a. Gặp duyên rất quan trọng.

Những năm đầu Dân quốc, Thái Hư pháp sư đề xướng ‘Bồ Tát Học Xứ’, ý tưởng này rất tốt.  Hiện nay chúng ta đề xướng làm ‘Ðệ Tử Di Ðà’.  Ðệ tử Di Ðà đương nhiên cũng là Bồ Tát.  Như thế nào mới làm được?  Ðây là vấn đề của giáo dục.  Thánh nhân thế gian và xuất thế gian dạy: ‘Người ta ai cũng có thể làm thánh hiền, ai cũng có thể làm Nghiêu, Thuấn’, mấu chốt là ở tại giáo học.  Dùng Phật pháp mà nói, giáo học là trợ duyên, tăng thượng duyên, nếu gặp được tăng thượng duyên tốt, người có tài năng hạng trung cũng có thể làm thánh làm hiền, trong nhà Phật có chuyện này, trong các triều đại Trung Quốc cũng có.  Ðặc biệt là trong Phật pháp, hạ hạ căn cũng có thể làm A La Hán, làm Bồ Tát, đây là chỗ cao minh của nền giáo học Phật pháp.  Trong nhóm đệ tử của Thế Tôn, Châu Lợi Bàn Ðà Già [30] là một thí dụ rất hay.  Ngay cả người hạ hạ căn cũng có thể chứng quả vị A La Hán, có thể thành đại Bồ Tát, huống chi là người trung, thượng căn?

Phần đông người ta cả một đời chẳng thể thành tựu, pháp thế gian và xuất thế gian chẳng thành, hoặc có được chút ít thành tựu nhưng sau cùng lại thất bại đều là vì gặp duyên chẳng tốt.  Phật thuyết pháp: ‘Hết thảy pháp do nhân duyên sanh’ rất có đạo lý.  Một duyên phần tốt thì chỉ có thể gặp mà chẳng thể cầu.  Vậy thì đời này chúng ta có thể gặp duyên tốt chăng?  Câu trả lời là khẳng định được, tại vì ‘trong nhà Phật chẳng xả một người nào hết’, vấn đề ở tại phát tâm.  Nếu chúng ta phát tâm thuần chánh, chư Phật Bồ Tát nhất định sẽ đến làm tăng thượng duyên cho chúng ta, sẽ đến giúp đỡ chúng ta.

b. Phát tâm.

Nhà Phật nói chữ ‘thuyết pháp’, cơ duyên chín muồi mà bạn chẳng thuyết pháp cho họ nghe thì đánh mất cơ hội, là mất đi thời tiết nhân duyên; nếu cơ duyên chẳng chín muồi mà thuyết pháp cho họ thì là không đúng lúc.  Phật hiểu rõ thời tiết nhân duyên nên Phật thuyết pháp được ví như  ‘hải triều âm’.  Hải triều chỉ thủy triều dâng (nước lên) và xuống có thời gian nhất định, nhất định chẳng bao giờ sai.  Ðức Phật giáo hóa chúng sanh cũng vậy.

Ðây là nói rõ một sự thật: chúng sanh có Cảm thì Phật sẽ Ứng, cảm ứng đạo giao.  Do đó có thể biết thành tựu hay không là thao túng trong tay của chính mình.  Nếu mình hy vọng làm thánh làm hiền, làm Phật, làm Bồ Tát thì cái tâm này là Cảm, nhất định Phật, Bồ Tát sẽ có Ứng.  Nếu niệm này chẳng sanh khởi thì là chẳng có Cảm; chẳng có Cảm thì đương nhiên Phật, Bồ Tát chẳng có Ứng, cho nên bạn sẽ chẳng  gặp được cơ duyên.  Nếu nguyện vọng của bạn là chân thật thì cảm ứng sẽ rất nhanh chóng; nếu nguyện vọng rất yếu ớt, khi có khi không, thì cảm ứng cũng sẽ yếu ớt.  Cho nên một đời này của bạn có thành tựu hay không là do sự ‘phát tâm’.

Nguyên nhân ‘Bồ Tát Học Xứ’ của Thái Hư pháp sư chưa thực hiện thành công là vì người chân chánh phát tâm làm Phật, làm Bồ Tát quá ít.  Chân chánh phát tâm làm Bồ Tát thì nhất định chẳng bị danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần trong thế gian dụ hoặc; nếu còn bị dụ hoặc thì sẽ chẳng làm Bồ Tát nổi.  Chuyện này phải nhờ tự mình khắc phục phiền não tập khí thì mới có được cảm ứng, có được trợ duyên.

