Giáo học thế gian chú trọng trên ‘phẩm học kiêm ưu’ (phẩm hạnh và học hành đều hoàn hảo), Trung quốc cổ đại cho rằng ‘học nhi ưu tắc sĩ’, nghĩa là học vấn và phẩm đức đạt đến mức độ cao thì có thể đảm nhận công chức của quốc gia, phục vụ cho nhân dân.  Tu học Phật pháp chú trọng ‘Giải Hạnh tương ứng’, trong câu thệ nguyện Tam Quy Y ‘Quy y Phật, Nhị Túc Tôn’, Nhị Túc tôn tức là Giải và Hạnh đều đạt đến viên mãn.  Giải thuộc về Huệ, Hạnh thuộc về Phước, giải hạnh là nhân, phước huệ là quả báo.  Do đó thành Phật tức là trí huệ và phước báo đều viên mãn, chẳng có một tơ hào thiếu sót, lúc đó sẽ có thể dốc hết tâm lực phục vụ hết thảy chúng sanh.  Những việc mà Phật, Bồ Tát phục vụ cho chúng sanh vô lượng vô biên, có câu ‘tùy loại hóa thân, tùy cơ thuyết pháp’, cho nên các loại phục vụ cũng đạt đến cứu cánh viên mãn.  Học sinh phải học theo thầy giáo, thầy giáo là mô phạm tốt nhất cho chúng ta, thầy giáo phục vụ cả đời cho chúng sanh, chúng ta học Phật thì cũng phải phát tâm nguyện này.  Ðã phát tâm nguyện này xong thì phải hết lòng nỗ lực học tập, thực hành.  Trong tam huệ Văn - Tư - Tu của Bồ Tát thì nghe pháp (Văn), tư duy (Tư) là khai giải, tu hành (Tu) là đem những sự hiểu biết thực hiện vào trong đời sống.  Hạnh và Giải tương ứng thì được gọi là đức hạnh, có thể hiểu rõ, lãnh ngộ được lời dạy của đức Phật.

Pháp môn tu hành vô lượng vô biên.  Cư sĩ Âu Dương Cánh Vô nói: ‘Chân chánh tu hành chẳng câu nệ hình thức’.  Phật pháp trong vòng hai trăm năm gần đây quá hạn chế trên hình thức, hình thức tuy có ích lợi, nhưng nếu mê trên hình thức, chấp trước hình thức là sai lầm.  [Mục đích của] Phật pháp là muốn phá vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.  Thí dụ đến Niệm Phật Ðường niệm Phật là hình thức, nếu quá chấp trước ‘chẳng đến Niệm Phật Ðường niệm Phật thì không được’, đó là như lời người xưa nói: ‘Miệng niệm Di Ðà tâm tán loạn, hét bể cổ họng cũng uổng công’.  Niệm Phật phải niệm như thế nào?  Chữ niệm chẳng phải là miệng niệm, chữ niệm gồm có hai chữ ‘kim’ và ‘tâm’ gộp lại, tức là cái tâm hiện nay.  Cái niệm chân chánh là niệm tự tánh, trong niệm này tương ứng với Phật thì đó là niệm Phật.  Tâm của bạn là tâm Phật, nguyện là nguyện của Phật, miệng nói lời của Phật, hạnh là hạnh của Phật, đó là thực sự niệm Phật, chân chánh tu hành, như vậy mới có thể lợi lạc cho khắp hết thảy chúng sanh.

