Ðối với người trung niên và đặc biệt là người già nếu có thể chú ý việc ăn uống một chút thì thân thể sẽ chẳng có vấn đề gì hết.  Nhưng thân thể khỏe mạnh quan trọng nhất vẫn là do tâm lý khỏe mạnh, nếu tâm lý chẳng khang kiện thì bất luận dùng thuốc men, thuốc bổ, thức ăn đều chẳng ăn thua gì hết.  Người học Phật hiểu được đạo lý này, tin sâu chẳng nghi.

Buông bỏ dục vọng của mình, đối với danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần trong thế gian buông xả sạch sành sanh thì tâm sẽ được thanh tịnh, tự tại.  Tâm địa thanh tịnh tự tại thì thân thể sẽ chẳng bịnh hoạn.  Người coi bói, coi tướng thường nói: ‘tướng chuyển theo tâm’, tướng chính là thân thể, thân tướng; thân tướng đẹp đẽ hay không, thân thể kiện khang hay không đều từ tâm chuyển, bởi vậy nên tâm lý khỏe mạnh thì thân thể chắc chắn sẽ khỏe mạnh.  Mê hoặc, vọng tưởng, phiền não là những căn bịnh của tâm lý, nếu có thể buông xả hết những căn bịnh này thì thân thể chẳng cần bất cứ bảo dưỡng gì tự nhiên cũng sẽ khỏe mạnh.  Thuận theo tự nhiên thì thân thể sẽ khỏe mạnh; cốt ý tìm cầu, cốt ý bảo dưỡng là trái nghịch với tự nhiên.  Trên lịch sử rất nhiều vua chúa, tể tướng, trưởng giả giàu có dùng cạn hết tâm tư để bảo dưỡng thân thể nhưng vẫn bị đủ thứ bịnh, rất ít người được trường thọ.  Nguyên nhân là tâm lý chẳng khỏe mạnh, bất cứ bảo dưỡng gì cũng chẳng giúp ích được.

Những đạo lý và sự thật này đều bày trước mắt chúng ta.  Chúng ta muốn thân tâm khỏe mạnh, tự tại, hạnh phúc, thì phải nghe lời giáo huấn của đức Phật, đoạn phiền não, chuyển biến tâm niệm và cũng là chuyển biến quan niệm.  Nhà Phật nói tu quán chính là sửa đổi quan niệm, tư tưởng sai lầm.  Ðây là tu hành chân chánh, nghiên cứu giáo lý là tu quán, tham thiền cũng vẫn là tu quán, niệm Phật cũng chẳng ngoại lệ.  Tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn đều là phương pháp, con đường để sửa đổi tư tưởng, quan niệm sai lầm mà thôi.  Chúng ta chọn pháp môn Tịnh Tông, pháp môn này bao gồm niệm Phật và nghiên giáo, nghiên giáo là Giải Môn, niệm Phật là Hạnh Môn, Giải và Hạnh tương ứng.  Ðối với phần tử trí thức, phương pháp này rất có hiệu quả.  Phần tử trí thức tu học chẳng thể ngã về một bên, ngã về một bên không thể thành tựu; thiên về giáo lý, phế bỏ tu hành chẳng thể thành tựu; thiên về tu hành chẳng nghiên cứu giáo lý thì sẽ gặp nhiều chướng ngại.

Nhưng có nhiều người chỉ có Hạnh, chẳng có Giải cũng có thể thành tựu, đây là những người thật thà.  Có hai loại người thật thà chân chánh: một là thượng căn lợi trí, hai là hạ ngu, vô cùng ngu độn.  Người hạ ngu cứ một câu A Di Ðà Phật niệm đến cùng, chẳng suy nghĩ gì cả thì có thể thành tựu.  Chúng ta vừa niệm một câu Phật hiệu vừa suy nghĩ lung tung thì làm sao sánh bằng được!  Bởi vậy nên người hạ ngu, cổ thánh tiền hiền không ai chẳng tán thán.  Họ gặp được nhân duyên tốt, được thiện tri thức dạy cho họ niệm Phật thì họ thật thà niệm câu Phật hiệu này đến cùng, việc này chúng ta chẳng làm nổi.  Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam đã từng nói rằng ngài rất muốn học [như người] ngu, ráng cả đời cũng chẳng làm nổi.  Hèn chi người xưa mới nói: ‘Ngu chẳng bằng nổi’, đây là lời chân thật.

