Skip Navigation LinksHome > Pháp Bảo > Khai Thị Phật Học > Quan-The-Am-Bo-Tat-Nhi-Can-Vien-Thong-Chuong-Tap-18

Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương Tập 18
Hòa Thượng Thích Tịnh Không | Dịch Giả : Hạnh Chơn

Kinh này cũng bị gián đoạn một thời gian khá dài, tiếp tục nghe thì phải ôn lại một tí về đoạn kinh văn trước. Đoạn này là từ “pháp âm tự diễn”, cũng tức là bắt đầu từ đoạn “nhĩ thời Thế Tôn ư sư tử tòa”. Lần trước chúng ta vì lý do thời gian nên chưa giảng xong đoạn lớn này, chỉ giảng đến đoạn “lâm mộc trì trảo, giai diễn pháp âm”, đến chỗ này. Hôm nay chúng ta tiếp tục đoạn kinh văn này, trước hết chúng ta đọc qua đoạn kinh văn này.

“Thị chư đại chúng, đắc vị tằng hữu, nhất thiết phổ hoạch, kim cang tam muội”. Đoạn kinh văn này là tiếp theo đoạn trước. Quán Thế Âm Bồ Tát đã đem pháp môn tu học của bản thân Ngài, sau khi đích thân Bồ Tát trần thuật kinh nghiệm mà Ngài đã tu hành thành tựu, đương nhiên cũng là cung cấp cho chúng ta làm tham khảo, làm tấm gương tu hành cho chúng ta. Đặc biệt Quán Thế Âm Bồ Tát đối với người Trung Quốc mà nói, có nhân duyên đặc biệt sâu. Thực sự có thể nói là “nhà nhà Quán Thế Âm”. Người niệm Quán Thế Âm Bồ Tát nhiều như vậy, vì sao không thể thành tựu Quán Thế Âm Bồ Tát?  Bồ Tát sau khi nói xong, Thế Tôn là Phật Thích Ca Mâu Ni phóng quang đến ấn chứng cho Ngài. Cho nên trong kinh văn nói “tùng kỳ ngũ thể đồng phóng bảo quang”, ngũ thể chính là năm căn, bởi vì ý căn bên trong nhìn không thấy, ở bên ngoài chỉ là năm căn mắt tai mũi lưỡi thân, năm căn phóng quang. Nói cách khác, toàn thể phóng quang. Đây chính là đại biểu pháp môn viên thông, viên quán đảnh chư Bồ Tát, điều này biểu thị cho mỗi mỗi viên thông đều là pháp đại Phật đảnh vô thượng. Giống như trong kinh đề nói Như Lai mật nhân, Bồ Tát tu học vạn hạnh, Phật Thích Ca Mâu Ni biểu hiện như vậy, mười phương Như Lai cũng có thông tin phản hồi. “Bỉ chư Như Lai, diệc ư ngũ thể đồng phóng bảo quang”, đây là thông tin phản hồi của chư Phật Như Lai. Điều này đại biểu cho Phật Phật đạo đồng. Đến quán Phật đảnh cho đến quán đảnh chư Bồ Tát, là biểu thị cho nhân quả nhất trí.

Trong hội Lăng Nghiêm lấy 25 vị Bồ Tát, để đại biểu cho tất cả hạnh môn tu học của Bồ Tát. Gọi là lục độ vạn hạnh, 25 pháp môn này đoạn trước cũng từng nói qua với chư vị rồi, đó là cương lĩnh của tám vạn bốn ngàn pháp môn, hành môn vô lượng cũng không ra ngoài sáu căn, sáu trần, sáu thức, bảy đại, vậy là 18 giới cộng thêm bảy đại tức là 25. 25 pháp môn là từ đây mà tính, là nguyên do như vậy. Nó đại biểu cho tất cả các hành môn. 25 vị này đồng chứng pháp đại Phật đảnh. Nói cách khác, đồng thành Phật đạo. Từ đó có thể biết pháp môn không có thắng liệt, chúng ta ở trong kinh nhìn thấy rất rõ ràng. Mỗi một vị Bồ Tát nói pháp bản thân họ tu chứng đều là số một, không có số hai. Nói cách khác, tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi pháp môn đều là số một, trước nay chưa từng có số hai. Vì sao vậy? Bởi vì mỗi một môn đều có thể viên thành Phật đạo, viên mãn thành Phật. Đã là môn môn đều là số một vì sao chúng ta đặc biệt muốn chọn Quán Thế Âm Bồ Tát, chọn pháp môn này? Đó chính là nói căn tánh của Quán Thế Âm Bồ Tát rất gần gũi với chúng ta. Chúng sanh trong thế giới ta bà theo sáu căn mà nói đích thực nhĩ căn nhạy bén nhất, chúng ta thường nhìn mọi vật nhìn không rõ ràng, nhưng nghe lại nghe được rõ ràng. Cho nên phương thức mà chư Phật Bồ Tát độ chúng sanh ở thế giới ta bà chúng ta, chính là dùng âm thanh làm giáo thể. Vì vậy giảng kinh thuyết pháp dùng phương thức này là chính. Phương pháp tiếp dẫn đại chúng.