Lục Tổ Huệ Năng đại sư là người chân chánh tu thiền định, ngài chẳng ngồi xoay mặt vào vách trong thiền đường mà ngài ở trong gian nhà sau bếp chẻ củi giã gạo, mỗi ngày đều làm việc này, đó là tu thiền định.  Thiền định là như thế nào?  Bên ngoài chẳng chấp tướng gọi là Thiền, bên trong chẳng động tâm gọi là Ðịnh.  Thế nên một ngày họ làm việc hai mươi bốn tiếng đồng hồ cũng chẳng mệt vì họ đang trong thiền định.  Trong khi làm việc chẳng chấp vào tướng làm việc, trong công việc chẳng có phân biệt, chấp trước nên chẳng thấy mệt.  Ngày nay chúng ta làm việc mấy giờ đồng hồ xong liền cảm thấy: ‘Tôi đã làm xong rất nhiều việc, mệt quá đi thôi!’, nghĩ vậy nên rất mệt.  Người ta thực sự làm đến mức ‘làm mà chẳng làm, chẳng làm mà làm’, đây là trong thiền định, thiền định tức là niệm Phật.  Tâm - nguyện - giải - hạnh của họ đều tương ứng với Phật.  Chân chánh hiểu được đạo lý này thì hình thức sẽ chẳng quan trọng nữa, được vậy thì bạn mới hiểu làm thế nào thực sự niệm Phật, thực sự dụng công, giải hạnh tương ứng, phẩm học kiêm ưu.  Tâm tương ứng với tâm nguyện của Phật, kết hợp với nhau, nên đọc kinh là niệm Phật, nghiên cứu giáo lý cũng là niệm Phật.

Nói đến chỗ cứu cánh thì tâm hạnh tương ứng với tự tánh là niệm Phật chân chánh, là niệm Phật viên mãn.  Vì tánh là Phật, Phật chính là chân như bản tánh; chân như bản tánh là chân tâm, chân tâm tức là Phật.  Cách nói dễ thể hội, dễ lý giải hơn chính là khi khởi tâm động niệm bất kể là đối người, đối sự, đối vật đều tương ứng với năm tâm sau đây: ‘chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi’, đó là chân thật niệm Phật.  Ngược lại tức là ‘Miệng niệm Di Ðà tâm tán loạn, hét bể cổ họng cũng uổng công’.  Nếu thực sự tương ứng với năm tâm này thì cho dù cả ngày từ sáng tới tối chẳng niệm một câu Phật hiệu nào cả thì cũng là người chân thật niệm Phật.

Tâm - Nguyện - Giải của Phật biểu hiện ra bên ngoài tức là ‘nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên’; ‘niệm Phật’ là làm ra hình dáng niệm Phật, đây là hóa tha.  Nếu không thì khuyên người khác niệm Phật nhưng mình lại chẳng niệm Phật, người ta sẽ không tin tưởng.  Biểu hiện trên đời sống của người chân chánh niệm Phật nhất định phải là ‘nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên’.  Nhìn thấu là đối với hết thảy Lý - Sự, nhân - quả trong thế gian, xuất thế gian đều rõ ràng.  Buông xuống là trong tâm đối với pháp thế gian và xuất thế gian chẳng tiêm nhiễm một mảy tơ nào cả; chẳng phải là không làm việc, công việc vẫn phải làm như thường, làm còn tích cực và tốt hơn người khác, nhưng trong tâm thanh tịnh, chẳng tiêm nhiễm mảy may.  Ðây là Bồ Tát hạnh, năm tâm kể trên là Bồ Ðề tâm.  Có thể thực hiện được như vậy là chân thật tu hành, có thể lý giải minh bạch là trí huệ chân thật.  Cho nên cả đời giáo huấn của Thế Tôn, nói suốt bốn mươi chín năm quy nạp lại chính là hai mươi chữ [chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi; nhìn thấu, buông xuống, tự tại, tùy duyên, niệm Phật] này.

Những bạn đồng tu học giảng kinh mỗi tuần phải đến niệm Phật đường niệm Phật ba mươi sáu giờ đồng hồ, vì nếu bạn chẳng niệm Phật, người ta sẽ coi thường bạn.  Giống lúc trước lão pháp sư Ðế Nhàn là người giảng kinh thuyết pháp, và cũng là người tái lai.  Có người hỏi Ngài: ‘Thầy có tham thiền không?’.  ‘Không có!’.  Mọi người đều cho rằng Ngài chỉ có Giải chẳng có Hạnh nên giảng kinh không có người nghe.  Bởi vậy nên Ngài đến thiền đường chùa Kim Sơn ở Chấn Giang để tham thiền, làm ra hình dáng ấy thì mọi người đều tin tưởng.  Lần trước lão pháp sư Nhân Ðức đến đây thăm viếng, nhìn thấy phương pháp tu học của chúng ta, có Giải và có Hạnh, thầy rất khâm phục.

