Có cô gái nọ, rất sợ bị đau mắt. Một hôm hỏi một người quen « bạn có bị đau mắt bao giờ không? » Người kia đáp có. Cô gái nói « hễ có mắt ắt sẽ bị đau, tôi tuy chưa bị đau mắt, nhưng sau này sẽ bị vì vậy nên móc mắt vứt đi khỏi sợ đau mắt nữa ». Người bạn bảo « có mắt, sau này đau hay không đau chưa biết, nhưng không có mắt thì đau suốt đời ».
 
Ngu nhân cũng vậy, nghe giầu có là gốc sinh họa hoạn, nên chẳng dám bố thí vì sợ bị quả báo giầu tiền của, do không bố thí nên tài sản càng nhiều, khổ não càng nặng, bấy gìơ có người khuyên « hành bố thí chưa biết mang lại quả lạc hay khổ, nhưng không hành bố thí, chắc chắn phải chịu sự khổ lớn là nghèo hèn như cô gái nọ nhẫn không nổi quả khổ nhẫn thời, muốn móc mắt để chịu cái đau dài lâu.
 
Lời Bình:

Ngoại đạo khổ hạnh nên cho giầu có sinh tham dục bất tịnh là gốc của họa hoạn, vì sợ quả giầu nên không dám hành bố thí, không bố thí nên tài sản tích tụ, khiến người ngu này sinh tâm khổ não sợ sệt khi thấy có của cải bên mình. Hiện đời khổ vì sợ mình giầu, tương lai khổ với quả nghèo cùng do nhân không bố thí. Người ngu không hề nhận chân nhân bố thí chưa biết đưa đến quả phúc hay họa, song trước mắt thấy cái khổ lo sợ hiện tại, và tiếp đến là cái quả bần cùng trong tương lai, hiện đời khổ, tương lai khổ. Người ngu vì vô trí không nhận ra điều này nên vứt bỏ pháp bố thí, vì vậy phải chịu quả khổ từ đời này sang các đời sau, cho đến khi nào họ chịu hành bố thí. Người ngu này đồng với cô gái sợ cơn đau mắt nhất thời có thể xẩy ra, nên toan tính móc mắt vứt bỏ, để vừa chịu quả khổ não của cơn đau móc mắt, vừa chịu quả khổ mù lòa hết đời. Chịu khổ như vậy để đổi lấy cái khổ có thể xẩy ra của cơn đau mắt nhất thời, thì quả là cái ngu đáng chê trách.
 
Đó là lập luận của ngoại đạo, ta cũng có thể nhận ra thứ lập luận u mê này nơi phàm nhân liên quan đến sự tu học Phật pháp như sau :