Hiện nay ngoại duyên ở Tân Gia Ba đã chín muồi, đây là cảm ứng của Phật, Bồ Tát.  Chúng ta từ sự ‘ứng’ của Phật, Bồ Tát thì có thể biết được trong nhóm đồng tu có Cảm; nếu chẳng có Cảm thì làm sao có Ứng được?  Cho nên trong các vị đồng tu nhất định có người chân chánh phát tâm muốn làm Bồ Tát, muốn làm đệ tử Di Ðà nên duyên này mới chín muồi, chẳng có chút gì miễn cưỡng, đây là chân thật chẳng hư dối.  Chúng ta gặp được thời tiết nhân duyên vô cùng thù thắng như vậy thì càng tăng thêm tín nguyện của chúng ta, và từ đó chúng ta cũng thành tựu theo.  Ðúng như lời của cư sĩ Bành Tế Thanh ‘vô lượng kiếp đến nay hiếm có, khó gặp’, chúng ta nhất định phải trân quý cái duyên phần này.  Nếu trong nhân duyên thù thắng như vậy mà vẫn chẳng chống nổi phiền não tập khí, chẳng chống nổi danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần dụ hoặc, bỏ lỡ cơ duyên quý báu thì thiệt rất đáng tiếc!

Cư sĩ Lý Mộc Nguyên phát tâm chân thật, chẳng có một chút tâm riêng tư, cho nên làm việc hoằng pháp được thành công, làm tăng thượng duyên cho mọi người.  Nếu ổng có một chút tâm riêng tư thì công chuyện sẽ nhất định thất bại, vì nếu có tâm riêng tư thì sẽ chẳng được Tam Bảo cảm ứng.  Nếu vẫn có cảm ứng thì nhất định là ma đến ứng, chẳng phải Phật đến ứng.  Ma và Phật khác nhau chẳng ở cảnh bên ngoài mà là ở nội tâm.  Một niệm chân thành, Phật đến cảm ứng; một niệm tự tư tự lợi thì ma đến cảm ứng.  Thế nên trong tâm chẳng có một chút tâm niệm ham muốn riêng tư mới cảm được chư Phật đến ứng.

c.Tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi

Trong đời sống hằng ngày lúc đối người, đối sự, đối vật chẳng thể có ‘tôi đúng anh sai’, ‘tôi chánh anh tà’.  Nếu vẫn còn tâm niệm tự tư tự lợi, cứ cho là mình đúng thì đó là phiền não tập khí, tâm như vậy sẽ chẳng thanh tịnh, chẳng bình đẳng, đó là chướng ngại cho sự cảm ứng đạo giao với chư Phật, Bồ Tát.  Chuyện tốt cuối cùng biến thành ma cảnh là ở tại một niệm sai trái này.  Tâm Phật, Bồ Tát là tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi, nhìn hết thảy chúng sanh đều bình đẳng, đối với hết thảy chúng sanh đều chân thành, cung kính.  Chúng ta phải học tập những tâm này thì mới có được cảm ứng, có được trợ duyên.  Có được trợ duyên rồi thì tự hành hóa tha sẽ rất thuận tiện.

Cứ thường thấy lỗi người khác, cứ cho là mình đúng, đây là lỗi lầm lớn nhất.  Cho dù người khác tạo nên tội ngũ nghịch, thập ác, chúng ta vẫn phải học Phật, Bồ Tát dùng con mắt từ bi mà quán, họ chỉ vì một lúc mê hoặc nên tạo thành lỗi lầm, họ chẳng dùng chân tâm, trong chân tâm chẳng có lỗi lầm, họ dùng vọng tâm nên bị phiền não tập khí chi phối.  Chư Phật Bồ Tát nhìn thấy những người này sẽ dùng tâm thương xót, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng để đối đãi; vì chân tâm Phật tánh của họ chẳng bị giảm mất chút nào, Phật, Bồ Tát đối với họ vẫn hoàn toàn cung kính.  Phổ Hiền Bồ Tát dạy chúng ta ‘Lễ kính chư Phật’, cho nên đối với những người làm ác đa đoan, lễ kính vẫn chẳng giảm bớt mảy may.