Nghe thì phải biết nghe, người không biết nghe, nghe một đời cũng không khai ngộ. Người biết nghe một hai câu họ liền khai ngộ. Vấn đề này ở trên giảng tòa chúng tôi cũng nói với chư vị rất nhiều lần rồi. Nó có liên quan rất lớn đến thiện căn phước đức nhân duyên của chúng ta. Nhân duyên là gì? Gặp được một người thiện tri thức thực sự, họ khéo nói đây là nhân duyên, nhân duyên có thể gặp không thể cầu, họ có thể đem những thứ thực sự trọng yếu chỉ điểm cho chúng ta. Nhưng nếu như bản thân chúng ta thiện căn phước đức không đầy đủ, cho dù chư Phật Bồ Tát đến thuyết pháp cho chúng ta cũng là vô ích. Bản thân không có thiện căn, không có phước đức. Tôi nói với chư vị những lời này lời lời đều là lời chân thật. Quí vị trong quá khứ thân cận vô số chư Phật Như Lai, quí vị chưa khai ngộ, không nên cho rằng tôi đã từng thân cận chư Phật Như Lai tại sao tôi lại không khai ngộ? Quí vị nghĩ thử xem Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa lúc Ngài trú thế, người nghe Ngài giảng kinh có bao nhiêu, được mấy người giác ngộ? Lục Tổ đại sư tại Tào Khê 37 năm người nghe kinh cũng có đến mấy vạn người, người khai ngộ được 43 người. Vì sao không khai ngộ? Vì thiện căn, phước đức không đầy đủ. Nhân duyên đầy đủ rồi, thiện căn phước đức chưa đầy đủ. Đây là sự việc không biết làm thế nào. Chư Phật Bồ Tát hi vọng quí vị khai ngộ, không cách gì để miễn cưỡng quí vị, nên Phật ở trong tất cả các kinh khuyến khích chúng ta phải tu tích thiện căn, phải tu tích phước đức, chúng sanh chúng ta chỉ biết hưởng phước, không biết tu phước. Phước báo hưởng hết rồi liền đến tam đồ để chịu tội, làm những việc này, coi lời giáo huấn của Phật tổ là gió thoảng qua tai. Đây là nguyên nhân căn bản làm cho chúng ta không thể thành tựu. Thiện căn và phước đức chúng tôi ở giảng đường thường thường nói đến. Vì sao lại thường nói đến? Là thời thời khắc khắc nhắc nhở quí vị. Tôi giảng rất đơn giản, rất rõ ràng, thiện căn là gì? Tín là thiện căn, giải là thiện căn. Chúng ta đối với Phật Bồ Tát có tin hay không? Nói lời trung thực thì không tin. Chớ cho rằng quí vị hiện tại xuất gia rồi, ngày ngày hai thời công phu sáng chiều đều không thiếu, quí vị không tin, sự tin Phật này rất khó. Trên miệng thì nói tin, đó không phải là tin, điều đó không được tính là tin. Đầu tiên nói với quí vị rằng, lục đạo luân hồi, nhân quả nghiệp báo, quí vị có tin hay không? Quí vị có tin là thiện có thiện báo, ác có ác báo hay không? Nếu như quí vị tin rồi thì quí vị không dám làm việc xấu. Quí vị hiểu được ta tạo ác nghiệp tương lai phải chịu ác báo. Quí vị xem niềm tin này có tác dụng lớn biết bao, vẫn còn làm việc xấu, vẫn còn khởi vọng tưởng, nói cách khác, căn bản là không tin, cho nên chữ này rất khó, không nên đem chữ này xem thành dễ dàng quá, tin rồi sau đó mới hiểu. Ngày nay chúng ta nghe kinh, thường thường nghe kinh, đối với ý nghĩa của kinh không hiểu được, quí vị ghi nhớ những thứ đó đều là thứ ngoài da, thứ thực sự quan trọng thì một chữ cũng không nhớ đến, không hiểu. Vì sao không hiểu? Bởi vì quí vị không tin. Nếu như tín tâm quí vị đầy đủ, quí vị nghe kinh sẽ khác, sẽ không tương đồng nữa, cho dù không thể đại ngộ, cũng có tiểu ngộ. Cho nên quí vị không thể hiểu là do quí vị không tin. Vậy thì sự tu hành của quí vị làm sao mà không phải là tu mù luyện bậy?

Ở đây không những nói Thế Tôn, cho đến thế giới chư Phật phương khác đến phóng quang, biểu pháp chứng minh cho chúng ta, việc tu hành của Quán Thế Âm Bồ Tát đáng được tán thán, ngay cả 24 vị Bồ Tát trước, mỗi một vị Bồ Tát, mỗi một pháp môn đều đáng được tán thán.

