Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Lam-The-Nao-Xay-Dung-Van-Hoa-Da-Nguyen-Cung-Ton-Cung-Vinh

Làm Thế Nào Xây Dựng Văn Hóa Đa Nguyên Cùng Tồn Cùng Vinh
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả :Cư Sĩ Diệu Âm

(Bài nói chuyện của Hòa Thượng Tịnh Không tại Hội Nghị Tổ Chức Hòa Bình Tôn Giáo Thế Giới 3/3/1999)

Năm 1996 tôi gặp ông Vưu Lý, Cục Trưởng Cục Dân Tộc Thiểu Số ở Queensland, Úc Châu.  Ông cho tôi biết những năm gần đây,  chính  phủ  Úc Châu  thi hành chánh sách mở rộng, hoan nghinh người từ khắp mọi nơi di dân đến Úc Châu.  Những người này đến từ các quốc gia khác nhau, địa phương khác nhau, chủng tộc, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo tín ngưỡng đều khác nhau, thậm chí những người có sanh hoạt tập quán hoàn toàn khác nhau.  Hiện nay mọi người cư trú chung một chỗ, làm thế nào mới có thể tôn trọng lẫn nhau, kính ái lẫn nhau, hỗ trợ hợp tác, cùng tồn cùng vinh, sáng tạo cho Úc Châu có được hoàn cảnh sinh sống tốt đẹp, xã hội an định và phồn vinh.  Cách suy nghĩ của ông Vưu Lý rất hợp lý, vô cùng quý báu, trong Phật pháp nói đến trí huệ chân thật cũng chẳng hơn được cách suy nghĩ này.

Ðầu năm ngoái tôi đến thăm đại học Bang Ðức ở bải biển Hoàng Kim, ông Bảo La, viện trưởng viện Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, tiếp đón chúng tôi, ông nói trường học này có hơn hai ngàn học sinh đến từ hơn ba mươi mấy quốc gia, địa phương, giống như một Liên Hiệp Quốc nho nhỏ.  Họ đang tìm phương pháp để dung nạp hết thảy các văn hóa đa nguyên khác nhau, làm cho thầy trò toàn trường có thể dung hợp, cùng chung sanh hoạt và học tập, tương lai phát triển tinh thần đa nguyên văn hóa này đến toàn thế giới.

Lúc nói chuyện với viện trưởng Bảo La tôi liền nghĩ đến Kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.  Vừa mở đầu kinh này chúng ta thấy những thính chúng đến tham dự bao gồm hai trăm hai mươi tám đoàn thể chủng tộc khác nhau, xã đoàn khác nhau, hội kinh ấy nếu nói thông hết mười phương thì có vô số vô tận các đoàn thể chủng tộc.  Ðây cũng như đại tập hợp của những văn hóa đa nguyên mà chúng ta thường nói đến.  Trong kinh nói đến chân tướng của vũ trụ nhân sanh tức là vô lượng vô số những đoàn thể chủng tộc này, các văn hóa tư tưởng khác nhau tập hợp tại một nơi, mọi người đều hưởng các thứ sanh hoạt chân thiện mỹ huệ hòa hợp viên dung.  Thế Tôn và chư Phật, Bồ Tát vì muốn đạt đến mục đích này nên chọn phương pháp giáo học, tức là muốn hết thảy chúng sanh nhận thức rõ ràng căn nguyên, chân tướng của vũ trụ nhân sanh.  Thế nên Phật nói lời thành thật với mọi người, lời thành thật là gì?  Tận hư không, trọn khắp pháp giới vốn là một thể hoàn chỉnh, diệu hữu, hoàn mỹ.  Cổ thánh tiền hiền ở Trung Quốc cũng đã từng nói đến tư tưởng và kiến giải này.  Kinh Dịch nói: ‘Thái cực sanh lưỡng nghi, lưỡng nghi sanh tứ tượng, tứ tượng sanh bát quái, bát quái sanh vạn vật’ [77].  Ðạo gia nói còn rõ hơn ‘Thiên địa và mình có cùng gốc rễ, vạn vật và mình cùng một thể’ [78], những câu này rất giống với lời Phật dạy.

Chúng ta phải đạt đến sự hòa hợp, viên dung giữa các văn hóa đa nguyên, trước hết nhất định phải có nhận thức này, như vậy thì vấn đề mới được giải quyết.  Phàm người chẳng có nhận thức này, khi khởi tâm động niệm hành vi tạo tác đều chỉ lo đến căn nhà nhỏ bé của chính mình, sanh khởi quan niệm tự tư tự lợi.  Tâm hạnh tự tư tự lợi phát triển nhất định sẽ làm những việc tổn người lợi mình, như vậy sẽ sanh ra xung đột mâu thuẫn với người khác, xâm phạm lẫn nhau, làm hại đối phương, do đó tạo thành nguyên nhân căn bản của thiên tai nhân họa.  Chúng ta bình tĩnh quan sát thế gian, rất nhiều tai nạn từ đâu đến?  Ðều từ tâm hạnh tự tư [ích kỷ].  Thế nên Phật nói vô cùng chính xác, hết thảy tai nạn, hết thảy những quả báo không tốt đều sanh ra từ si mê.

