Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > La-De-Tu-Phat-Phai-Y-Giao-Phung-Hanh

Quân lệnh ở thế gian rất nghiêm khắc. Ban hành lệnh như trời long đất lở, chẳng có ai dám vi phạm. Pháp của Phật thuyết ra cũng như quân lệnh. Là đệ tử Phật phải y giáo phụng hành, quyết không vi phạm chút tơ hào. Hôm trước, tôi có nói về việc lúc làm lễ Bố Tát, thầy thượng tọa răn nhắc Sa Di:

- Các con phải thanh tịnh thân miệng ý, chuyên cần học tập thánh giáo kinh luật luận, cẩn trọng chớ phóng dật.

Đã xuất gia, phải nhớ đến nỗi thống khổ của sanh tử, như cứu lửa cháy đầu, sao lại phóng dật lười biếng? Chuyên cần học tập kinh luật luận, tức ba tạng thánh giáo, để tìm ra con đường và phương pháp thoát khỏi sanh tử. Kinh luật luận gọi là ba đại tạng. Ba đại tạng tàng chứa hết tất cả văn nghĩa. Kinh nói bàn về định học. Luận nói về giới học. Luận nói về huệ học. Ba tạng này tức là ba học. Kinh có hai nghĩa là thường và pháp, hay kinh tuyến và tràng hoa. Tiếng Phạn gọi tạng kinh là Tố Đản Lãm Giám, hay Tu Đa La, được dịch là tràng dây; vì đây là lời của đức Phật, có thể nối buộc tất cả pháp, như tràng hoa nối liền tất cả nụ hoa với nhau. Tiếng Phạn gọi tạng luật là tạng Tỳ Nại Da hay Tỳ Ni, được dịch là Diệt, tức diệt ba nghiệp xấu. Tiếng Phạn gọi tạng luận là A Tỳ Đạt Ma hay A Tỳ Đàm, dịch là đối pháp, tức dùng trí huệ thù thắng đối quán chân lý mà chấp trì danh xưng. Lại được dịch là pháp vô so tỶ, tức trí huệ tối thắng, không gì so sánh. Tên riêng của tạng luận là Ưu Bà Đề Xá, dịch là luận, tức luận tánh tướng chư pháp mà phát sanh trí huệ thù thắng.

Người thọ giới tại tam đàn đại giới là những vị Bồ Tát và đại trượng phu. Người đã phát tâm Bồ Đề, phải làm những việc của bậc đại trượng phu và chư Bồ Tát. Bồ Đề là tiếng Phạn, dịch là đạo. Đạo tức là tâm, và là lý; nghĩa là diệu lý của tâm. Thể của tâm đồng với hư không, biến khắp ba cõi mười phương, xum la vạn tượng. Phát tâm Bồ Đề như thế, tức là Bồ Tát đại trượng phu.

Chư Phật từ bi thuyết ba thừa pháp, bao gồm muôn loại giáo pháp triết lý. Bàn về giới, Phật chế luật là tỳ kheo năm năm đầu chuyên cần học giới luật cho tường tận. Năm năm sau, đi khắp nơi nghe giáo tham thiền. Điều này chứng minh rằng việc học giới và giữ giới của đệ tử Phật rất quan trọng. Trong kinh Phạm Võng có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Phạm mười giới trọng tức phạm tội Ba La Di. Ba La Di dịch là ti tiện, hay thối đọa, bất cộng trụ, đọa nơi bất như ý, đoạn đầu, bị kẻ khác thắng v.v... Phạm giới này là phạm tội nặng nhất trong giới luật. Trong luật lại có khai giới cùng giá giới, mà đại thừa và tiểu thừa không đồng. Khai có nghĩa là hứa. Giá có nghĩa là chỉ. Hứa làm gọi là khai. Cấm làm gọi là giá. Muốn khai phải xem thời tiết nhân duyên, cùng phương tiện bên ngoài. Không có nhân duyên thì không thể khai. Giá tức là nhất giá hay vĩnh viễn giá. Tiểu Thừa và Đại Thừa có rất nhiều sự tương phản. Sự Trì của Tiểu Thừa tức là phạm của Đại Thừa. Sự Trì của Đại Thừa tức là phạm của Tiểu Thừa. Điều lệ và ngôn từ rõ ràng; hãy xem quyển Tỳ Ni về sự Chỉ Trì và Tác Trì.

Trong giới cụ túc, tỳ kheo có hai trăm năm mươi giới. Tỳ kheo ny có ba trăm bốn mươi tám giới. Những giới này, phân ra làm năm thiên:

Thứ nhất, Ba La Di là tội nặng nhất, được dịch là đoạn đầu; nếu phạm thì không thể trở thành tỳ kheo, như đầu bị cắt. Nơi thiên này, tỳ kheo có bốn giới, và tỳ kheo ny có tám giới.