Câu sau đây là nói sáu trần đều thuyết pháp, cây cối ao hồ, đều diễn pháp âm, nếu như chư vị đầy đủ được tín giải, sáu trần thuyết pháp không chỉ nói thế giới tây phương Cực Lạc sáu trần thuyết pháp, thế giới Hoa tạng sáu trần thuyết pháp, mà sáu trần trước mắt chúng ta làm sao mà không thuyết pháp được? Chỉ là quí vị không tin, không hiểu, nếu như đầy đủ tín giải, sáu căn trước mắt tiếp xúc sáu trần, sáu trần không có một trần nào là không thuyết pháp, không có lúc nào nơi nào là không thuyết pháp. Ngay tại trước mắt, đáng tiếc là quí vị không nhìn thấy, quí vị không đạt được thọ dụng. Người đầy đủ tín giải họ nhìn thấy rồi, họ đắc được thọ dụng, mà chư đại chúng chưa từng có được, người này có đủ tín giải đối với đại chúng của hội. Lời này là hình dung khai ngộ, vừa khai ngộ đã kiến tánh rồi, vì vậy pháp hỷ sung mãn. “Đắc điều chưa từng có”.

 “Nhất thiết” chính là chỉ cho đại chúng, tất cả đại chúng này “phổ hoạch kim cang tam muội”, hai câu này là ngộ nhập của Ngài, cũng chính là điều chúng ta nói, Ngài chứng đắc rồi, ngài đắc đến “kim cang tam muội”. Ngài ngộ được điều gì? Đoạn kinh trước đã giảng rõ ràng rồi. “18 giới, 7 đại đều là Như Lai tạng, diệu chân như tánh”. Tôi vừa nói chúng ta hiện tại không lúc nào nơi nào sáu trần không thuyết pháp, lời này không giả dối. 18 giới 7 đại đều là Như Lai tạng diệu chân như tánh, vậy làm sao mà không thể thuyết pháp? Chúng ta là có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe. Nguyên nhân là do đâu vậy? Không tin. Vì quí vị không tin, cho nên mới không hiểu. Lần này giảng Kinh Hoa Nghiêm bắt đầu giảng từ đầu, phương thức giảng là lựa chọn mà giảng, cũng giống như trước đây chúng ta ở đây giảng Đại Trí Độ Luận vậy. Chúng tôi một lần giảng một quyển, Bát Thập Hoa Nghiêm và Tứ Thập Hoa Nghiêm hợp lại với nhau, lược bớt bộ phận trùng lặp là 99 quyển. 99 quyển cộng thêm quyển đầu của đoạn trước có một luận quán. Luận quán cũng tương đương như huyền nghĩa vậy. Chúng tôi kết hợp nó vào tức là 100 quyển. Chúng tôi giảng 100 lần viên mãn rồi. Đương nhiên không thể giống như giảng kinh ở giảng đường đây vậy, giảng từng câu từng câu, từng đoạn từng đoạn, giảng giải tỉ mỉ cho chư vị vậy. Không phải là cách giảng như thế này. Trong một quyển có mấy câu kinh văn nào quan trọng, quan trọng là thế nào? Câu nhắm đến bệnh của chúng ta là câu quan trọng, chúng ta hiện tại mắc bệnh gì, thuốc này trị đúng bệnh của tôi, thì đối với tôi là quan trọng nhất. Là dùng phương thức này để chọn lựa. Cho nên hai chữ quan trọng này là do người mà khác. Thí như trong tiệm thuốc thuốc nào, quí vị nói thuốc nào quan trọng? Quí vị mắc bệnh dạ dày, vậy thì thuốc trị bệnh dạ dày đối với quí vị là quan trọng, thuốc trị bệnh phổi đối với quí vị không quan trọng, quí vị không bị bệnh phổi thì quí vị không cần nó rồi. Người bị bệnh phổi thì thuốc trị bệnh phổi đối với họ là quan trọng nhất, thuốc trị bệnh dạ dày đối với họ không quan trọng. Phật Pháp cũng như vậy, trong một bộ Kinh Hoa Nghiêm bao hàm tất cả pháp môn, chúng ta phải trong mỗi quyển sẽ chọn lựa những đoạn kinh văn nhắm đến bệnh hiện tại của chúng ta để nêu ra giảng giải cho chư vị, không phải là giảng tỉ mỉ từng câu từng câu cho mọi người. Cho nên chúng tôi lần này giảng Kinh Hoa Nghiêm là chọn đọc Kinh Hoa Nghiêm. Từ trong đó chọn ra những đoạn kinh văn để đọc, toàn là giảng về kinh văn. Nhưng chọn là mỗi lần mỗi quyển. Cơ hội này cũng là vô cùng hiếm có, phải giảng hoàn chỉnh một bộ kinh, Kinh Hoa Nghiêm chúng tôi bắt đầu giảng từ năm Dân quốc 60 đến này là năm Dân quốc 72, giảng tròn 12 năm rồi mà mới giảng được hơn một nữa. Với tiến độ như vậy mà giảng tiếp còn phải mất 12 năm, nên mọi người nghe cũng chán, không có sức lực mà tiếp tục nữa. Đây là thời kỳ mạt pháp, phương thức cũng đành vậy. Ngày xưa những kinh này đều giảng trong tòng lâm tự viện, trong một tự viện chí ít cũng ở mấy trăm người. Một người, hai người ở một ngôi chùa, ngày xưa chưa từng nghe đến, ngay cả ở am tranh cũng chưa nghe nói qua. Quí vị xem xem “Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ”, quí vị xem xem trong “niên phổ” của Ngài viết, đó vẫn là am tranh ở Đại lục vào năm Dân quốc thứ nhất gần đây nhất. Am tranh ít nhất cũng có hơn mười mấy người, có ba bốn người, am tranh cũng có nhiều người như vậy. Một tự viện ít nhất có 200 người trở lên, tự viện lớn có cả mấy ngàn người. Giống như chúng ta trong “Đàn Kinh” đã nhìn thấy, đạo tràng của Ngũ Tổ đã có hơn 1000 người, đạo tràng của lục tổ đại sư có gần 3000 người. Đó gọi là đạo tràng, cho nên Ngài giảng kinh, họ ngày ngày giảng, một ngày giảng 8 tiếng đồng hồ, mỗi một ngày tiếp tục giảng, một năm giảng một bộ. Cho nên đại sư Thanh Lương lúc còn tại thế giảng Kinh Hoa Nghiêm 50 lần. Tôi nghĩ một năm giảng một lần mà giảng 50 lần, họ ở trong tự viện 10 năm thì họ nghe mười lần, ở 20 năm thì nghe 20 lần. Cho nên họ có thọ dụng. Đại sư Thanh Lương thì không cần phải nói nữa, giảng đã giảng đến 50 lần, quí vị nghĩ nghĩ xem nghĩa lý trong đó, phương pháp tu hành thì Ngài đã quá thuộc rồi. Như vậy mới có thể làm đạo. Sau khi hiểu rồi mới có thể tu hành.