Bồ Tát giáo hóa chúng sanh chẳng xả phương tiện, nhà Phật gọi là ‘thiện xảo phương tiện’.  Trong lúc giảng kinh Ðịa Tạng tôi đặc biệt giảng giải kỹ về ‘Tứ Nhiếp Pháp’ và ‘Tứ Tất Ðàn’ là muốn mọi người chân chánh hiểu rõ ý tứ ở trong ấy, việc này vô cùng quan trọng đối với người hiện nay.  Tứ Tất Ðàn là nguyên tắc hướng dẫn cao nhất của chư Phật, Bồ Tát để phục vụ chúng sanh, và Tứ Nhiếp Pháp là nguyên tắc để thực hiện.  Nếu bạn học được rồi thì bạn sẽ biết cách làm người, đi đâu bạn cũng được người ta hoan nghinh, ngay cả yêu ma quỷ quái cũng hoan nghinh bạn, được vậy mới có thể phổ độ chúng sanh; dùng cách nói hiện nay thì phổ độ chúng sanh tức là phục vụ hết thảy chúng sanh.  Thế nên chư Phật, Bồ Tát đi đến đâu trong chín pháp giới đều được mọi người nghinh đón là vì nguyên nhân này, chúng ta nên học tập, nên thực hiện.  Nếu bạn chẳng học cho đàng hoàng thì khi bạn giúp người ta, không những họ không tiếp nhận, ngay cả sự tu học của mình cũng chẳng thành tựu.

Ðặc biệt là ở thời đại hiện nay, thời đại này có tai nạn.  Có thể tránh khỏi tai nạn hay chăng?  Vô cùng khó khăn, những gì chúng ta hôm nay làm, học, tu tập đều là phương pháp tránh khỏi tai nạn.  Chẳng những tự mình phải tránh miễn, chúng ta còn phải giúp đỡ xã hội, giúp đỡ hết thảy chúng sanh tiêu tai miễn nạn, nếu chúng ta không hết lòng nỗ lực thì làm sao được?  Tự mình chịu khổ chịu nạn thì chẳng sao, nhưng nhìn thấy quảng đại chúng sanh chịu khổ chịu nạn thì chẳng nhẫn tâm!  Làm sao giúp đỡ?  Nhất định phải tìm cầu học vấn, phải khai trí huệ, phải đề cao phẩm đức của mình.  Tai nạn từ đâu đến?  Là từ tà tri, tà kiến, tà hạnh sanh ra.  Phật pháp nói một nguyên lý tối cao: ‘Cảnh chuyển tùy theo tâm’; hoàn cảnh nhân sự, hoàn cảnh vật chất cũng đều tùy tâm chuyển, y báo chuyển tùy theo chánh báo.  Nhân tâm thiện thì tai nạn sẽ hết; nhân tâm chẳng thiện thì tai nạn sẽ đến.

Tai nạn khẳng định là có, vì tâm niệm của phần đông người ta trên thế giới đều chẳng thiện, chúng ta cư trú ở địa phương này là do cộng nghiệp chiêu cảm.  Sanh ra trong thời đại này có may mắn hay chăng là ở tại một niệm; có người cho rằng tự mình tâm hạnh hiền lương nhưng bị người khác liên lụy nên phải cùng chịu khổ nạn này, thật là không may; thử nghĩ ngược lại: tôi sanh trong thời đại này, chúng sanh khổ nạn như vậy, tôi hết lòng nỗ lực tu học để giúp đỡ họ thì đó là rất may mắn.  Chúng ta phải phát nguyện, phát tâm làm Chúa cứu thế, đến thế gian này mới có ý nghĩa, có giá trị, chẳng phải đến để cùng mọi người chịu khổ chịu nạn, phải chuyển đổi tâm niệm, tâm lý này ngược lại.  Còn về chuyện có thể làm được bao nhiêu thì cứ tận tâm tận lực, công đức đều sẽ viên mãn.