Thứ hai, tội Tăng Tàng, tiếng Phạn gọi là Tăng Già Bà Thi Sa. Tăng tức là lược nói về tăng già. Tàng dịch là Bà Thi Sa. Tỳ kheo nếu phạm giới này thì gần bị chết, nhưng còn mạng tàn dư, nên phải sám hối trước tăng chúng, thì mới được toàn mạng. Do đó, gọi là Tăng Tàng. Nơi thiên này, tỳ kheo có mười ba giới, còn tỳ kheo ny thì có mười bảy giới.

Thứ ba, tội Ba Dật Đề, dịch là đọa, tức đọa địa ngục. Nơi thiên này, tỳ kheo có một trăm hai mươi bốn giới, còn tỳ kheo ny thì có hai trăm lẻ tám giới.

Thứ tư, tội Đề Xá Ni hay Ba La Đề Xá, dịch là hướng bỉ hối, tức sám hối trước một vị tỳ kheo thanh tịnh. Nơi thiên này, tỳ kheo có bốn giới, còn tỳ kheo ny thì có tám giới.

Thứ năm, tội Đột Kiết La, dịch là ác tác; tội này nhẹ. Nơi thiên này, tỳ kheo có một trăm pháp chúng học, hai pháp bất định, bảy pháp diệt tranh, cộng thành một trăm lẻ chín giới. Tỳ kheo ny có một trăm pháp chúng học và bảy pháp diệt tranh.

Tỳ kheo nghiêm thủ hai trăm năm mươi giới trong ba nghiệp bốn oai nghi, tức trở thành ba ngàn oai nghi. Mười hai thời khắc luôn tuân thủ tôn chiếu, trì tụng năm mươi bài kệ chú nhỏ trong quyển Tỳ Ni Nhật Tụng. Hàng phục tâm và chế thân không cho làm việc ác.

Bàn về ba tụ viên giới, mỗi giới đều có đủ nhiếp luật nghi giới, nhiếp thiện pháp giới, nhiêu ích hữu tình giới. Ví dụ, giới cấm giết hại có đầy đủ ba tụ. Xa rời nghiệp ác giết hại, nên gọi là nhiếp luật nghi giới. Vì trưởng dưỡng tâm từ bi mà không giết hại, nên gọi là nhiếp thiện pháp giới. Vì bảo hộ chúng sanh mà không giết hại, nên gọi là nhiêu ích hữu tình giới. Kinh Lăng Nghiêm bảo: "Nếu chư tỳ kheo không mặc áo tơ lụa, đi giày dép da thú, mặc y lông cừu chim chóc, uống sữa đề hồ, thì là chân chánh giải thoát, và không còn trả nghiệp báo, cùng chẳng còn dạo trong ba cõi".

Do nhân duyên khai giới nên Tiểu Thừa có thể ăn thịt uống sữa. Bồ Tát không thể ăn thịt, mặc tơ lụa, đắp áo lông cừu chim chóc. Đây là sự khác biệt giữa giới khai, giá, trì, phạm của Tiểu Thừa và Đại Thừa.

Lại nữa, tỳ kheo không được giữ tiền, không giữ một hạt gạo, không ăn thức ăn để qua đêm. Ngày nào khất thực được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu. Phần thức ăn dư thừa, không được giữ lại qua đêm. Bồ Tát được khai mở, tức là cầm giữ tiền thì không phạm. Rượu là giá giới trọng căn bản của năm căn, nên Đại Thừa và Tiểu Thừa không chuẩn cho khai. Chỉ trừ lúc bịnh nặng, ngoài rượu ra không còn thuốc gì để trị, thì phải bạch trước đại chúng, rồi mới được dùng. Nhân duyên khai giá của giới luật rất vi tế, phải thâm nhập nghiên cứu kỸ càng mới có thể hiểu rõ. Phật giáo hưng thịnh hay suy vi, đều do còn giới hay không. Tỳ kheo phạm giới, như trùng trên thân sư tử, ăn thịt sư tử. Thế nên, lúc sắp viên tịch, Phật thuyết kinh Niết Bàn, bảo chư tỳ kheo phải lấy giới luật làm thầy, thì Phật pháp mới trụ thế lâu dài được.