1. Về lý luận tự lượng sức.

Một số đông người tu học thường lý luận rằng ta phải tự lượng sức mình mà không nên phát tâm vượt quá sức mình, điển hình là không nên phát tâm bồ đề cứu độ chúng sinh, vì sức của ta là sức phàm nên chỉ đủ lo cho vợ chồng con cái, không thể gánh vác chúng sinh được, nên cần phải tự lượng sức như anh học trò « tự lượng sức » từ chối cho 1 thiếu nữ tá túc trong đêm mưa to gío lớn, thổi bay nóc nhà cô này. Vừa ướt vừa lạnh cô gái chạy sanh nhà anh học trò hàng xóm xin tá túc qua đêm. Anh này học đạo thánh hiền nên từ chối, lấy cớ « tôi và cô đều độc thân, nên không thể chung nhà qua đêm được, làm như vậy thì cả cô và tôi đều mang tiếng xấu ». Cô gái nói « anh là học trò hẳn nhiên anh cũng biết Liễu Hạ Huệ để mỹ nữ ngồi trong lòng mà chẳng động tâm, sao anh không bắt chước ». Anh này đáp « tôi không phải Liễu Hạ Huệ nên không dám làm như ông ta », và cương quyết không cho cô gái tá túc qua đêm. Ai nghe câu chuyện này cũng chê anh học trò, chỉ riêng Khổng tử khen anh này là người biết học Liễu Hạ Huệ, mà không cần bắt chước hành động. Có nghĩa cả Liễu Hạ Huệ lẫn anh này đều không bị động niệm, một người để mỹ nữ ngồi trong lòng mà không động niệm, một người nhờ lánh xa nữ sắc nên không động niệm, anh này biết học nên không học hành động mà học cách thành được mục đích, nhờ biết lượng sức mình, không bắt chước hành động quá sức mình, nên tránh được thất bại. Có người nghe chuyện này xong kết luận, tự lượng sức mình là chính xác và là chân lý tu hành. Thế nhưng pháp nào cũng chỉ là phùng trường tác hí, mà không thể coi đó là chân lý bất di dịch được. Ngay chính Khổng tử cũng nói, quân tử chi ư thiên hạ dã, vô thích dã, vô mạc dã, nghĩa chi dữ tỉ, có nghĩa quân tử đối với sự tình thế gian, không nhất thiết phải làm điều này hay không làm điều kia, mà cứ hợp lý thì làm. Vì nếu ta luôn tự lượng sức, thì ta sẽ đứng mãi ở vị trí phàm phu, chư tổ sư sở dĩ thành đạo là nhờ dám hành việc nan hành, tức việc khó hơn sức phàm phu của tự thân, thế nhưng nhờ vào phát nguyện mà có lực hành mọi việc khó. Như vậy thay vì tự lượng sức thì nên phát tâm, vì sức mạnh hay yếu đều do nơi tâm yếu hay mạnh. Chính vì vậy người tu muốn có lực độ hóa chúng sinh, như đức Phật đã hành trong bao kiếp, bố thí đầu mắt tay chân mới thành đạo, và được lục phương chư Phật hiện tướng lưỡi dài rộng xưng tán, tất phải phát tâm, không phát tâm thì hèn yếu, không dám giúp ai, vì tiếc của nên không dám bố thí phóng sinh, cứu hộ chúng sinh, nếu phát tâm tất năng xả nhất thiết để bố thí độ hóa chúng sinh. Như đức bổn sư trong tiền kiếp là một thanh niên bần cùng, may mắn được nghe đức Phật Thích Ca Mâu Ni đương thời thuyết pháp, lấy làm hy hữu sinh tâm muốn cúng dường, song hiềm nỗi nghèo cùng không tiền cúng dường, thời may có vị trưởng giả, cần miếng thịt đùi để nấu thuốc, người nghèo này liền bán thịt đùi lấy tiền cúng Phật, khi mới cắt đứt da thịt bên ngoài đã cảm thấy đau đớn vô cùng, muốn dừng tay lại, nhưng người này nghĩ, ta đã từng bao kiếp ở nơi địa ngục chịu cắt chặt thân thể, chỉ để trả quả ác, chẳng lợi lạc cho ai, nay thà chịu đau đớn nhưng tạo được thiện nghiệp, nghĩ vậy rồi liền đủ nghị lực và sức mạnh để cắt đứt thịt đùi đưa cho trưởng giả, rồi lấy tiền đi cúng Phật, do vậy được thọ kí thành Phật đồng hiệu với Phật đương thời là Thích ca mâu ni. Nếu tự lượng sức thì ngài làm sao thành Phật. Nên đã tu thì cứ phát nguyện và hành, một thành Phật hai là tang thân thất mạng, còn tự lượng sức xả bỏ phát tâm và hành nguyện, để khỏi phải chịu khổ thay chúng sinh, thì vĩnh viễn làm phàm phu, khác nào sợ đau mắt, nên vứt bỏ mắt đi cho khỏi sợ bị đau. Vì vậy như Khổng tử nói, cứ hợp với lý mà hành xử, hay như Phật pháp tùy duyên mà ứng hóa, không pháp nào là chân lý cả, như anh học trò và họ Liễu đều tùy trường hợp mà hành nên đều đạt được cứu cánh bất động. Người học Phật tự lượng sức mà tránh ác, và phải nỗ lực hành thiện để lực tăng trưởng. Phàm nhân trái lại, đối với thiện pháp thì không dám phát tâm hay hành vì « tự lượng sức », song đối với ác pháp thì liều lĩnh hành động mà không hề tự lượng sức.
 
