Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Nguoi-Da-Xuat-Gia-Thi-Khong-Nen-Tai-Tao-Lai-Toi-Nghiep

Người Đã Xuất Gia Thì Không Nên Tái Tạo Lại Tội Nghiệp
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Thượng Tọa Thích Nguyên Hùng

Chúng ta là những người đã phát tâm xuất gia, việc ấy không phải ai cũng làm được. Người đã xuất gia thì không nên tái tạo lại tội nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn là những phàm phu, trong tâm thức vẫn còn hàm tàng những hạt giống, những chủng tử bất thiện, xấu ác, những tập khí từ vô thủy đến nay, cho nên, nếu gặp điều kiện, nhân duyên, tác nhân xấu thì cũng khó mà tránh khỏi sai lầm. Vì vậy, trong cuộc sống tu tập, đòi hỏi chúng ta ở mọi nơi, mọi lúc, phải luôn luôn đề cao cảnh giác, xa lánh những nơi không tốt, để tránh "gần mực thì đen".

Đức Phật thường dạy các hàng Bồ tát, trong sáu pháp Ba la mật, hạnh Bố thí là đặc biệt quan trọng hơn hết. Bố thí chính là xả, là buông bỏ. Ba la mật quan trọng thứ hai là hạnh Nhẫn nhục. Đặc biệt, trong xã hội hiện nay, cuộc sống đầy đủ tiện nghi, vật chất dư thừa, thì lòng kiên nhẫn là một đức tính cần phải có. Chúng ta phải luôn luôn và mãi mãi thiết lập một cuộc sống biết đủ, an bần thủ đạo. Đức Thế Tôn thường dạy các đệ tử của mình: "Phải lấy khổ làm thầy, lấy giới làm thầy". Lời dạy này luôn luôn bảo vệ chúng ta trên bước đường tu đạo bồ đề, giúp chúng ta tránh khỏi các ác duyên làm trở ngại đường tu, tránh bị đọa lạc. Đặc biệt là đối với việc tiếp nhận của Phật tử cúng dường. Thuở đức Thế tôn còn tại thế, Ngài cùng chúng Tăng tiếp nhận của Phật tử tại gia cúng dường, vật thực chỉ giới hạn trong các nhu cầu căn bản của cuộc sống hằng ngày thật đơn giản, như thức ăn, y áo, tọa cụ và thuốc men, gọi là tứ sự cúng dường. Ngày nay, xã hội đã phát triển, khoa học công nghệ cũng tiến bộ, cho nên tiêu chuẩn mức sống của con người rất cao, vì vậy tài vật cúng dường cũng nhiều. Đó là một điều rất đáng lo sợ! Vì sao?

Chúng ta thử nhìn lại xem, có rất nhiều người lúc mới xuất gia, mặc dù chưa có ai cúng dường, trong tay không có một xu, nhưng mà đạo tâm rất tốt, rất dũng mãnh. Ở trong chùa được một thời gian, khi có Phật tử cúng dường, thì cuộc sống tu tập bắt đầu chễnh mãng, chỉ biết lo hưởng thụ, đạo tâm mất dần. Bấy giờ, các tập khí phiền não từ vô thủy như tham, sân, si, mạn, nghi… không những bùng dậy mà còn tăng trưởng, lớn mạnh không dừng. Như vậy hỏi làm sao không đọa lạc? Người ta thường nói: "Địa ngục môn tiền Tăng Đạo đa", nghĩa là "Trước cửa địa ngục sao có nhiều người xuất gia và đạo sĩ quá". Câu nói này ắt có nguyên do, không phải là một lời nói tùy tiện. Do đó, chúng ta sống trong thời đại này, tín đồ cúng dường cho chúng ta, chúng ta phải biết tri túc, chỉ nhận vừa đủ cho một nếp sống đơn giản, thanh bần: y áo mặc vừa đủ ấm, ăn uống vừa đủ no, một căn phòng nhỏ đủ để che mưa nắng, thế là đầy đủ!