Trong sinh hoạt hiện nay, tâm người ta luôn phiêu bồng, người lúc trước bất kể đời sống ra sao, cư trú trong hoàn cảnh như thế nào thì tâm đều an định.  Có an thì sau đó mới có lạc (vui), nếu cả ngày tâm thần chẳng an thì làm sao có ‘lạc’ được?  Niềm an lạc ngày nay là cái ‘lạc’ từ chích morphine, hút ma túy mà ra.  Hút ma túy là thí dụ, tranh danh đoạt lợi, xa xỉ lãng phí, hoàn toàn vứt bỏ luân lý đạo đức, đây tức là hút ma túy; khi sáu căn tiếp xúc sáu trần khởi lên tham, sân, si tam độc, đây chính là hút ma túy, tạo ra tội cực nặng.  Những thiên tai nhân họa xảy ra hiện nay là ‘hoa báo’, quả báo sẽ ở tại ba đường ác.  Chúng ta vô cùng may mắn gặp được Phật pháp, hiểu rõ chân tướng sự thật này.  Biết bao nhiêu người còn mê hoặc ở trong ấy, vĩnh viễn chẳng tỉnh ngộ, nhìn họ tạo nghiệp, đọa lạc, tuy Phật, Bồ Tát từ bi cũng chẳng có cách chi cứu họ.  Nhất định phải đợi đến khi tội nghiệp của họ thọ chịu hết, họ tỉnh ngộ trở lại thì Phật, Bồ Tát mới có thể cứu họ.

Thoạt nhìn thì kinh luận trong Phật pháp hình như rất dễ hiểu, nhưng trên thực tế mỗi chữ mỗi câu đều chứa đựng vô lượng nghĩa.  Nói ở mức sâu hơn thì mức độ sâu này không đáy, mức độ rộng lớn vô biên, bất kỳ một bộ kinh điển nào chẳng những một đời học chẳng hết, đời đời kiếp kiếp cũng học chẳng hết.  Vì kinh điển tương ứng với tự tánh, mỗi chữ mỗi câu đều là sự lưu lộ của tánh đức, tánh đức chẳng cùng tận, chẳng có biên giới, đạo lý là như vậy.  Trong kinh luận đức Phật dạy chúng ta phải ‘thâm giải nghĩa thú’ (giải ngộ sâu ý nghĩa, tông thú), ‘quảng học đa văn’ (học rộng nghe nhiều), nhưng phần đông người tu học đều hiểu sai ý nghĩa này, đều cho rằng ‘quảng học đa văn’ là cái gì cũng phải học, cái gì cũng phải nghe, như vậy là hiểu sai mất đất.  Quảng học và thâm giải đều là một môn thâm nhập, một môn thì làm sao gọi là ‘học rộng’?  Một môn kiến tánh tức là rộng, ‘một kinh thông [đạt] thì hết thảy kinh đều thông’, thông đạt một kinh rồi thì sẽ hiểu hết tất cả kinh.

Thí dụ trong vòng tròn có viên tâm (cái tâm của vòng tròn), bất cứ một điểm nào ở trên vòng tròn cũng có thể thông đến trung tâm, thông đến tâm thì hết thảy đều thông; nếu chẳng thông đến tâm thì chỉ có thể thông một môn, môn thứ nhì chẳng thể thông đến.  Làm thế nào để thông đến trung tâm?  Một môn thâm nhập.  Tâm là tự tánh, viên châu (vòng tròn xung quanh) là pháp tướng do tự tánh biến hiện.  Viên tâm của nhà Phật thì Tông Môn gọi là ‘minh tâm kiến tánh’, Giáo Hạ gọi là ‘đại khai viên giải’, Tịnh Ðộ Tông gọi là ‘nhất tâm bất loạn’, danh từ chẳng giống nhau nhưng ý tứ đều là một.  Thế nên tu học phải chuyên, phải tinh.  Nếu bạn học từng điểm trên vòng tròn thì vĩnh viễn sẽ chẳng học hết.  Nếu bạn đạt đến trung tâm (của vòng tròn) thì toàn bộ đều được bao gồm trong ấy, pháp thế gian và xuất thế gian đều thông đạt thì mới có thể khai trí huệ, vô lượng vô biên pháp môn liền viên dung tức khắc.