Học Phật trước hết phải hiểu rõ đạo lý, sau đó hiểu rành chân tướng sự thật, biết làm thế nào điều tâm, điều thân (điều hòa thân tâm), làm cho thân tâm mình khinh an, tự tại, thì công phu mới có thể đắc lực, mới có thể đạt được pháp hỷ sung mãn.  Hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian phơi bày trước mặt, thực sự đều có thể buông xuống hoàn toàn.  Một ngày ba bữa có thể ăn được no, quần áo mặc được ấm, có một căn nhà nho nhỏ có thể che mưa che nắng thì đủ rồi!  Những gì dư thừa đều là gánh nặng.

Trên phương diện ẩm thực, cổ thánh tiền hiền dạy chúng ta buổi sáng phải ăn cho tốt, bữa trưa ăn cho no, bữa tối phải ăn ít, đây là đạo dưỡng sanh.  Nguyên nhân bữa tối ăn ít là vì lúc đi ngủ, các khí quan trong cơ thể đều giảm bớt hoạt động, hệ thống tiêu hóa giảm bớt hoạt động, khả năng hấp thụ cũng giảm lại, bởi vậy nên bữa tối phải ăn ít là có ích cho thân thể khoẻ mạnh.  Cho nên ‘ngày ăn một bữa’ trong nhà Phật rất có đạo lý.

Hiện nay nhiều người chẳng ăn bữa tối nhưng thân thể cũng không khỏe là tại  sao?  Vì vọng tưởng chẳng dứt.  Ẩm thực là nguồn bổ sung năng lượng, sự tiêu hao năng lượng của mỗi người khác nhau, có người tiêu hao năng lượng nhiều, có người tiêu hao ít.  Vả lại chín mươi đến chín mươi lăm phần trăm (90% - 95%) là tiêu hao trên vọng tưởng.  Nếu vọng tưởng ít thì tiêu hao sẽ ít.  Người tu hành đời xưa vọng tưởng ít, chẳng có dục vọng, mong cầu, tâm địa thanh tịnh, cho nên mỗi ngày ăn một chút là đủ bổ sung năng lượng, đủ cho nhu cầu đòi hỏi trong thân thể.  Nhưng người có vọng tưởng nhiều thì không được, nếu bổ sung chẳng đầy đủ, thể lực chịu không nổi thì sẽ sanh bịnh.  Cho nên đây cũng là vấn đề tâm lý, tâm tạp loạn thì thân thể cần phải bồi đắp rất nhiều năng lượng; tâm thanh tịnh, vọng tưởng ít thì đòi hỏi năng lượng bù đắp ít, mỗi ngày ăn một bữa cũng đủ.  Nếu gom số lượng ba bữa để ăn trong một bữa thì sẽ bị bịnh đường ruột.  Bề ngoài thì làm rất đúng như pháp -- mỗi ngày chỉ ăn một bữa – nhưng trên thực tế thì mang bịnh đầy thân, việc này chẳng thể miễn cưỡng được.