Hãy lấy thí dụ cây cổ thụ, cây này là một thể hoàn chỉnh, chúng ta thí dụ cây này như vũ trụ, pháp giới, còn mình ví như một chiếc lá trên cây.  Chiếc lá này nhìn chiếc lá kia sanh ra đối lập, đối kháng, nghi ngờ lẫn nhau.  Nếu nhìn xa thêm một chút thì những chiếc lá này đều cùng mọc ra từ một cành cây, là cùng chung một tộc đoàn, nếu nhìn như vậy thì chiếc lá này sẽ chẳng xung đột với chiếc lá kia.  Nếu nhìn xa thêm nữa, các cành cây nhỏ sanh từ cành cây lớn, các cành cây lớn này sanh từ cùng một thân cây, các thân cây này sanh từ một gốc cây; tìm đến cội nguồn mới biết cả cây cổ thụ là một thể hoàn chỉnh (chỉnh thể), một đại ngã, chân thật là chính mình, như vậy mới thật sự là tìm được căn nguyên của sanh mạng.  Do đó hết thảy đối lập, mâu thuẫn, xung đột đều tan thành mây khói, tâm đại từ đại bi tự nhiên sanh khởi, thương yêu hết thảy chúng sanh cũng như thương yêu chính mình, thật sự khế nhập vào cảnh giới mình và người chẳng hai (tự tha bất nhị).

Thực sự nhận thức đại vũ trụ, thế giới là một nhà, cả quả địa cầu là một nhà thì sự tranh chấp giữa người với người sẽ không còn nữa, do đó bất kỳ đoàn thể chủng tộc nào đều là một cá thể trong văn hóa đa nguyên dung hợp lẫn nhau, chúng ta nhất định phải nhận thức điều này.  Triệt để giác ngộ tất cả các tinh cầu trong hư không pháp giới là một thể hoàn chỉnh, hiểu như vậy thì tất cả vấn đề mới có thể giải quyết được viên mãn.  Kinh Hoa Nghiêm giảng chân tướng sự thật này rất tường tận, rõ ràng, thế nên tài liệu giáo dục tốt nhất cho văn hóa đa nguyên chính là Kinh Ðại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm.  ‘Hoa’ tiêu biểu cho vô lượng tộc đoàn khác nhau trong hư không pháp giới, ‘Nghiêm’ nghĩa là bỉ thử vô ngại, cùng tồn cùng vinh, cảnh giới trang nghiêm tốt đẹp viên mãn hòa mục tương đắc.  Phàm những người có  nhận thức như vậy thì trong Phật pháp gọi là ‘Phật tri Phật kiến’, người ấy gọi là Bồ Tát, Phật Ðà.

Năm nay tôi thăm viếng đại học Các Lý Phỉ Tư ở Queensland, ông Vưu Lý xây một Trung Tâm Hoạt Ðộng Ða Nguyên Văn Hóa trong trường này.  Tôi biết được nên rất hoan hỷ, hết sức khen ngợi và giúp đỡ.  Tôi còn đề nghị với hiệu trưởng, hy vọng nhà trường có thể mở một Sở Nghiên Cứu Học Tập Ða Nguyên Văn Hóa, bồi dưỡng những nhân tài chuyên môn làm công việc xây dựng xã hội an định phồn vinh, thế giới hòa bình.  Lý tưởng nhất là quốc gia xây một trường đại học Ða Nguyên Văn Hóa, hoặc mỗi trường đại học đều có một học viện Ða Nguyên Văn Hóa, Khoa Hệ Ða Nguyên Văn Hóa, cùng nhau nỗ lực thực hiện xã hội an định, thế giới hòa bình, quan niệm đa nguyên văn hóa mới chẳng đến nổi trở thành một khẩu hiệu suông mà thôi.  Ðây là chỗ chính phủ Úc Châu, giới học thuật nhân sĩ Úc Châu đáng cho chúng ta kính trọng, khâm phục.  Chúng ta sẽ dốc hết tâm lực khen ngợi và giúp đỡ họ, hoàn thành lý tưởng tối thiện vĩ đại này trở thành hiện thực.

Phật pháp có lý luận, phương pháp, nhất định có thể thực hiện được, chúng ta nên học tập; kinh điển Phật giáo là kho tàng quý báu chung của các văn hóa bất đồng của nhân loại.  Nó chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, cách nhìn, cách suy nghĩ và cách làm hoàn toàn tương ứng với chỉnh thể của đại vũ trụ hoàn mỹ, tương ứng với chỉnh thể tức là tương ứng với tự tánh như nói trong kinh điển, như vậy mới có thể giải quyết hết thảy vấn đề của vũ trụ nhân sanh một cách viên mãn.  Hôm nay tôi có duyên tham gia buổi hội thảo thù thắng này, vô cùng cảm tạ những người chí sĩ thuộc ban tổ chức, nơi đây xin biểu lộ nhiệt tâm ủng hộ, tán thán, cống hiến đôi chút sức hèn mọn, xin chỉ giáo thêm, cám ơn mọi người!

 
Trích từ: Ý Nghĩa Chân Thật Của Bổn Nguyện Niệm Phật
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, Hòa Thượng Thích Đức Niệm Đọc Tiếp
2 48 Pháp Niệm Phật, Sa Môn Thích Tịnh Lạc Tải Về
3 Phật Pháp Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
4 Phật Lý Căn Bản, Hòa Thượng Thích Đức Thắng Tải Về
5 Các Tông Phái Đạo Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
6 Phật Thuyết A Di Đà Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
7 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Niệm Phật Thành Phật, Hòa Thượng Thích Phước Nhơn Tải Về
9 Đạo Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
10 Triết Lý Nhà Phật, Cư Sĩ Đoàn Trung Còn Tải Về
11 Kinh Đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật, Hòa Thượng Thích Trung Quán Tải Về
12 Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Phẩm Bồ Tát Tâm Địa, Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Tịnh Tải Về
13 Phật Thuyết Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Cư Sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền Tải Về
14 Phật Thuyết A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
15 Niệm Phật Tam Muội Bảo Vương Luận, Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tải Về