Bởi vậy bất cứ một điểm nào trên vòng tròn (bất kỳ một pháp môn nào) đều có thể thông đến trung tâm, đây chính là ‘pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp’.  Không những Phật pháp như vậy, pháp thế gian cũng như vậy.  Pháp thế gian và xuất thế gian đều từ tâm này biến hiện ra, nhất tâm là Phật chân thật.  Phật, Bồ Tát đau lòng rát miệng, muôn vàn lời nói cứ nhắc đi nhắc lại, rất tiếc là chúng ta đã hiểu sai ý nghĩa, vẫn tu mù luyện đui như cũ.  Người biết học ngay trong một niệm, tâm niệm vừa chuyển ngược lại thì thành công liền.  Phàm thánh chẳng khác nhau mảy may, chỉ là tâm niệm này có thể chuyển trở lại hay không mà thôi.

Một ngàn năm trước ở Trung Quốc, kinh Kim Cang rất thích hợp với người thời ấy tu học cho nên kinh Kim Cang lưu thông rất phổ biến ở Trung Quốc.  Vì kinh Kim Cang vô cùng thích hợp với căn tánh của chúng sanh thời ấy, nhưng thời hiện đại không được, chẳng có người hiểu được kinh Kim Cang.  Cho dù hiểu được [nhưng] thật sự làm không nổi.  Thời đại ngày nay thì kinh Vô Lượng Thọ khế cơ nhất, thích hợp cho người hiện đại tu học nhất.  Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta tu hành:

Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, đừng chê bai lỗi của người khác.

Khéo giữ gìn thân nghiệp, chẳng hành động trái ngược với giới luật

Khéo giữ gìn ý nghiệp, phải luôn thanh tịnh không nhiễm ô  [69]

Làm thế nào để thực hiện ba câu này?  Dùng thập thiện.

‘Khéo giữ gìn khẩu nghiệp, đừng chê bai lỗi của người khác’ tức là không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thô ác, không nói lời thêu dệt;

‘Khéo giữ gìn thân nghiệp, chẳng hành động trái ngược với giới luật’ tức là không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm (người xuất gia thì không dâm dục);

‘Khéo giữ gìn ý nghiệp, phải luôn thanh tịnh không nhiễm ô’ tức là đối với pháp thế gian, pháp xuất thế gian, hết thảy người, sự, vật, đều không tham, không sân, không si.  Ba điều này dễ hơn kinh Kim Cang rất nhiều, nói được rất cụ thể.  Nếu có thể làm được những điều này thì đức hạnh, tu dưỡng của bạn rất hiếm có, rất quý báu trong thời đại hiện nay.

Trong ba câu này, thập thiện phải bắt đầu từ đâu?  Bắt đầu từ ‘không nói dối’.  Nếu không dám nói thiệt với người khác thì không cần nói gì nữa.  Người ngoại quốc nói về ‘quyền riêng tư’ (quyền ẩn tư), dấu diếm riêng tư tức là không thể nói thiệt, như vậy là sai lầm.  Sự thành tựu trong cả đời của Tư Mã Quang là ‘chẳng có gì không thể cho người ta biết’ [70], tâm địa quang minh chính trực.  Học Phật phải bắt đầu từ đâu?  ‘Thành thật’.  Có dấu diếm riêng tư rất khổ, cái này cũng sợ người ta biết, cái kia cũng sợ người ta biết, như vậy rất gò bó, khó chịu, áp lực rất lớn.  Nếu hết thảy đều trở thành trong suốt chẳng có một tí gì phải ẩn dấu thì sẽ tự tại, sung sướng.  Cuộc đời ngắn ngủi, nhiều đau khổ, cần gì phải gò bó, trói buộc mình như vậy, tại sao chẳng sống vui vẻ một tí?  Ðức Phật được đại tự tại, người thành thật được đại tự tại, chuyện gì cũng phải ẩn dấu thì quá đáng thương.

