Home > Khai Thị Phật Học > Quan-Trong-Cua-Viec-Hoc-La-Hieu-Biet-Con-Thuc-Hanh-Thi-Dung-Dau
Quan Trọng Của Việc Học Là Hiểu Biết Còn Thực Hành Thì Đứng Đầu
Thích Hậu Quán | Thích Vạn Lợi, Việt Dịch


Xin chào quí thầy cô, các Phật tử!

Hôm nay Tôi chia sẻ với quí vị một câu chuyện, câu chuyện này được trích trong kinh “Kinh Pháp Cú Thí Dụ, phẩm Thiên Thuật”, trong “Đại Chánh Tạng” quyển 4 từ trang 588c ~ 589b.

Thời quá khứ, khi đức Phật ở nước Xá Vệ, có một vị lão Tỳ kheo tên Bát Đặc, có kinh dịch là Châu Lợi Bàn Đặc, cũng có kinh dịch là Châu Lợi Bàn Đà Già, trong kinh Pháp Cú Thí Dụ dịch là Bàn Đặc. Khi Bàn Đặc mới xuất gia làm tỳ kheo, do vì tư chất ngu độn, đức Phật bèn phái năm trăm vị A la hán chỉ dạy ông ta mỗi ngày. Nhưng trải qua ba năm, Bàn Đặc đến một bài kệ cũng không nhớ được, vì thế bốn chúng đệ tử Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di trong thành Xá Vệ đều biết Bàn Đặc vô cùng ngu đần.

Đức Phật từ bi thương cảm Bàn Đặc không có cách gì học thuộc lòng được, nên gọi Bàn Đặc đến, đức Phật đích thân dạy cho ông ta một bài kệ: “Giữ tìn thân miệng ý, hành giả vượt qua đời.” Nghĩa là chúng ta nên giữ gìn miệng của mình cho tốt, nên nhiếp tâm, thân không nên tạo tác ác nghiệp, nếu có thể làm đúng như thế, thì có thể vượt ra khỏi thế gian.

Khi ấy, Bàn Đặc tràn ngập lòng cảm ơn với sự từ bi của đức Phật, vô cùng vui mừng thích thú, sẽ học thuộc bài kệ này và hằng ngày luôn miệng đọc tụng.

Đức Phật nói với Bàn Đặc: “Tuổi của ông cũng lớn rồi, mà mới học thuộc có bài kệ này, bài này mọi người đều biết, không có gì lấy làm lạ, bây giờ Tôi sẽ giải thích ý nghĩa bài kệ này cho ông, ông nên chuyên tâm lắng nghe.

Sau khi Bàn Đặc tiếp nhân lời chỉ dạy của đức Phật xong thì chuyên tâm lắng nghe, đức Phật nói với Bàn Đặc về: mười bất thiện, ba loại nghiệp của thân là sát sanh, trộm cắp, tà dâm; Bốn bất thiện nghiệp của miệng là vọng ngữ, nói hai lưỡi, ác khẩu, nói thêu dệt; ba bất thiện nghiệp của ý là tham dục, sân hận và tà kiến. Đức Phật nói nguyên do tạo nên mười bất thiện nghiệp cho ông ta nghe, muốn Bàn Đặc quan sát nhân duyên sinh khởi của nó, và cẩn thận chú ý xem làm thế nào mới tiêu diệt được nó. Chúng sinh không ngừng bị luân hồi trong ba cõi năm đường, đều do sự tạo tác của ba nghiệp thân, khẩu, ý, có người xa rời được mười loại ác hạnh này mà được sinh thiên. Có người vì tạo tác mười ác nghiệp này mà bị đọa xuống ba đường ác. Nếu có thể tịnh hóa thân khẩu ý, thì có thể ngộ đạo, tự nhiên chứng đắc Niết bàn tịch tĩnh.

Khi đức Phật giảng dạy vô lượng diệu pháp này cho Bàn Đặc, đột nhiên Bàn Đặc khai ngộ, ngay lúc đó chứng đắc A la hán quả.

Khi ấy, ở tịnh xá khác có năm trăm tỳ kheo ni đang cư ngụ, mỗi ngày đức Phật đều cử một vị tỳ kheo đến đó thuyết pháp cho họ, đức Phật nói: “Ngày mai đến lượt Bàn Đặc đi thuyết pháp cho chúng tỳ kheo ni.”