Pháp môn Tịnh Độ tuy là nói hành trước hiểu sau, quan niệm này là sai lầm. Nếu như chỉ cần hành không cần hiểu vậy thì càng sai hơn. Quí vị xem xem Kinh Kim Cang Giảng Giải của cư sĩ Giang Vị Nông, niệm Phật tam muội là giải và hành đồng thời cùng tiến, những pháp môn khác thì giải trước rồi mới hành sau, pháp môn niệm Phật là giải hành đồng thời, chứ không phải nói không cần giải. Không giải hôm qua tôi đã nói với quí vị rồi, cho nên hiện tại bản thân quí vị phải nghiêm túc mà suy nghĩ, nghiêm túc mà phản tỉnh phản tỉnh xem.

Chúng ta 12 thời trong ngày phải chăng ở đó mà tăng trưởng vô minh, tăng trưởng tà kiến? Nếu như trong 12 thời tăng trưởng vô minh, tăng trưởng tà kiến, vậy thì nguy quá rồi, nhất định bị đọa lạc. Người công phu lên quỹ đạo rồi mỗi một ngày 12 thời thường sanh trí tuệ, thường trú tam muội. Đó chính là công phu ở trong đạo rồi, giống như ở đây nói tất cả đại chúng này đều đạt được kim cang tam muội.

Kim cang là ví cho tam muội kiên cố nhất, tam muội là định, là thiền định. Thế nào gọi là định? Thế nào gọi là thiền? Lục tổ đại sư trong Đàn Kinh đã nói cho chúng ta rất rõ ràng: không chấp trước tất cả tướng thì gọi là thiền. Trong tất cả cảnh giới như như bất động thì gọi là định. Đây là điều Lục Tổ đại sư nói. Vĩnh hằng bất biến đó gọi là kim cang tam muội, nhất định bất biến, nhất định không thoái chuyển, đây là kim cang tam muội. Cho nên tu hành không phải nói cảnh giới gì đó không tiếp xúc, không phải vậy. 

“Thiện Tài Đồng Tử ngũ thập tam tham” tuy chưa giảng xong cũng giảng được một nửa rồi. 53 lần tham học tu những gì? Chính là tu thiền định, chính là tu kim cang tam muội, cảnh giới nào ngài cũng tiếp xúc, không phải không tiếp xúc, trong sự tiếp xúc đó như thế nào? Hai câu trong Kinh Kim Cang, đó chính là thiền định: “bất thủ ư tướng, như như bất động”. Không chấp thủ nơi tướng là thiền, như như bất động là định. Lục tổ đại sư nói “giáo thọ tọa thiền”, chương đó chính là hai câu này của Kinh Kim Cang. Cũng như nói là chú giải của hai câu kinh văn này trong Kinh Kim Cang.