Chùa viện là nơi dùng để hoằng pháp lợi sinh. Khi chúng ta kiến lập, xây dựng một đạo tràng lớn, chúng ta phải tự hỏi: mục đích là để làm gì? Trong quá khứ, các tùng lâm tự viện đều là những trung tâm giáo dục Phật giáo tầm cỡ đại học, để cho tứ chúng đồng tu, cùng nghiên cứu, học tập, làm cơ sở tu hành. Phần lớn các đạo tràng ấy đều do nhà nước xây dựng, hoặc do những đại thí chủ, những nhà trưởng giả giàu có bỏ tiền ra cúng dường xây dựng. Cho nên, chùa nào cũng có núi rừng ruộng đất, đó là tài sản của thường trụ Tam bảo. Số núi rừng ruộng đất này được dùng để cấp cho nông phu canh tác, trồng trọt. Sản phẩm thu hoạch được, một phần cúng vào chùa, phần còn lại để cho họ trang trải cuộc sống. Đó là mô hình sinh hoạt rất tiến bộ của các chùa viện thuở xưa, và cũng là nguyên do dẫn đến hình thức sinh hoạt của các tự viện ngày nay. Mục đích của tổ chức sinh hoạt này là muốn cho cuộc sống của nhà chùa phải tự túc. Tuyệt đối không phụ thuộc vào sự cúng dường của tín đồ, cũng không chủ trương hóa duyên, quyên góp. Sống ở trong một đạo tràng như vậy tâm của chúng ta nhất định được an ổn, sống tuỳ duyên mà không bị nhân duyên tác động, chi phối. Một đạo tràng như vậy không những không có tổ chức ma chay, cúng đám, mà ngay cả việc tổ chức pháp hội cũng rất hạn chế, một năm chỉ một hai lần. Đạo tràng tu tập như vậy mới thật sự chân chính tu hành, mới phù hợp với thời đại nông nghiệp.

Hoằng pháp lợi sinh có nghĩa là giúp đỡ mọi người phá mê, khai ngộ, giúp mọi người cải thiện cuộc sống, cho họ trí tuệ, giúp họ từ trong cuộc sống đầy dẫy những khổ đau, phiền não này mà được giải thoát. Giúp cho mọi người có được cuộc sống hạnh phúc mỹ mãn và trí tuệ chân thật giống như chư Phật và Bồ tát. Đó mới gọi là hoằng dương Phật pháp, đó mới gọi là tu hành chân chính. Không phải xây dựng chùa to Phật lớn, quanh năm tổ chức ma chay cúng đám… gọi là hoằng pháp!

Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển, giao thông tiện lợi. Do đó, hình thức sinh hoạt của một ngôi chùa hiện nay không nhất thiết phải xây dựng cho đồ sộ, trang nghiêm, mà điều cần thiết là phải lợi dụng các công cụ khoa học hiện đại, như máy vi tính, truyền hình, truyền thanh, internet, đĩa CD, VCD… để truyền bá Phật pháp Đại thừa. Phải biết rằng, khi tín đồ Phật tử cúng dường cho chúng ta, ngoài việc bảo hộ cuộc sống rất đơn giản của chúng ta, họ còn hy vọng chúng ta hoằng pháp lợi sinh, giúp họ cũng như mọi người khác phá mê, khai ngộ, xa lìa khổ đau, được vui hạnh phúc. Làm được như vậy mới không tạo tội nghiệp, mới có thể tránh khỏi đọa lạc.

Tuy nhiên, người xuất gia có nên lấy những việc như vậy làm mục đích cứu cánh không? Không nên! Vì sao? Vì nếu như trong tâm còn có việc để làm, thì đó là cái tâm đã theo duyên; cái tâm đã theo duyên thì đối với việc hiểu rõ đường sinh tử, thoát ly ba cõi đã phát sinh chướng ngại nghiêm trọng. Tín đồ Phật tử cúng dường cho chúng ta, chúng ta phải xem xét, tùy duyên mà thọ nhận. Phải hiểu rõ điều đó, giống như thuở xưa, Long cư sĩ nói rằng: "Việc tốt chẳng bằng không có việc, nhiều việc chẳng bằng ít việc". Người học Phật chân chính, tất cả đều đã được chư Phật, Bồ tát an bài rồi, bản thân mình không cần phải nghĩ ngợi thêm gì nữa. Như thế mới gọi là như pháp.