Các vị tỳ kheo ni sau khi nghe tin này thì cười bảo nhau: “Thầy Bàn Đặc chỉ biết có một bài kệ, ngày mai khi thầy ấy đến, chúng ta sẽ nói bài kệ này với thầy ấy trước, làm cho thầy ấy xấu hổ nói không ra lời.”

Ngày sau, Bàn Đặc đi đến tịnh xá của chúng tỳ kheo ni, tất cả các vị tỳ kheo ni đều ra làm lễ, họ nháy mắt nhìn nhau ám hiệu cười thầm. Bàn Đặc ngồi xuống, các vị tỳ kheo ni chuẩn bị đồ ẩm thực cúng dường thầy, đợi thầy Bàn Đặc dùng cơm và rửa tay xong liền thỉnh thầy thuyết pháp cho mọi người.

Lúc đó, Bàn Đặc ngồi lên tòa cao, trước tiên bản thân cảm thấy rất hổ thẹn, nên khiêm nhường nói: “Tôi là người phước đức kém cỏi, không có tài cán gì, tuổi lớn rồi mới đi tu, tư chất vốn dĩ ngu muội, học không được nhiều, chỉ biết một bài kệ, hiểu sơ lược về ý nghĩa của nó, bây giờ sẽ giảng giải cho mọi người, và cũng mời mọi người im lặng lắng nghe

Lúc bấy giờ có mấy vị tỳ kheo ni trẻ tuổi vốn định tranh đọc bài kệ trước, nhưng lại không có cách nào mở miệng được, trong lòng cảm thấy vô cùng lo sợ, tự dày vò và trách mình, sau đó liền đảnh lễ Bàn Đặc, sám hối lỗi lầm của mình.

Bàn Đặc căn cứ theo lời đức Phật dạy, giảng giải ba nghiệp của thân, miệng, ý và do sự tạo tác của thân, miệng, ý mà thọ nhận tội báo hay phước đức. Thí dụ như tư chất bên trong của mỗi người thông minh hay ngu muội. Tướng mạo bên ngoài đẹp hay xấu, tất cả đều có liên quan đến sự tạo nghiệp của chúng ta; Nếu ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh thì có thể được sinh lên trời, thậm chí còn có thể đắc đạo. Bàn Đặc còn giảng giải cho chúng tỳ kheo ni về phương pháp tập trung tinh thần đoạn trừ phiền não và phương pháp nhập định v.v..

Lúc đó, chúng tỳ kheo ni nghe xong cảm thấy vô cùng đặc biệt, bất khả tư nghì, mọi người đều rất vui mừng, liền chứng quả A la hán.

Sau đó có một ngày, vua Ba tư nặc cung thỉnh đức

Phật và chúng Tăng đến cung điện để cúng dường. Đức

Phật muốn cho Bàn Đặc thể hiện uy đức thần lực, nên bảo Bàn Đặc cầm bình bát của đức Phật và đi theo sau lưng đức Phật.

Các binh sĩ gác ở cổng thành nhận ra Bàn Đặc, nên họ liền ngăn cản không cho tỳ kheo Bàn Đặc vào thành. Binh sĩ nói: “Ông là người tu hành, nhưng đến một bài kệ cũng không hiểu được, thì tại sao lại dám đến nhận sự cúng dường của đức vua? Tuy tôi là một người thế tục bình thường, nhưng ít nhất cũng biết được vài bài kinh kệ, huống chi ông là người tu, vậy mà đến một chút trí tuệ cũng không có, bố thí cho ông thì có lợi ích gì chứ? Ông không cần phải vào đâu!” Bàn Đặc nghe xong chỉ còn cách đứng đợi ở bên ngoài cổng.

Đức Phật đã rửa tay xong ngồi giữa cung điện, chuẩn bị tiếp nhận sự cúng dường. Bình bát của đức Phật đâu rồi? Bàn Đặc liền từ phía xa ở ngoài cổng hoá cánh tay dài đưa bình bát đến trước đức Phật.

Quốc vương và các đại thần, phu nhân, thái tử với bốn chúng đệ tử đức Phật tham dự pháp hội gồm tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, nhìn thấy một cánh tay dài nhưng không thấy người đâu cả, cảm thấy rất kỳ lạ, nên thỉnh vấn đức Phật “Thưa đây là tay của ai vậy ạ?”

Đức Phật nói: “Đây là cánh tay của thầy Bàn Đặc, thầy ấy gần đây mới chứng đắc quả A la hán. Vừa rồi Ta bảo thầy ấy cầm bình bát cho Ta, nhưng lính gác không cho vào, cho nên thầy ấy đành phải đưa tay từ ngoài cổng vào.”