Cho nên quí vị tu hành là tu những gì? Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt, không chấp tướng, không thủ tướng, ở trong đó luyện tâm bất động, tâm vừa khởi phân biệt liền đọa tà kiến, nếu như không có phân biệt tất cả vô tri, cảnh giới bên ngoài thiện ác thị phi đều không hiểu được.Vậy thì đọa vào vô minh. Cảnh giới vừa rõ ràng, rõ ràng mà không chấp trước đây gọi là thiền định. Nói cách khác, tất cả sự việc đều rõ ràng hơn ai hết, tôi đã từng nói với quí vị rồi, không những sự việc trước mắt rõ ràng, mà sự việc đã qua cũng rõ ràng. Sự việc vị lai cũng rõ ràng. Không có việc gì là không rõ ràng, rành mạch phân minh. Đây gọi là tăng trưởng trí tuệ. Tuy là rõ ràng nhưng trong cảnh giới này tuyệt đối không khởi một niệm, tuyệt đối không khởi một tí phân biệt. Giống như tấm kính chiếu cảnh giới bên ngoài vậy, chiếu rất rõ ràng. Kính có phân biệt hay không? Có chấp trước hay không? Chiếu soi rất rõ ràng đó chính là trí tuệ; không khởi một phân biệt chấp trước nào đó chính là thiền định. Đây gọi là định tuệ đẳng trì, gọi là nhất hạnh tam muội. Cho nên chúng ta ở đây thấy, người ta nghe kinh thì có thể tin hiểu, liền có thể ngộ nhập, đắc tín giải chưa từng có, đạt được kim cang tam muội, ngộ nhập. Cho nên lúc xem kinh xem đến những chỗ này, họ tu như thế nào, vì sao chúng ta không tu được? Quí vị có thể tại nơi đây mà phản tỉnh, tại nơi đây mà kiểm điểm, mới có thể tiêu nghiệp chướng, mới tìm ra con đường để vào.

Chúng ta xem tiếp đoạn dưới đây.

“Tức thời thiên vũ, bách bảo liên hoa, thanh hoàng xích bạch, gián thố phấn nhu, thập phương hư không, thành thất bảo sắc”.

Hai đoạn kinh văn dưới đây là cảnh giới, sau khi tín giải ngộ nhập thì cảnh giới đã khác rồi. “Tức thời” tức là lúc đại chúng đắc vị tằng hữu, đạt được kim cang tam muội. Có lẽ bản thân quí vị trong tâm vừa nghĩ, ta tín giải ngộ nhập rồi, sao trên trời không có rơi hoa sen xuống? Quí vị nghĩ xem đây có phải là một người tín giải ngộ nhập không? Trước đây đã giảng cho quí vị là người tín giải ngộ nhập không chấp tướng, không khởi tâm, không động niệm, quí vị còn khởi tâm này, động niệm này, trên trời vì sao không rải hoa sen xuống? Tôi làm sao mà không nhìn thấy? Quí vị đang vọng tưởng, đang khởi tà kiến, quí vị còn cho rằng quí vị ngộ nhập rồi.