Chuyện này chúng ta có thể làm được hay không?  Nếu có phân biệt, chấp trước thì sẽ làm không được.  Làm không được thì là chúng sanh, chẳng phải Bồ Tát.  Muốn học làm Bồ Tát thì phải bắt đầu học từ chỗ này, phải chân chánh làm được đối với người cực ác thì cũng hoan hỷ khen bề tốt, mặt thiện của họ, tuyệt đối chẳng đề cập đến bề ác, mặt xấu của họ.  Không những không đề cập, trong tâm cũng chẳng lưu lại dấu vết, tâm như vậy mới thực sự thanh tịnh, tâm thanh tịnh sẽ được đại tự tại.  Chúng ta xem họ cũng giống như một vị Phật, vì ‘hết thảy chúng sanh vốn thành Phật’, Phật đối đãi với người như vậy đó.  Chúng ta học Phật thì cũng phải đối đãi với người như vậy.  Bây giờ họ làm ác chỉ bất quá là vì một lúc hồ đồ, hồ đồ rồi một ngày nào đó cũng sẽ minh bạch; chúng ta có nghĩa vụ giúp đỡ họ, làm cho họ sớm hiểu rõ; khi hiểu rõ rồi thì họ cũng sẽ phổ độ hết thảy chúng sanh, chúng sanh sẽ có phước.

Trong tâm đừng nên nghĩ về thị - phi, nhân - ngã, ân - ân, oán - oán, phải thường nghĩ đến lời dạy của Phật, thường nghĩ đến ý nghĩa của kinh.  Dùng kinh Vô Lượng Thọ làm chánh thì phải thường nghĩ đến nghĩa lý của kinh Vô Lượng Thọ, đem nghĩa lý đó biến thành sự suy nghĩ chân chánh của mình, ứng dụng trong đời sống, dùng mắt Phật quán thế gian, chúng ta mới chân chánh thành đệ tử Di Ðà, chân chánh làm Bồ Tát, chuyển phàm thành thánh.  Chuyển từ trong tâm, chuyển trên hành vi, đây là công đức chân thật, hy vọng mọi người cùng nhau khích lệ.

________________________

[30] Tánh Ngài cực kỳ ngu độn, xuất gia đã nửa năm, cả năm trăm vị La Hán xúm vào dạy dỗ, Ngài vẫn không thể trì tụng nổi nửa bài kệ. Học suốt cả ba năm vẫn chưa thuộc nổi, nhớ câu trước quên câu sau, nhớ được câu sau liền quên ngay câu trước. Người anh bực quá, quở trách, buộc em hoàn tục. Do thiện căn thâm hậu, lúc đương khóc lóc ngoài cửa, bịn rịn chẳng đi, gặp đức Thế Tôn lân mẫn dạy niệm hai chữ “tảo chửu” (quét dọn). Thế mà vẫn cứ nhớ chữ này quên chữ kia. Nhưng nhờ Ngài vẫn cứ siêng gắng, chẳng lười, nên lâu ngày hốt nhiên chứng ngộ: “Tảo Chửu nghĩa là trừ dơ khiến cho sạch. Như vậy là đức Thế Tôn muốn ta đoạn trừ những dơ bẩn phiền não trong thân”. Nhờ thế, ngài đắc quả A La Hán.  Theo kinh Ngũ Bách Ðệ Tử Bản Khởi, tôn giả trong đời trước do xua lợn qua sông, dùng dây buộc chặt miệng nó khiến hơi thở không thông, con lợn bị chết ngộp giữa giòng. Vì thế, Ngài bị quả báo ám muội. Thêm nữa, trong thời Phật Ca Diếp, Ngài là một vị Tam Tạng Pháp Sư, do tiếc pháp chẳng hóa độ chúng nên cảm ác báo ấy. Ác nghiệp đời trước mãi đến đời này mới hết, mới có thể đoạn ngu, phát huệ. (Trích Kinh Di Đà Hợp Giải)
 
Trích từ: Học Vi Nhân Sư Hành Vi Thế Phạm
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Vì Sao Cần Phải Niệm Phật...?
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa

So Sánh Ba Phương Pháp Niệm Phật
Hòa Thượng Thích Trí Thủ

Phương pháp niệm 10 danh hiệu A Di Đà Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Niệm Phật Tứ Đại Yếu Quyết
Pháp Sư Luyến Tây Đại Sư Ngọc Phong Cổ Côn