Quốc vương lập tức phái người cung thỉnh Bàn Đặc vào trong cung điện, lúc ấy Bàn Đặc uy đức trang nghiêm không giống mọi khi.

Quốc vương thưa với đức Phật: “Từng nghe thầy Bàn Đặc tư chất ngu độn, chỉ biết một bài kệ, vì nhân duyên gì mà thầy ấy chứng đắc được đạo quả vậy?”

Đức Phật nói với quốc vương: “Học thức không cần nhiều, quan trọng là học phải biết thực hành. Bàn Đặc tuy chỉ hiểu được ý nghĩa của một bài kệ, nhưng thầy ấy tinh thông nghĩa lý, thấu hiểu sâu sắc nghĩa lý cốt yếu vi diệu của nó, thân, miệng và ý của thầy ấy vô cùng thanh tịnh, giống như vàng vậy. Có người tuy học được rất nhiều, nhưng lại không hiểu nghĩa lý, mà cũng không nỗ lực thực hành, chỉ hao phí tâm lực một cách vô ích. Như vậy thì có được lợi ích gì chứ?”

Lúc đó, Thế Tôn lại thuyết thêm một bài kệ, đại ý như sau:

“Tuy đọc tụng trăm ngàn bài kệ, nhưng nếu như không thể hiểu được ý nghĩa chính xác, thì không bằng nghe một câu quan trọng và hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa của nó, để dựa vào đó mà có thể dứt trừ các ác niệm.”

Cho dù đọc tụng trăm ngàn bài kệ, nếu không hiểu được nghĩa chân chánh của nó thì có lợi ích gì chứ? Không bằng nghe một câu có ý nghĩa quan trọng và siêng năng thực hành, để độ thoát biển khổ và được giải thoát.

Tuy đọc tụng rất nhiều kinh điển, nhưng nếu không hiểu biết ý nghĩa của Kinh thì có giúp ích gì chứ? Nếu như có thể hiểu được ý nghĩa của một câu giáo pháp, và thực hành một cách chính xác thì có thể đắc đạo.”

Sau khi đức Phật nói bài kệ này xong, ba trăm vị tỳ kheo chứng đắc quả A la hán, quốc vương, phu nhân, thái tử đều rất vui mừng.

Câu chuyện này là muốn nói đến, khi nghe Phật pháp hay đọc tụng kinh điển, điều quan trọng là phải hiểu nghĩa và thực hành một cách đúng đắn. Bàn Đặc tuy trí nhớ không tốt, chỉ nhớ một bài kệ, nhưng thầy ấy có thể quan sát được nhân duyên sinh khởi của các phiền não tham, sân và si, lại còn quan sát một cách tinh tế rằng: làm thế nào để những phiền não đó mất đi, và cuối cùng thì chấm dứt vọng niệm, thân miệng ý thanh tịnh, dứt sạch phiền não và chứng đắc quả A la hán.

Chúng ta nên thức tỉnh lại chính mình. Ai là người có trí nhớ kém hơn thầy Bàn Đặc đâu? Chắc chắn là không rồi! Nhưng chúng ta đã từng để tâm quan sát qua chưa: Tham, sân, si tại sao lại sinh khởi? Tại sao cứ hết lần này đến lần khác lại phạm những sai lầm giống nhau? Tuy muốn đoạn trừ phiền não, nhưng ý chí lại không kiên định, không thể quán triệt từ đầu đến cuối. Kết quả thì không những chính mình đau khổ, còn đem lại cho người khác những phiền não rất lớn.

Đức Phật nói: “Tuy tụng nhiều kinh, nếu không hiểu biết ý nghĩa của kinh thì có ích gì đâu?” Nhưng không thể nói chỉ cần niệm một danh hiệu Phật. hoặc thuộc một bài kệ là được. Chúng ta nên thường nghe chánh pháp, đặt biệt là phải hiểu một cách chân chánh, thực hành, không những bản thân được giải thoát, cũng có thể đem những gì mình học được làm phương tiện hóa độ chúng sinh. Nếu như không thường nghe hiểu Phật pháp, làm sao có thể phân biệt thiện ác? Thì làm sao có thể tăng trưởng trí tuệ?

Những điều trên là muốn khính lệ mọi người!

Phúc Nghiêm, lớp giáo dục mở rộng, ngày 30 tháng 11 năm 2013