2. Lại như nhiều người chủ trương tuổi trẻ dễ phạm giới vì vậy không nên thọ bồ tát giới, song kì thật càng có khả năng phạm giới mới càng cần thọ giới để chống lại sự phạm giới. Thọ giới có thể phạm giới bị đọa, song cũng có thể nhờ đắc giới thể không hủy phạm nên được công đức vô lậu. Nay vì sợ phạm hay đọa mà vứt bỏ giới, đồng nghĩa với sợ bị đọa mà bỏ hết công đức vô lậu của giới pháp, khác gì sợ đau mắt mà bỏ mắt.
 
3. Hoặc lập luận sợ tu dở nên không dám xuất gia, bởi họ cho rằng tu dở chỉ gây thêm tội, nên thà đừng xuất gia, tư duy như vậy đồng với không tu thì không tội? Kì thật do vì không tu nên cử chỉ động niệm đều là nghiệp tội, chính vì vậy mới tu để trừ nghiệp tội. Tu thì một thành Phật hai đọa địa ngục, không tu thì trước sau cũng vào địa ngục thôi. Tuy nhiên không hẳn xuất gia là chân lý, vì có kẻ tu sẽ phá hòa hợp tăng, làm cho thời mạt pháp thêm hưng thịnh, tội đọa tam ác đạo, một phen mất thân người muôn kiếp khó trở lại, thì thật là đại họa cho họ và tha nhân. Vì vậy nếu chỉ vì vụng về, vô trí kém cỏi nhưng không cố ý tạo ác thì tu dở vẫn hơn không tu rất nhiều, trái lại nếu chỉ muốn mượn chốn thiền môn làm nơi nương thân, trộm Phật hình nghi, danh văn lợi dưỡng, dối gạt chúng sinh, phá hoại chính pháp, khiến người sinh lòng oán ghét chùa chiền sư sãi, thì những kẻ này không nên tu để tránh quả tam ác đạo trong tương lai. Khi ấy hành động không xuất gia của người này trở nên một pháp tu « không tu » hay nhất cho họ. Người không có ác tâm song sợ tu bị đọa nên không tu, người này sợ quả ác có thể xẩy ra mà bỏ hết công đức xuất gia, họ chẳng khác gì kẻ sợ đau mắt nên muốn móc mắt vứt bỏ.  

Tóm lại phần đông người học đạo thời nay không dám phát bồ đề tâm cũng do vì sợ gian khổ và khó nhọc khi phải gánh vác chúng sinh, nên vứt bỏ tâm bồ đề. Họ sợ cái khổ và khó của sự độ sinh khi phát tâm bồ đề mà chối bỏ tâm này thì khác nào ngoại đạo sợ giầu không dám bố thí, hay cô gái sợ đau mắt nên móc mắt vứt đi. Hạng người này không nhận thức cho dù phát bồ đề tâm có gian khổ đi nữa, cũng vẫn an lành hơn không phát. Người không phát tâm hiện đời thường hành tham dục hại mình hại người, hiện đời u mê đọa lạc, các đời tương lai trôi lăn trong luân hồi sinh tử không có ngày ra, cho đến khi nào phát tâm bồ đề mới chấm dứt sinh tử, do đó sợ phát tâm bồ đề mà không sợ luân hồi sinh tử là nỗi khổ lớn nhất của chúng sinh, thì quả là điên đảo mê muội như cô gái móc mắt vứt đi vì sợ đau mắt.
 
Trích từ: Kinh Bách Dụ
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

Đòi Món Vô Vật
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Đệ Tử Tạo Vật
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Hại Mình Hại Người
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ

Hại Vợ Nên Mù
Hòa Thượng Thích Thiện Huệ