Chư vị nên ghi nhớ trong Kinh Kim Cang có mấy câu nói là nguyên tắc, Phật không có thuyết pháp, nếu như quí vị đem mỗi câu nói của Phật đã nói, đều ghi nhớ vào trong đầu óc, vậy là quá sai lầm rồi. Trong Kinh Kim Cang có mấy câu như thế này: “Tu Bồ Đề ngươi chớ cho rằng Như Lai sẽ nghĩ ta đang thuyết pháp, chớ nghĩ như thế, vì sao vậy? Nếu có người nói Như Lai có thuyết pháp tức là báng Phật, không thể hiểu điều ta đã nói vậy”. Ở sau nói tiếp một câu: “Tu Bồ Đề, thuyết pháp là không có pháp gì để nói mới gọi là thuyết pháp.” Quí vị ngày nay nhìn thấy ở đây nói có hoa sen rơi xuống rồi, Phật đã nói vậy sao? Phật chưa từng nói. Những lời mà Phật nói đây là ý nghĩa biểu pháp. Quí vị chớ cho là thật có trên trời rải một hoa sen lớn xuống. Hoa sen là đại biểu cho nhân quả đồng thời, kim cang tam muội là quả, lục độ vạn hạnh là nhân. Tức lúc đang tu lục độ vạn hạnh, chính là kim cang tam muội. Ví dụ như quí vị tu bố thí, tài bố thí, pháp bố thí, vô úy bố thí, chúng ta từ sáng đến tối đều đang tu bố thí, bố thí không phải nói ngày ngày cầm tiền ra bên ngoài tán tài rồi gọi là bố thí, không phải là ý nghĩa này. Chúng ta lo nghĩ cho người khác, đó chính là bố thí, phục vụ cho người khác cũng là bố thí. Có sự việc gì không phải là bố thí? Trong bố thí tu những gì? Tu không chấp nơi tướng, tu như như bất động. Tôi trên giảng tòa thường nói với chư vị rằng, tu bản thân tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng, tu tâm từ bi, bất luận là cảnh giới nào thuận cảnh cũng tốt, nghịch cảnh cũng tốt, chúng ta tu chính là điều này. Nói cách khác, tâm chúng ta càng ngày càng thanh tịnh, càng ngày càng bình đẳng, càng ngày càng từ bi, đó chính là đắc vị tằng hữu. Quả nhiên đạt đến không chấp nơi tướng, như như bất động, vậy thì quí vị đạt được kim cang tam muội rồi. Vì vậy trong kinh Phật có rất nhiều ý nghĩa biểu pháp, quí vị phải hiểu được Bồ Tát tu hành, đối tượng chính là chúng sanh. Không có chúng sanh quí vị đến đâu mà tu chứ? Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học, vì sao Ngài phải đi tham học? Nếu như Ngài không có những người đó, ngài đến đâu mà tu chứ? Ngài muốn đoạn ngu si của mình thì nhất định phải đến thăm Bà la môn Thắng Nhiệt, Bà la môn Thắng Nhiệt là người ngu si nhất, từ nơi đó mà Ngài đoạn được ngu si. Ngài muốn đoạn tâm sân hận, thì nhất định phải đến tham kiến Cam Lộ Hỏa Vương. Cam Lộ Hỏa Vương là ma vương, tâm sân nhuế rất nặng, chỉ cần hơi khiến cho tâm ông ấy không vui, ông ấy liền giết người, không cần nói lý lẽ gì cả. Chúng ta ngày nay nói là hôn quân, bạo quân vô đạo. Quí vị muốn đoạn tâm sân hận thành tựu nhẫn nhục ba la mật thì phải học với ông ta. Trong Kinh Kim Cang có Ca Lợi Vương, Ca Lợi Vương chính là Cam Lộ Hỏa Vương, Ca Lợi là tiếng Phạn, dịch thành tiếng Trung là vô đạo hôn quân, bạo quân. Vậy mới đoạn được tâm sân nhuế của bản thân. Trong cảnh giới này đích thực một niệm sân nhuế không sanh, thì quí vị viên mãn được nhẫn nhục ba la mật, thành tựu rồi. Quí vị không có cảnh giới này thì đến đâu mà tu? Ngày nay chúng ta gặp được cảnh giới này, gặp phải người ngu si kia, chúng ta càng ngu si hơn, gặp phải người có tâm sân nhuế, thì tâm sân nhuế của chúng ta càng mạnh hơn. Vậy thì hỏng, điên đảo rồi. Có một chút sự việc không như ý trong tâm liền sanh tâm oán hận, mấy ngày mấy đêm oán hận này cũng chưa hóa giải được. Quí vị tu là gì? Quí vị tu là ba ác đạo, quí vị đối với Phật Pháp đích thực là không hiểu biết. Cho nên tu hành tu trong tất cả đại chúng, tất cả đại chúng này toàn là Phật Bồ Tát. Tôi giảng Kinh Hoa Nghiêm, ngày ngày nhắc nhở quí vị: người tu hành chỉ có một mình bản thân, chư Phật Bồ tát mài dũa tập khí phiền não của bản thân chúng ta, tập khí phiền não nhất định phải dùng các loại phương thức để mài dũa nó. Đây gọi là qua việc mà luyện tâm, ở trong cảnh giới mà luyện, luyện những gì? Luyện tâm thanh tịnh của chính mình, luyện tâm bình đẳng của chính mình. Luyện này là rèn luyện, đây gọi là tu hành. Nếu như lúc thuận cảnh sanh tâm hoan hỷ. Sự việc nào đó lúc họ cố ý gây phiền phức, ta liền sanh tâm sân nhuế, nói với chư vị rằng: đây gọi là tu ba đường ác. Cũng là tu đạo, không thể nói không phải là tu đạo, tu là tu đạo địa ngục, tu là tu đạo ngạ quỷ, không phải là tu Phật đạo, không phải là tu Bồ Tát đạo. Những lời này tôi đã nói không biết bao nhiêu lần rồi! Đến khi nào chúng ta trong cảnh giới không khởi vô minh, không sanh vọng tưởng, thì lên quỹ đạo rồi. Cảnh giới của quí vị và ở đây nói tuy vẫn chưa đạt được cảnh giới này, nhưng dần dần đã tiếp cận được.