Ngày nay chúng ta đề xướng tuyệt chẳng đèo bồng cao xa, chỉ hy vọng làm được ngũ giới thập thiện, niệm Phật chắc chắn sẽ được vãng sanh Tịnh Ðộ.  Ngũ giới thập thiện là đức hạnh, chân chánh làm được lời giáo huấn của đức Phật dạy trong kinh, chân chánh thực hiện, đó chính là tu dưỡng phẩm đức.  Niệm Phật đường vẫn phải đến, ngũ giới thập thiện làm được hoàn hảo, đó là trì giới niệm Phật.  Niệm Phật ở Niệm Phật Đường là để ảnh hưởng đại chúng, hết lòng niệm Phật, giải hạnh tương ứng, làm cho người mới học Phật sanh khởi tín tâm, hoan hỷ tâm, đây thuộc về tự hành hóa tha.

Phần đông người ta đặc biệt tôn trọng, kính mến người xuất gia, chẳng cần biết người ấy có đức hạnh hay không, khi mặc chiếc áo [cà sa] này, người ta nhìn họ một cách khác biệt vì họ là đệ tử Phật.  Thế nên chúng ta phải thường thường phản tỉnh coi mình có giống đệ tử Phật hay không.  Làm thế nào mới giống đệ tử Phật?  Mỗi ngày đều tiếp nhận sự răn dạy của đức Phật, ngày ngày làm theo lời dạy của Phật, như vậy mới là đệ tử Phật.  Trong kinh thường nói: ‘Thọ trì đọc tụng, vì người diễn nói’, Thọ nghĩa là hoàn toàn tiếp nhận những gì đức Phật răn dạy, có thể tiếp thọ, có thể tin tưởng, có thể hiểu rõ, có thể làm theo; Trì tức là giữ gìn, phải làm từng ngày, từng giờ, một giây một phút cũng chẳng buông lung.

Quan niệm của tôi là người xuất gia phải trụ ở ‘quảng đơn’, thông thường gọi là giường lớn, lúc ngủ thì mọi người đều nhìn thấy lẫn nhau, có câu là ‘mười con mắt nhìn, mười tay chỉ’, tự mình sẽ quản thúc chính mình, chẳng thể buông lung, đạo nghiệp mới có thể thành tựu.  Nếu mỗi người đều có phòng riêng thì sẽ buông lung, phóng dật, giải đãi.  Tòng lâm tự viện ngày xưa chỉ có những người lớn tuổi, cử động chẳng thuận tiện mới có thể ở phòng riêng.  Ðây là điều mà nhà Phật gọi là ‘nương dựa vào đại chúng’, nếu phiền não, tập khí của mình nặng nề, chẳng có cách để tự kiềm chế thì hy vọng đại chúng giúp đỡ.

Nhà Phật vô cùng coi trọng phương pháp này, đây chẳng phải là do đức Phật Thích Ca Mâu Ni đề xướng, mà do thiền sư Bách Trượng và hòa thượng Mã Tổ Ðạo Nhất ở Trung Quốc đề xướng, đây là đặc sắc của Phật giáo Trung Quốc.  Năm xưa lúc đức Phật còn tại thế, trí huệ đức hạnh của học trò rất tốt, đều tiếp nhận sự giáo huấn của đức Phật, ai cũng hết lòng tu học.  Nhưng tăng đoàn vẫn phải làm một tấm gương cho chúng ta xem, mỗi ngày ăn một bữa, đêm ngủ dưới gốc cây.  Mỗi người tĩnh tọa dưới gốc cây, dưỡng thần nghỉ ngơi, ai cũng nhìn thấy lẫn nhau.  Chúng ta phải cảm nhận được cách làm này, đây đều là những tài liệu cung cấp cho chúng ta tu học, có thể giúp chúng ta tránh việc tu mù luyện đui, tránh lỗi lầm, mới có thể thành tựu đạo nghiệp của mình, giúp đỡ xã hội đại chúng.
 
Trích từ: Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Đức Niệm Đọc Tiếp
2 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
3 Phật Pháp Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
4 Phật Lý Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
5 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
6 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
9 Đạo Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
10 Triết Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
11 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
12 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về

Mười Hạnh Nguyện Của Phổ Hiền Bồ Tát
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Hiển Thị Một Nguyện Gồm Đủ Bốn Nghĩa
Đại Sư Linh Phong Ngẫu Ích Trí Húc

Chúng Sanh Vô Biên Thệ Nguyện Độ
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Hoằng Nguyện và Ðại Hạnh
Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh

Giải Hành Tương Ứng
Hòa Thượng Thích Tịnh Không