Phật lại thuyết tứ y pháp, tức là bốn pháp phải nên nương y vào. Thứ nhất, mặc y phấn tảo. Thứ hai, thường đi khất thực. Thứ ba, ngồi trú dưới gốc cây. Thứ tư, dùng thuốc cũ. Bốn loại pháp này là nhân duyên nhập đạo, và là nơi nương tựa của bậc thượng căn lợi khí, nên gọi là tứ y pháp, cũng gọi là bốn hạt giống thánh, vì khiến nhập vào thánh đạo.

Y phấn tảo được gọi là nạp y. Tỳ kheo dùng những mảnh vải thiêu đốt còn dư lại, vải bị trâu nhặm chuột cắn, vải của người chết bỏ lại, vải bị ngâm nước, vải bị người đời vứt bỏ vì hôi thúi. Lượm những mảnh vải đó, đem về giặt sạch, rồi may đắp thành y, nên gọi là y phấn tảo. Dùng từng miếng vải, may kết lại thành, nên cũng gọi là nạp y. Tỳ kheo dùng y phấn tảo, nên không cần dùng y do đàn việt bố thí. Ngay nơi đó, lìa được tâm tham trước.

Khất thực, tiếng Phạn gọi là Phân Vệ. Kinh Mười Hai Hạnh Đầu Đà bảo: "Có ba loại thức ăn. Thứ nhất, thức ăn được mời thỉnh. Thứ hai, thức ăn của tăng chúng. Thứ ba, thức ăn do đi khất thực mà có. Hai loại thức ăn đầu là nhân duyên khởi lậu. Tại sao? Người được thọ thỉnh, thường tự cho đó là phước đức của mình. Nếu không được thỉnh mời thì lại sanh tâm oán ghét người thí chủ, hoặc tự khinh rẻ mình, tức vì tâm tham lam mà ưu sầu, khiến làm chướng ngại đạo. Đối với thức ăn của tăng chúng, phải thường theo đại chúng mà dùng. Vị trai chủ phải trình thưa với tăng tri sự. Tâm nếu tán loạn mà thọ thức ăn đó, thì phá hoại sự hành đạo. Vì những nhân duyên đó, phải thường hành pháp khất thực".

Mỗi đêm, ngủ dưới gốc cây, mà không trú trong nhà. Mỗi ngày ăn cơm một lần.

Kế đến, tỳ kheo có bịnh thì không cầu thỉnh thầy thuốc, không dùng thuốc mới, chỉ dùng thuốc mà người vứt bỏ. Bịnh có lành hay không, đều để tự nhiên. Hiện tại, chư tỳ kheo có ai thủ trì được? Vừa bị bịnh thì bèn có bác sĩ đông y tây y cho những toa thuốc bổ phẩm. Đã lâu rồi không còn ai hành bốn pháp y chỉ này.

Tỳ kheo là tiếng Phạn, được gọi là trừ cận, khất sĩ, phá ác, bố ma. Tỳ kheo làm phước điền cho thế gian. Nếu có ai cúng dường cho vị tỳ kheo chân chánh một bát cơm, hay nghe vị đó thuyết một bài pháp, thì sẽ tiêu trừ tất cả hoạn nạn cơ cẩn bần cùng, nên gọi là Trừ Cận. Khất Sĩ tức là trên khất cầu pháp của Như Lai để trưởng dưỡng huệ mạng, và dưới khất thực thức ăn của người thế tục để nuôi thân. Khất thực nơi Phật pháp tức là cầu pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo như tứ niệm xứ, tứ như ý túc, tứ chánh cần, năm căn, năm lực, bảy Bồ Đề phần, tám chánh đạo. Phá Ác tức là phá trừ tất cả nghiệp ác do thân miệng ý tạo ra, và chuyển đổi chúng thành mười nghiệp lành. Bố Ma tức là khi vừa xuất gia thọ giới tỳ kheo, liền thoát khỏi quyến thuộc của ma, nên cung ma bị chấn động, khiến chúng sợ hãi.

Chúng ta đã là tỳ kheo, vậy thì ai dám tự bảo mình là tỳ kheo chân chánh? Xuất gia vì muốn cắt đứt dòng sanh tử, nên phải y theo pháp mà phụng hành. Miệng tụng và tâm phải tư duy. Sáng tối tẩy rửa thân tâm, không để tham lam sân si ái kiến của thế gian xoay chuyển, cũng không nên khởi nhân ngã thị phi, háu ăn làm biếng.

Trích từ: Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Pháp Ngữ Của Thiền Sư Hư Vân, Thượng Tọa Thích Hằng Đạt Tải Về
2 Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Bảo Thân Tiết Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Tịnh Độ Pháp Ngữ, Nhiều Dịch Giả Tải Về
4 Ấn Quang Pháp Sư Gia Đình Giáo Dục Pháp Ngữ, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về