Ở Trung Quốc phương pháp tu định trong thiền đường là tịnh tọa, thêm vào vận động ‘bão hương’ [73], nhưng chủ yếu là tịnh tọa.  Do đó việc ăn uống trong thiền đường rất đặc biệt, ăn điểm tâm rất nhiều lần [mỗi lần ăn chút ít] để cho ‘chẳng no lắm, chẳng đói lắm’, tiện cho việc dụng công tĩnh tọa.  ‘Chẳng no lắm, chẳng đói lắm’ rất quan trọng, trong đời sống sinh hoạt thường ngày nếu chúng ta hiểu được đạo lý này thì thân thể chúng ta tuyệt đối sẽ khỏe mạnh.  Người ta lúc đói quá thì chịu không được, no quá thì hôn trầm, tinh thần chẳng phấn chấn, công phu sẽ không đắc lực.  Việc ăn uống trong thiền đường chẳng thể ăn no hơn năm phần, lúc đói thì ăn một chút điểm tâm.  Cho nên trong thiền đường mỗi ngày ăn tám, chín bữa, phần đông là ăn những bánh bao nhỏ và chút xíu điểm tâm, để cho mọi người luôn luôn giữ được mức chẳng đói lắm, chẳng no lắm, như vậy thì công phu dễ đắc lực.  Ðặc biệt là buổi tối, ăn càng ít càng tốt.

Dưỡng thân là cả một môn học vấn, chỉ có Phật pháp giảng rốt ráo, viên mãn nhất về vấn đề này.  Tìm đến gốc rễ thì chỉ là tâm thanh tịnh, tiêu trừ hết thảy dục niệm. 

Chẳng những phải buông bỏ hết những dục vọng trong thế pháp, những mong cầu trong Phật pháp cũng phải bỏ hết, chỉ giữ một tâm niệm: ‘cầu sanh Tịnh Ðộ’.  Thế gian này là giả chứ chẳng phải thiệt, ‘Phàm những gì có tướng đều là hư vọng’, phải luôn luôn đề khởi tâm niệm này, trong thuận cảnh sẽ chẳng khởi tâm tham luyến, trong nghịch cảnh sẽ chẳng sanh phiền não. 

Trong hết thảy cảnh duyên đều có thể giữ được ‘tâm bình thường’, tâm bình thường chính là ‘đạo’, là Bồ Ðề đại đạo. 

Phải tin sâu nhân quả, ‘một miếng ăn, miếng uống đều đã định sẵn’, có thể tin sâu chẳng nghi thì tự nhiên có thể buông xuống, sẽ dám buông xuống.  Nhiều người chẳng dám buông xuống vì sợ nếu buông xuống hết tất cả thì ngày mai phải làm sao đây?  Cứ luôn nghĩ trước, nghĩ sau, chẳng chịu buông xuống triệt để.  Ðây là vì chẳng hiểu rõ Sự Lý, chẳng sanh khởi lòng tin.  Nhưng sự thật là buông xuống càng nhiều thì thâu hoạch càng nhiều.  Giàu sang từ đâu đến?  Từ bố thí tài vật mà đến, đây là quả báo.  Quả báo của bố thí pháp là thông minh trí huệ, quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh, sống lâu, tóm lại là càng bố thí thì được càng nhiều.

Phải điều tâm, điều thân cho đàng hoàng, thân tâm là chiêu bài, làm cho người ta nhìn thấy có thể sanh khởi lòng tin.  Nơi ăn chốn ở, ẩm thực phải đúng như pháp, đừng nên miễn cưỡng, quan trọng nhất cũng vẫn phải tu tâm thanh tịnh, tâm an trú trên thánh hiệu Di Ðà, niệm niệm ở đều vì phục vụ chúng sanh, giới thiệu pháp môn vô thượng này cho họ, giới thiệu cho đại chúng.  Ðặc biệt là đối với những thiện tri thức, bạn bè từ nơi khác đến đây tham học, phải nhiệt tâm, từ bi tiếp đãi, rộng kết thiện duyên.
 
Trích từ: Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Đức Niệm Đọc Tiếp
2 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
3 Phật Pháp Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
4 Phật Lý Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
5 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
6 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
9 Đạo Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
10 Triết Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
11 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
12 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về

Khỏe Mạnh Là Căn Bản Của Việc Tu Đạo
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Đạo Ở Trong Sinh Hoạt Hằng Ngày
Hòa Thượng Thích Tịnh Không

Nâng Cao Tâm Người Tu Đạo
Đại Sư Diệu Liên