Như pháp có nghĩa là mọi nơi, mọi lúc phải luôn luôn giữ cho cái tâm của mình được thanh tịnh, giữ cho cái tâm được chánh niệm. Người niệm Phật thì phải luôn luôn nhớ danh hiệu Phật, đừng để những ý niệm khác xen tạp vào, làm gián đoạn. Tín đồ cúng dường nhiều là họ đã uỷ thác cho chúng ta thay thế họ làm việc thiện, uỷ thác cho chúng ta thay họ tu phước. Nếu như chúng ta đem tiền bạc ấy chi dùng vào những việc không chính đáng, không những họ không thể tu tạo phước đức, mà bản thân của chúng ta lại tạo ra tội chướng rất nặng. Điều này không thể không biết vậy!

Mục đích của sự tu tập là đạt được giác ngộ giải thoát, còn tất cả những việc làm khác đều là thứ yếu. Dù vậy, khi có duyên sự, chúng ta cũng không nên bảo thủ quá, trở thành người tiêu cực. Nói thí dụ, nếu bạn là người niệm Phật đã đạt đến năng lực tự tại trong vấn đề sống chết, có thể vãng sinh bất cứ lúc nào, bấy giờ có một tín đồ, người này có một nhân duyên rất lớn muốn phát tâm cúng dường, thì đây chính là chư Phật, Bồ tát muốn bạn ở lại cuộc đời thêm một thời gian nữa. Khi công phu tu tập đã đạt được kết quả thì cần phải làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, vì vậy không nên từ chối sự thỉnh cầu đó. Nếu bạn nghĩ: Tôi phải đi thôi! (dù nói vãng sinh). Thì bạn có thể đi, nhưng mà làm vậy sẽ tổn mất lòng từ bi. Cho nên, thỉnh Phật trụ thế, thỉnh chư vị thiện tri thức trụ thế lâu dài là có nguyên do, không phải là lời nói đầu môi, đây là điều mà tất cả chúng ta đều hiểu rõ. Mà đã hiểu rõ rồi thì cứ y như vậy mà phụng hành. Việc ở lại đời thêm một thời gian, đối với việc vãng sinh Tịnh độ tuyệt đối không ảnh hưởng gì. Nhưng nhất định, các tâm lý như tham, sân, si, mạn… không được phát khởi.

Những người phát tâm xuất gia đạt được kết quả như vậy thật sự có lợi ích cho cuộc đời. Tôi muốn nói rằng, chỉ khi nào chúng ta tu tập có kết quả, thì việc hoằng dương chánh pháp, việc tiếp nhận của cúng dường mới tạo được phước đức cho chúng sanh. Ngược lại, khi công phu tu tập của chúng ta chưa có khả năng đoạn tận được tham, sân, si… mà đã lo việc hoằng dương Phật pháp hay tiếp nhận của cúng dường thì chỉ tạo thêm tội chướng, rất nguy hại cho bản thân và cả tha nhân.

Kinh luận chỉ bày:

Trăm năm chóng qua
Ngũ phước khó bền
Mạng như ánh chớp
Nghiệp như đất dày
Thật đáng kinh thay!

 

Trích từ: Sanh Tâm Vô Trú
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Đời Sống Của Người Xuất Gia
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Mục Đích Của Việc Xuất Gia
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Công Việc Của Người Xuất Gia
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Luận Về Xuất Gia
Cư Sĩ Lý Viên Tịnh

Huấn Luyện Xuất Gia
Đại Lão Hòa Thượng Thích Diễn Bồi