Ðích thực chúng ta đã gặp chẳng ít người chân chánh muốn tu hành, thực sự muốn thành tựu, nhưng cửa ải khó khăn nhất là vọng tưởng và tạp niệm, muốn trừ nhưng chẳng trừ nổi.  Vấn đề này chẳng phải người đời nay mới có, từ xưa đến nay đều như vậy.  Trong kinh điển đức Phật dạy chúng ta, đây cũng là một đề mục chính, làm thế nào để đoạn trừ vọng tưởng, chấp trước.  Thực ra hết thảy các kinh luận đều nhằm giải quyết vấn đề này.  Phật đã giảng rất thấu triệt, phương pháp cũng rất khéo léo, đáng tiếc là chúng ta chẳng ráng sức mà làm nên từ vô lượng kiếp đến nay đều bị vọng tưởng phiền não trói buộc, chẳng thể giải thoát.  Có rất nhiều phương pháp giải quyết mà trong đó niệm Phật đích thực là một phương pháp tốt nhất nhưng nhiều người chẳng dùng.

Người niệm Phật, miệng thì niệm Phật hiệu nhưng trong tâm cứ khởi vọng tưởng không ngừng, như vậy thì chẳng thể thành tựu.  Miệng niệm và tâm cũng phải niệm, tâm và miệng có tương ứng thì công phu mới đắc lực.  Ðắc lực tức là có thể đè nén vọng tưởng, phiền não.  Ðè nén được lâu rồi thì sẽ đắc định, sẽ thành tựu tam muội.  Ðịnh được lâu thì sẽ khai mở trí huệ, trí huệ vừa khai mở thì liền chuyển phiền não thành Bồ Ðề, chuyển sanh tử thành Niết Bàn, đó là thành công.  Chỉ cần công phu được đắc lực, có thể đè nén vọng tưởng và phiền não thì có thể đới nghiệp vãng sanh.  Ðây là chỗ pháp môn này thù thắng hơn những pháp môn khác.  Chỉ cần chịu dụng công thì ai cũng có khả năng làm được hết.

Vãng sanh đến Tây Phương Cực Lạc thế giới, cổ đức nói: ‘Ðã gặp được Di Ðà thì lo gì chẳng khai ngộ’, gặp được đức Phật A Di Ðà thì không ai chẳng khai ngộ.  Khai ngộ là khai mở trí huệ, khai trí huệ tức là chuyển phiền não thành Bồ Ðề.

Chúng ta thường đề xướng khuyến khích mọi người, sự tu hành của chúng ta có ba giai đoạn:

a. Giai đoạn thứ nhất: Ðọc thuộc kinh văn.  Niệm kinh ba ngàn lần, đọc thuộc lòng kinh, ghi nhớ lời dạy trong kinh, nếu lời dạy của Phật cũng chẳng nhớ thì tu cái gì?  Làm sao để tu theo lời dạy?  Ðây là bước thứ nhất.

b. Giai đoạn thứ nhì: Yêu cầu viên giải (hiểu biết một cách viên dung, trọn vẹn).  Phải hiểu rõ những lời dạy của Phật, phải hiểu được viên dung thì mới chẳng chết cứng trên văn tự.  Phải hiểu lời dạy của Phật là có nguyên lý nguyên tắc gì, phải có thể ứng dụng những lời dạy này một cách khéo léo trong đời sống hằng ngày, như vậy mới chẳng là chỉ đọc suông, đó mới là khai trí huệ.

c. Giai đoạn thứ ba: Là phải thực hành, y theo lý luận và phương pháp dạy trong kinh để sửa đổi tư tưởng, sự hiểu biết, hành vi sai lầm của mình, như vậy mới gọi là chân chánh tu hành, như vậy thì mới vãng sanh được.  Chứ chẳng phải đọc kinh ba ngàn lần là xong xuôi, đọc như vậy chẳng có ích gì hết.  Phải biết từ đầu đến cuối Phật pháp đều chú trọng thực hành, nghĩa là phải làm cho bằng được.

Chân chánh tu hành là tu ở nơi khởi tâm động niệm chứ chẳng phải là ở chỗ học thuộc lòng.  Nhớ nhiều, hiểu nhiều chẳng hữu dụng gì hết, phải làm cho bằng được.  Có thể làm được một phần thì sẽ được một phần lợi ích; làm được hai phần thì được hai phần lợi ích, nếu chẳng hết lòng nỗ lực mà làm thì không thể nào đạt được lợi ích chân thật này.
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