Ở đây là biểu pháp, không nên xem nó là thực sự trên trời có hoa sen lớn rơi xuống, lại còn có màu xanh, có màu vàng. Trong Kinh Di Đà nói “thanh sắc thanh quang, hoàng sắc hoàng quang”, hoa sen là đại biểu, vừa rồi nói là tam muội, vạn hạnh. Bốn sắc là đại biểu cho 41 vị thứ thập trú, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, là ý nghĩa này vậy, không thể hiểu sai được. Đây là đại biểu cho những đại chúng này, nghe khai thị của Quán Thế Âm Bồ Tát, thấy chư Phật phóng quang đến ấn chứng, thực sự ngộ nhập Như Lai tạng tánh. Như Lai tạng, diệu chân như tánh, là chân nhân để thành Phật. Kinh Lăng Nghiêm vừa mở đầu Phật đã dạy cho Tôn giả A Nan nhân địa tâm và quả địa giác phải tương ưng. Nói cách khác, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, nhân tâm nhân quả, nhất định phải tương ưng. Quí vị nếu như tin tưởng lời này, quí vị thực sự hiểu điều này, chúng ta hiện tại tu là nhân gì vậy? Nếu như hiện tại ngày ngày khởi vọng tưởng, ngày ngày tăng trưởng vô minh, còn muốn thành Phật, thành Bồ Tát, làm gì có việc như vậy! Tôi muốn nấu một nồi cơm thơm phức để ăn, kết quả lấy những thứ gì đi nấu? Đem một đống cát đi nấu, có thể nấu thành cơm được không? Nhân quả không tương ưng! Chân nhân thành Phật đã tìm ra rồi. Hoa sen là biểu thị cho nhân quả đồng thời, “nhân cai quả hải, quả triệt nhân nguyên”, nhân quả là cùng một sự việc, không phải là hai việc khác nhau, trong nhân đã có quả, trong quả có nhân. Cho nên nhân quả là đồng thời. Điều này cũng giống như trong Kinh Hoa Nghiêm đã nói hành bố viên dung. Từ phương diện viên dung mà nói mỗi một vị đầy đủ tất cả các vị, thí như nói Sơ trụ Bồ Tát, chúng ta nói 41 vị pháp thân đại sĩ, địa vị thấp nhất. Nhưng Sơ trụ đã đầy đủ chín trụ khác thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, Đẳng giác, Diệu giác tất cả đều đầy đủ. Cho nên trong Kinh Hoa Nghiêm Phật nói một tức là nhiều, nhiều tức là một, một và nhiều không khác. Đây cũng chính là điều trong đại kinh đã nói: tất cả chúng sanh vốn đã thành Phật. Trong Kinh Viên Giác chúng ta đều đã đọc qua. Đến trên vị trí Như Lai quả địa cũng đầy đủ sơ phát tâm, điều này cũng giống như ý nghĩa hoa sen, quí vị thấy hoa sen, vừa có hoa sen thì trong đó đã có hạt sen, nhân và quả là đồng thời.

 “Thập phương hư không, thành thất bảo sắc”, hai câu nói này là đại biểu cho cố chấp hư không trong mười phương, những tình chấp này đều tiêu trừ hết. Nói cách khác, pháp chấp đoạn hết rồi. Pháp chấp đoạn tận rồi thì cảnh giới này là gì? Diệu tánh của tứ khoa thất đại mỗi mỗi chu biến pháp giới, nhãn thức chu biến pháp giới thì tận hư không biến pháp giới không chỗ nào không thấy. Nhĩ thức chu biến pháp giới thì tận hư không biến pháp giới không có chỗ nào không nghe, vậy là diệu cực rồi. Lúc này quí vị mới có thể chứng đắc, không những nhãn thức, nhĩ thức là chu biến pháp giới, ngay mỗi mỗi căn, mỗi mỗi trần đều chu biến pháp giới. Thế nên giống như trong Kinh Hoa Nghiêm nói “phá nhất vi trần xuất đại thiên kinh quyển”, một vi trần cũng chu biến pháp giới. Một pháp giới và một vi trần là một không phải hai. Một vi trần cũng không lớn, toàn thể pháp giới cũng không nhỏ.

“Thử ta bà giới, đại địa sơn hà, câu thời bất hiện, duy kiến thập phương, vi trần quốc độ, hợp thành nhất giới”. Cho nên ở đây toàn giảng về cảnh giới, chỉ cần bản thân quí vị chứng đắc kim cang tam muội thì cảnh giới này liền hiện tiền. “Thử ta bà giới, đại địa sơn hà, câu thời bất hiện” không phải nói tất cả đều không có, không phải là ý nghĩa này. Ba câu này chính là điều đại sư Vĩnh Gia trong Chứng Đạo Ca đã nói “giác hậu không không vô đại thiên”. Cảnh giới này có tồn tại hay không? Có. Không phải không có mà tánh tướng giao dung rồi. Nếu chúng ta dùng ý nghĩa tứ vô ngại của đại sư Thanh Lương mà nói, thì sự sự vô ngại, lúc này nhìn tận hư không khắp pháp giới chỉ có một tánh, minh tâm kiến tánh rồi. Tánh ở đâu vậy? Không chỗ nào là không phải, tận hư không khắp pháp giới không có pháp nào không phải là diệu chân như tánh. Trong Kinh Lăng Nghiêm giảng rất thấu triệt, năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, bảy đại đều là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Cho nên lúc này chỉ thấy tánh mà không thấy tướng.

