại trong sáu nẻo, ba đường rồi!

Bây giờ nói đến nghiệp xuất ly, lại có hai cửa, một là vô sanh, hai là hữu tướng.

Người chứng được vô sanh thì giữ lấy cái tâm tĩnh lự để phân biệt rõ ràng các duyên bên ngoài; hai tướng có không đều khéo biết thủ xả, giữ tâm không xao động, không vướng hai bên, miệng nói tâm hành, tuỳ việc kiểm soát, dù gặp cảnh thuận hay nghịch, tâm vẫn giữ được quân bình, giả dụ như than lửa có đổ vào miệng bắt phải nhai nuốt, lòng vẫn ung dung, chẳng hề ta thán, ăn than uống lửa cũng chẳng khác ăn cơm; đối với mọi cảnh thuận nghịch đều giữ tâm được như thế thì có thể kham nhẫn ở cõi Ta-bà, ở lâu cũng chẳng bị thối thất, ngược lại còn có thể cải tạo uế độ này thành Tịnh độ. Người có công lực như vậy tức là đã thành tựu sự xuất ly (ba cõi vậy).

Còn hữu tướng là những người phần nhiều duyên nghiệp nặng nề, quán thực tướng vô tướng rất khó thành tựu, nếu ở mãi trong thế giới này thì càng chất chứa thêm nhiều đau khổ; dẫu muốn để nội tâm yên tĩnh, nhưng nó cứ bị ngoại cảnh lôi kéo. Tâm đã chạy theo ngoại cảnh rồi thì cảnh giới vô sanh khó mà tỏ ngộ. Vì vậy phải đem tâm duyên theo Phật hiệu, tưởng nhớ Di-đà, khiến cho không tạo nghiệp ác, nguyện cầu vãng sanh Tịnh độ. Thấy biệt nghiệp của người khác thì khéo lựa lời khen ngợi, tán dương; nghe nói xấu lỗi người mình không sanh tâm khinh khi huỷ báng. Cột tâm vào một chỗ, đó là nghĩ nhớ cõi Tây phương. Ba nghiệp hỗ trợ nhau, nhất định sanh về cõi Phật, cũng thành tựu xuất ly (ba cõi vậy).

Nay coi lại căn cơ của chúng sanh rồi nghiệm xét với lời Phật dạy, thấy người khế hợp đang tu hành, tự cho mình là đã tích nghiệp (thiện) sâu dày, đứng ở vị trí bất thoái, chẳng nhọc phải quán tướng nguyện sanh Tây phương làm gì; còn những người hạnh mỏng thì chưa thoát khỏi sự trôi lăn sanh tử. Tuy nhiên, quả vị vô sanh có chứng mới được thoát khỏi sự trói buộc. Còn miệng thì nói vô sanh, nhưng người làm được thì chẳng có một, căn cứ vào người nói chứng vô sanh như thế thì cả trăm người không được một người. Muốn chứng được vô sanh phải vượt thắng mọi cảnh, cho nên phải cầu vô sanh thấy Phật, dùng làm nhân duyên thù thắng cho sự tu chứng. Còn nếu ở cõi Diêm-phù, thường gặp được thiện hữu tri thức, dù được nghe chánh pháp, nhưng người thuyết pháp cũng chỉ là phàm phu, nên có nghe suốt ngày đêm cũng không chứng được lý. Kinh Duy-ma nói rằng: “Suốt ngày thuyết pháp mà không thể làm cho người ta diệt trừ phiền não và phát tâm tu đạo thì sự thuyết pháp đó chỉ là hý luận mà thôi, chẳng phải là sự cầu pháp”. Giả sử đời sau có gặp được thiện hữu tri thức khơi dậy cái nhân đời nay, thì cũng chỉ là trở lại làm trò hý luận xưa kia, chẳng giống như niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, tuyệt hẳn luân hồi, vào rừng chánh pháp, một phen nghe lời chánh ngữ, chứng được pháp nhẫn nhiều không kể xiết, ứng niệm viên minh.

Xem kỹ hai nhân duyên trên rồi thì chớ nên nhọc phiền lòng, sanh tâm do dự nữa!

____________
Chú Thích

23. Không tìm thấy nguyên bản, chỉ thấy trích dẫn tương tự trong Kim cương kinh giải nghĩa và Kim cương kinh chú.

 

Trích từ: Tây Phương Yếu Quyết
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Tây Phương Hiệp Luận, Sa Môn Thích Trí Thông Tải Về
2 Hộ Niệm Vãng Sanh Tây Phương, Liên Xã Đài Trung Tải Về
3 Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
4 Tây Phương Hợp Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về
5 Tây Phương Yếu Quyết Thích Nghi Thông Quy, Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng Tải Về
6 Tây Phương Xác Chỉ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về

Phóng Sinh Và Từ Thiện
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