Hai câu sau đây “duy kiến thập phương, vi trần quốc độ, hợp thành nhất giới”. Nhất giới này là gì? Nhất chân pháp giới. Từ đó có thể biết đây là chứng nhập nhất chân pháp giới rồi. Chứng đắc như thế nào? Chính là họ đắc kim cang tam muội. Tôi nói cho rõ thêm tí, vẫn là nói hai câu trong Kinh Kim Cang: “bất thủ ư tướng, như như bất động”, công phu này đạt đến cực điểm tức là Kim cang tam muội, đích thực là bất động rồi, đem thất bảo của đại thiên thế giới đến cúng dường, ta cũng không sanh một niệm tâm hoan hỷ, tâm tham hết rồi. Vô duyên vô cớ ta đối với người này vô cùng rốt, ân nặng như núi, họ đối với ta lấy oán báo ân, cầm dao mà cắt từng miếng từng miếng trên thân thể ta, đem ta lăng trì xử tử cũng không động một chút tâm sân hận, nhẫn nhục ba la mật viên mãn rồi. Thế mới chứng đắc kim cang tam muội, mới có thể nhập nhất chân pháp giới. Nếu như là thuận tâm, còn có tâm tham, khởi tâm hoan hỷ; nhìn thấy oan gia đối đầu hoặc là người ta đối với quí vị mặt mày không tốt lắm, trong tâm liền oán hận, cảnh giới này thì không cần nói nữa. Nhất chân pháp giới trong Tịnh Độ chính là cõi Thường Tịch Quang. Quí vị vì sao trong cảnh thuận sanh tâm hoan hỷ? Vì sao trong cảnh nghịch sanh tâm sân nhuế? Là vì quí vị không hiểu rõ bốn khoa bảy đại đều là Như Lai tạng diệu chân như tánh. Quí vị không hiểu được đạo lý này, quí vị không biết chân tướng sự thật này, quí vị ở trong tất cả các cảnh giới có ngã chấp kiên cố, có pháp chấp kiên cố. Quí vị có ngã chấp quí vị sẽ tăng trưởng phiền não, quí vị có pháp chấp quí vị sẽ tăng trưởng tà kiến. Phiền phức chính là đây vậy. Vô minh cũng thuộc về phiền não, tà kiến.

Câu cuối cùng, “phạn bối vịnh ca, tự nhiên phô tấu”. Hai câu này là việc vui của nhân gian, ca vũ đây là việc vui, nó cũng là biểu pháp. Biểu thị gì vậy? Pháp hỷ sung mãn trong Thường tịch quang, biểu thị điều này. Chữ hỷ này không phải là hỷ trong hỷ nộ ai lạc, hỷ trong hỷ nộ ai lạc là phiền não, là thất tình ngũ dục. Quí vị tra trong Bách Pháp xem,  đó là trong tâm sở pháp đó sản sanh ra. Hoan hỷ đó của quí vị là gì? Hoan hỷ là tham tâm sở khởi phiền não. Lạc này là gì? Là pháp lạc xứng tánh, là một loại hỷ duyệt của minh tâm kiến tánh, chứ không phải là cảm tình, trong tâm ý thức đều không có, đó gọi là chân lạc. Cho nên trong Đại kinh nói pháp thân, bát nhã, giải thoát, trong đó đầy đủ bốn đức thường lạc ngã tịnh. Đây chính là lạc trong thường lạc ngã tịnh. Thường lạc ngã tịnh, nói với quí vị rằng, phàm phu chắc chắn không có. Nói cách khác, phiền não chướng của quí vị chưa đoạn hết, thì bốn chữ này một chữ cũng không có, một chữ cũng không có mà quí vị tự cho rằng có, vậy là sai rồi. Phiền não chướng của quí vị đoạn hết rồi, có thể hé lộ ra một chút tin tức, bắt buộc phải phá nhất phẩm vô minh, chứng nhất phần pháp thân, thì thường lạc ngã tịnh này mới đạt được một phần. Đó chính là Viên giáo sơ trụ Bồ Tát đắc một phần. Hướng lên cảnh giới trên dần dần tăng trưởng, đây là cảnh giới tăng trưởng.

Hết giờ rồi, hôm nay chúng ta giảng đến đây.   

HẾT TẬP 18

Trích từ: Kinh Thủ Lăng Nghiêm Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Chương
Báo Lỗi Đánh Dấu Đã Đọc

Thẻ

Câu Hỏi Ngẫu Nhiên

Từ Ngữ Phật Học Trong Bài Khai Thị

Kinh Sách Liên Quan

   
1 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Lược Giảng, Ban Phiên Dịch Vạn Phật Thánh Thành Tải Về
2 Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
3 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Tâm Châu Tải Về
4 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Thánh Tri Phỏng Tải Về
5 Lăng Nghiêm Kinh Thế Chí Niệm Phật Viên Thông chương sớ sao, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
6 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ni Sư Hải Triều Âm Tải Về
7 Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm Giảng Ký, Cư Sĩ Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa Tải Về
8 Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Hòa Thượng Thích Viên Lý Tải Về
9 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám Tải Về
10 Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Thích Hằng Quang Tải Về

Đức Quán Thế Âm Hiện Thân Của Bi Trí
Hòa Thượng Thích Trí Thủ

Dùng Sáu Căn Niệm Quán Âm
Hòa Thượng Thích Tuyên Hóa

Quán Thế Âm Bồ Tát
Hòa Thượng Thích Trí Thủ